Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đã nhận lỗi còn phải nhận lỗi nữa

Vĩnh Nguyên
Thứ tư ngày 23 tháng 10 năm 2013 5:17 AM


Tạp chí Sông Hương số tháng 9/2011, (trang 93) in bài “Đã có sự nhầm tưởng đáng tiếc giữa Khúc tiễn Thérèse KH và Qua đò tháng chạp”, dưới ký tên NGƯỜI SÔNG HƯƠNG là kiểu khâu bếp núc, dọn vườn là rất đáng quý của các tòa báo và độc giả có thể cảm thông, chấp nhận. Hơn thế, nó thể hiện trách nhiệm phải làm sáng tỏ, minh bạch tác giả - tác phẩm để khỏi mang tiếng “đạo văn” ở một vùng đất.
     Cuối bài, NGƯỜI SÔNG HƯƠNG còn “luận” rất hay: “Give Unto Caesar What is Caesar’s” (Của Caesar hãy trả lại cho Caesar) – Khúc tiễn Thérèse KH của Phạm Cao Hoàng hãy trả lại cho Phạm Cao Hoàng. Và, họ gửi lời xin lỗi đến nhà thơ Phạm Cao Hoàng cùng độc giả yêu thơ.
     Tại đâu dẫn đến sự nhầm lẫn? Sự việc tóm tắt như sau:
     Nguyễn Văn Phương (Phương Xích Lô) qua đời năm 2001. Năm 2002, một nhóm nhà thơ Huế tuyển chọn in cho Phương Xích Lô (PXL) tập thơ “CHỞ GIÓ”. Đọc được tập thơ hay, nhớ thương người thơ quá cố, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn, hình như bài “Qua đò tháng chạp” đã đọc ở đâu đó, của ai đó đã lâu rồi, chứ không phải của (PXL)? Việc nghi thì cứ nghi, nhưng rồi vẫn cho qua bởi người thơ quá tội nghiệp luôn gắn tên mình với xích-lô-hề đã ở bên kia thế giới!
     Khoảng tháng 7/2011, một bạn đọc ở nước ngoài gửi thư về Tạp chí Sông Hương cho biết: “Qua đò tháng chạp” mà nhiều trang web hoặc blog giới thiệu là bài thơ hay đều nằm trong bài thơ Khúc tiễn Thérèse KH, dài 17 khổ thơ với 68 câu thơ là của tác giả Phạm Cao Hoàng in trong tập thơ “Đời như một khúc nhạc buồn”, Nxb Đồng Dao, Sài Gòn tháng 5/1972, và nó được in lại trong tập “Mây khói quê nhà”, tuyển thơ Phạm Cao Hoàng, Nxb Thư Ấn Quán tháng 5/2010”. Bạn đọc này rất cẩn thận gửi kèm bản chụp “Khúc tiễn Thérèse KH” từ bản gốc. “Qua đò tháng chạp” chỉ có 6 khổ thơ với 24 câu thơ. Sông Hương in trọn 6 khổ. Kẻ viết bài này chỉ trích in 2 khổ thơ (khổ 1 và khổ 2) để bạn đọc so sánh, đối chiếu qua bản chụp gốc:
          “Khúc tiễn Thérèse KH” - bản gốc - khổ thơ 13:
          tôi đưa em qua đò tháng chạp
          chiều hôm nay hoa rụng trắng ven sông
          hoa có rụng mới biết đời dâu bể
          tình có xa rượu uống mới nồng
         “ Qua đò tháng chạp”- khổ thơ 1:
          Ta đưa em qua đò tháng chạp
          Chiều nay hoa trắng rụng bên sông
          Hoa có rụng mới biết đời dâu bể
          Tình có xa rượu chuốc mới nồng
          “Khúc tiễn Thérèse KH” - bản gốc - khổ thơ 9:
          xa nhau chưa hỡi Thérèse KH
          mà chiều kia xám cõi trời tây
          hình như có bóng chim lạc cánh
          bay trong chiều lộng tiếng heo may
          “Qua đò tháng chạp” - khổ thơ 2:
          Đi đi thôi! Hỡi người yêu dấu
          Mà chiều kia xám cõi trời tây
          Hình như có cánh chim lẻ bóng
          Bay giữa chiều lộng tiếng heo may
Thì, ai là người làm việc này: sửa đổi một đôi chữ và đảo các khổ thơ? Là người bởi quá yêu thơ PXL chăng hay là chính tác giả Phương Xích Lô? Tôi xin lạy Nguyễn Văn Phương một lạy! Bởi không ai muốn chạm vào linh hồn siêu thoát miền cực lạc. Nhưng bởi cõi trần còn lắm nỗi ê chề mà độc giả thì đang muốn biết nên buộc lòng tôi phải nói ra. Xin lạy Nguyễn Văn Phương một lạy nữa, vậy!
