Trang chủ » Truyện

Những người gặp may

Phùng Phương Quý
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

Truyện ngắn của Nguyễn Quốc Hùnghspace=15

-Cái cân làng xuống! Xuống nữa!
-Chín cái chẵn rồi, chẳng nhẽ... đánh lẻ.
-Bán chẵn!
-Mở bát!
-Chẵn! Mười cái chẵn! Cờ bạc như bịp!
Gần hai chục con bạc sát phạt nhau. Gần hai chục con bạc “cò con”, tiền bạc là những đồng lương còm. Chẳng ai xa lạ, công nhân cùng tổ với nhau cả. Tất cả xúm quanh cái đĩa nhỏ, trên úp cái chén và bên trong là bốn mảnh vỏ hạt dưa. Đang trong giờ nghỉ trưa. Trời nóng quá. Cái nắng nung chảy nhựa trên đường, sắt thép tưởng chừng cũng phải oằn lại, hầm hập nóng. Gần hai mươi con người tự nguyện giam mình trong căn phòng mười năm mét vuông, cửa đóng kín vì sợ bảo vệ, quạt không dám bật vì bay tiền. Người vòng trong thì ngồi xổm nhấp nhổm, kẻ vòng ngoài thì cúi lom khom cắm đầu vào. Mồ hôi người đứng trên nhỏ giọt xuống người ngồi dưới, mồ hôi người ngồi dưới nhỏ giọt xuống những tờ giấy bạc nhàu nát. Cả đàn bà cũng tham gia, tóc bết mồ hôi. Đàn ông thì trần trùng trục, người gầy khô, da sạm nắng. Tất cả đều dán mắt vào vận may nằm bên trong cái chén con con. Tất cả đều muốn thành tiên tri để đoán được những mảnh vỏ hạt dưa kia úp theo chiều nào. Những mảnh vỏ hạt dưa đã được thổi linh hồn vào!
Còn tôi, cái nóng trong gian phòng đang dần hút hết sinh khí trong người.
Tôi năm nay ba mươi lăm tuổi, chưa vợ. Không một người con gái nào dám đặt số phận mình vào gia cảnh tôi. Gia đình tôi sống trong gian hầm của toà nhà Tây, thế mà vẫn bị dột, mẹ thì già lại có cô em gái dở người. Không biết tôi có duyên với cờ bạc hay không, chưa một lần dám thử xem đỏ hay đen, thậm chí chưa lần nào đánh bài cho vui. Tôi tìm lời giải thích xem người ta máu mê bài bạc là do nguyên nhân nào. Chẳng lẽ là thú vui, để giải buồn trong những lúc nghỉ ngơi? Nếu bị thua sẽ còn buồn nhiều hơn. Hay là trong máu của họ có chất gây nghiện cờ bạc như thông tin trên một tờ báo đã đưa? Tôi không thể kiểm chứng được. Phiêu lưu. Tội lỗi. Họ tin vào sự may rủi. Nếu gặp may, thắng bạc, thì phải khao, phải rủ nhau đi ăn uống cũng hết. Chẳng ai nên người về cờ bạc cả. Tôi ngẫm cái câu: “của thiên trả địa” trong những trường hợp ở tổ tôi thấy đúng. Tôi không dám thả công sức của mình vào cuộc may rủi này, còn nhiều việc khác phải lo.
Không rượu, không trà, không cờ bạc, làm tốt trách nhiệm của mình, tôi tròn trĩnh như một quả bóng. Ở phân xưởng này bọn họ gọi tôi là quan hoạn.
Mồ hôi trên người tôi chảy thành dòng, ướt đẫm cả cạp quần. Nóng quá! Căn phòng nghỉ đã nhỏ bé, mái tôn sắt, tường quây cũng bằng sắt, đến cái ghế ngồi cũng bằng sắt, khác nào cho thêm củi vào bếp lò trời. Tôi biết đi đâu để tránh cái nóng lúc này được đây. Giờ nghỉ trưa, về nhà thì quá xa, dưới nhà xưởng tuy bằng sắt, có thoáng hơn nhưng bừa bộn dầu mỡ không có chỗ ngả lưng. Quanh phân xưởng duy nhất có một bóng cây nhưng chẳng lẽ lại lăn ra đất. Tôi phải chui vào cái “hoả lò” này để mặc cho cái nóng hành hạ. Tôi thầm nhủ, rồi hôm nào phải mua cái võng mắc lên chỗ cái cây để nghỉ ngơi cho khoẻ.
