Trang chủ » Truyện

Trông cái mặt hắn thì ngu hơn tôi, nhưng ....

Nghiêm Lương Thành
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

Truyện ngắn

Lão là người bình thường. Hai chữ “bình thường” này, theo cách hiểu thế tục đương đại, là người: Nếu là dân thường thì cũng biết đường tỏ rõ ý chí của một công dân lương thiện mà trong sáng nhiệt thành hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, tỉnh táo lật tẩy và đả đảo thật lực vào những bè đảng lưu manh giả danh trí thức đang từng ngày từng giờ phởn phơ phôm phốp phè phỡn phừng phực trên mồ hôi nước mắt của những người đồng bào lam lũ. Nếu có chút chức sắc thì cũng biết đường nhân danh này kia kia nọ mà làm những việc chẳng mấy khi đem lại phúc lợi gì cho những này kia kia nọ ấy. Trong điện kỹ thuật, áp tô mát có cùng công dụng như cầu chì nhưng ưu điểm vượt trội của nó là không phải thay thế sau khi khắc phục lỗi đoản mạch hoặc quá tải mạng điện.
 Lão đã già. Bằng chứng là đã miễn cưỡng về hưu theo luật lao động được hơn một năm. Về hưu theo luật mà vẫn còn thấy miễn cưỡng, đủ thấy lão vẫn còn khối tiềm năng chưa được phát giác. Người già cũng đồng nghĩa với kẻ đầy mình lịch duyệt; lại thêm cái phong độ của một gã tóc muối tiêu tỷ lệ bốn:sáu mà râu vẫn còn đen nhánh thì cũng chẳng khó khăn gì mà không nghĩ ra được những cái mẹo làm ăn trong cái đời kinh tế thị trường này. Chết là ở chỗ trước khi về hưu lão chỉ là một người bình thường. Là người bình thường thì dù có làm việc trong cái cõi không phải đời thường thì thu nhập, và do đó tích lũy, cho đến lúc về hưu cũng chỉ bình thường. Nghĩa là cái tích lũy đó chẳng thể là cái gì đáng kể để thực hiện một nhát đầu tư làm ăn cho nó ra hồn ra dáng một chút. Trường hợp này, dân gian gọi là quấy hồ ngã vào hàng bột, hoặc thâm thúy một cách xuề xòa thì bảo lực bất tòng tâm. Đây là một bài toán vô cùng khó chịu, là thứ mâu thuẫn đáng ghét nhất đối với những cái đầu dư dả trí tuệ, tọa lạc trên những đôi vai vẫn còn săn khỏe.
  Tục ngữ bảo: Cái khó bó cái khôn. Nhưng cái gì cũng vậy, bó mãi sao được. “Cùng tắc bí, bí tắc thông”, đạo giời là vậy và rốt cuộc, kiểu gì thì cái khôn vẫn cứ ló ra. Trong cuộc mưu sinh, cái khôn có thể đến từ nhiều xuất sứ: Hoặc là tự mình nghĩ được, hoặc là nẩy ra từ một thực tế nào đó (như cái tứ bên văn chương ý). Về hưu rồi, lão vẫn giữ được – hay nói “cho nó vuông”: “Rằng quen mất nết đi rồi” – cái nếp đọc các báo của nhà nước từ tám đến mười giờ hàng sáng như ngày nào vẫn còn theo việc tại nhiệm sở. Thế rồi, gái có công, chồng chẳng phụ; cuối cùng, từ cái dòng chảy tin tức và kiến thức cuồn cuộn ấy, lão cũng khám phá ra một kiểu làm ăn hoàn toàn ăn khớp với hoàn cảnh của mình. Đấy là cách làm ăn bắt đầu từ gần như tay trắng, đi từ bé đến nhớn, vừa làm vừa tích tụ tư bản; tích tụ một cách nhân bản, có cơ sở lý luận, y trang phong cách và trúng phóc khoa học của một phương thức phát triển bền vững. Phát hiện ấy đã làm lão sung sướng đến phát khóc. Sung sướng đến nỗi lão đã ngồi ngây ra trên chiếc ghế làm bằng gỗ ghép thanh, giữa cái phòng khách ẩm thấp hôi rình của mình, xúc động lẩm nhẩm: Hỡi các đồng chí hưu trí lương thiện, đây chính là con đường tự cứu lấy mình ! Pau-tốp-xki đã thấy được những viên ngọc lấp lánh trong những cống rãnh ngập ngụa hôi hám thì tại sao ta lại không tìm được thứ gì trong những dòng ánh sáng tri thức của thời đổi mới?!
 Lão nghĩ ngay đến ông Lưu, một người quen, cùng về hưu một năm. Người quen này, trước khi về hưu chừng vài năm, đã hoà trong niềm vui chung “ra ngõ gặp tiến sỹ” của cả nước mà nhận được cái chứng chỉ thợ máy bậc 7 từ một hội đồng nâng bậc kỹ thuật, dĩ nhiên, bao gồm già nửa là tiến sỹ. 
 Sau khi trình bày phương pháp và phương án kinh doanh của mình, lão đã lập tức nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của ông Lưu. Ông Lưu vươn tay qua bàn, nắm lấy tay lão mà nức nở: “Thật không hổ danh là một cán bộ lâu năm của nhà nước !”
 Hai người quyết nghị - Một: Lập một cửa hiệu sửa chữa xe máy phục vụ nhân dân. Việc tìm cửa hàng do lão đảm nhiệm; dứt khoát sẽ thuê ở khu vực chưa có thứ dịch vụ này, rất xa các cửa hiệu sửa chữa khác và dân trí ở đấy còn chưa cao. Hai: Tư liệu sản xuất sẽ là những dụng cụ có sẵn của ông Lưu. Những dụng cụ còn thiếu sẽ bổ sung dần dần sau này. Ba: Để tăng thêm tính thuyết phục về phong cách phục vụ khoa học, đàng hoàng, cửa hiệu thuê thêm một kế toán kiêm làm các thủ tục giấy tờ dịch vụ với khách hàng bằng thời cụ computer và hai thanh niên cao ráo sáng sủa làm thợ phụ.

