Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Báng bổ tiền nhân

Trịnh Kim Thuấn
Thứ năm ngày 13 tháng 6 năm 2013 4:26 PM


-Riêng gởi ông Trương Vĩnh Khánh, Hội VHNT Đồng Tháp qua bài viết “Đôi dòng về học giả Nguyễn Hiến Lê” trên VietStudies ngày 05/6/2013 và Trannhuong.com ngày 10/6/2013.

Lang mang trên mạng tìm vài thông tin, văn, thơ … bắt gặp bài viết “Đôi dòng về học giả Nguyễn Hiến Lê”, giật thót cả mình, mồ hôi đổ giọt.

Bài viết : LỜI THƯA : Cách đây ít lâu, trên trang Trannhuong.com có bài của bạn Trần Trung Thu đi tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê ở Lấp Vò – Đồng Tháp quê tôi. Bài viết có ý than trách nhiều người, nhất là các nhà quản lý văn hóa giờ không biết Nguyễn Hiến Lê là ai ? thật ra , bạn đã hỏi thăm chưa đúng chỗ, chứ người An Giang- Đồng Tháp chúng tôi không mấy ai lại vô tình không biết và chúng tôi vô cùng tôn kính nhà văn, học giả kiệt xuất ấy ……. (gọi là Phần 1)

Kế đến là phần SƠ YẾU LÝ LỊCH của cụ Nguyễn, cái nầy thì ông Khánh lấy từ nguồn rồi, học sinh lớp 5 nhấp chuột tìm cũng được (gọi là phần 2).

Tiếp theo : …….Nhân tiết Thanh Minh 24/3 âm lịch Quý Tỵ, nhà văn Vũ Ngọc Tiến từ Hà nội vào Lấp Vò – Đồng Tháp ngỏ ý muốn đi viếng mộ Nguyễn Hiến Lê, người mà từ hồi chiến tranh, anh và bạn bè cùng trang lứa ngoài Bắc tôn kính như bậc thầy văn chương và triết học phương Đông. Nhóm văn bút Lấp vò chúng tôi gồm Trương Vĩnh Khánh, Từ Quang, Trịnh Kim Thuấn xúc động trước tình cảm chân thành ấy đã rũ nhau đi mua đồ lễ, đưa nhà văn Vũ Ngọc Tiến đến chùa Phước Ân viếng mộ, nhà văn khả kính Nguyễn Hiến Lê. Tại đây Trương Vĩnh Khánh đã ứng tác bài thơ trước mộ ……….(gọi là phần 3).

PHẦN 1 : Ông Khánh đã sai rồi, chứng tỏ ông không biết gì cả, có thể cả bài viết của Trần Thị Trung Thu ông chưa có đọc .
Vì : bài của bạn Trần Trung Thu trên trang Trannhuong.com là không có. Trên Trannhuong.com hoàn toàn không có bài viết nầy, bài nầy được đăng trên Blog Tễu ngày 28/4/2013 và Vietstudies ngày 07/5/2013, tên tác giả là Trần Thị Trung Thu.

Đúng ra : bài nầy đã được in từ năm 2009 trên nguyệt san báo Pháp Luật, gần đây được các cư dân mạng dẫn lại và nhận được nhiều sự quan tâm của giới trí thức cũng như cộng đồng mạng yêu kính Nguyễn Hiến Lê (bài  Những “hạt mầm” đã vươn lên của Đỗ Hồng Ngọc trên Vietstudies ngày 10/5/2013).

Trong bài viết ông Khánh cho là cô T.T.T thanh trách nhiều người, nhất là các nhà quản lý văn hóa ….. thật ra cô T.T.T đã hỏi thăm chưa đúng chỗ ? mời xem bài của T.T.T.T. (tại đây).

Cô TTTT từ xa đến tìm, ghé Phòng Văn Hóa huyện Lai Vung – Đồng Tháp, gặp cô Dương là thủ thư, cô Dương không biết, giới thiệu anh Tú, trưởng phòng, anh Tú không biết, chỉ thế thôi, nghĩa là chỉ tiếp xúc có 2 người chứ mấy, lại bảo là nhiều người.

