Trang chủ » Truyện

Thơm lây

Võ Tấn
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

Lâu nay tui cặm cụi mày mò học đòi làm nhà văn, bỏ nghề ruộng trong khi ở quê người ta nhắc nhở “Nhất nông…Nhì sĩ…”. Tui nghĩ nông sĩ gì cũng được thuận tay nào tui “chơi” tay nấy, biết đâu con cò ỉa lọt miệng chai.
Hắn là nhà báo, nhà thơ đã nổi danh. Tui tay cày tay viết, cày ruộng là nghề chính viết nghiệp dư. Ở đời có câu “một người làm quan cả họ được nhờ”. Ừ thì câu nói xa xưa đó đến giờ nghiền ngẫm chẳng có sai chút nào. Nói zdậy oan cho hắn, vì tui và hắn biết mà chưa quen, có họ hàng chi mô. Hắn là người nổi tiếng, tui là kẻ học đòi chữ nghĩa dựa chút “hơi” danh tánh của hắn mà “mông mợ” (mơ mộng - ở quê tui hay nói lái).
Tui chọn vị trí số hai vì tui thấy nghề này giờ đây có nhiều người làm và rất nhanh “nổi tiếng”. Thời nay danh hão, danh thực vàng thau lẫn lộn. “Sĩ và sỉ” dấu hỏi hay dấu ngã chẳng ai thèm để ý bởi giọng người đọc bữa nay cũng khác xưa, đôi khi họ thích ngọng nghịu cho ra vẻ “hậu hiện đại”. Điều kiện cho vị trí thứ hai cần có là “quen” nhiều hơn hay…Trước tiên, tui viết thư cho hắn, cho tui “ké” một khoảnh đất nho nhỏ trong khu vườn đầy hoa thơm bướm lượn và nhờ hắn ra tay PR. Tui thề không đòi nhuận bút mà thật ra không dám đòi. Hắn nhận thư mà giận hay “tịt luôn” là tui “thúi hẻo”. May quá hắn thật công bằng.
 
*
Tui đã chủ động làm quen với hắn, còn hắn, hắn chỉ biết tui có gởi e-mail nhưng chưa hiểu “thật hay giả”. Hắn có quyền nghi ngờ, tui có quyền “xạo”.
Nhưng rồi bạn biết đó, hắn xây nhà ảo (web) đã “tròm trèm” tuổi, tui gởi cho hắn mấy lần e-mail, đến tận giờ tui và hắn vẫn chưa ngồi với nhau đối ẩm. Mà không, “đối ẩm” là chuyện của ông nhà văn Ba Lưu, tui có cái nguyên quán với ông đấy, hắn cũng vậy. Cứ nhận đại là người  cùng quê cho thơm, bất quá mời nhau ly cafê vỉa hè.
Hắn xuất hiện trên in-tờ-nét với cái “mác nhà báo làm Nhà thơ”, thơ hắn “tuyệt cú mèo” nên tôi thích. Hắn xây nhà trải chiếu mở cửa đón bạn bè Văn nghệ khắp nơi về chơi xôn xao đông vui ghê. Tui cứ đứng ngoài thèm thuồng “mông mợ”, ngắm thiên hạ ra vô nhà hắn, lòng tui nôn nao mau mau được sớm làm người quen với giới chữ nghĩa. Người vô nhà hắn toàn “danh tiếng, có cả tai tiếng nữa”. Tui suy đi tính lại, nhọc nhằng Ngó-Nghĩ-Cân-Đo với bao trang viết tâm huyết của mình, cho đến khi đủ tự tin mới viết cho hắn lá thư.
Gởi:… N!
Tui là người cùng quê P.Y với N…