*
 
Cửa hàng tọa lạc và án ngữ ngay lối vào ra duy nhất - cái yết hầu - của một khu tái định cư mới dành cho những nông dân muôn đời tư hữu; những người vừa buồn rầu miễn cưỡng trao đất của mình cho dự án khu công nghiệp và sân gôn, góp phần tích tụ tư bản, nâng cao khả năng tự cường cho tỉnh nhà, đồng thời phục vụ cho một phong cách giải trí mới lành mạnh, thiết thực và vô cùng sang trọng cho đồng bào trong tỉnh cùng tất cả những đồng bào khác của bất cứ tỉnh nào có nhu cầu giải trí sau những giờ lao động vinh quang, cho bõ những sự lam lũ nhọc nhằn.
Ngày lành tháng tốt đến. Cửa hàng khai trương rực rỡ sắc đỏ băng rôn hoa giấy. Hôm ấy, tất cả các sửa chữa cho khách hàng đều được dịch vụ miễn phí, khuyến mại thêm những nụ cười tươi màu hứa hẹn tương lai. Dân tình ở cái khu tái định cư sinh sau để muộn này, qua đài báo, đã rút kinh nghiệm của những đồng bào cùng cảnh ngộ ở các tỉnh bạn, ráo riết tiết kiệm những đồng tiền được đền bù của mình để ưu tiên cho việc tạo lập sinh kế bền vững, nên chỉ sắm những loại xe máy đã qua sử dụng cho nó rẻ mà vẫn có cái để đi lại. Kết quả sửa chữa miễn phí của ngày đầu tiên đã đem lại cho ông Lưu cái nhận xét ấy. Ông nêu nhận xét của mình với lão. Lão mỉm cười điềm đạm sâu sắc, thầm nghĩ, sẽ có nhiều việc cho cửa hàng đây. Vậy là, cho đến lúc này, cửa hàng đã đạt được hai tiêu chí cơ bản: Thiên thời và địa lợi. Lão hỏi ông Lưu: “Xe máy đã qua sử dụng thường hỏng những bộ phận nào ?”. Ông Lưu kê ra một loạt. Lão tức tốc cùng ông Lưu đi mua tất cả những thứ phụ tùng ấy.
Hôm sau, tức là ngày thứ nhất cửa hàng bước vào kinh doanh chính thức. Các loại hỏng vặt như săm lốp cũ thủng, mất điện, giây công tơ mét không làm việc, còi không kêu, phanh không ăn, xích tải chùng lỏng ... đều được giải quyết bay bay. Khách hàng hài lòng bảo nhau: Hiệp thợ này làm ăn chững chạc đấy. Thật may, từ nay không phải vất vả đem xe hỏng đi chữa xa nữa rồi !
Hôm sau nữa, đã thấy có khách đến thay nhông, xích cam và làm bộ hơi. Xích cam, nhông cam, Pít tông, ắc pít tông, khóa hãm ắc, xéc măng ... thay thế thì lão đã mua sẵn. Việc doa xi lanh, do không có thiết bị, thì cử một chú thợ phụ bay vào một xưởng trong phố và chỉ nửa giờ sau đã bay về. Với tay nghề của ông Lưu, không đầy hai mươi phút tiếp theo, khách đã có thể hớn hở đem xe về chạy rà.