Đường xa, thân gái dặm trường, một người, một ngựa đến một địa phương lạ, tìm hỏi thăm về một nhà văn, một học giả … thì hỏi ai ? ghé lại xe bán nước đá mía, quán cà phê hay là các kệ bán củ ấu hai bên đường (địa phương nầy nổi danh về củ ấu) mà hỏi. Cô TTTT không phải là người ngu (xin lỗi TTTT nhé !) không hỏi thăm lòng vòng, ghé ngay Phòng Văn Hóa hỏi, như thế là chưa đúng chỗ hay sao hở ông Khánh ?

Ông Khánh viết tiếp : . . . người An Giang – Đồng Tháp chúng tôi không mấy ai lại vô tình không biết . . .nghĩa là hầu hết người Angiang- Đồng Tháp đều biết. Câu nói nầy làm tôi nhó lại câu nói của ông nghị Hoàng Hữu Phước : Ý kiến nhân dân cả nước cho là chưa cần thiết ban hành Luật biểu tình …vì  câu nói nầy mà nghị Phước bị ném đá tơi bời hoa lá. Đây là lời của 1 ông tại Hội VHNT Đồng Tháp :
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .    Nghe chuyện của Bác sĩ Khương Trọng Sữu và thầy giáo Trang Lâm, tôi cảm thấy lòng mình quý trọng hơn tài năng, nhân cách và sức lan tỏa của học giả Nguyễn Hiến Lê. Đã bước qua năm 14 kể từ ngày di cốt được cải táng về chùa Phước Ân cho đến nay mà tôi và hẳn nhiều bạn văn chương khác ở Đồng Tháp không hề hay biết. Nghĩ lại, mình cảm thấy thẹn với tiền nhân và chính mình …. (bài Đôi điều quanh phần mộ của học giả Nguyễn Hiến Lê ở Đồng Tháp. HỮU NHÂN Hội VHNT Đồng Tháp tháng 5/2013).

PHẦN 3 :

. . . .Nhân tiết Thanh Minh 24/3 âm lịch Quý Tỵ ….. (ngày Thanh Minh là ngày 24/2 âm lịch nhằm ngày 04/4/2013, cái ngày nầy ông Khánh cũng trật tuốt luốt). . . . . . . .

Tôi tên Trịnh Kim Thuấn, không có trong cái Nhóm văn bút Lấp Vò, từ trước đến nay hoàn toàn không có quan hệ và không biết cái Nhóm nầy nó tròn hay méo ra sao cả. Anh Từ Quang cũng không có mặt trong chuyến đi nầy (Ký sự miền Tây. Trannhuong.com ngày 09/4/2013).

Xin kể lại : Từ xã Bình Thạnh Trung – Lấp Vò, sau khi đến và thăm hỏi cái nền nhà cũ của gia đình nhà chí sĩ Tạ Thu Thâu xong, là đi ngay đến chùa Phước Ân xã Vĩnh Thạnh (khoãng cách độ 15 cây số) chứ không có rũ nhau mua đồ lễ nào cả . Khi đến nơi, người trong chùa hướng dẫn đến ngôi tháp của ông Nguyễn Hiến Lê và bà Nguyễn Thị Liệp – đệ nhị phu nhân, nhang thắp viếng mộ là của những người đi cúng trước (ngày Thanh Minh mà ! ) để lại, chúng tôi hỏi xin và lấy thắp …Khi vào trong chùa, đến bàn thờ của ông Nguyễn Hiến Lê, nhang đèn đều có sẳn, anh Tiến, anh Hoàng và tôi cùng thắp hương, ông Khánh không có thắp nén hương nào cả. Sau khi ra về, tôi không để ý xem anh Tiến và anh Hoàng có cúng tiền công đức cho chùa hay không, chứ tôi và ông Khánh thì không có .

Đúng ra, người đáng có tên trong bài viết nầy là anh Hoàng, bạn của anh Tiến ( người Hà Nội, tốt nghiệp Đại học ở Liên xô, về hưu, nay định cư ở Sài gòn) anh Hoàng là chủ chiếc ô tô, chở anh Tiến từ Sài gòn về miền Tây, hôm trước chở chúng tôi cùng đi thánh địa Hòa Hảo, mà anh cũng là tài xế, ông Khánh không hề nhắc đến.

