Trang chủ » Truyện

Cái Tôi trên mặt đất

WILLIAM SAROYAN - Thành Nguyễn dịch
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

Vạn sự khởi đầu nan, vì thật ra không đơn giản tí nào khi phải chọn ra từ ngôn ngữ một chữ đắc địa để nó sống mãi; và mỗi một lời của một con người đơn độc cũng chỉ là một từ đơn độc. Mỗi một bài thơ, câu chuyện, một tiểu thuyết, môt bài luận văn, như là mỗi giấc mơ, chính là một từ đắc địa và chính xác đó từ thứ ngôn ngữ mà ta vẫn chưa diễn dịch được, thứ trí tuệ bất khả ngôn thuyết mênh mông của đêm dài, một từ ngữ của vĩnh cửu phi luật lệ, phi ngữ pháp vậy. Mặt đất bao la. Và cùng với mặt đất, vạn vật cũng mênh mông, từ toà nhà chọc trời cho đến cành cây ngọn cỏ. Qua con mắt, thế giới hình thành, nó có thể được khuếch đại như thế nào thì tùy ở tâm thức và hồn phách của ta. Và tâm thức cũng có thể hủy diệt thời gian, đúng rồi, thời gian: người anh em của cái chết, và, để xem nào, à phải rồi, cũng là người anh em của sự sống nữa. Và mênh mông hơn hết thảy chính là cái ngã, cái khởi đầu của bước đi nhân loại, mà từ đó, Thượng Đế, vũ trụ hình thành, theo sau đó lần lượt ra đời nào là trời đất, thiên đàng địa ngục, diện mạo con người, mặt bạn mặt tôi, tất cả chỉ là qua con mắt của ta. Và vì cái tôi yêu ghét, tôi xin cất lời bằng cả quả tim dâng hiến.
Tôi là một thanh niên ở một thành phố cổ. Tôi, trong một căn phòng nhỏ, vào một buổi sáng. Tôi đang đứng trước một tệp giấy vàng, loại duy nhất mà tôi có đủ tiền mua, thứ mà bạn chỉ cần bỏ ra mười xu là có thể mua được cả một ram gồm một trăm bảy chục tờ. Toàn bộ số giấy vẫn còn sạch sẽ tinh khôi một cách hoàn hảo vì chưa có chữ nào, và tôi là một nhà văn trẻ đang chuẩn bị bắt đầu tác phẩm của mình. Thứ hai, ngày 25 tháng 9 năm 1933...Tuyệt vời làm sao khi còn được sống, ý của tôi muốn nói là...còn sống.

( Tôi là một lão già; tôi đã từng đi qua những ngã đường, nhiều phố thị, nhiều ngày và đêm. Và giờ đây tôi lại trở về nhà với chính tôi. Trên bức tường của căn phòng nhỏ hỗn độn này, trước mặt tôi, là di ảnh của cha tôi, và tôi đã xuất hiện trên mặt đất này với gương mặt và đôi mắt của ông, và tôi đang viết lách, bằng Anh ngữ, những gì mà cha tôi lẽ ra đã viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Chúng tôi là một, cùng một người đàn ông, một đã chết và một đang còn sống.) Tôi run rẫy ngồi hút thuốc, giây phút này đây là giây phút mang tầm quan trọng đối với tôi, thế nên nó cũng quan trọng đối với tất cả mọi người. Tôi sắp sửa đem ngôn ngữ, ngôn ngữ của tôi, đặt lên trang giấy, toàn thân tôi run rẫy. Là một người dùng chữ cũng có nghĩa là phải gánh lấy khá nhiều trách nhiệm. Tôi không muốn nói lên một điều sai lầm. Tôi không muốn tỏ ra mình thông minh vì lẽ cả đời tôi, tôi chưa bao giờ thông minh cả. Tôi rất sợ phải phạm điều sai lầm này, và giờ đây tôi lại phải làm một công việc ngoạn mục hơn cả tự thân sự sống, và tôi không hề muốn phải buông ra dù chỉ là một từ ngữ sai lầm. Trong suốt mấy tháng gần đây tôi luôn tự nhủ, Mày phải khiêm tốn đấy. Trên hết mọi điều, mày phải khiêm tốn, nhớ chưa. Tôi đã đi đến quyết định rằng mình không được đánh mất cá tính của riêng mình.