Đầu óc tôi căng ra như có lửa đốt trong đó, hơi thở nặng nhọc. Tôi cố tạo cho mình ảo giác để đánh lừa cái nóng bằng cách cố tình nghĩ rằng, bây giờ đang là mùa đông trên biên giới phía Bắc nơi tôi đã là người lính giữ chốt, từng phải đắp ba cái chăn chấn thủ, mặc áo bông, mũ bông mà vẫn còn thấy rét. Tiếng người cầm cái bạc cũng khô lạnh, đều đều ma quái như ngọn gió mùa đông bắc: “Cái cân làng xuống nữa!”. Bọn họ đâu có thấy nóng như tôi.
Cảm giác có một luồng khí lạnh từ trong xương tuỷ lan toả ra ngoài khiến tôi rùng mình. Lên cơn sốt rét rồi, kinh nghiệm của người đã từng trải qua nhiều trận sốt rét rừng mách bảo tôi. Một bên mông lại bắt đầu buốt nhói. Cái mảnh pháo bằng hạt ngô còn nằm lại trong mông bên phải nay lại cựa quậy. Tôi muốn ngả lưng cho đỡ mệt mỏi, nhức nhối nhưng chẳng còn chỗ nào có thể, đám cờ bạc đã chiếm hết. Tôi cố ghé nhờ bên mông lành lặn lên đầu ghế.
Cái mảnh pháo cỏn con nằm lại trong cơ thể là điều không may cuối cùng trong quãng đời người lính giữ chốt của tôi. Lần thứ ba tôi cùng đại đội hành quân lên thay chốt. Lính tráng chúng tôi tư trang gọn nhẹ, ba lô rỗng tuếch, đến cái áo mưa cũng chẳng còn. Chỉ có những anh liên lạc cho sĩ quan là vất vả, phải mang vác cho cấp trên nhiều quá. Chính thằng liên lạc đại đội gây nên hậu quả cho tôi. Cái phích trên lưng nó cứ lấp la lấp loá trong nắng chiều, làm mục tiêu cho pháo địch giã giò. Chúng tôi nằm bẹp xuống, đất đá thi nhau trùm lên người. Địch không hề tiếc đạn khi phát hiện trong đội hình có sĩ quan. Cái phích lăn lóc giữa đường, mặc cho đất đá cứ tung lên nó vẫn ngang nhiên phản chiếu nắng chiều. Tôi nằm cách cái phích gần chục mét, phán đoán ý đồ của pháo địch muốn dập tắt cái ánh sáng kia. Đợi cho một đợt pháo vừa ngớt, tôi cởi áo lao lên trùm vào cái phích. Một loạt pháo tiếp theo dội xuống. Rủi thay, mông của tôi nằm đúng vào mô đất cao để cho một loạt mảnh văng vào. Pháo địch thôi bắn khi không còn thấy mục tiêu. Tôi phải nằm điều trị tại trạm quân y ba tháng để lấy những mảnh pháo ra. Chỉ bị ở phần mềm, bác sĩ lấy ra được ba mảnh, còn một mảnh con con không lấy ra được. Phải mổ dọc mông đến ba mươi phân nhưng mảnh pháo cứ lẩn sang vị trí khác không khớp với phim chụp. Bác sĩ khâu vết mổ lại, cho biết rồi sau này nó sẽ tự đùn ra.
