Ngày chiến tranh, Trường trung cấp Nông nghiệp của tỉnh (Thái Bình) sơ tán về quê mình (Làng Thượng Liệt - Đông Tân - Đông Hưng - Thái Bính). Dạo đó, làng mình có đến mấy cơ quan cùng sơ tán về như Công ty Bách hóa, Trường trung cấp Tài chính...
Để thể hiện tinh thần gắn bó với địa phương, các chi đoàn thanh niên thường tổ chức các buổi sinh hoạt giao lưu văn nghệ với nhau. Con trai làng mình đi bộ đội hết, chỉ còn toàn con gái.
Trong các chương trình giao lưu thường có tiết mục hát đối.
Hôm ấy, sau tiết mục văn nghệ rất hay, ca ngợi làng mình như "Đồng lúa xanh ý i rờn... người láng Giắng (tên nôm của làng Thượng Liệt) í i... gắng í i công... ", đại loại thế, của Trường Trung cấp Nông nghiệp hát tặng người làng mình đến lượt các cô gái làng mình lên hát "trả nghĩa".
Bài hát của người làng mình cũng sau rất nhiều cái í i... thì đến đoạn:
"Quê em í ì i rất lắm í i ì lắm lợn sề - Chí í í ì i, chỉ í mong là mong được các í i ì i, được các anh về... thụ tinh i ì i i í i ì..." - Nếu bỏ í i... thì nguyên văn nó là câu lục bát: "Quê em rất lắm lợn sề - Chỉ mong được các anh về thụ tinh".
Cũng cần lưu ý, đây là câu hát có tính tuyên truyền vì ngày đó, thụ tinh nhân tạo cho lợn là phương pháp khoa học mới, rất mới và cho hiệu quả cao. Trường trung cấp nông nghiệp có hẳn một bộ môn có tên là Thụ tinh nhân tạo.
Chuyện này xảy ra đã gần 50 năm, mình nghe người làng mình kể lại và thêm mắm, thêm muối cho vui. Nhưng đại để, chỉ thêm mắm muối cho HOT thui, còn cơ bản là như thế.