Tôi là một người kể chuyện, và tôi chỉ có một câu chuyện duy nhất mà thôi: con người. Tôi muốn kể lại câu chuyện đơn giản này theo cách của riêng tôi, hãy quên đi những thứ qui-luật hay trường phái, hay thể loại văn chương, hãy quên đi những xảo thuật luận văn này nọ. Tôi có điều muốn nói, và tôi không muốn ăn nói như thằng cha Balzac. Tôi không phải là một nghệ sĩ. Tôi không tin vào cái gọi là nền văn minh, tôi không có tí ti sự háo hức trước sự phát triển hay tiến bộ của con người. Khi một chiếc cầu vĩ đại được xây lên, tôi không hoan hô cổ võ, và khi những chiếc phi cơ lập thành tích băng qua Đại Tây Dương, tôi không thì thầm thán phục, Ồ, quả là mội thời đại kỳ diệu!! Tôi không quan tâm đến vận nước của những quốc gia, và bộ môn lịch sử làm tôi phát ngấy. Bằng lịch sử, thật ra họ muốn nói lên điều gì chứ? Những người chép sử và những kẻ tin tưởng vào nó? Lịch sử đã xảy ra thế nào để đến nỗi con người, thứ sinh vật lẽ ra khiêm tốn và đáng yêu đã bị khai thác cho cái đích đến của thứ tư liệu quái quỉ kia? Chuyện đã xảy ra như thế nào để đến nỗi sự cô đơn của con người đã bị tiêu ma, và tính thánh thiện của hắn đã bị dẫn dắt để biến thành sự nổi loạn ngấm ngầm của sát nhân và hủy diệt? Và tôi cũng không tin ở kinh tế và thương mại, tôi xem toàn bộ nền cơ khí như là rác rưỡi, máy tính, xe hơi, xe lửa, tàu bay và xe đạp, phải, ngay cả đến xe đạp nữa. Nói chung là tôi không tin tưởng ở vận chuyển, chuyện đi đây đi đó, và tôi thường thắc mắc liệu có người nào đã đi được đến nơi đến chốn chưa. Bạn có bao giờ đã từng rời bỏ chính mình chưa? Phải chăng bất cứ một cuộc lên đường nào cũng bao la và thú vị như cuộc hành trình của tâm thức xuyên qua cuộc sống? Phải chăng đích đến của bất cứ cuộc hành trình nào cũng đẹp như...cái chết?
Tôi chỉ quan tâm đến con người. Tôi yêu cuộc sống này, và trước cái chết, tôi khiêm tốn. Vì lẽ cái chết là cái chết thể xác vật chất, thế nên tôi không thể sợ nó được. Phải chăng ngày hôm nay cả tôi và cha tôi cùng đang sống đây sao? Phải chăng trong máu thịt của tôi chính là sự lặp lại toàn bộ cái quá khứ của con người, không sao? Nhưng tôi khinh bỉ bạo lực và tôi căm thù những kẻ chủ trương và thi hành bạo lực. Làm tổn thương một ngón tay nhỏ bé của một người, theo tôi, còn đau đớn và mang tính hủy hoại một cách vô hạn hơn cả cái chết tự nhiên của hắn. Và một khi hàng hàng lớp lớp con người bị hy sinh trong chiến tranh, tôi cảm thấy buồn muốn phát điên. Cơn phẩn nộ làm tôi tê dại. Vũ khí duy nhất của tôi chỉ là tiếng nói, và trong khi tôi thừa hiểu, đôi khi, tiếng nói mạnh hơn cả súng đạn, tôi vẫn thường thất vọng vì lẽ tôi không thể, đơn thương độc mã, chặn đứng cái ý đồ hủy diệt mà những chuyên gia tuyên truyền đã đánh thức nơi tâm địa con người. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng đang làm công việc tuyên truyền, và trong chính câu chuyện này, tôi muốn khôi phục cái phẩm cách tự nhiên và nhân hậu lại cho con người. Tôi muốn trả hắn về cho chính hắn. Tôi muốn đưa hắn ra khỏi đám giang hồ kia để trả về cho thân xác và tâm thức của chinh hắn. Tôi muốn nhấc hắn ra khỏi cơn ác mộng của lịch sử trả về cho giấc mơ êm đềm của linh hồn hắn, cái sử lịch đích thực của con người hắn mà thôi. Tôi muốn hắn phải là chính mình chứ không phải là ai khác. Chăn dắt ư? Ta chỉ có quyền chăn dắt súc vật mà thôi. Một khi linh hồn của một con người bị tước đoạt, khi hắn đã bị nhào nặn để hóa thân là thành phần của một bầy du thủ, thì chính thánh thể của Chúa phải chịu đựng cơn đau như xé, và do vậy phản ứng không gì khác hơn là sự khủng bố mà thôi.
Tôi chống lại tinh thần đạo đức giả. Tôi có thể yêu thích một anh ngốc chân thành, nhưng tôi không thể yêu nỗi một thiên tài dối trá. Cả đời tôi, tôi thường cười chế nhạo những qui luật, châm chích truyền thống, cái gọi là phong cách, trường phái. Làm sao mà qui luật có thể áp dụng được với một sáng tạo huyền nhiệm như con người được chứ? Mỗi một đời sống là một mâu thuẩn, là một chân lý mới, một phép lạ mới, và ngay cả bọn người ngoài vòng pháp luật cũng hay ra phết. Tôi không phải là triết gia, tôi không tin ở triết học. Tôi thường nhìn vào tự thân một chữ với tất cả sự nghi ngờ. Tôi tin rằng con người có quyền mâu thuẩn với chính mình. Ví dụ như tôi đã từng nói tôi coi máy móc như là rác rưỡi, vậy mà tôi đã chẳng mê tít cái máy đánh chữ của tôi là gì? Nó chẳng phải là tài sản thân thương nhất mà tôi có được đấy ư?
