Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tản mạn đi học viết văn

Lưu Quốc Hòa
Thứ năm ngày 8 tháng 8 năm 2013 5:36 AM

 

Nhận được giấy báo triệu tập đi học, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì thay đổi không khí một chút xem ra sao, nghe thày giảng kiểu gì, mình có khôn lên tí nào không, viết có khá lên tí nào không…Đấy là mừng.
Còn lo ư? Lo to hơn mừng vì mỗi ngày học mất gần một tạ thóc, có nghĩa là khoảng 350 ngàn ăn ở. Nếu hứng lên, ăn chơi truỵ lạc ngoài luồng một tí cũng không lườn...g hết được trong khi cái ví lép quá. Thằng nông dân thì chả nói ai cũng rõ là nghèo. Nông dân không biết đánh quả ra tiền, chả tham ô với ai được, chỉ bán thóc bán lúa mà lo việc lớn việc nhỏ là nhanh. Cái bồ thóc nông dân đâu phải niêu cơm Thạch Sanh cơ chứ.
Ấy vậy nên 4 con chó chết oan thay vì bán thóc. Tôi gọi mấy thằng mua chó vào và học tập Lão Hạc là đánh lừa nó rồi bằng nghiệp vụ cao cường, 4 con chó bị nhốt vào lồng. Lúc vĩnh biệt nhau, tôi thò tay qua nan lồng để chúng liếm láp. Tôi độc thoại một mình: Thôi lũ mày thứ lỗi cho tao! Tao phải đi học viết văn nên đành xử tệ với chúng mày. Giá thạo tiếng Việt thể nào nó cũng phỉ vào mặt tôi: Lão già này chập hâm mất rồi, chết mẹ nó đến nơi rồi còn đi học làm đếch gì? Có ai dạy mà bấy lâu nay lão vẫn bán chữ lấy tiền…
Có thể tôi sẽ nổi khùng mà mắng lũ chó: Chúng mày là chó thì hiểu đếch gì, chỉ nói láo! Tao còn đói chữ nghĩa lắm, phải vác xác đi mua thêm, phen này có khi tao thành …nhà văn nhớn thì chúng mày trắng mắt ra, có khi lũ mày phát điên hay tràn dịch màng phổi, cảm cúm hay xuất huyết não vì tao.
Khốn nạn! 4 con chó bán đi rồi, cầm tiền ngắm nghía, lẩm bẩm cộng trừ vẫn thiếu trật lòi ra, tôi đành vật nài mụ vợ cho vay ở quỹ phụ nữ do mụ cai quản. Mụ xuất kho miễn cưỡng và dẩu mỏ đe doạ: Tiền của chị em đấy, mau mà trả, đến kỳ đại hội đang cần chi tiêu. Thiếu một đồng là đàn bà nó cọ…L vào mặt nhà văn đấy! Mẹ kiếp, văn với chả thơ! Chán đời, các lão là đồ bỏ xó hết.
Tôi gầm lên: Bố khỉ! Ông vay chứ có xin cái hội đái ngồi đâu. Ông viết một truyện ngắn hay là tha hồ trả nợ, vừa trả nợ, vừa đi chơi gái cũng chưa hết

Eo xèo và rất chi eo xèo trước khi lều trõng nhập trường.

Chao ơi là tắc đường. Tôi ngơ ngác như bò lạc mà tìm lối lên Hồ Tây. Khư khư cái điện thoại gọi cho lão Trường bạn thân ở đài Truyền hình Hà Nội. Lão cũng bực mình chửi lại: Mày ngu như bò, lên Hà Nội cứ vào bác Goog mà tra các tuyến xe buts. Lên xe 41 mà đi, trường mày là cuối bến, cứ thoải mái ngủ gật, bao giờ phụ xe nó đá đít thì xuống.
Ngắm Hà nội qua cửa kính mà kinh hoàng. Sao mà lắm người thế. Ai cũng bịt mặt, nhất là đàn bà. Họ như đàn kiến vĩ đại chậm chạp bò trên đường. Các ngã ba ngã bảy thì hệt tổ ong bầu nhôn nhao bay liệng. Tôi nghĩ bụng: Sướng đếch gì cái đất thủ đô; bẩn thỉu, hôi hám, đái 2 ngàn, trà đá loãng như nước đái trâu 3 ngàn. Nghĩ ở nhà quê sướng thật. Tôi là ông Vua không có ngai theo lời Trần Đăng Khoa bữa hắn về chơi vừa đái xuống ao vừa vừa cười khì bảo thế.
Lan man mất rồi. Tôi kể về khoá học một chút.

Khoá có 87 người, đa phần là hết thời gian cư trú trên trần gian. Họ táo tác đến từ các tỉnh. Có người ở Đồng Nai, Biên Hoà. Phú yên hay Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh…Các bác ở Hà Nội thì vô can việc ăn nghỉ còn bọn ngoại tỉnh thì miễn cưỡng phải OK với giá phòng 150 ngàn, ăn trưa 150 ngàn. Đắt khét lẹt nhưng cũng không còn đường nào thoái lui.
Thấy tôi nhăn nhó, anh Bành Thanh Bần đại gia thơ phú và đại gia về kinh tế nháy tôi ra một góc nhét túi mấy triệu…Ơ hơ! Thế là thừa tiền chi tiêu là khác. Cứ ăn chơi trác táng cho bõ công lên thủ đô.
Khoá học cũng là dạ hội khoe váy áo của mấy mợ phụ nữ. Sao mà đùi vế các mợ trắng thế, to thế. Bước đi các mợ rung rinh để hai cái mông vĩ đại cũng hí húp đưa đảo. Những bộ ngực được độn mút cứ như Núi Đôi. Giá cụ Vũ Cao còn sống ắt phải bật ra thơ.
Cũng khốn khổ. Cánh đàn ông đa phần là “các anh” đang thở hắt ra cả lũ. Nhìn thì thích mắt nhưng…chả làm gì được. Già khú như tôi vẫn được coi là…cánh viết trẻ! Trẻ cái con khỉ tiều, không nhuộm tóc thì mái đầu cũng …ngang chó cảnh Nhật Bản.