Theo chỗ tôi biết thì thời đoạn ấy, PXL đã “chạng vạng” rồi. PXL lấy rượu giải sầu. Cái cú sốc lớn là vợ chồng PXL chia tay. “Cô nàng” mang cả hai cô con gái vào Nam sinh sống còn PXL lẻ bóng thì ngất ngây say, không còn đạp xích lô kiếm sống, không tiền và bất lực. Nhiều lần PXL say và ngủ luôn bên lề đường. Nhưng khi tỉnh, PXL vẫn ghi chép, vẫn làm thơ và đọc thơ. PXL khi vui thường sang sảng đọc “Hành phương Nam” của Nguyễn Bính. Và, khi buồn, hình như có đọc “Qua đò tháng chạp” nữa thì phải? Vậy có thể PXL soạn lại “Khúc tiễn…” cho ngắn để dễ đọc khi uống với bạn bè. Và, nhờ rượu nên khổ thơ 13 có câu nói đến “rượu”: tình có xa rượu uống mới nồng, thì PXL cho vào khổ đầu“Qua đò tháng chạp” mà nối bài thơ đến mút chót của nỗi buồn?
          tôi sẽ sống trọn đời phiêu lãng
          cây vườn tôi rụng trái tình không
          những bông sứ tay hồng em ve vuốt
          sưởi hương nồng mỗi tối mùa đông
(Đây là bốn câu trong “Khúc tiễn…”, khổ thơ 7 của Phạm Cao Hoàng, khi chuyển sang “Qua đò tháng chạp” chỉ thay chữ ta (như khổ thơ 1).
     Khi nhóm làm sách tuyển chọn trong số bản thảo ngổn ngang ấy, có tờ rời bài thơ “Qua đò tháng chạp” không ghi tên tác giả, nghĩ là của PXL mới chọn vào, đưa in, không có thời gian tra cứu nên mới nhầm lẫn.
     Sự nhầm lẫn đã có lời xin lỗi. Người mất rồi, không thể đối thoại, người sống ở vào vùng đất này, vẫn phải đứng ra ký tên xin lỗi. Đó là sự chân thành, phải đạo!
     Nhưng, có chuyện “động trời” không phải nhầm lẫn mà do cá nhân cố ý, khoe khoang đã rây lên một vết nhục cho thi đàn Việt Nam vừa qua thì cần phải “xử” như thế nào?
     Đó là “sự cố” chân tướng thơ Hoàng Quang Thuận!
     Hoàng Quang Thuận (HQT) là Viện trưởng Viện công nghệ viễn thông thuộc Trung tâm khoa học Quốc gia, ra mắt tập thơ Thi vân Yên Tử vào cuối năm 1999, in ba thứ tiếng Việt – Anh – Pháp, số lượng khổng chưa từng thấy ở nước ta: 25.000 bản. Nhờ lượng khổng nên nhiều người đọc mới phát hiện: Thi vân Yên Tử nó có trong tư liệu của ông Trần Trương - Trưởng ban quản lý khu du lịch Yên Tử được viết từ trước năm 1997. Ấy thế mà HQT lừa mỵ thiên hạ: Nhân một lần cùng một bạn thơ đến thăm Yên Tử, hai người ngủ lại trên núi cao, bổng như Tiên Phật Thánh Thần đã nhập cho thi tứ, hưng phấn tuôn trào mới bảo bạn đưa tập giấy viết một mạch 121 bài thơ theo thể Đường luật. (Điều này, hai nhà thơ Trần Mạnh Hảo và Đỗ Hoàng, giỏi Hán Nôm và Đường thi đã có lời phán bảo: quá kém, trật hết niêm luật, khỏi bàn).