Và giờ đây, tôi sắp sửa kể ra đây một câu chuyện nhỏ. Chuyện về bản thân tôi và chiếc máy đánh chữ của mình, có lẽ đây chỉ là một câu chuyện bình thường. Bạn có thể quay đi để cầm lên bất cứ một tạp chi năm xu nào cũng được và bạn có thể tìm thấy nhiều câu chuyện mang tính nghệ thuật cao hơn, những câu chuyện về tình yêu, về nỗi khát khao và tuyệt vọng, về say sưa mê đắm, những câu chuyện về những chàng Elmer Fowler, Wilfred Diggens, và những nàng Florence Farwell, Agatha Hume, và vân vân....
Nếu như bạn quay sang với những tạp chí này, bạn sẽ tìm thấy hằng lô những câu chuyện hoàn hảo, với đầy đủ tình tiết, đầy đủ không khí, văn phong, nhân vật, và các thứ đại loại như thế, những thứ mà một câu chuyện hay cần phải có, như thể món rau trộn cần phải có đầy đủ dầu ô liu, kem hay sữa vậy. ( Xin đừng cho rằng tôi đã quên mất mình là ai và đang cố chứng tỏ mình láu lỉnh thông minh. Tôi không chế nhạo những câu chuyện này, và tôi cũng không cười những ai đọc chúng. Những dòng tản văn này và những ông, những bà, những em đọc chúng đã vô hình chung kiến tạo ra một trong những tư liệu cảm động nhất của thời đại chúng ta. Tương tự như vậv, công nghiệp điện ảnh Hollywood và những ai đã trãi gần hết những quảng đời bí mật của họ để xem phim đã tạo nên một trong những nguồn tư liệu phong phú nhất cho một nhà tiểu thuyết chân thành. Cho phép tôi giải thích một cách khác, mỗi khi tôi di xem phim, và thường thì tôi không đủ tiền mua vé, tôi luôn xúc động sâu xa bởi làn sóng cảm xúc dâng lên từ đám đông, những hình ảnh thời sự luôn làm tôi trào nưóc mắt. Khi nhìn thấy những cơn lụt, thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh và những gương mặt của những chính khách, tôi không thể nào ngăn được dòng nước mắt. Ngay cả đến nỗi buồn của con chuột Mickey cũng có thể làm cho con tim tôi rỉ máu, vì lẽ nó có thể chỉ là nhân tạo, nhưng thực ra nó cũng là biểu tượng của con người .) Thế cho nên, xin đừng hiểu lầm tôi mà tội nghiệp cho tôi. Tôi không châm biếm. Thực ra chẳng có gì để châm biếm cả, mọi sự thương, sự khó, ác hay lành đều chứa đựng sự châm biếm của chính nó rồi. Tôi muốn nói lên một cách đơn giản rằng tôi là một nhà văn, một người kể chuyện. Tôi cứ miệt mài viết, làm như thể tất cả những tờ báo trên khắp xứ đang nài nỉ xin bài viết của tôi, sẵn sàng hợp đồng với tôi bằng những khoản tiền to để tôi tự do chọn lựa muốn viết cái quái quỉ gì cũng được. Vậy mà tôi lại ngồi đây trong căn phòng nhỏ này, rít hết điếu thuốc này đến điếu khác, đang viết câu chuyện chết tiệt này của tôi, mà tôi thừa biết, sẽ không có cửa để chen chân trong sự cạnh tranh gay gắt với những bạn đồng nghiệp của tôi, những nghệ sĩ tài năng và đậm đà phong cách hơn tôi nhiều. Thế có lạ không? Tại sao tôi, một người kể chuyện, lại phải cứ dan díu mãi với cái máy đánh chữ của tôi như thế? Đối với tôi, chuyện đó thì có gì là hay ho? Viết chuyện này thì tôi được thỏa mãn cái gì đây?