Có thằng nào đó tôi chẳng nhận ra, mua được tiếng bạc to, sướng qua nhao người vào vơ tiền, chân đạp cả vào đầu tôi đau điếng. Tôi không nói gì chỉ gạt chân nó ra. Có lẽ bọn người đang đam mê bài bạc kia thích tôi vì tính đó, sẵn sàng bỏ qua sai sót của người khác nếu chỉ là vô tình. Tôi biết, con người ai cũng ích kỷ cá nhân, nhất là trong thời buổi khó khăn này, cho nên không bao giờ tôi tranh chấp, đụng chạm đến quyền lợi riêng tư của ai. Thậm chí tôi còn thường xuyên giúp đỡ trong công việc đối với mọi người một cách vô tư và thông minh. Phân xưởng của chúng tôi có hơn một trăm người thì duy nhất có mình tôi trải qua chiến trận. Những câu chuyện về chiến tranh của tôi là đề tài hấp dẫn, phiêu lưu đối với mọi người vào những ngày cuối kì lương. Có những cô gái trẻ đam mê với bài bạc, với tiểu thuyết tình ái, khi nghe chuyện chiến tranh, chuyện đời sống của người dân tộc, chuyện chợ tình cũng say sưa không kém gì khi ngồi vào chiếu bạc. Họ thương hại tôi thực lòng. Nhưng sự thương hại và tình yêu là gianh giới được xác định rõ ràng trong ý nghĩ của các cô gái. Tôi cũng giữ đúng khoảng cách giữa thương hại và tình yêu ấy, chưa một lần nào thử nhích lại gần. Cũng bởi tôi mặc cảm với thân phận của tôi.
Còn bây giờ, chỉ vô tình thôi, đám người cờ bạc, trong đó có cả các cô gái thực sự thương hại tôi đang đẩy dần tôi ra khỏi ghế. Tôi cố ghé người đang đau ê ẩm dựa vào một thân hình gầy còm, nhớp nháp mồ hôi của kẻ ngồi trên cho đỡ mệt. Thỉnh thoảng đứa nào lại vẩy mồ hôi bắn cả vào người tôi. Giọt mồ hôi lầy nhầy, lạnh buốt khiến tôi rùng mình.
Bỗng nhiên cánh cửa phòng bị giật một cách thô bạo, tung hết tất cả các chốt bên trong. Đám cờ bạc giật mình, tất cả các cái đầu đều đồng loạt quay ra phía cửa, ánh mắt sững sờ chưa hiểu nguyên nhân vì sao. Năm nhân viên bảo vệ bước nhanh vào đẩy vẹt đám người trần trục, nhớp nháp mồ hôi ra rồi vơ lấy vật chứng. Các con bạc nhận ra mối nguy hiểm thì đã muộn. Tôi để ý thấy mấy người lỉnh ra ngoài cửa dễ dàng, còn lại đều bị nhân viên bảo vệ đứng chặn lại. Không có tội gì, chẳng phải sợ ai cả, cái ghế lúc này không còn ai ngồi, tôi nằm xoài xuống cho đỡ mỏi mệt. Ý nghĩ trong đầu tôi bị tê dại đi rồi lúc sau thiêm thiếp trong tình trạng cơ thể ê ẩm đau, một bên mông vẫn còn nhức nhối.
Không biết tôi thiếp đi bao lâu thì bỗng dưng bị dựng ngược dậy bởi một nhân viên bảo vệ nắm tóc tôi giật mạnh, giống như cái giật cửa thô bạo khi nãy của anh ta. Tôi bị tê dại hết cả mảng da đầu. Không kiềm chế nổi, tôi vung tay đấm thẳng vào mặt anh ta, không hề nghĩ tới hậu quả sẽ ra sao. Mấy nhân viên bảo vệ đứng xung quanh lao vào tôi để bênh người của họ. Tôi không thể phân biệt được họ đã làm thế nào với tôi bởi sau đó tôi không còn đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc. Đến khi cái nắng gay gắt giữa trưa trùm lên người, tôi mới nhận ra cánh tay phải đang bị vặn ngược ra phía sau, đau buốt bả vai. Tôi không chịu đựng nổi khuỵ xuống. Họ kéo tôi đứng dậy, siết chặt hơn cánh tay tôi rồi dẫn đi. Tôi nhận ra Hưng còm cầm thanh sắt đứng giữa đường chặn tất cả lại:
-Bỏ anh ấy ra, anh ấy không có tội gì cả!
-Bọn cờ bạc chúng mày còn thích gây chuyện hả! Lên mà chọc bố mày ngồi trên phòng giám đốc kia kìa!
Nhân viên đẩy Hưng còm dạt ra lại tiếp tục lôi tôi đi.
-Đừng có động chạm đến bố tao. Bỏ tay ra để anh ấy đi tử tế!