     Ông Trần Trương là Trưởng ban quản lý khu Yên Tử nên phải soạn tư liệu các di tích lịch sử, các danh thắng để giới thiệu, quảng bá cho du khách thập phương về nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, và lập ra môn phái Trúc Lâm Thiền Viện.
     Qua các kênh truyền thông đại chúng, nhiều văn nghệ sĩ cùng bạn đọc trong nước, ngoài nước lên tiếng phản đối dữ dội việc “đạo văn” này. Nhất là bài “Chân tướng Hoàng Quang Thuận” của tác giả Đà Nhân là coi như lột trần bộ mặt HQT từ A đến Z. Thế nhưng, không hiểu vì lấn cấn điều gì mà ông Trần Trương chưa lên tiếng? Dù ông Trần Trương chưa lên tiếng hay là chưa đến lúc phải lên tiếng, thì 25 mẩu tả danh thắng Yên Tử của ông đã tương ứng với 25 trong 63 bài trong Thi vân Yên Tử của ông Viện trưởng họ Hoàng!
     Xin dẫn 2 mẩu tả danh thắng của ông Trần Trương và “Phật nhập” thơ - HQT.
          Trần Trương - mẩu một:
          Cá tôm say nước nhảy lia thia, trăm hoa khoe sắc bên bờ suối, mới hay 9 suối
          chỉ chung một dòng; con suối chia cắt tuyến đường Nam Mẫu thành 9 đoạn.
          Hoàng Quang Thuận – “Phật nhập” thơ:
          Trăm hoa khoe sắc bên bờ suối
          Cá tôm say nước nhảy lia thia
          Mới hay chín suối chung dòng một
          Đường đi Nam Mẫu suối cắt lìa
          Trần Trương - mẩu hai:
          Những đêm trăng sáng, lên tháp ngắm trăng thật thú vị, trăng treo trên cành
          tùng, trăng rắc vàng trên cánh hoa đại sực nức hương và dính hạt sương đêm.
          trăng gắn vào đỉnh tháp, mỗi bước trăng trôi, cảnh vật nơi đây lung linh
          huyền ảo
          Hoàng Quang Thuận – “Phật nhập” thơ:
          Trăng treo lơ lửng trên cành tùng
          Trăng rắc vàng trên cánh hoa nhung
          Sương đêm sực nức mùi hoa đại
          Mỗi bước trăng trôi giữa núi rừng
     Hỡi ôi, vị Viện trưởng lộ nguyên hình ăn cắp văn lại còn vu oan “Phật nhập”!
     Nhiều người còn “chứng” HQT cốp thơ của thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh trụ trì chùa Huyền Không Sơn Thượng (Huế) nữa…
     Vậy nên “xử” HQT như thế nào? Đã leo lên đến chức Viện trưởng thì, theo tôi, cứ để ông ta tự xử lấy, để công chúng coi có được không và đúng mức phạm chưa?
     Riêng phía Hội Nhà văn thì sao? Theo tôi, Ban chấp hành Hội quá chủ quan. Từ xưa đến nay cứ “Văn mình vợ người”, ai viết được cái gì tốt cái nấy nên thiếu chặt chẽ trong khâu tổ chức khi “cất nhắc” sự việc. Phải có người tham mưu giỏi, trung thực, ngay thẳng, chí công vô tư, và Ban chấp hành luôn tham khảo ý kiến họ. Đằng này, có thể nhiều vị BCH nghe theo số thầy dùi, mang tư tưởng cá nhân tán dóc nên mới rách việc. Vẫn chưa hết đâu. Một số mang danh cấp chức…“Hội Xóm”, khi thấy các Ban bệ của Hội Lớn có chỗ khuyết là tìm phe cánh, thầy dùi tán dóc để được chêm vào mà Hội Lớn thì, có thể lại chủ quan không được nghe lời người ngay mà cứ nghe theo thầy dùi nên đâu biết, chính những “cái chêm” ấy, luôn ôm nặng cá nhân chủ nghĩa đầy mình, có thể đã lũng đoạn ở Hội Xóm một thời khi cờ đến tay! Vậy cảnh báo.
     Đã nhận lỗi còn phải nhận lỗi nữa.
                                                               Huế, tháng 10/2012
                                                                   Vĩnh Nguyên
                                                            Hội Văn nghệ TT-Huế
                                                               26 Lê Lợi Tp Huế
                                                                   Tel : 0126 2566 822