Trang chủ » Truyện

Những Bài tập làm văn còn bỏ dở

Trần Ngọc Dương
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

Truyện ngắn

Để buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, được tổ chức hoành tráng, long trọng. Ban giám hiệu triệu tập nhiều cuộc họp, cùng đại diện cựu học sinh các khoá bàn bạc, thống nhất chương trình, đề ra phương án chuẩn bị tối ưu nhất. Các tiểu ban phục vụ cho ngày lễ hội gấp rút hình thành và đi vào hoạt động. Nghị quyết đề ra: tất cả thày cô trong trường buộc phải tham gia từng công việc cụ thể.
Thúy được phân công vào bộ phận tiếp nhận, tập hợp, phân loại những kỷ vật của học sinh các khoá trao tặng, hoặc cho mượn đưa vào phòng truyền thống. Đặc biệt cô phải  lựa chọn từ những tấm hình cũ, dựng một pa nô ảnh để trưng bày trong ngày lễ hội.
Khác hẳn sự bận bịu nhộn nhịp của các tiểu ban khác, Thuý và người cộng sự âm thầm làm việc. Trong khi các thày, cô ở bộ phận chạy nguồn kinh phí hỗ trợ cho buổi lễ bận túi bụi, số tiền thống kê báo lên Ban giám hiệu không nhỏ. Họ tự hào vì hoàn thành xuất sắc, vượt chỉ tiêu phần việc được giao. Nhưng hoạt động sôi nổi nhất, vẫn là tiểu ban văn nghệ, nhiều tiết mục mang dấu ấn được dày công dàn dựng. Trong danh sách độị ngũ diễn viên đông đảo, Thuý thấy tên của một số nghệ sĩ nổi tiếng, đặc biệt tham gia dàn đồng ca có cả Giáo sư học viện âm nhạc - Nghệ sĩ nhân dân. Tất cả bọn họ giống nhau ở chỗ: đều từng theo học tại ngôi trường này. Còn bộ phận của Thuý, kỷ vật thu được hầu hết là ảnh đen trắng của các cô cậu học trò. Dấu ấn của chiến tranh và thời gian thể hiện khá rõ nét trong từng tấm hình.