Thế đấy, chuyện mà. Tuy nhiên, tôi không muốn bất cứ ai cho rằng tôi đang than thân trách phận. Tôi không muốn bạn có cảm giác rằng tôi đóng vai anh hùng, hay nếu không, thì đang đóng vai anh chàng tỉ tê ủy mị, tôi không thuộc loại nào hết. Tôi không hề chống lại tờ Tin Chiều Thứ Bảy, và tôi cũng không dám cho rằng thằng cha chủ bút tờ Scribner là thằng ngốc chỉ vì nó không in những chuyện của tôi. Tôi thừa biết một cách chính xác mọi tờ tạp chí trên cả nước này đòi hỏi những gì. Tôi biết loại hàng nào tờ Những Câu Chuyện Bí Mật đang tìm, và loại nào thì có thể thỏa mãn tờ American Mercury, và loại nào thì tờ tạp chí văn học Hound & Horn sẽ thích thú hơn, tôi biết tất. Tôi đọc hầu hết mọi thứ báo chí và tôi biết thứ nào thì tiếp thị được. Vậy mà, bài của tôi hiếm khi được đăng, còn tôi thì nghèo kiết xác. Phải chăng tôi không có đủ khả năng viết những thứ hàng bán được? Tôi xin cam đoan với bạn rằng không phải vậy. Tôi có thể viết bất cứ chuyện gì mà bạn dám nghĩ đến. Giá như thằng cha Edgar Rice Burroughs lăn ra chết sáng hôm nay, thì tôi có thể tiếp tục viết về Tarzan, người rừng dễ như chơi. Còn nếu như tôi thấy cần... khẳng định con đường mình đi , tôi cũng có thể viết như John Dos Passos hay là William Faulkner, hay James Joyce. ( Và bạn cũng có thể làm được như tôi, thật đấy.)
Thế nhưng tôi đã nói rằng tôi muốn gìn giữ cá tính của mình. Ừ, tôi nói thật đấy. Và nếu như cứ tiếp tục như thế thì bài của tôi vẫn cứ...không được đăng, tôi cũng mãn nguyện. Tôi không tin ở danh vọng. Đó chẳng qua là hình thức của lừa bịp, bất cứ một thằng cha nổi tiếng nào cũng có thể thú nhận với bạn như thế, nếu như gã ít nhiều thành thật. Làm thế nào mà người này lại có thể vĩ đại hơn người nọ được cơ chứ? Có gì khác nhau giữa một thằng cha viết được những tiểu thuyết hay được in và những thằng cha cũng viết được những tiểu thuyết hay mà...không được in? Được xuất bản hay không thì có liên quan gì đến sự vĩ đại của họ chứ? Có tiền hay là rỗng túi thì có ăn nhậu gì đến cá tính của một con người?
Nhưng có điều tôi cần phải thú nhận rằng muốn làm một thứ...văn sĩ như tôi, bạn cẩn phải tự tin và đạo hạnh lắm mới được. Bạn cũng cần phải có một sức mạnh phi thường. Để trở thành thứ nhà văn như tôi phải mất đến hằng năm chứ không phải đùa, có khi phải mất đến hằng thế kỷ. Tôi sẽ không khuyên bất cứ một người bạn trẻ nào với tài năng về chữ nghĩa phải đi theo con đường của tôi. Tôi sẽ đề nghị anh ta nên nghiên cứu Theodore Dreiser hoặc là Sinclair Lewis. Nếu cần, tôi sẽ khuyên anh ta rằng thay vì theo phương pháp của tôi, tốt hơn anh ta nên theo bước chân của O. Henry hoặc là nên cộng tác với tờ Phụ Nữ & Các Bạn. Vì lẽ, tắt một câu, tôi chẳng phải là nhà văn nhà viếc gì cả. Tôi đã cười vào mũi những qui luật viết lách kể từ khi tôi bắt đầu viết lăng nhăng cách đây chừng mười hay mười lăm năm gì đó. Ngắn gọn lại, tôi là một thanh niên trẻ, tôi viết chẳng qua là vì không còn gì văn minh và đàng hoàng hơn cho tôi làm cả.
Bạn có biết rằng tôi không tin là ở trên đời này lại có thứ được gọi là thể loại văn, thơ, tiểu thuyết. Tôi chỉ tin rằng có con người, thế thôi. Tất cả những điều còn lại chỉ là xảo thuật. Tôi muốn chuyên chở vào trong câu chuyện này con người của tôi. Càng trần tục càng tốt. Hơn hết mọi điều, tôi muốn được thành thật và không sợ hãi theo cách của riêng tôi. Bạn có cho rằng, nếu tôi được quyền quyết định, thì tôi cũng không thể rút lại lời tôi nói về Dos Passos, Faulkner và Joyce ư, lời nhận định xem ra vừa ngốc ngếch vừa nguy hiểm? Sao vậy, vì nếu như có một ai đó bảo tôi, Này, mày dám nói rằng mày có thể viết như Faulkner hả, vậy thì, mày hãy cho tụi tao xem việc mày làm đi. Nếu quả thật có chuyện đó, thì rõ ràng tôi sẽ phải tẻn tò mà thú nhận rằng tôi không thể nào biến hóa được như Faulkner. Tuy nhiên, tôi đã nói thì tôi giữ vững lập trường. Vả lại, không có ai có thể chứng minh được rằng tôi đang ú ớ cả. Tôi có thể biến một chuyên gia thượng thặng về tâm lý của thành Vienna thành một tên điên khùng đang lên cơn mê sảng trước mặt đám đồ đệ của chính hắn. Bằng không thì, nếu thấy thích, tôi có thể đóng vai lù đù, ngu ngốc như một thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện. Tôi đã chẳng nói với bạn rằng trong máu thịt của tôi đã được tích lũy tất cả cái quá khứ của con người đấy ư? Và chắc chắn rằng trong quá khứ đã từng có bao nhiêu là thằng ngốc.
