Hay là cha chung ?
Ất Dậu
Thứ ba ngày 3 tháng 9 năm 2013 9:42 PM
Không hiểu sao, cứ đến ngày 3-9 hằng năm tôi lại nao nao nhớ đến sự kiện ngày mồng 3 tháng 9 năm 1969 trên loa truyền thanh phát đi bản tin cáo phó, chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần hồi 9h 49 phút ngày 3-9-1969 (những con số là theo trí nhớ của tôi). Bọn trẻ chúng tôi, những người lính binh nhì bảo nhau, cụ mất ngày đẹp, giờ đẹp tổng cộng có tới bốn số 9, mặc dù trời cứ mưa tầm tã suốt ngày. Cụ là người giời, cụ thiêng lắm. Mãi đến khi nhà nước công bố đính chính lại ngày mất của cụ là ngày 2-9-1969 thì điều đó càng được chứng minh. Những bậc vĩ nhân, sống khôn, chết thiêng dường như đã “chọn” được ngày mất của mình trùng vào ngày đặc biệt, đề phòng con cháu quên giỗ. Cụ Hồ đã “chọn” ngày đi theo cụ Các Mác, cụ Lênin vào đúng ngày cụ đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Những người “vô thần” không tin điều đó, nhưng tôi thì tôi tin. Ngày mồng 2-9 ngoài ý nghĩa là ngày Quốc Khánh còn là ngày giỗ thiêng liêng của người cha già dân tộc. Nhưng thử hỏi, từ năm 1969 đến nay, những nhà chức sắc đã thực hiện nghi lễ tâm linh theo phong tục truyền thống mang bản sắc dân tộc như thế nào ngoài việc thường xuyên tổ chức những cuộc thăm viếng lăng Bác và tham quan du lịch về quê hương Người ở Nghệ An hoặc viếng thăm bảo tàng chủ tịch HCM.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Kinh, hiển nhiên rồi. Theo quan niệm truyền thống của dân tộc này thì sau khi mất đi, những người không có vợ con được gọi là Ông Mãnh, người bất hạnh cả một đời không thành gia thất, chết đi không có con cái, không người hương khói thờ phụng. Gia tộc nào may mắn còn giữ được gia phả, có tên, có hiệu diệu thì may ra hậu thế cúng giỗ được vài đời. Rồi sau đó không còn ai thờ , linh hồn trở thành ma đói vất vưởng nơi nao không rõ, lang thang khắp các chùa chiền, gặp những canh lễ cầu siêu mà kiếm miếng cháo hay bỏng ngô sau khi nhà chùa đã hoàn tất canh lễ “bông sơn kí thực” hay còn gọi là cúng chúng sinh.Theo quan niệm dân gian, bà cô ông mãnh là những người rất thiêng, phải thờ cúng cho tử tế người sống mới được hạnh phúc tốt lành.
Trở lại chuyện ngày giỗ chủ tịch HCM. Dường như việc kỉ niệm ngày quốc khánh đã choán hết nghi lễ cúng giỗ chủ tịch HCM theo nghi lễ truyền thống. Nếu không được gọi là quốc giỗ, không tổ chức rùm beng xa hoa lãng phí như kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, không mâm cao cỗ đầy thì chí ít cũng có một mâm lễ gồm hộc xôi, con gà, hương hoa phù tửu dâng lên cúng hương hồn Người tại ngôi nhà sàn Bác ở hay nơi Người trút hơi thở cuối cùng để linh hồn Người khỏi tủi phận. Người dâng hương có lẽ nên là các vị trong Bộ chính trị, TƯ đảng và đặc biệt là các vị mang dòng họ Nguyễn Sinh, vừa mang tính huyết thống, đạo lí lại vừa mang nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Chả biết các vị chức sắc có nghĩ đến điều này không, có làm điều này không mà lâu nay dân chúng không được biết, không thấy truyền thông đưa tin. Nếu sự thật là không có thì đúng là phạm tội bất hiếu. Quốc gia hưng vong có khi cũng từ chỗ ấy. Ông mãnh thiêng lắm. Có cả một dân tộc nhận là cha già mà những người đứng đầu nhà nước lại không cúng giỗ theo nghi lễ truyền thống thì ai sẽ đứng ra làm?
Cứ hò nhau học tập và làm theo mà ngày giỗ còn quên thì học được cái gì ? Có phải là “cha chung không ai thèm khóc” hay không? Vô cảm đến thế còn dạy bảo ai được? Dù các chư vị là người “vô thần” thì tôi đoan chắc là tại tư gia các quý vị không thể thiếu vắng bàn thờ Tổ tiên, một tháng đôi tuần, ngày giỗ của gia tộc quý vị không bao giờ hương lạnh khói tàn.
Còn người cha đẻ ra đảng, đã ban “lộc”, phước lành cho các quý vị sao không thấy bàn thờ tại tư gia? Hay đó là hủ tục, phong kiến, mê tín dị đoan v.v ?
Đạo lí tối thiểu đấy! Đây là ý kiến cá nhân. Ngày 3-9-2013
AD