Một điều chắc chắn : Tôi và Trương Vĩnh Khánh chưa hề biết chùa Phước Ân và mộ ông Nguyễn Hiến Lê, để đến được chùa Phước Ân, tôi phải điện thoại cho anh Thoại nguyên Chủ Tịch UBND Xã Vĩnh Thạnh, nguyên Giám Đốc Công Ty Bảo Hiểm Xã Hội huyện Lấp Vò, đã nghĩ hưu hướng dẫn chỉ đường …

Như thế Phần 1 và 3 ông Khánh đều khoác lác cả.

Còn mấy câu thơ nầy :               Về miền Tây viếng thăm thầy,
                                              Trăm năm một cõi đám mây vô thường.
                                                    Cả đời nặng nợ văn chương.
                                              Chồng Nam, vợ Bắc đoạn trường lắm thay !
                                                    Quê hương thương nhớ lắt lay,
                                               Trăm nghìn trang sách – trắng tay phong trần.
                                                     Nghiêng nghiêng bóng nắng chiều Xuân.
                                               Mờ mờ sương khói trầm luân kiếp người.
                                                     Ngẩn ngơ vườn tháp lệ rơi.
                                               Tấm bia, ngọn cỏ nhàu phơi úa màu.
                                                     Văn chương để lại ngàn sau.
                                               Xác thân lưu lạc thấm đau nỗi đời.

                                                      Tài hoa nặng nợ - số trời
                                               Xót thầy nằm đó trông vời cố hương !

Ông Khánh bảo là ứng tác trước  mộ của Nguyễn Hiến Lê là nói dóc, chứ làm tại mộ sao tôi không biết, kế đó là 15 giờ gặp lại tại quán Sao Mai, 19 giờ gặp lại tại quán Hàng Giang, tôi cũng không nghe nhắc đến.

Theo tôi cuộc đời của ông Nguyễn Hiến Lê có mấy người được như thế, đạt lắm rồi. Qua năm 1945, suy nghĩ về thời cuộc, ông không làm việc cho nhà nước nữa (nhà nước Pháp), dạy học, rồi lên Sài gòn bươn chãi … chồng viết văn, vợ dạy học. Vợ là bà Trịnh Thị Tuệ, gốc Bắc theo cha là công chức, sông ở Bạc Liêu (ông Luật sư Trịnh Đình Thảo nổi tiếng là chú vợ), như thế là người Nam còn gì, cưới vào năm 1937, vậy thì câu thơ :

                                    Chồng Nam, vợ Bắc đoạn trường lắm thay.

Hay là ông Khánh nói bà Tuệ ở bên Pháp, nên ông Nguyễn Hiến Lê mới đoạn trường ? vậy thì phải chồng Nam, vợ Pháp mới đúng chứ ! Không rõ ông Khánh biết chuyện nầy không : Đến năm 1956 ông Nguyễn Hiến Lê cưới thêm cô Nguyễn Thị Liệp (Năm Liệp) ở Long xuyên được sự đồng ý của bà Tuệ. Đến năm 1972 bà Tuệ xin phép xuất cảnh sang Pháp thăm vợ chông con trai là Nguyễn Nhật Đức cùng 2 đứa cháu nội, chánh phủ Sài gòn không cho, lấy cớ là anh Đức đi du học xong không chịu về nước (cái nầy là ý của cụ Lê , về nước sẽ đi lính …nên ở lại bên Pháp), may mắn có một đám cưới ở Sài gòn đưa dâu sang Pháp, bà Tuệ đi ké theo, dự định khoãng 1 tháng về nước, không dè sang bên ấy anh Đức vừa ly dị cô vợ người Pháp, nên bà Tuệ phải ở lại Pháp trông chừng nhà và 2 đứa cháu nội, như thế Bà Liệp phải từ Long xuyên lên Sài gòn chăm sóc cho ông Nguyễn Hiến Lê, như thế thì sướng quá đi chứ (xin lỗi cụ Lê nhé !) thử hỏi “đoạn trường lắm thay” chỗ nào ?