Mấy nhân viên bảo vệ một phần cũng thấy cái sai, một phần phải lép vế trước thằng con giám đốc ngỗ ngược nên buông tôi ra. Tôi lảo đảo gần ngã do mất thăng bằng nhưng rồi cố gượng được bằng những bước đi chập chững, khó nhọc. Thấy vậy mấy thanh niên xúm vào đỡ tôi. Hưng còm ghé lưng bắt tôi bám vào để nó cõng. Chắc là chúng biết, khi bị sốt rét tôi sẽ mệt mỏi thế nào. Theo sau chúng tôi là đoàn người của phân xưởng. Không biết họ đi theo tôi làm nhân chứng bảo vệ tôi hay vì hiếu kỳ.
Nằm trên lưng Hưng, tôi nhận thấy hơi thở của nó gấp gáp. Hưng bước đi không còn vững. Tôi nặng hơn nó đến mười lăm cân. Đã một lần tôi được nghe hơi thở thế này, suốt đời không thể nào quên được.
...Trận sốt rét rừng hành hạ suốt một tuần liền khiến sức lực của tôi kiệt quệ. Chiều hôm đó nhiệt độ cơ thể tôi lên tới bốn mốt độ, cần phải đi cấp cứu ngay. Từ điểm chốt của chúng tôi xuống trạm quân y trung đoàn xa gần chục cây số. Bốn chiến sĩ trong đơn vị võng tôi đi. Được chừng non đường thì bỗng nhiên chiếc võng bị rách xoạc khiến tôi đập người xuống đá đau điếng. Tôi yếu quá không thể tự ngồi dậy nổi, mọi người buộc túm võng lại đặt tôi lên tiếp tục khiêng. Vừa nhấc tôi lên đòn khênh bị gãy đôi.
-Điềm xấu đây! – Mọi người thì thào với nhau. Tôi biết họ ám chỉ tôi.
Không có dao để chặt cây làm đòn khênh, mọi người phải thay nhau cõng tôi đi tiếp. Bước chân của mọi người muốn quỵ xuống bởi đường dốc lại mang tôi trên lưng, hơi thở dồn dập nhiều khi nghẹn nấc lên. Tôi thương anh em quá đòi xuống tự đi. Nhưng dù có hai người xốc nách hai bên tôi cũng không thể đứng vững, đôi chân mềm nhũn, các cơ bắp không còn khả năng hoạt động. Anh em phải cõng tôi đi tiếp.
Một loạt pháo lao tới, tiếng rít rùng rợn. Chúng tôi lăn xuống vệ đường. Khi pháo thôi bắn, tôi cố chống tay ngồi dậy. Thằng Đạo đã hy sinh cạnh tôi, người nó đẫm máu. Thằng Trường ôm đùi, thằng Phượng, thằng Cư đang băng lại cho nó....
Trong phòng phó giám đốc nội chính, tôi đã tỉnh táo lại hẳn sau mấy ngụm nước lạnh. Phó giám đốc Doanh nhìn tôi như thể nhìn một vật lạ, chậm rãi nói:
-Ông mà cũng cờ bạc cơ à? Còn chống lại bảo vệ nữa chứ, tôi hơi ngạc nhiên đấy!
-Sao lại gán cho tôi lắm tội thế. Thế cái tội để cho công nhân tự do cờ bạc, để cho bảo vệ có thói hách dịch là do ai.
Tôi xưng hô ngang hàng phải lứa với Doanh bởi trước đây học cùng khoá và lúc này chỉ có hai người trong phòng.
-Tội chứng quá rõ ràng ông còn cãi gì nữa nào!
Doanh đứng bật dậy to tiếng, mặt đỏ dựng. Có lẽ anh ta không chờ đợi câu trả lời như vậy của tôi.
Tôi thấy mình bị tự ái bởi thái độ trịch thượng của Doanh, nói mỉa lại:
-Liệu ông có ép tội tôi như ngày xưa ông làm với thằng Toàn không đấy?
Doanh nhếch miệng cười, tiếng cười giật cục rất hợp với khuôn mặt mỏng và gãy. Anh ta đi đi lại lại trong phòng tỏ vẻ bề trên, dáng đi cố tạo vẻ nghiêm nghị bằng cách ưỡn ngực trịnh trọng nhưng không giấu được mỗi bước chân khi bước đi nhấp nhổm như thăm dò xem đất nơi ấy có bị lún hay không.
