Trang chủ » Tản văn

VỀ QUÊ HƯƠNG TRẦN THỦ ĐỘ (3)

Trần Nhương
Thứ bẩy ngày 6 tháng 6 năm 2009 9:17 PM

Chuyến đi làm phim Thái sư Trần Thủ Độ cho tôi cơ hội được biết nhiều vùng đất lịch sử của Hưng Hà, Thái Bình. Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, Chủ tịch Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ mời chúng tôi về xã Tân Lễ Hưng Hà dự lễ cầu siêu tại đền thờ Thánh mẫu Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ.
  Phải nói thêm rằng nhà giáo Hoàng Đạo Chúc (cháu trai cụ Hoàng Đạo Thuý) đã có công cùng các nhà tài trợ và nhân dân đã xây dựng nhiều công trình ghi ơn Nguyễn Trãi Nguyễn Thị Lộ. Ngoài khu đền thờ tại Hưng Hà còn có công trình Lệ Chi viên tại Thuận Thành Bắc Ninh, nơi mà năm 1442 đã xảy ra vụ thảm sát Lệ Chi Viên.
  Đền thờ Thánh mẫu Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi tại lang Hới chiếu (tên cũ) nay là thôn Hải Triều xã Tân Lễ Hưng Hà Thái Bình. Tại đây ngoài nhà thờ đã xây dựng, vừa rồi đã hoàn thành dựng tượng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Tượng được đúc bằng đồng, cao 2,71, nặng 1,4 tấn đặt trên bệ cao 1,5 mét. Đây là bức tượng do các nghệ nhân làng Ngũ Xã Hà Nội đúc dưới sự giám sát của nhà giáo Hoàng Đạo Chúc và cộng sự. Đồng được kiểm tra nghiêm ngặt để tránh rỉ đồng như tượng đài Điện Biên phủ. Ngay trên mảnh đất sinh ra bà nay đã có đền thờ và tượng bà toạ lạc. Lòng tôn kính bà đã được nhân dân truyền đời suốt hơn 400 năm. Thế mới biết sự trường tồn đâu phải lắm lời tụng ca mà có được.
   Bà Nguyễn Thị Lộ tên thật là Nguyễn Thị Gấm, sinh ngày 20-1-1390 tại thôn Hải Hồ, sau đổi thành thôn Hải Thiện, Hải An trên dải đất Long Hưng thuộc quận Ngự Thiên Hưng Yên, ngày nay là thôn Hải Triều (tên cũ là lang Hới chiếu, vì làm nghề dệt chiếu) Xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bà sinh ra trong gia đình có học, bố là cụ Nguyễn Khắc Vinh, mẹ là Nguyễn Thị Nhung. Cụ Vinh đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan, về làng dạy học và làm thuốc. Nhiều lần cụ Vinh lên kinh kỳ chữa bệnh và cùng cô con gái đi bán chiếu gon. Nguyễn Thị Lộ được học hành chu đáo nên rát giỏi thơ phú. Cuộc gặp gỡ Nguyễn Trãi nơi kinh kì và   cuộc đối thơ đã làm nên mối lương duyên tuyệt vời:
    Ả ở nơi nào bán chiếu gon
    Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn ?
    Xuân xanh nay độ bao nhiêu nhỉ ?
    Đã có chồng chưa đã mấy con ?
Cô thôn nữ xinh đẹp đối lại:
    Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon
    Cớ chi ông hỏi hết hay còn
    Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
    Chồng còn chưa có, có chi con…
Chúng tôi đến làng Hới chiếu, nhìn những lá chiếu phơi đầy sân đình, dọc lối đi lại mà trong lòng nghĩ đến những lá chiếu Nguyễn Thị Lộ gánh đi bán dong trên kinh kì Thăng Long hơn 400 năm trước. Từ bao năm nay làng Hới vẫn dệt chiếu, chỉ có điều bây giờ dệt bằng máy nhiều hơn.
  Đoàn chúng tôi ghi hình tường Bà và khu nhà thờ. Trong sân nhà thờ lễ cầu siêu do các vị cao tăng đang tiến hành. Theo nhà giáo Hoàng đạo Chúc thì hôm nay cầu siêu cho các oan hồn Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và những người bị chu di. Cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, cho những người xấu số chết đói năm 1945.
  Chúng tôi đến từ đường họ Nguyễn nơi thờ tổ tiên Bà Nguyễn Thị Lộ. Ở đây còn giữ được sắc phong cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Cụ Nguyễn Khắc Phán trưởng tộc giới thiệu với chúng tôi từ đường và giòng họ Nguyễn. ông nói chính mảnh đất này Thánh mẫu Nguyễn Thị Lộ đã sinh ra. Hậu duệ của họ Nguyễn bây giờ có tới gần 1600 nhân khẩu.
  Chúng tôi rời lang Hới chiếu để thực hiện tiếp công việc. Chưa có thể viết kĩ về nhiều chuyện thấy được ở Hưng Hà nhưng những nơi chúng tôi đến đã để lại nhiều ấn tượng khó quên.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ảnh: 1- Tượng Nguyễn Thị Lộ
        2- Chiếu phơi sân đình
        3- Sắc phong tại nhà thờ họ Nguyễn
        4- Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc và Trần Nhương tại nhà thờ họ Nguyễn
        5- Ông Nguyễn Khắc Phán trưởng tộc họ Nguyễn, hậu duệ bà Nguyễn Thị Lộ