Tôi không dám chắc, nhưng có lẽ, có một thứ luật lệ nào đó chống lại kiểu viết lăng nhăng như thế này, và xem nó như là một tội phạm vậy. Cứ cho là như thế. Đối với tôi, đập chết một con ruồi đã dám ngoáy mũi tôi, hay đạp lên một con kiến, hoặc làm tổn thương tình cảm của bất cứ một ai, dù đó là một thằng ngốc hay một thiên tài, tôi không thể nào làm được. Vậy mà tôi không thể nào chống lại sự cám dỗ được châm chích bất cứ thứ luật lệ nào được đặt ra để ràng buộc tinh thần của con người. Tôi thấy cần phải châm kim vào những quả bóng dzổm đời đó. Tôi yêu những tiếng nổ lụp bụp của những chiếc túi căng phồng đầy ắp những nhà đạo đức, bọn hèn nhát và những trí giả. Bạn cứ lắng nghe, rồi bạn sẽ nghe được tiếng nổ nhỏ đó trong đoản văn ngắn ngủi này.
Lan man như thế này dường như chẳng đi đến đâu và có vẻ phí thì giờ, phải không bạn? Nhưng không phí đâu bạn ạ. Chẳng có gì mà gấp gáp cả ( Tôi có thể tà tà đi một quảng ngắn một trăm thước trong suốt một ngày trời. ) và nếu muốn, bạn có thể vất câu chuyện này sang một bên và nhặt một cái gì khác trong tờ Cosmopolitan. Tôi không yêu cầu ai phải chờ đợi cả. Tôi cũng không hứa hẹn những quả táo vàng cho những người kiên nhẫn. Tôi đang ngồi trong căn phòng của tôi, đang sống đời sống của chính tôi, đang gõ trên máy đánh chữ của tôi. Tôi đang ngồi trước mặt cha tôi, người đã biến khỏi mặt đất này nhiều năm trước. Cứ hai hoặc ba phút, tôi lại ngẩng lên nhìn vào gương mặt buồn bả của ông, để xem ông tiếp nhận những gì đang diễn ra như thế nào. Làm như tôi đang nhìn vào một tấm gương để nhìn thấy chính mình. Tôi hiện giờ cũng trạc tuổi ông khi ông chụp bức ảnh này, cũng để hàng ria mép như ông. Tôi ngưỡng mộ người đàn ông này. Cả đời tôi, tôi kính phục ông. Lúc sinh tiền, có nghĩa là khi cả hai chúng tôi còn sống bên nhau trên mặt đất này, tôi còn quá nhỏ để có thể trao đổi với nhau. Đến khi tôi có thể ý thức được ít nhiều, và tôi có thể ấp úng được thì chúng tôi cũng đã có được đôi ba lần nói chuyện thầm lặng với nhau. Tôi nói, À , Ba ơi, người Armenian buồn bả, hồi xưa Ba sống có vui không Ba? Và cha tôi thường khẻ đáp, Hãy khiêm tốn, con ạ. Hãy tìm Thượng Đế.
Cha tôi cũng là một nhà văn. Ông là môt nhà văn không xuất bản. Tôi còn giữ tất cả những bản thảo tuyệt vời của ông, những bài thơ, truyện ngắn, truyện dài được ông viết bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi mà tôi không đọc được. Cứ mỗi năm đôi ba lần, tôi thường mang hết những giấy má của cha tôi bày ra trước mắt, rồi ngắm nhìn hằng giờ cái công trình đóng góp của ông cho nền văn học nhân loại. Cũng như tôi, xin hân hạnh cho bạn biết, ổng cũng nghèo kiết xác; cái nghèo đeo đuổi ông như con chó săn mồi. Hầu hết những bài thơ và truyện của ông đều được viết trên những mãnh giấy gói đồ, được ông vuốt thẳng và sắp xếp lại thành từng tập nhỏ. Duy chỉ có hồi ký của ông thì được ông ghi lại bằng Anh ngữ (mà ông nói và viết thông thạo ), và hồi ký ấy thì đầy những trang sầu thảm. Ở New York, theo như hồi ký ghi lại, cha tôi chỉ mang hai tâm trạng khác nhau, đó là: buồn và rất buồn. Cách nay vào khoảng ba mươi năm, ông chỉ có một mình ở thành phố đó, và ông đã cố gắng kiếm đủ tiền để có thể mang vợ và ba đứa con đến được tân thế giới. Ông là một lao công thu dọn vệ sinh. Tại sao tôi phải dấu diếm sự kiện này chứ? Chẳng có gì xấu hổ khi nói về một vĩ nhân làm lao công ở cái đất Mỹ này. Ở cố -hương của ông, ông là một con người của danh dự, một giáo sư, người ta gọi ông là Agha, có nghĩa là thưa ngài. Rủi thay, ổng cũng làm cách mạng như những người Armenian yêu nước khác. Ổng muốn dân tộc của ông được tự do. Ông muốn họ được thụ hưởng tự do, thế nên lâu lâu ổng lại bị bỏ tù, và cho đến một ngày kia tình trạng tệ hại đến nỗi nếu như ông không rời khỏi quê hương ông kịp lúc thì chưa chắc ổng có thể giữ được mạng của chính mình. Ổng biết tiếng Anh, ổng đã từng đọc Shakespeare và Swift bằng nguyên bản, thế là ổng tìm đến xứ sở này. Và người ta bèn biến ông thành một ông...lao công. Sau vài năm làm việc cật lực, gia đình ông ( tức là gia đình tôi ) được đoàn tụ với ông ở New York. Và cũng theo hồi ký, khi đến California, tình hình dường như có khá hơn đôi chút, ông có nhắc đến nào là ánh mặt trời, nào là những chùm nho mọng nước. Nên ông thử qua nghề nông. Thoạt đầu ông làm thuê cho những nông gia khác, sau đó ông đã mua trả góp một nông trại nho nhỏ. Nhưng ông chỉ là một nông gia hạng bét. Ông là người của sách vở, một giáo sư, một loại người yêu áo quần tươm tất, yêu sự thư thả và nhàn tản, và cũng giống như tôi, ông ghét thậm tệ những gì thuộc về cơ khí và máy móc.