Tôi nhắc lại vụ lật đổ lớp trưởng Toàn vì đến nay chỉ có tôi và Doanh biết. Hồi ấy tôi và Doanh học cùng một khoá trong trường dạy nghề. Toàn là lớp trưởng còn Doanh là lớp phó. Quy định của trường là lớp trưởng không phải tham gia một số kỳ thi để bù lại cho công tác chung của lớp. Một dịp, lớp chúng tôi được nhà máy tổ chức xuống lao động thực tế dưới các phân xưởng. Sau khi kết thúc đợt lao động, các phân xưởng trích một khoản tiền nhỏ trả công cho chúng tôi. Không ai quan tâm mình được bao nhiêu tiền bởi chúng tôi còn trẻ, chưa phải lo toan tới thu nhập hàng ngày. Còn Doanh thì biết rất rõ. Sau khi phát tiền cho cả lớp xong, Doanh gọi Toàn và tôi ra chỗ kín đáo gặp riêng. Anh ta đưa ra những chứng cứ buộc tội Toàn bớt xén tiền của anh em, mặc dù số tiền đó chỉ đủ thuốc nước lặt vặt. Toàn lý giải đó là đã biếu lại cho công nhân phân xưởng ít chè thuốc để cám ơn họ đã giúp đỡ trong thời gian lao động nhưng quên chưa nói với lớp. Doanh bắt Toàn phải đi xin xác nhận của những người đã nhận số tiền đó. Toàn không đồng ý bởi làm thế mất mặt người nhận. Doanh kéo tôi vào cuộc, lập biên bản với nội dung Toàn bớt xén tiền công của lớp. Khi ấy tôi đã quá khờ dại vào hùa với Doanh. Biên bản được gửi lên nhà trường. Cả lớp làm bản kiến nghị có đầy đủ chữ kí, trừ tôi và Doang gửi lên nhà trường xin cho Toàn không bị đuổi học. Bản kiến nghị ấy bị Doanh ỉm đi. Mấy hôm sau Doanh lại đưa bản kiến nghị ấy cho tôi để gửi lên nhà trường. Nhưng đã quá muộn, Toàn vẫn bị đuổi học. Sau này tôi mới nhận ra, Doanh muốn đổ trách nhiệm cho tôi. Doanh nghiễm nhiên thay lớp trưởng và không phải tham gia một số kỳ thi cùng lớp...
Doanh ngồi xuống cạnh, vỗ vai tôi tạo vẻ thân tình. Không biết anh ta suy tính điều gì. Vừa khi ấy, quản đốc phân xưởng Cương, cũng là bạn học cùng khoá, sầm sập bước vào. Chưa để cho Cương lên tiếng, Doanh đã gắt gỏng:
-Này, ông nhận lại công nhân của ông đi, cả phân xưởng đang phản đối tôi ngoài kia. Ông ấy có dính dáng đến cờ bạc đâu, mà ông cũng phải biết tận dụng một người thợ giỏi, một người có đạo đức tốt cho phân xưởng chứ!
Cương đỏ mặt, giận giữ trút hết nỗi bực dọc lên tôi:
-Tôi biết, anh ta là thợ giỏi, là người có đạo đức nhưng bây giờ tôi không muốn nhận! Giỏi nhưng không biết phát huy cái giỏi, chỉ kể chuyện đánh nhau là không ai bằng!
Tôi không ngạc nhiên về những câu xỉ vả của Cương với tôi. Cương lại sầm sập đi ra. Doanh đổi giọng nhẹ nhàng với tôi:
-Một con chó được chủ cưng chiều. Nó có nể nang gì bạn bè đâu. Gậy của nó cứng lắm cho nên vênh vác. Không cùng hội cờ bạc với nó phải không? Ông dại lắm, thừa cơ hội để tiến thân, thành tích chiến đấu có ai sánh kịp, sao không biết tận dụng?
-Chính ông mới chậm hiểu thời cuộc, bây giờ làm gì còn có chuyện đặt thành tích của người khác lên bàn để cân nhắc!
Doanh lớn tiếng cười, mỉa mai sự kém cỏi của tôi. Doanh bảo tôi về làm, cuối giờ lên gặp lại.
Cuối giờ chiều tôi lên gặp Doanh.
-Ngồi xuống đây, tôi gọi mấy tay bảo vệ lên đánh bài cho vui.