Ông Nguyễn Hiến Lê nói : “Ra đời rồi, tôi được hai người bạn cùng chia sẽ những vui khổ thành bại với tôi, lại giúp mọi việc nhà cho, để tôi có thể đem hết tâm trí vào việc trước tác …..(Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, trang 13 NXB Văn Học 1993).

Trong đời sống hàng ngày, ông Nguyễn Hiến Lê không giàu, nhưng không thiếu. Chánh phủ Sài gòn trao tặng giải thưởng văn học trị giá 1 triệu đồng (số tiền lớn thời đó), nhưng ông từ chối không nhận, bảo hãy để số tiền đó giúp đỡ nạn nhân chiến tranh, trong ngành xuất bản ông là người thành đạt, nhưng cũng sẳn sàng dành quyền xuất bản lại cho những người còn khó khăn, ông tìm  mọi cách giúp đỡ thêm … Vợ thì có đến những 2 bà, đều hiền thục, giỏi giang thì thử hỏi :
                                                  Mờ mờ sương khói, trầm luân kiếp người .
ở chỗ nào ???

14 câu thơ, nếu người xem không biết ông Nguyễn Hiến Lê là ai, thì phải nghĩ lúc còn sống ông Nguyễn Hiến Lê hẳn phải chịu nhiều khổ sở lắm, khổ khủng khiếp, nào là : trắng tay phong trần, trầm luân kiếp người, vườn tháp lệ rơi, xác thân lưu lạc thấm đau nỗi đời, Xót thầy nằm đó trông vời cố hương … Ôi thảm thương thay !!! Từ lâu, lâu lắm rồi cụ Lê đã xem miền Nam (Sài gòn và Long xuyên là quê hương chính của mình rồi, vậy cố hương là cố hương nào mà ông Khánh xót xa cho thầy ?)

Đọc 14 câu thơ ứng tác, quý vị hiểu ý ông Khánh nói gì không ? Tôi biết thì chết liền.

Thế thái nhân tình . . . .

Đúng ra tôi cũng không nên viết ra những dòng nầy, nhưng nghĩ đi, nghĩ lại tôi cũng phải viết  là để minh oan : trước là cho ông Nguyễn Hiến Lê, sau là tôi nữa chứ !

Thứ 1 : Ông Nguyễn Hiến Lê không có nhận được lễ vật gì của chúng tôi cả  có đâu mà nhận !

Thứ 2 : Để cho những người có đọc bài “ Đoi dòng …… của Trương Vĩnh Khánh, biết rõ, kẽo không khéo ai cũng nghĩ là hôm ấy ông Nguyễn Hiến Lê có nhận lễ vật của Nhóm văn bút Lấp vò, thì tội cho bậc tiền nhân nầy quá. Chết rồi mà chẳng được yên thân.

Thứ 3 : Biết rõ thế nào là KHÁNH nổ .

BÁNG BỔ TIỀN NHÂN ĐẾN THẾ  LÀ CÙNG .

                 12/6/2013        TRỊNH KIM THUẤN

Các bài liên quan :   - Đi tìm mộ ông Nguyễn Hiến Lê của Trần Thị Trung Thu (Blog Tễu ngày 28/4/2013, Diễn Đàn thế kỹ 27/4/2013, Vietstudies ngày 07/5/2013.

- Những “Hạt Mầm” đã vươn lên của Đỗ Hồng Ngọc trên Vietstudies ngày 10/5/2013.
- Người gieo mầm : ông Nguyễn Hiến Lê của Trịnh Kim Thuấn Trannhuong.con ngày 14/5/2013.
- Ký sự miền Tây của Trịnh Kim Thuấn Trannhuong,com ngày 09/4/2013.
- Đôi điều quanh phần mộ của học giả Nguyễn Hiến Lê ở Đồng Tháp của Hữu Nhân. Hội VHNT Đồng Tháp số tháng 5/2013.
- Ân sư Nguyễn Hiến Lê : Những ngày cuối đời của Quế Kế trên Vietstudies 11/5/2013.