Vườn nho của cha tôi cách thị trấn gần nhất là mười một dặm về hướng đông, mỗi tuần một hai lần, tất cả những nông dân quanh đó có thói quen đi xuống phố bằng xe đạp, thứ phương tiện thời thượng lúc bấy giờ, lại có thể di chuyển nhanh hơn xe ngựa kéo ít nhiều. Vào một buổi chiều tháng Tám oi bức, người ta thấy một nhân vật quắc thước diện một bộ cánh rất ư là lịch sự, đang từng bước hướng về thị trấn, trên con đường nắng cháy và bụi bặm. Nhân vật đó chính là cha tôi. Đồng hương của tôi sau này kể lại chuyện này cho tôi nghe, nên tôi có thể biết được ổng điên như thế nào, và biết thêm rằng tôi có thể không giống ổng ở khoản này. Rồi có người gặp cha tôi trên đường. Ông này là một nông dân láng giềng đang trên đường từ phố về nhà phom phom trên chiếc xe đạp, ổng ú ớ khi bắt gặp cha tôi.
Agha, ổng lên tiếng, ngài đi đâu đấy?
Xuống phố, cha tôi đáp.
Nhưng mà, Agha, ổng tiếp, ngài không thể đi như thế được. Hơn mười một dặm đường và trông ngài cứ như là...Ăn mặc như thế người ta sẽ cười đấy.
Thì cứ để họ cười, đây là quần áo của tôi, chúng vừa vặn đối với tôi.
Dạ, dạ, dĩ nhiên, ông này cố nói thêm, nhưng ăn mặc như vậy xem ra không hợp ngoài này, nhất là trời lại nóng bức và bụi bặm như thế này. Bác không thấy thiên hạ ai cũng mặc đồ lao động ở đây sao, Agha.
Vô lý, cha tôi đáp, rồi ông điềm nhiên đi tiếp.
Ông này lại kiên nhẫn bám theo cha tôi ( trong đầu ổng cho là cha tôi đang phát rồ cũng nên ).
Ổng lại nói tiếp, Thôi thì.. nếu như ngài cứ khăng khăng ăn mặc như thế, ít nhất...ít nhất là ngài không nên làm trò cười bằng cách đi bộ xuống phố. Ít ra là ngài nên sử dụng chiếc xe đạp của tôi đây.
Ông nông dân này là bạn thân của gia đình, và ổng thì nể nang cha tôi một phép, ông hoàn toàn có thiện ý khi nói thế, nhưng cha tôi bỗng lặng người. Ổng trừng mắt nhìn nguời đàn ông ra vẻ vừa kinh hoàng vừa gớm ghiếc.
Cáí gì? cha tôi hét lên, Ông bảo tôi leo lên cái máy điên khùng này ư? Ông bảo tôi phải tự đeo mình vào cái mảnh rác rưỡi trần tục này ư? ( Trong ngôn ngữ Armenian, chữ rác rưỡi mang ý nghĩa kinh khủng và thô bạo hơn nhiều. ) Con người được tạo ra không phải vì những phát minh ngớ ngẩn đó, cha tôi tiếp. Con người được đặt để ở đây cho nó được đứng thẳng và đi trên đôi chân của nó.
Thế rồi ông bỏ đi.
Thế đấy, bây giờ thì bạn đã biết rõ tại sao tôi ngưỡng mộ người đàn ông này. Và bây giờ thì một mình trong căn phòng của tôi, lan man nghĩ về những việc trên đây, tôi đang gõ nên câu chuyện này, tôi muốn chứng tỏ cho bạn biết rằng tôi và cha tôi là một.
