Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Không chịu học bạn

Hoàng Ngọc Trúc
Chủ nhật ngày 4 tháng 8 năm 2013 5:13 PM
Hoàng Ngọc Trúc
 
          1 – KHÔNG CHỊU HỌC BẠN
 
          Bà Kèo hỏi chồng (ông Kột):
          - Này ông! Cái tin nhà nước sẽ xử phạm nhân tử tù bằng tiêm thuốc độc tôi nghe đã mấy năm nay rồi mà Bộ Công an vừa qua lại đề nghị khôi phục cách tử hình bằng xử bắn là sao hở ông?
          Ông Kột:
          - Cũng phải thông cảm cho nhà nước chứ, cái loại thuốc độc này trình độ mình chưa sản xuất được mà mua của nước ngoài đâu phải chuyện dễ?
          Bà Kèo:
          - Ối dào! Cái Bộ Công an này cứ đóng cửa trong nhà, chẳng chịu học hỏi bạn bè gì cả.
          Ông Kột:
          - Bà nói gì tôi không hiểu?
          Bà Kèo:
          - Có gì mà không hiểu, ý tôi là sao Bộ Công an không chịu chạy sang Bộ Y tế láng giềng nói khó với họ mua lại mấy lô vắc-xin viêm gan B. Loại này tiêm cho trẻ con một mũi là tử vong thì tiêm cho bọn tử tù người lớn mỗi đứa ba mũi đi, tôi đảm bảo sẽ chết liền. Việc gì phải khôi phục bắn bung cho cồng kềnh, lại mang tiếng là thiếu nhân đạo?
 
          2 – VĂN VẬT
 
          Một lần khác bà Kèo lại hỏi ông:
          - Ông Kột à: Tôi vừa đọc ở đâu đó một câu viết như thế này: “Phải phát huy vai trò của một tỉnh có truyền thống văn vật”. Ông giải thích “văn vật” nghĩa là thế nào?
          Một câu hỏi đặt ra vừa đột xuất, vừa hơi bị hóc nên ông Kột cũng liều trả lời cho xong chuyện:
          - Chả là thế này: xã hội ngày càng phát triển, ngôn ngữ cũng phát triển theo. Để muốn làm giảm nghĩa của một cụm từ nào đấy, người ta thường thêm vào giữa cụm từ đó hai tiếng “hơi bị”. Ví dụ:
         Cô ấy hơi bị xinh. Gốc của nó là cô ấy xinh.
         Hoặc: Chú ấy hơi bị lùn. Gốc là chú ấy lùn.
          Theo tôi nghĩ từ “văn vật” cũng vậy. Gần đây văn không chỉ ở tỉnh mình mà ở rất nhiều nơi bị vật nên người ta tỉnh lược đi hai tiếng “hơi bị” trong cụm từ “văn hơi bị vật” mà chỉ để lại trần trụi hai từ “văn vật” nhằm nhấn mạnh và khẳng định văn chương đang bị vật túi bụi.
          Bà Kèo:
          - Chuyện vui quá ông nhẩy!
         Hi!... Hi!... Hi!...
 
HNT