Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nguyễn Bích Lan, một tài năng chiến thắng số phận nghiệt ngã.

Bích Nga
Thứ năm ngày 13 tháng 6 năm 2013 5:48 AM


 Cuốn tự truyện Không gục ngã của nhà văn trẻ Nguyễn Bích Lan ra đời như một cơn sốt cho những người quan tâm đến văn hóa đọc. Cuốn sách trên 300 trang như khúc tâm tình, giản dị, khiêm tốn, mang tính nhân văn cao cả và trí tuệ đáng nể, giúp chúng ta biết thêm vài nét về quá trình vượt khó gian nan, vất vả và đã thành công của chị.
 
 Người ta biết đến nhà văn Bích Lan qua những bài phóng sự nóng bỏng, cảm động của báo Tuổi trẻ và của nhiều tờ báo khác viết về chị, qua chương trình truyền hình Người Đương thời của Đài Truyền hình Việt Nam. Những bài báo viết về nghị lực vượt khó, về tài năng và cống hiến của chị trong văn đàn Việt Nam tác động đến rất nhiều người có cùng hoàn cảnh với chị, và cả những người bình thường, bởi giá trị của tấm gương hiếm có này.

 Nguyễn Bích Lan, một cô gái mảnh mai, chỉ nặng gần ba mươi kg, bị bệnh tật hiểm nghèo, không có thuốc chữa, có lúc đã nghĩ, mình sẽ tiến đến cái chết giữa tuổi thanh xuân. Nhưng rồi chị đã ngẩng cao đầu, chiến đấu không mệt mỏi với căn bệnh mà y học thế giới bó tay, bệnh loạn dưỡng cơ tiến triển. Chị tự mở ra con đường, song hành cùng bệnh tật, làm việc và sống có ý nghĩa trong từng giây được tồn tại trên cõi đời này.
 Phải bỏ học khi mới 13 tuổi vì không tự mình đến lớp và ngồi học được vì mắc bệnh hiểm nghèo, chị vừa học xong lớp 8 chuyên văn của một huyện ở tỉnh Thái Bình. Trong Tự truyện của mình, Bích Lan đã viết: “Tuổi 14 của tôi trôi qua những bức tường trắng lạnh lẽo của bệnh viện. Tuổi 15 của tôi cũng đang trôi đi trong một đường hầm tối tăm, mờ mịt không chút ánh sáng le lói. Năm tháng trước khi bước sang tuổi mười sáu tôi chạm vào cánh cửa của cõi chết”. Chị viết tiếp: “Buổi sáng hễ cứ mở mắt ra thì y như rằng tôi phải đối mặt với nỗi sợ khủng khiếp: phải làm gì để cho hết mười hai giờ đồng hồ phía trước. Có cách nào để giết từng giờ, từng phút, từng giây?Tôi đã không khóc khi bị tiêm nhiều đến mức muốn rụng cánh tay, không khóc khi bị cắt một mẩu cơ bắp ở chân để làm sinh thiết...Nhưng tôi khóc vì ngày của mình dài quá mà chẳng có cách nào giết chết thời gian ...Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu cứ để sự trống rỗng ấy kéo dài mãi”.