Trong qúa trình tiếp nhận và nhất là khi tổng hợp phân loại, Thuý không sao tránh khỏi lo lắng. Chất lượng hiện vật quá kém, còn số lượng không lấy gì làm phong phú. Vậy mà khi trao cho Thuý, các cựu học sinh không kìm nén được xúc động. Nhiều người dặn đi dặn lại, buộc Thuý phải hứa: bảo quản kỷ vật của họ thật chu đáo. Có người làm như  vừa trao cho Thuý đứa con dứt ruột đẻ ra, họ lý giải và nói khá nhiều. Thuý im lặng ghi chép tỉ mẩn nguồn gốc xuất xứ từng hiện vật, tên của các học sinh trong ảnh và nếu là người thành đạt thì sơ lược quá trình phấn đấu, trưởng thành lựa chọn ra những ý chính, để sau còn viết nội dung chú thích cho từng bức hình.
Ngày cuối cùng Thuý đang cắm cúi làm báo cáo cho lãnh đạo nhà trường và đề xuất phương án sử dụng các kỷ vật thu được. Một giọng phụ nữ ngập ngừng, kèm theo mùi nước hoa đắt tiền thoang thoảng:
- Thưa...ưa! Thưa cô giáo! Đây có phải đây là nơi tiếp nhận những hiện vật cho lễ kỷ niệm: 50 năm ngày thành lập trường?
Thuý ngẩng đầu, trước mặt cô là một người đàn bà ăn vận chải chuốt cầu kỳ, tay cầm cặp số. Thuý từ tốn:
- Vâng!
Người đàn bà quan sát căn phòng:
- Ngày trước đây là lớp học - Bà ta chỉ tay nói tiếp - Tôi ngồi ở góc kia kìa.
- Vâng! Đúng thế ạ. Thời gian gần đây trường được xây dựng mở rộng thêm khu mới. Nhiều phòng học khang trang, đầy đủ tiện nghi được đưa vào sử dụng. Căn phòng này xuống cấp đang chờ tu bổ, dịp này chúng cháu tạm thời sử dụng làm nơi làm việc phục vụ ngày hội trường.
- Trong chiến tranh, căn phòng này hai lần bị bom làm sập. Nó được xây dựng sửa chữa chắp vá lại, đứng gượng được đến bây giờ là khá lắm rồi.
Thuý xã giao:
- Hồi cháu mới về, cũng đã nghe nhà trường nói. Mời bác ngồi.
Người đàn bà vẫn trong dòng hồi tưởng, dường như không nghe thấy tiếng Thuý. Bà dám mắt vào nơi từng ngồi:
- Cả hai lần máy bay ném bom bàn của tôi đều kê ở chỗ ấy.
- Thế ạ?
- Hồi đó tôi nghịch lắm. Nhà vừa sửa xong tôi đã lẻn trèo qua cửa sổ, in bàn chân của mình vào nền xi măng còn ướt - Bà ta khúc khích - Đấy là ngày đầu học lớp năm. Dạo đó trường của mình là phổ thông liên cấp hai, ba.
- Thế còn bận sau?
- Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời học sinh. Dạo ấy sắp đến kỳ thi tốt nghiệp cấp ba. Hôm đó, cả lớp đang chăm chú làm bài thi thử môn văn. Cả không gian im lặng, chỉ có tiếng của những ngòi bút cầy trên từng trang giấy. Bất chợt từng hồi kẻng đổ dồn, rồi tiếng gầm rú của  máy bay phản lực Mỹ đã cắt ngang những dòng suy nghĩ. Theo phương án định trước, chúng tôi vơ vội bài thi, tản theo các đường giao thông hào thoát ra ngoài. Có tiếng hét to - Máy bay bổ nhào rồi! - Tôi vội đưa tay lên bịt tai. Căn hầm đang ngồi chao đảo, tiếng bom nổ làm tôi chói óc. Mảnh bom văng rít nghe rợn người. Làn sóng do sức ép xộc thẳng vào hầm, mang theo mùi  thuốc bom kép lẹt làm chúng tôi ngạt thở. Người bạn gái thân nhất ngồi cạnh tôi gục ngã, máu nhuộm hồng tờ giấy trắng tinh, cánh tai phải bị mảnh bom tiện đứt. Rời thân người rồi mà bàn tay vẫn còn cầm bút, bạn định viết gì tiếp nữa đây? Lúc định thần ngẩng đầu lên tôi thấy một cột khói bốc cao, mái trường thân yêu của chúng tôi không còn nữa. Trong đám khói bom đen ngòm có muôn vàn tờ giấy trắng học trò bay chấp chới. Thày giáo dạy văn ngày ấy, bế đứa học trò bị thương vừa được sơ cứu nói với chúng tôi trong tiếng gầm rú của bầy phản lực - Các em nhìn xem: nó giống như muôn vàn tờ truyền đơn. Rồi đây, những mảnh giấy này sẽ bay đến năm châu, tới mọi chân trời. Tố cáo với toàn nhân loại: Tội ác của giặc Mỹ gây ra trên mảnh đất này - Còn bạn trai tôi lại bảo - Không! Đấy là những bàn tay của trẻ thơ vãy gọi lương tri của cả loài người. Riêng em, em sẽ khắc sâu tội ác hôm nay của quân thù và bắt chúng phải trả vào ngày mai.
Câu chuyện của người đàn bà làm Thuý xúc động. Nhưng do quá quen với những dòng hồi tưởng, vả lại thời gian không cho phép Thuý nghe những kỷ niệm miên man. Thuý bèn tìm cách hướng câu chuyện sang chủ đề chính:
- Thưa bác! Kỷ vật nhà trường được vinh hạnh đón nhận hôm nay, bác có mang theo không ạ?
Người đàn bà bừng tỉnh:
- Xin lỗi cô giáo, mải nói quá tôi quên mất công việc chính. Tôi đã giữ kỷ vật này trong suốt bốn mươi hai năm. Giờ xin trao lại cho nhà trường.
Người đàn bà mở chiếc cặp số:
- Lúc thày bế bạn đi cấp cứu, có giao cho tôi nhiệm vụ: Em là lớp trưởng, hãy thu hộ thày toàn bộ bài thi hôm nay. Bấy giờ tôi có nói - Thưa thày, chúng em làm chưa xong. Thày bảo - Coi như lớp chúng ta đã hoàn thành bài kiểm tra này.
Thấy người đàn bà im lặng, Thuý sốt ruột hỏi tiếp:
- Thưa bác, có bạn nào làm mất bài không ạ?
- Thu hết, song tôi chẳng trao lại được cho thày. Mấy ngày sau, thày lên đường nhập ngũ. Hôm chia tay thày tâm sự với cả lớp - Thày chỉ có một ước mơ, suốt cuộc đời này được cầm cây bút và viên phấn đứng trên bục giảng, cùng  những cô cậu học trò có tâm hồn trong trắng, khám phá những điều tốt đẹp trong kho tàng văn học của nhân loại. Nhưng các em thấy đấy: Kẻ thù của chúng ta không muốn vậy! Chúng định cướp đi ước mơ của thày và nhuộm đen tâm hồn trong trắng của các em. Cũng như bao người Việt Nam khác, thày đành tạm xa mơ ước riêng tư để trở thành người chiến sĩ. Lúc này đất nước đang rất cần những con người biết cầm súng, cầm gươm và thày đã viết điều này vào một lá đơn - Bài tập làm văn của riêng thày.  Trong số các bạn nam ở lớp ta, đã có người tình nguyện nhập ngũ. Bạn ấy lên đường rất vội, ra đi không kịp chào tạm biệt chúng ta - Thấy tôi còn ôm tập bài thi, thày nói tiếp - Em hãy giữ hộ những bài tập làm văn này, đến ngày về thày sẽ chấm. Thày cười trêu chúng tôi - Các em cứ yên tâm, phần chưa kịp làm thày không trừ điểm đâu.
Đôi mắt người phụ nữ đỏ hoe, Thuý đưa cho bà chiếc khăn mùi soa:
- Thế rồi sao hả bác?
- Sau đó trường được chuyển tới nơi sơ tán. Buổi thi hết cấp năm ấy vắng mặt một số bạn. Chúng tôi bước vào đời với những công việc rất khác nhau. Riêng tôi được đi học tập ở nước ngoài. Tập bài thi này tôi đã mang theo trong suốt những năm tháng vừa qua.
- Từ ngày đó đến nay, đã bao giờ bác gặp lại thày và các bạn đồng môn?
- Thời gian sau ngày đất nước thống nhất, tôi có gặp một số bạn, được mọi người cho biết: Thày đã hy sinh ngay cửa ngõ thành phố Sài Gòn. Thày không cho tôi có cơ hội trao lại tập bài thi này. Còn anh ấy - người bạn thủa học trò - vẫn ở trong quân đội và mới lập gia đình. Vợ anh chính là cô bạn bị mảnh bom tiện đứt cánh tay hôm đó. Mãi tới lúc này tôi mới được các bạn đồng môn kể cho nghe mối tình của họ. Vậy mà ngày ấy, tôi đã nghĩ anh chỉ để ý đến mình. Thảm nào lúc nộp bài thi anh nói - Bạn xin lỗi thày hộ, mình tưởng bài làm văn này sẽ không thu, nên đã lấy một nửa tờ giấy còn trắng để viết một thứ khác, chẳng những thế mình còn ghi linh tinh vào cuối bài làm. Tôi liếc xuống bài thi, lật nhanh trang sau thấy ở phần giấy trắng ít ỏi còn lại, có ghi đôi điều tâm sự riêng biệt. Hôm ấy, tôi đã đỏ mặt khi đọc những dòng chữ đó. Anh đã chia ba tờ giấy thếp, phần làm bài thi và viết thư không gửi. Nửa tờ còn lại viết đơn, khai tăng thêm tuổi tình nguyện lên đường.
Thuý đưa cho người đàn bà cốc nước:
- Cháu mời cô.
- Sau đó tôi trở lại nước ngoài, tiếp tục nhiệm vụ học tập và gặp nhà tôi ở bên đó. Chúng tôi sống rất hạnh phúc, nhưng do đặc thù công tác, cả nhà luôn phải sống xa tổ quốc. 
- Sao bác biết có ngày hội trường?
Người đàn bà mở cặp, lấy ra một phong bì lớn trao cho Thuý:
- Khi được các bạn cùng lớp thông báo qua điện thoại. Tôi trở về nước và cầm theo những bài tập làm văn còn dở này.
Thuý nhẹ nhàng:
- Thưa bác! Theo nguyên tắc cháu phải kiểm tra, vào sổ và mời bác ký ở phần người đã trao hiện vật. Bác xác nhận hộ: về số và chất lượng của chúng.
- Cô giáo cứ làm theo qui định.
Thuý rút mọi thứ trong phong bì để hết ra bàn. Trước mặt cô là những tờ giấy, với đủ loại chữ viết đã ngả mầu theo năm tháng. Người đàn bà đưa cho Thuý hai bài thi:
- Đây là bài tập làm văn của vợ chồng người bạn tôi vừa kể. Dạo đó chúng tôi viết bằng bút bơm mực tự pha lấy, chất lượng của chúng không được tốt như nhau, nhiều bài bị mờ theo dòng thời gian. Cô giáo cứ xem, chỗ nào không rõ tôi có thể giải thích. Những năm tháng sống ở nước ngoài tôi đã đọc đi, đọc lại nhiều lần. Đọc đến thuộc lòng chúng. Bởi vì cứ mỗi lần như thế, tôi lại có cái cảm giác được gặp và trò chuyện với các bạn học cũ.
Một bài có dấu máu dính khô, phần còn lại hầu hết bị ố vàng, chữ nhoè nhoẹt không đọc được. Chắc đây là của cô bạn gái bị mảnh bom tiện đứt cánh tay. Thuý giở coi bài thi của anh ấy.