-Đánh đùa hay đánh tiền đấy? Tôi làm gì có tiền để chơi.
-Cờ bạc không có tiền chán bỏ mẹ, cầm lấy tiền của tôi chơi.
Tôi ngạc nhiên:
-Ông là người kí quyết định ngăn cấm cờ bạc lại còn thế thì nói được ai!
-Đánh bạc trong giờ sản xuất thì cấm, ngoài ra thoải mái đi. Không hiểu sao cứ lúc có chuyện buồn phiền tôi lại ham muốn được cầm quân bài. Nó làm cho tôi khuây khoả đi rất nhiều. Cuộc đời cứ trôi đi bình bình như ông thì buồn lắm. Hãy đặt mình vào chiếu bạc đi, ông sẽ có những phút lo lắng đến cháy lòng nhưng rồi có những lúc sẽ được hưởng niềm vui đến tột cùng. Hãy tính toán cho từng bước đi của mình, thà nằm xuống còn hơn cuộc đời chẳng có nghĩa lý gì.
-Có phải vợ ông ngoại tình với chính người đã đưa ông lên địa vị này, ông chán rủ tôi đánh bạc là vậy, tôi không thích nước bài này của ông!
Doanh thở dài:
-Thôi, không cờ bạc nữa, ngồi nói chuyện với nhau một lúc, tôi chán về nhà lắm rồi. Cái giá phải trả của tôi là thế. Tôi chấp nhận nhưng cũng đau lòng lắm. Tôi đã dâng vợ cho nó để rồi chúng nó công khai ôm ấp, về nhà còn xỉ vả tôi là đê tiện. Nhục lắm! Thôi đành vậy, mà tôi đâu có thực sự yêu cô ta. Ông có biết tình yêu của tôi dành cho ai không? Cho Tâm! Người mà tôi với ông thầm yêu từ thuở học sinh ấy. Cô ấy đẹp lắm, đôi mắt tròn đen, sâu thẳm, chứa đựng tình cảm mãnh liệt. Nếu ông không phải đi bộ đội chắc đã giành được cô ta. Sao ông dại thế, viết thư về từ chối tình cảm của cô ấy. Hãy giúp tôi đi, ông bây giờ vẫn là trai tân, thiếu gì những em trẻ đẹp, còn cô ấy goá chồng ba năm nay rồi, không xứng với ông. Chỉ cần ông khuyên cô ấy từ bỏ cái phân xưởng nóng bức ấy và công việc nặng nhọc lên đây làm việc, tôi sẽ giúp cô ấy.   
-Tưởng rằng mời tôi lên là tình cảm bạn bè chân thành, thế ra đều nằm trong sự tính toán. Thiếu gì những em trẻ đẹp tình nguyện lên đây mà cứ phải cô ấy. Tôi xin ông hãy buông tha cô ấy ra, cô ấy thừa biết ý đồ của ông. - Tôi nổi nóng.
Doanh vẫn điềm nhiên, giọng nói xít lại ma giáo:
-Ông ngu lắm, gái một con trông mòn con mắt, ông chưa vợ chưa biết được cái thú vui của gái một con. Nói vậy thôi, tôi muốn cứu cô ấy ra khỏi cái miệng sói của thằng Cương. Cái thằng đồ tể! May cho nó vụ đánh bạc trưa nay không tham gia. Ông với Tâm còn sống với nó ngày nào thì nó sẽ “đì” chết ngày ấy. Ai cho ông giỏi hơn nó. Đừng khoe cái tài hơn người khác. Đời là vậy, con người cứ chấp nhặt, ganh ghé nhau từng tí một, không ai công nhận mình ngu hơn người khác. Ông giúp tôi đi, thế nào thằng Cương cũng bộc lộ điểm sai với ông. Này, chân quản đốc giành cho ông đấy. Tin tôi đi, tôi với ông hiểu nhau quá rõ dễ làm việc.
Với Doanh chẳng có gì để tôi có thể tin tưởng được và tất nhiên câu chuyện giữa hai người Tâm cũng sẽ không bao giờ được biết. Chẳng lẽ tôi lại trở thành tên ma cô hạng nhất hay sao. Còn tình cảm với cô ấy nữa, suốt đời chẳng thể nào quên. Tôi không dám nói ra tình cảm của mình với cô ấy, cho dù điều ấy lúc này là rất thuận tiện, ý tứ của cô ấy vẫn giành cho tôi. Tôi là kẻ nhút nhát chăng? Không phải, tôi không muốn cô ấy phải chịu hoàn cảnh khắc khổ của tôi và tôi vẫn còn tôn trọng tình cảm của cô ấy với người chồng quá cố.