 Nhưng rồi vận may đến, chị viết: “ Hàng ngày, tôi đón lấy những từ tiếng Anh bay ra từ căn buồng nơi em tôi học bài”. “ Những từ ấy như những mảnh nhỏ của một cái gì đó rất thực, rất lạ lẫm, rất dễ gợi tò mò đã ào ạt bay vào thế giới trống rỗng của tôi. Tôi dùng tâm trí chộp lấy những mảnh nhỏ đó như một đứa trẻ chộp lấy những món đồ chơi mới mà nó hằng ao ước”.
  Từ đó, với những cuốn sách giáo khoa của em trai, những tài liệu và giáo trình của người em họ gửi đến, Bích Lan đã miệt mài tự học tiếng Anh, ngôn ngữ Anh, học tất cả những gì có thể như lịch sử, địa lý, văn hóa bằng những cuốn sách, bằng mạng Internet toàn cầu, thực hiện với một kế hoạch dài hạn và thời gian biểu khắt khe nhất, không đầu hàng ngay khi thân thể đớn đau, khi tinh thần chao đảo bởi tương lai mù mịt của mình. Chị đã tự học để trở thành nhà dịch giả nổi tiếng, với hơn 20 cuốn sách văn học Anh ngữ  của tác giả có tiếng đương đại trên thế giới được dịch sang Việt ngữ,  biên soạn những cuốn sách về những con người phi thường đã vượt khó vươn lên trên thế giới như cuốn Những người phụ nữ thay đổi thế giới trên 300 trang bản thảo, cuốn Về những thần đồng của thế kỷ 20, những chùm truyện ngắn hay, những bài báo súc tích... và đàng hoàng bước vào một tổ chức nghề nghiệp có tiếng - Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010. Nhà văn Nguyễn Bích Lan là một trong 17 nhà văn có tuổi đời trẻ nhất. Mặc dù còn rất trẻ, nhưng những cống hiến của chị cho văn học dịch đến thời điểm đó, có thể nói, ít người sánh kịp. Có một người bạn của Bích Lan đã tốt nghiệp trường Đại học ngoại ngữ đến nhà chơi khi chị đang dịch cuốn Người đàn ông hoàn hảo, nguyên tác tiếng Anh 451 trang, cậu ấy lắc đầu nói: “Đọc hết cuốn sách này bằng tiếng Anh cũng đủ mệt rồi, chứ chưa nói đến dịch”( trích lời của nhà văn trong cuốn Không gục ngã).
 Hơn 20 tác phẩm của Bích Lan chọn dịch, mỗi cuốn có số trang tương đương như cuốn sách kể trên. Những tác phẩm chị chọn thường mang tính xã hội, tình cảm, tâm lý,  giáo dục sâu sắc. Chị kể, mỗi khi dịch cuốn nào chị đều phải đọc rất kỹ xem cuốn sách đó có phù hợp và giúp ích gì cho người đọc không, từ nội dung đến tính nghệ thuật cao của tác phẩm. Khi đã quyết định dịch, chị đã đọc rất nhiều về văn hóa, lịch sử, địa lý của những nước, những vùng có liên quan, hiểu sâu sắc tình cảm, tâm lý của các nhân vật để các tác phẩm dịch sang Việt ngữ vẫn mang những nét đặc sắc của nền văn hóa nước họ nhưng thấm đẫm vào tâm hồn người đọc Việt những nội dung có tính văn hóa, nhân văn cao cả của nhân loại.
 