Đề bài:

“Những người dân Việt Nam vốn cần cù, dũng cảm. Đôi  bàn tay của họ trong thời bình biết cầm bút, cầm cày, cầm cuốc, nhưng khi đất nước có giặc ngoại xâm đều biết cầm súng, cầm gươm.”
 Em có cảm nghĩ gì về nhận định trên?

Bài làm

“...Giờ đây, khi ngồi viết bài tập làm văn này bên khung cửa sổ. Em đang nghe thấy tiếng của lá cây theo gió thì thầm. Những tiếng đó như nói với em rằng: Đất nước mình là xứ sở của màu xanh. Chính những rừng cây nối đuôi nhau chạy dài vô tận, phủ kín mọi miền quê yêu dấu, đã làm nên màu xanh ngàn sắc Việt Nam. Em biết ơn đôi bàn tay chai sạm của những con người cần mẫn, ngày đêm đào hố, gánh nước chăm chút nâng niu từng mần cây nho nhỏ cho đời. Họ giống như những người thợ dệt, đã dệt nên màu xanh trên thân hình đất nước thân yêu của chúng ta. Hàng ngày, bưng bát cơm ăn em nhớ tới các bác nông dân, những người chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Một nắng, hai sương đổ mồ hôi trên ruột đồng. Bắt đất đai sinh ra hạt lúa, củ khoai nuôi sống con người. Giống như những bà mẹ sinh ra dòng sữa cho các bé thơ. Những trang sách cho đã dạy em hiểu, biết yêu quê hương mình - Tổ quốc Việt Nam. Em cám ơn những bàn tay cầm bút. Rồi câu chuyện mà mẹ em kể cho nghe từ thủa nằm nôi. Nào là: Chú bé lên ba đã biết nhổ tre đuổi giặc. Chuyện Sơn Tinh đánh giặc Thuỷ Tinh. Cũng không phải ngẫu nhiên mẹ lại nói nhiều về chàng trai tài đức Thạch Sanh. Và cũng chính từ những câu chuyện ấy đã gieo trong em suy nghĩ, làm nảy mầm trong tâm hồn thơ dại của em biết bao cảm tình cao quí, đối với đôi bàn tay của những người chiến sĩ...”
 Mắt Thuý nhoè đi trước những dòng chữ học trò, cô không thể nào đọc tiếp được, bèn bỏ kính lấy gấu áo lau. Thuý giở nhanh trang sau của bài viết, cô nhận ngay ra những dòng tâm sự riêng biệt, vì nó được viết bằng thứ mực khác:
“Bạn ơi! Chẳng nhẽ tuổi trẻ của chúng ta chỉ biết: Khoanh tay khóc trước những đau thương, rồi im lặng cùng tháng năm chờ đợi. Chắc tâm hồn của bạn cũng có lúc giống tôi: Chỉ biết mộng mơ cùng lá với hoa, hoặc lang thang đuổỉ bướm, bắt chim. Ngửa mặt nhìn bầu trời xanh lồng lộng để vơ vẩn cùng gió với mây và mong đạt được những niềm vui nho nhỏ cho riêng mình. Chẳng nhẽ chúng ta không hề biết giận, biết căm? Giờ đây nếu có thể, mình muốn được làm một đám mây. Một đám mây nhỏ thôi, nhưng phải mang đầy sấm sét, giáng xuống đầu lũ giặc hung hăng. Mình cũng biết: ước mơ cũng vẫn chỉ là ước mơ, nếu chúng ta không hành động, biến điều đó trở thành hiện thực. Lúc này mình không thể nào nói được với bạn hết những điều trong lòng đang nghĩ. Ngày mai nếu chúng ta phải xa nhau, bạn nên biết một điều rằng: Dù đôi ta có ở  hai phương trời xa thẳm, mình luôn luôn nghĩ tới bạn - Người mình quí mến nhất trong cuộc đời này!”

     T. N.D