Tôi sẽ trở lại vấn đề cái máy đánh chữ, nhưng không có gì phải nôn nóng cả. Tôi là một người kể chuyện, chứ không phải là một nhà phi-hành. Tôi không môt mình bay xuyên Đại Tây Dương trong phòng lái của một chiếc máy bay với tốc độ hai trăm năm mươi dặm một giờ.
Hôm nay, ngày Thứ Hai trong tuần, năm 1933, và tôi đang cố gom lại những gì là bất tử vĩnh hằng, càng nhiều càng tốt, cho vào câu chuyện này. Biết đâu khi câu chuyện này đến tay độc giả, thì tôi đã cùng với cha tôi vui vầy trong lòng đất mà cả hai cùng yêu mến, và biết đâu tôi cũng đã có những thằng con đang còn sống trên mặt đất xưa cũ này, nhũng chàng thanh niên trẻ tuổi mà tôi sẽ phải khuyên nhủ nên khiêm tốn như cha tôi ngày xưa đã nhắc nhở tôi.
Không còn bao lâu nữa thì một thế kỷ sẽ trôi qua, nhưng tôi đang làm hết sức những gì để có thể lưu giữ giây phút này sống mãi.
Ta đã từng biết rằng những nhạc sĩ khóc thầm ra sao khi đánh mất nhạc cụ của mình. Đối với một danh cầm, thì cây đàn của hắn chính là một phần máu thịt của hắn. Tôi là một thanh niên với một đầu óc tối tăm, và con đường tôi đi cũng tối tăm sầu não. Mặt đất này của tôi, nhưng thế giới này thì không. Nếu như tôi bị tước đoạt ngôn ngữ, rồi bị vất ra đường như một sinh vật mới, lập tức tôi biến thành hư vô, kể cả một chiếc bóng cũng không còn. Nhân cách và danh dự của tôi sẽ kém xa anh chàng bán chạp phô, tệ hơn tên gác cửa cho khách sạn St Francis, tồi tàn hơn anh tài xế taxi.
Vậy mà suốt sáu tháng nay, tôi không viết lách gì cả, tôi đã biến thành con số không, hoặc là có đi, đứng đấy nhưng không còn sống nữa, một thứ bóng mờ trong giấc mơ màng của vũ trụ. Đơn giản là vì nếu không được bi bô đôi lời ( có ý thức ), không chữ nghĩa, không ngôn ngữ, thì tôi không hiện hữu như chính mình. Tôi không còn mang một ý nghĩa nào nữa cả, có lẽ tôi như đã chết rồi và vô danh tính. Đôi với bất cứ môt sinh linh nào, sống trong một tình trạng như thế quả là khốc liệt. Chẳng khác nào là sự khủng bố đối với thượng đế. Có nghĩa là, sau những tháng năm dài, mình vẫn không đi đến đâu.
Chính vì lý do này mà giờ đây tôi đã lấy lại được chiếc máy đánh chữ, bên cạnh tôi là một tệp giấy sạch sẻ, tôi đang ngồi trong căn phòng ngập ngụa khói thuốc, trên kia là di ảnh của cha tôi đang nhìn chằm chặp. Đó cũng là lý do giải thích được vi sao tôi có cảm giác được dựng dậy từ cõi chết. Tôi yêu và thờ phụng cuộc sống, yêu những giác quan còn nhạy cảm, những đầu óc còn hoạt động, yêu ý thức tỉnh giác, yêu sự chân xác. Và đời sống được mọi người có hơi thở của Chúa trong mình tạo nên. Mỗi một con người tạo nên ý thức và sự chân xác cho chính hắn, vì lẽ những thứ ấy không tự thân hiện hữu. Chỉ có sự hỗn loạn và lỗi lầm và xấu xa mới tự thân hiện hữu mà thôi. Tôi đã từng nói rằng tôi rất ư là đạo hạnh. Đúng thế. Tôi tin là tôi đang sống ( một lần trên mặt đất này. ) Dĩ nhiên bạn phải rất ư là đạo hạnh mới có thể tin vào sự kiện đầy phép lạ này. Tôi biết ơn và tôi khiêm tốn. Tôi sống, thế nên hãy cứ để tháng năm lặp lại tháng năm triền miên vĩnh cữu. Vì tôi đang ngồi đây, cất tiếng, nói lên chân lý bằng lời, cái chân lý hiện sinh của tôi, chắt lọc được từ sự vô nghĩa và bất toàn. Hiện sinh trong hiện tại không thể bị tàn phai, vì nó phi thời gian vậy.