  Trong các tác phẩm Nhà văn trẻ dịch có tác phẩm Triệu phú khu ổ chuột được trao giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2010, được coi là “ một hiện tượng trong văn giới” vì Bích Lan không qua một trường lớp đào tạo chính qui nào. Điểm xuất phát của chị về kiến thức văn hóa là, chị mới học xong lớp 8 chuyên văn ở huyện nhà  trước đây, vì bệnh quá nặng không thể đến lớp để tiếp tục học lên. Sau những tột cùng đau khổ vì bệnh tật và tiếc nuối sự nghiệp học hành, trong căn phòng hơn 10 mét vuông của mình, chị nằm nghe em trai học tiếng Anh, chị nhớ từng từ em trai học. Và rồi, những cuốn sách giáo khoa tiếng Anh của em trai đã giúp chị đi dần vào thế giới lung linh của ngôn ngữ hiện đại và phổ biến của nhân loại để chị mở ra chân trời trí tuệ và tài năng của mình. Sau này, nhờ sự quan tâm và giúp đỡ của gia đình, của người em họ, của bạn bè, với trí tuệ mẫn tiệp cùng với ý chí kiên cường, sự quyết tâm cao độ của mình, chị đã nhanh chóng chinh phục ngôn ngữ tuyệt vời này và bước vào thế giới của văn chương, làm cây cầu nối văn hóa của nhân loại với văn hóa nước nhà.
 Những tác phẩm của Bích Lan dịch khi mới vào nghề được nhà xuất bản phụ nữ cung cấp. Sau khi công ước Berne được ký kết, nhà xuất bản Phụ nữ, nơi chị cộng tác dịch gặp những khó khăn về vấn đề bản quyền, chị  kiên trì tìm kiếm, liên hệ được với các tác giả của những cuốn sách mà chị yêu thích để từ đó tiếp xúc với họ và đặt vấn đề được dịch các tác phẩm này. Với chất lượng của những tác phẩm chị dịch đã vượt qua biên giới Việt Nam, thế giới đã biết tới chị và ngưỡng mộ chị. Internet nối toàn cầu, Bích Lan đã trao đổi trực tiếp với các tác giả viết các tác phẩm văn học mà chị yêu thích lựa chọn dịch, được chính các tác giả trao bản quyền cho chị dịch. Mối giao lưu tuyệt vời giữa người dịch và tác giả của các tác phẩm dịch đã khiến cho Bích Lan thấy sự thiêng liêng, cao cả của tình yêu thương, đồng cảm giữa những con người, dù khác màu da, dù khác chế độ chính trị. Văn hóa kết liên thế giới, khiến con người ở hành tinh này xích lại gần nhau hơn.
 Khi Giám đốc công ty Văn hóa & Sáng tạo Trí Việt ( First News) mời chị dịch cuốn tự truyện Cuộc sống không giới hạn của diễn giả người Úc Nick Vujicic- một người khuyết tật không có chân, tay, chị đã hoàn thành  cuốn Cuộc sống không giới hạn vào đầu năm 2012 và cho đến thời điểm này, trước thềm chuyến diễn thuyết của Nick ở Việt Nam, chị đã hoàn thành việc dịch 3 cuốn sách của Nick. Cả 3 cuốn đều đã được xuất bản. Đó là các cuốn Cuộc sống không giới hạn, Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng, Sống cho điều ý nghĩa hơn.
 Nick sang thăm Việt Nam vào cuối tháng 5/ 2013
 Chị đã tâm sự về việc dịch cuốn sách này như sau: “Khi dịch cuốn tự truyện của Nick Vujicic, nhiều lần tôi thấy nước mắt mình rơi trên những trang sách. Tôi thấm thía sâu sắc sự quí giá về tinh thần, lòng nhân ái, sự phi thường về trí tuệ, ý chí của anh. Tôi đã trải qua nhiều điều Nick đã trải qua. Tôi tin rằng trong khó khăn luôn có những cơ hội và tôi đã sống với niềm tin đó trong hai mươi ba năm đấu tranh với căn bệnh nan y. Có những điều Nick nói đến tôi đã biết, tôi đã sống, nhưng cũng có những điều chính anh đã mở mắt cho tôi, như cách làm cho bản thân mình được vui, ý thức tìm đến những người đồng cảnh để trở thành niềm vui đối với họ. Tôi nghĩ, ngay đối với tôi- người được coi là vượt khó thành công- mà còn cảm thấy biết ơn Nick thì bạn đọc bình thường, những bạn đọc đang âm thầm vật lộn với những khó khăn của mình, sẽ cảm thấy được tác động, được khích lệ đến mức nào”.

 Hiện nay, nhà văn Nguyễn Bích Lan vẫn tiếp tục sáng tác các tác phẩm của mình và dịch những tác phẩm văn học mà chị yêu thích. Bệnh tật, sự mệt mỏi vẫn hành hạ chị. Nhưng với nghị lực, ý chí của mình, lại được một gia đình tuyệt vời hỗ trợ, yêu thương, Nguyễn Bích Lan miệt mài với những trang sách, trang viết. Chị quí những phút giây tươi đẹp của cuộc sống và sống tích cực, có ý nghĩa nhất./.