Tôi vào phòng làm việc của Cương để báo cho anh ta tôi vẫn được tiếp tục trở về phân xưởng làm việc. Cương tỏ vẻ không được vui, chỉ gật đầu rồi sầm sập đi ra đê tôi lại mọt mình trong phòng. Vừa lúc ấy Tâm đi vào. Tôi ngượng ngùng nhìn cô ấy. Tâm đưa cho tôi xem tờ giấy mời:
-Em có giấy mời lên phòng phó giám đốc, anh biết có việc gì không?
Tôi nói giấu:
-Anh biết, Doanh muốn em giúp thống kê vài việc gì đó.
-Không phải đâu anh, em biết anh ấy muốn gì rồi. Theo anh em có nên lên trên ấy làm hay không?
-Em lên đấy sẽ có nhiều điều tiếng không hay nhưng không sao đâu, mình thế nào mọi người biết cả. - Tôi nói tin tưởng khiến Tâm yên lòng.
-Vâng, em nghe anh. Em mua cho anh cái võng, buổi trưa anh ra gốc cây mà nghỉ, đỡ nóng bức và tránh được phiền toái.
Tôi trở về bên cỗ máy tiện quen thuộc, lòng không khỏi day dứt khi không có Tâm làm việc bên cạnh. Tại sao khi nãy mình không nói được câu nào thật tình cảm với Tâm, để rồi không biết đến bao giờ có được dịp gần gũi nữa. Tôi ghen tức với Doanh, lo lắng cho từng hành động của Tâm.
Buồn phiền. Mệt mỏi. Nóng bức. Tôi ngủ thiếp trên võng trong giờ nghỉ trưa. Chợp mắt không được bao lâu, tôi trở người thấy các bắp thịt bắt đầu nhức mỏi, đầu váng vất đau. Cơn sốt rét ập đến đúng như dự đoán, tôi nằm co quắp, hai bàn chân lạnh buốt, cơ thể run lên bần bật. Không gian xung quanh mỏng mảnh và khô ròn. Tôi chỉ muốn nhao ra nắng để đốt nóng cái lạnh bên trong xương tủy đang bò ra. Nếu cứ nằm yên tĩnh thế này chỉ lát nữa cơn sốt rét sẽ qua thôi để rồi ngày mai cũng giờ này sẽ gặp lại, kinh nghiệm cho tôi biết thế. Tôi cắn răng chịu đựng để cho cơn sốt hành hạ.
Tôi đâu có được nằm yên, có nhân viên bảo vệ gọi tôi lên phòng quản đốc. Rất nhiều người đang chờ tôi đến.
-Anh có biết chuyện gì xảy ra trong phân xưởng không? - Đội trưởng bảo vệ hỏi tôi.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại, giọng run run:
-Có chuỵên gì thế!
-Đừng giả bộ nữa. Phân xưởng mất hai mươi mét cáp điện, ông có biết không? Có người mách, chính ông nằm gác cho bọn trộm ném qua tường. Bây giờ lên ông Doanh mà chối!
Mặt tôi xám ngắt, môi thâm lại, không phải vì sợ mà cơn sốt rét bị sốc thêm. Họ dong tôi đi như dong tội phạm. Mọi người ùa ra nhìn tôi thương hại.
Lần thứ hai tôi bị dong đi, hai bên áp tải là những khẩu súng đầy sát khí.