Tôi khinh bỉ cái gọi là kinh tế thương mại.Tôi là một thanh niên trẻ tay trắng không tiền. Có những lúc, khi một anh bạn trẻ có thể dùng một số tiền nhỏ để mưu cầu lợi lộc; có những lúc, vì những gì mà tiền có thể mua được, khi ấy tiền là điều quan trọng nhất trong đời gã. Dù tôi khinh khi thương mại, nhưng tôi phải công nhận rằng, một phần nào đó, tôi kính trọng tiền bạc. Rốt cục thì, quả thật có lúc tiền khá là quan trọng, chính vì thiếu thốn năm này qua năm khác mà cuối cùng tình hình này đã giết chết cha tôi.Nghèo như thế mà muốn ăn mặc sang trọng xứng đáng với ổng như ổng nghĩ là một chuyện không đúng rồi; thế là ổng giả từ cuộc sống. Tôi muốn có đủ tiền cho phép tôi có khả năng sống đơn giản và để viết lại đời mình. Cách đây nhiều năm, khi tôi có cơ hội làm việc đại diện cho nền công nghiệp và sự phát triển và vân vân, tôi đã tậu được một máy đánh chữ xách tay, mới toanh với giá sáu mươi đô la ( đó là cả một gia tài, nếu như bạn là con nhà nghèo ) Thoạt đầu, chiếc máy này lạ lẩm đối với tôi, khi sử dụng tiếng ồn gây cho tôi khó chịu, nhất là về đêm, nó rền rĩ đến nhức cả đầu. Nhưng chỉ sau một hai năm, tôi đâm ghiền nó như thể một nghệ sĩ dương cầm tôn thờ âm nhạc say mê cây đàn của mình vậy. Tôi không ngại lau chùi nó thường xuyên, và khi sử dụng, dù tôi có hành hạ nó bằng cách nện vào bàn phím thô bạo đến đâu đi nữa, nó cũng không hư hỏng. Quả là một chiếc máy đáng nể.
Rồi thì đến một hôm, trong một cơn quẩn bách, tôi đặt nó vào chiếc va ly và mang ra phố. Tôi bỏ nó lại trong một tiệm cầm đồ, tôi bước ra và lang thang khắp phố với mười lăm đô la trong túi áo. Tôi đã chán ngấy cái tình trạng không tiền.
Đầu tiên tôi đi đến chỗ đánh giày để nhờ đánh giày của mình. Trong khi gã đang lo đánh bóng, tôi đặt gã lên ghế ngồi rồi quì xuống bắt đầu đánh xi lên giày của gã. Đó chinh là hiện nghiệm của khiêm tốn vậy.
Sau đó tôi đi đến rạp hát. Ngồi giữa đám đông đề nhìn thấy chính mình theo lối sống thời đại mới, thời đại Hollywood. Ngắm nhìn những gương mặt của người đẹp, tôi ngồi đó, mơ màng. Rồi tôi đi đến nhà hàng ăn, chọn một chỗ ngồi, bắt đầu gọi tất cả những món mà tôi nghĩ là khoái khẩu. Chắc chắn là thằng cha hầu bàn nghĩ rằng tôi điên, nhưng tôi đã bảo với hắn rằng, rồi ra mọi thứ trên đời, không trước thì sau, cũng từ từ leo lên hạng nhất ráo! Tôi bo cho hắn khá đậm. Tôi lại lộn trở ra phố, lang thang vòng vèo những ngõ tối, nơi hoạt động làm ăn của những nàng kiều. Tôi đã chán ngấy cái cảnh rỗng túi lắm rồi. Tôi đã hấp máy đánh chữ của tôi để bắt đầu tiêu tiền. Chẳng có ai trên đời, kể cả ông văn hào vĩ đại nhất, có thể tiếp tục nghèo đói giờ này qua giờ khác, năm này qua năm nọ được. Nghệ-thuật hả? Đi chết đi! Bạn có tin rằng tôi đã nói như thế không?
Sau một tuần, tôi trở nên tỉnh táo hơn đôi chút. Sau một tháng thì tôi trở nên tỉnh táo hoàn toàn, và tôi lại bắt đầu thấy cần chiếc máy đánh chữ, tôi lại khao khát được đặt những con chữ lên trang giấy. Để khởi đầu một cuộc lữ khác. Để nói lên một điều gì và liệu xem nó có đúng không. Nhưng tôi không còn xu nào cả. Và ngày qua ngày tôi lại ngóng cổ mong chờ cái máy đánh chữ của tôi.
Đó là toàn bộ câu chuyện. Tôi không cho rằng đây là một kết thúc có tính nghệ thuật, kết thúc nào thì cũng thế mà thôi. Chủ đề chính của câu chuyện là thế này: ngày qua ngày tôi lại ngóng cổ mong chờ cái máy đánh chữ của tôi.
Sáng nay tôi đã lấy được cái máy về. Bây giờ, nó đang ở trước mặt tôi. Và tôi đang gõ trên bàn phím. Và đây là tất cả những gì tôi đã viết.

WILLIAM SAROYAN

Trích từ The daring young man on the flying trapeze
Dịch xong ngày 19 tháng Ba năm 2007
Dịch giả từ Canada gửi riêng cho trannhuong.com