Hắn là người P.Y, tui cũng người P.Y nói tiếng miền trung bị “nhão”. Hắn làm thơ, nổi tiếng thơ tình rất tâm trạng, rất bâng khuâng, rất dịu dàng…rất nhiều người đồng cảm với hắn trong số đó có tui. Kỳ lạ là tui một kẻ yêu thơ, say thơ mà không biết làm thơ. Tui không dám lấy hắn ra để “doạ thi nhân” nhưng đảm bảo rằng giới trẻ 7X, 8X, 9X…không ai sớm “tóc bạc buồn thương như hắn” nên thơ hắn hay và ghi được dấu ấn trong lòng độc giả.
Chuyện làm thơ của hắn kể cũng vui, hắn bị ông già vợ tương lai “xù” không gã con gái. Tui không biết chuyện này hắn thật hay bịa. Hắn đăng báo kể hẳn hoi. Cuộc chuyện trò hôm đó hắn đính chính “ Dạ! Bác hiểu lầm rồi. Con làm “thuê”(thơ) đăng báo chớ làm thuê cho ai đâu Bác!”. Thế mà… cũng bị ông già khen: “Tôi tưởng Cậu là người tử tế “té ra” cũng là Nhà Thơ à? Thôi tìm việc khác mà làm, chớ làm th…ơ sao đủ nuôi vợ con !!!”.
Tui đọc mà cười ra nước mắt, mường tưởng thấy tội tội oan cho Nhà Thơ của quê ta quá. Lại nghĩ bây giờ chắc không còn ai “yêu” thơ nữa. Buồn mất mấy bữa, rồi ngẫm thấy một trào lưu học đòi làm văn sĩ thời này quá rộn ràng. Người có tiền, “có chức” bây giờ quá nhạy tình ý, họ dựa vào thơ để…được thơm danh. Tui gặp mấy ông như “Bí thơ-Nhà thơ A” là tui ngán, tui sợ thơ của mấy ổng làm đau bụng mà tui có cái bệnh đau tim bẩm sinh. Tui lại viết cho hắn một lá thư ướt mẹp cảm xúc đau buồn chia sẻ. (thư này tui không gởi).
Tui quen với hắn được chín tháng mấy ngày lẻ, thường xuyên đặt ống dzòm nhìn vào nhà hắn, mỗi lần có chuyện lao xao thì nhảy vô hùa, bênh cho hắn, phải nói cái nhà ảo của hắn không sang lắm nhưng “thoáng”. Ở đó, người có danh, “có chức” và cả bạn bè thấp hèn, hắn đều mở cửa đón chào không phân biệt đói xử “thấy sang tiếp, thấy mạc thì ngơ” như cái kiểu chốn quan trường thời buổi đua chen lấy danh, lấy quyền, lấy thế. Túm lại, tui và hắn có thể “chơi được” nên tui quyết định nhào vô nhận bạn.
Tuy là người cùng quê với hắn nhưng tui sống và mưu sinh ở PR (không phải nghề hot PR, mà là địa danh tui đang ở viết gọn). Đó là tui giải thích cho bạn hiểu chớ lúc viết thư cho hắn tui quên mất tiêu, chắc hắn “cười tưng tửng”.
Bức thư không dài lắm, đại loại là tui muốn hắn “treo” mấy cái tác phẩm “văn chương xóm” lên Home của hắn, khoe với người ta rằng có cái thằng “khùng khùng” đang học đòi viết lách ở PR, một địa danh không phải đất văn chương cũng rất ít người nổi tiếng văn chương. Ở đây chỉ có hai mùa mưa nắng, nắng nhiều hơn mưa con người héo úa nhưng hay cãi.
Vốn tui “quậy rất dễ thương” nên hắn nhận và mail lại cho tui biết. Hắn hứa các tác phẩm “kiệt tác văn chương liên hiệp quốc” của tui sẽ “treo” ở mặt tiền nhà hắn. Tui thấy vui vui hăng hái viết.
Hổm rày zdòm ngó nhà hắn, tui thấy hắn cũng có “máu quậy” đăng tải khá nhiều bài vở của các “cụ” khó tánh. Nhìn cái nhà ảo của hắn toàn dân “la vang” chữ nghĩa (xin lỗi không phải địa danh La Vang). Tui lo cho hắn vì ở đời giả thật xưa nay khó lường. Hắn có lý “nghệ thuật văn chương không biên giới”.
Tình thật thì tui liều mạng vì cái gọi là Văn chương của tôi “thấy gì viết nấy”, viết thực và thật không sợ bão giông. Tui ỷ mình một người thợ cày biết chữ, thời tui văn minh hơn thời cha ông chỗ đó. Nhưng tui chẳng dám nghênh ngang ghi danh tánh kèm cái đuôi chấm(.) chức vụ, cái đầu (.) học vị kèm danh tánh “nhà văn”, “nhà thơ” như ông “Bí thơ-Nhà thơ A” hay “Nhà phê bình-TS Chăn nuôi Z” đi đâu cũng kè kè chai dầu thơm “xịt xịt”. Tui sợ thơm lây với “mấy nhà đó” . Vì tiếng tăm hắn quá “sôi và nổi” sẽ làm cái nhà của hắn rung rinh, tâm hồn hắn rục rịch. Và thật đại hại, lo lắng phòng xa của tui, hắn “tịt” luôn nguồn sáng tạo thơ như đã dự báo. Tui thấy thơ hắn ngày sau nhiều lời ít ý hơn ngày trước. Tui bực mình viết tiếp thư “trách”, tui viết xong lâu lắc vẫn chưa gởi.