... Khi ấy, tôi là khẩu đội trưởng cối tám mươi hai ly, phòng ngự trên điểm cao nghìn mốt. Quân dịch tiến lên ngày càng đông, quyết tâm chiếm được điểm cao. Lần thứ ba tôi gọi điện cho tiểu đoàn bổ xung quân. Bốn đồng đội nằm bất động xung quanh khẩu pháo, còn tôi thì vẫn trơ trơ không mảy may sứt sát. Hai người khác vừa bổ xung lên cũng ngã xuống. Chỉ còn mình tôi xoay xở, vừa chuyển đạn vừa lấy tọa độ vừa bắn. Tôi là khẩu đội trưởng có tài cho nên những quả đạn rót rất đúng mục tiêu. Địch không ngừng tiến, tôi gọi bổ xung quân. Một quả đạn pháo nổ gần hất tôi văng ra xa, lửa táp vào mặt rát rạt. Tôi ngất đi không biết trong bao lâu. Khi tỉnh dậy, không gian xung quanh yên ắng như chưa từng có trận đánh nào xảy ra. Không biết trận địa thế nào rồi! Tôi cố lách mình qua khe đá có lẽ bị văng vào khi nãy. Vừa chui ra khỏi, người đầu tiên tôi gặp là trung đoàn trưởng. Tôi bị kết tội sợ chết trốn tránh trong khe đá. Ai có thể thanh minh được cho tôi? Sáu chiến sĩ nằm đó không thể nói được, đại đội trưởng là người chứng kiến những đường đạn chính xác của tôi, tiểu đoàn trưởng là người nhận được yêu cầu tăng quân của tôi, tất cả đã hy sinh cả. Tại sao không mảnh đạn nào văng vào tôi để tôi được nằm xuống, khi ấy tôi sẽ được ca ngợi, sẽ được phong anh hùng. Vì thế cho nên tôi phải chịu đi giữa hai vệ binh áp tải về trung đoàn chịu kỷ luật.
Hai người bảo vệ đẩy tôi vào phòng Doanh như đẩy phạm nhân. Tâm đang viết bên bàn thấy vậy hốt hoảng chạy lại đỡ tôi.
-Sao thế này? Xảy ra chuyện gì nữa đây? Anh bị sốt rét rồi, tái thâm mặt mũi lại rồi đây này! Anh nóng quá, để em đi gọi y tá.
Tôi ngồi xuống ghế, chưa kịp nghe hết người bảo vệ trình bày với Doanh cảm thấy các cơ tay, chân và bụng co thắt lại. Tôi xoài người trên ghế, cổ tắc nghẹn lại, rít lên vì không thở được. Tâm gọi xe cấp cứu. Không biết ai đưa tôi lên xe.
Nhiệt độ cơ thể tôi lên đến bốn hai độ. Mấy người giữ chặt tôi cho khỏi vật vã để bác sĩ tiêm canxi vào cơ thể tôi.
-Đã thấy nóng đít chưa? - Bác sĩ hỏi khi thấy tôi đã tỉnh trở lại.
Tôi gật đầu. Tôi cảm nhận được hơi nóng chuyển dần từ hậu môn lan tỏa khắp cơ thể rồi bốc lên đỉnh đầu. Tôi dễ thở hơn, tình trạng co thắt đã giảm bớt nhưng người vẫn chưa hết run. Xung quanh tôi rất đông người. Tiếng Tâm gắt gỏng:
-Tại chúng mày, chính chúng mày khiến anh ấy bị thế này. Nhận tội đi, đừng để tao tố cáo, tao biết cả rồi. Chúng mày hãy thôi ngay cờ bạc, thôi ngay đi!
-Được rồi, lúc này không phải lúc nói chuyện ấy, lo cho anh ấy khỏe hẳn đã.
Yên lặng. Có ai đó nằm đè lên người tôi. Bị sốt rét mà được người khác đè lên mình thấy dễ chịu lắm. Tôi ngủ thiếp đi.
Tôi tỉnh dậy, cơ thể rệu rã. Người nằm đè lên tôi là Tâm. Tại sao cô ấy biết được người bị sốt rét được như vậy sẽ dễ chịu nhỉ? Mọi người vẫn đứng xung quanh tôi. Mấy người đưa tay quyệt nước mắt, có cả mấy cô gái trẻ hay cờ bạc. Có lẽ họ thương hại cho tình cảnh của tôi. Hạnh phúc cho tôi lắm rồi, tôi chỉ cần có thế.
-Mảnh pháo ở mông anh rơi ra rồi. - Tâm vừa khóc vừa nói với tôi.
Một giọt nước mắt rơi xuống môi tôi. Mằn mặn hay ngọt ngào, tôi không biết dùng từ nào đây. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được hương vị cơ thể người phụ nữ truyền sang mình.

N. Q. H.