Khoá học rất vui và rất có ý thức. Các “cụ thơ” ghi chép rất chăm chỉ. Có cụ 82 đi không vững mà vẫn ngày 2 buổi vừa ôm ngực lên lớp và cong đít mà ho.
Có 3 giảng viên giảng bài mọi người nuốt lấy từng lời. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường với cái cổ rụt như ba ba thỉnh thoảng lại lắc lư cười, nói như đùa mà lại thấm. Ông nhận xét những tác phẩm văn xuôi thể loại truyện ngắn. Ý kiến khen chê thẳng thừng không vuốt ve kể cả bạn thân cùng quê Thái Nguyên với ông. Tôi và cô bé Phương Trà của Phú Yên được ông nhận xét là hai cây bút viết có nghề. Biết cách dựng truyện và kể chuyện. Truyện tôi và truyện của Phương Trà được đem in, Phương Trà trước, tôi sau…kể cũng khoái.
Trần Đăng Khoa vẫn cái hóm, cái hài tưng tửng lên lớp thật ấn tượng. Hắn béo tròn thùng lục, đầu còn lơ phơ tóc, kính dày như đít chai. Kiểu truyền đạt như đùa nhưng rễ nhớ, rễ học. Khoa đưa ra những ví dụ hay đến không ngờ. Khen Trần Đăng Khoa thì khác gì khen phò mã tốt áo. Ở con người Trần Đăng Khoa là thập cẩm kiến thức văn học Tây, Ta, nhà quê, thành thị, hiện đại và quê kiểng.
Kinh hoàng nhất là cách lên lơp của “cụ” Đỗ Chu, một nhà văn tài ba và ngang nghạnh. Thỉnh thoảng ông lại văng tục rất duyên. Lúc đầu xuất hiện, Đỗ Chu là ông lão gày gò ốm yếu. Bộ xương ông lòng khòng trong cái áo rộng. Tròm râu dê lờ phờ. Ông xuất hiện với một tràng ho rũ rượi và tiếng nói khàn khàn. Bố ta về hưu trên Bắc Giang nên trung tâm phải đưa xe lên đón. Lúc đầu tôi cứ nghĩ bố già khó mà nói được nửa giờ, thế mà càng nói càng hăng. Những trận cười vãi nước mắt liên tiếp nối nhau. Tôi nhớ mãi câu đùa của nhà văn lão thành: Này, các bác các anh viết làm đếch gì nhiều, viết ít thôi nhưng phải hay. Cả đời chỉ viết một bài thơ hay một truyện ngắn là đủ để thiên hạ nó nhớ. Không cần vào hội nọ hội kia lấy oai. Đừng như đàn chim ri hót láo nháo mà phải ẩn mình như con Hùm con Sói. Khi cần xuất hiện trong cánh rừng thì mới ló cổ ra, gầm lên một tiếng cho thiên hạ đái toé ra quần. Người ta hãi hùm chứ ai hãi chim ri…Rất nhiều lần ông văng “đéo” và duy nhất là một giảng viên nói liền một mạc trên 3 tiếng không giải lao…Mấy lần cánh phục vụ rỉ tai nhắc, ông phẩy tay: Không phải giải lao, ai đi ỉa, đi đái cứ tự nhiên.
Tôi nghiệm ra một điều: Những nhân tài lớn là những cây hài, cây hóm vô đối. Họ đi vào lòng người nhẹ thảnh mà uyên thâm. Họ không tỉa tót diệu vợi từ ăn mặc đến giao tiếp.
Lớp còn đang tiếp tục. Tranh thủ giờ nghỉ viết vài trang tâm sự với bạn bè. Trưa nay tôi lặng ngắm mấy ông già ngủ vạ ngủ vật ở đi văng phòng khách. Những hàm răng giả như hạt ngô non phơi ra với bộ râu lốm nhốm, tiếng ngáy phì phì, tun tút, khin khít. Đó là mấy ông không có tiền thuê phòng, vạ vật tá túc qua ngày để học viết văn. Phòng tôi, tôi nháy mấy chị già cho nằm nghỉ trưa còn mình thì kê cặp tài liệu ngủ dưới nền đá hoa. Thấy các mợ e ngại tôi bảo: Đàn ông vạ vật thì được, các bạ vạ vật chướng lắm, ai lại nằm tềnh hệnh ra để thiên hạ nó bỉ cho…Trời đầy, đúng là trời đầy.
Ngoài trời mưa to quá. Hà Nội co ro, ướt nhượt, nhầy nhỡ trong mưa…
Chợt thấy nhớ vợ con ở nhà.
Chợt lo mấy xào lúa xào khoai không khéo mất trắng.
Chợt lo món nợ trót vay của hội phụ nữ đi học
Chợt lo đám đàn bà nó…cọ vào mặt nên đêm nay cố hoàn thành một truyện ngắn mới tìm ra tứ. Giá mà làm Sếp thì cố xoay tiền của dân nhưng lại là …Nhà văn! Bố khỉ.


Tên bài do TNc đặt