*
Mới đó đã hết năm, nhà hắn “thôi nôi”, tui bỗng dưng thương hắn, không biết hắn có biết thương tui. Mà thôi. Chuyện này không thể nói qua thư được. Tình cảm thể hiện bằng chữ khác với nói bằng lời. Bằng lời thì phải vào tận Sài gòn gặp hắn để “chúc mừng”.
Cả chục năm qua, hắn phiêu bạt mưu sinh bằng cái nghề viết lách tận trong Sài Gòn, tới giờ “giàu” xây được cái nhà trên in-tờ-nét để quảng cáo “thơ chuyên nghiệp”. Tui ở quê cày ruộng biết mô tê răng trong nớ. Tui đã lao vào cầm bút, xa lạ với giới cầm bút sẽ bị lạc hậu. Tui viết thư báo cho hắn biết là sẽ vào thăm. Đột ngột Miền Trung mấy hôm rày mưa to dữ quá, nhiều cơn bão lớn lại đến nên…
Tui lại lang thang vòng quanh cái nhà của hắn, đọc hắn cũng nhiều nhưng chưa chắc đã hiểu hết về hắn. Hắn cũng chẳng thể hiểu tui, nhất quyết tui phải vào tận cái nhà thật của hắn một lần xem có kích thích cảm xúc thi sĩ của hắn sống lại thuở ban đầu. Liệu hắn có tiếp không ta?. Tui lại Ngó-Nghĩ-Cân-Đo.
Tui vô lý rồi. Cái nhà hắn đang “ăn nên làm ra” nổi như cồn. Lo gì. Tui có được cái tên “tác giả” treo trong đó, được hắn cho “thơm lây” danh tánh. Biết nhau như zdậy đã là bạn rồi. Nghe người ta nói hắn quý bạn bè văn nghệ “chưa nổi tiếng”. Hắn thật công bằng.
Hắn cày trên cánh đồng chữ đã lâu nhưng mới gầy dựng một năm để làm nhà, vốn liếng hắn chắc chiu, thậm chí cắn răng lấy gồng nuôi “cái nhà văn chương”(loại nhà này có tiền thì luôn luôn mới, không tiền thì đi vào dĩ vãng). Mặt tiền hoành tráng dễ sợ, nhà hắn đứng vào top 10 “những người giàu có in-tờ-nét văn chương mạng thế giới”. Chuyện này có thật. Vào hồi… giờ hôm nay, tôi kiểm tra các website văn chương của bè bạn tại www.alexa.com thì thấy ngay kết quả, kết quả có thể thay đổi vào giờ chót thì tui không đảm bảo.
Nhà hắn oách thật xài toàn văn học thuần khiết không ô tạp quảng cáo ăn theo. Khối kẻ nhờ chơi ở nhà hắn mà thơm, lây lan ra cả toàn cầu. Tui tin hắn, không sợ hắn hiểu lầm, thấy hắn giàu nên “ăn mày thời đại” mò vô. Hắn vô tư. Tui tự trọng ngang ngang tự ái. Và tui nghĩ, chắc không đến nỗi nào hắn đối xử tệ với người cùng quê.
Để chắc ăn, tránh thắc mắc của mấy cây bút có tên tuổi “Bí thơ-Nhà Thơ A” hay “Nhà phê bình-TS chăn nuôi Z…”, trong e-mail này tui kèm theo một câu “Trên thực tế có gì vướng mắc “không thơm”. Cần nghiên cứu và đề xuất lên cấp trên internet để có hướng chỉ đạo cùng nhau khắc phục”. Câu này văn tự cũ rích mà rất hiệu quả, “chắc như bắp” tránh được sự hiểu lầm.
Tạm chia tay N…
Đêm PR cô đơn
Ký tên
Viết xong, tui phải Ngó-Nghĩ-Cân-Đo tình hình trên in-tờ-nét suốt cả tuần mới dám gởi.
Gởi xong E-mail tui sướng quá, sướng trong sự đợi chờ lo âu thấp thỏm, sợ nước dầu thơm dính vào người cầm bút dân quê thành người nổi tiếng, sợ cái kểu thơm nặng mùi danh lợi và sợ…tui thích mùi thơm vốn có tự nhiên hơn. Tui nghịch nghịch chế ra câu ranh ngôn an ủi “Một người làm Thơ…cả đám được thơm lây”. Tui ngồi cười một mình như đàn bà vừa “vượt cạn an toàn”. Những đứa con tinh thần của tui rồi sẽ thơm vì thời vàng thau đang cùng giá. Hy vọng cái truyện mới nhất sẽ được quan tâm của “nhà phê bình hậu đương đại”. Tui sẽ trở thành “dân sĩ”.
Nếu hắn ưu ái tui kín đáo một chút cũng sẽ “thơm lây”, có khi nổi danh sớm hơn tôi nghĩ. Nhiều nhân vật trên cái nhà ảo của hắn “đao to búa lớn” đã thơm lâu vì có người được “xịt dầu thơm”. Cái nhà hắn vui đáo để. Hắn phải “bạc đầu rụng tóc” cũng vì bạn bè quá mến yêu. Tui sướng quá la lên:
-Thông cảm! Thông cảm! “Văn chương chỉ là trò chơi trẻ con”(*).
Chắc chắn hắn hiểu mà “cười tưng tưng”. Nhưng giờ đây ở quê tui vị trí số hai lại  là “Nhất sĩ…Nhì nông…”.
Mơ mộng văn chương của tui chỉ còn là “mông mợ”
-Bay…(bye)!!!

(Đọc giọng Sài gòn, chớ đọc giọng P.Y kỳ cục lắm)./.

PR tháng 9/2008
VT