Ngày hôm sau, hôm sau ... rồi cứ thế, mấy tháng liền buồm xuôi gió thuận. Doanh thu khá, thậm chí là cao so với nhiều cửa hàng khác. Có đồng ra đồng vào, ông Lưu và các nhân viên phấn khởi tợn. Mấy chú thợ phụ sáng ý, dưới sự chỉ bảo của ông Lưu và thực tế công việc, tay nghề đã nâng lên trông thấy. Chưa đầy bốn tháng, họ đã nhanh chóng đảm nhiệm được những ca hỏng hóc tương đối khó.  
Tuy vậy, trong số những khách hàng có xuất xứ từ cái khu tái định cư mới này, có một người tóc đã bạc trắng khiến lão phải để mắt; xem cách ăn vận sạch sẽ, giản dị một cách nề nếp và cử chỉ giao thiệp thoải mái mà vẫn lịch lãm thì rõ ông ta không phải nông dân. Chỉ có điều, người như thế, sao lại sở hữu một chiếc xe Trung Quốc cà tàng. Lão chưa thấy ông ta cười vui hoặc khen ngợi cửa hàng của lão lấy một lần. Xe hỏng thì vẫn đem đến chữa, tiền nong chưa bao giờ khất nợ, nhưng ánh mắt của ông vẫn như vướng bận một điều gì đấy, không vui, không thoát. Đôi lần, sau khi trả tiền, thấy ông lắc đầu, thở dài. Ôi, mỗi người một tính một nết, biết thế nào được, để ý làm gì cho mệt.
Giống đời vẫn thường thế, lúc mới, lúc chưa được như ý thì cố gắng vận hết tâm lực, vui vẻ chèo kéo chiều chuộng cho đạt được mục đích; khi đã được việc, và vào lúc đạt được đỉnh cao của sự tín nhiệm thì bắt đầu sinh thỏa mãn, thậm chí kiêu căng khệnh khạng, công việc bê trễ, cẩu thả. Cái cửa hàng dịch vụ sửa chữa xe máy của lão cũng không chệch ra ngoài cái luật ấy. Nhưng vì, cho đến thời điểm này, vấn chưa có cửa hàng cùng loại thứ hai xuất hiện nên cái sự độc quyền được tính đến từ đầu vẫn còn đất dụng võ. Khách hàng, phần lớn bắt đầu thấy ngán ngẩm. Ngán ngẩm bởi thái độ cửa quyền đã đành một nhẽ, cái sự chậm trễ và chất lượng sửa chữa kia mới đáng kể, nhiều khi làm lỡ cả việc.
Lác đác, lão đã thấy một số khách hàng thuê xích lô chở xe vào trong phố để sửa. Ôi dào – lão bực bội lẩm bẩm – để xem có làm mãi như thế được không ! Quả nhiên, tiền thuê xích lô,  tiền công sửa chữa cộng lại cũng quá tội. Cực chẳng đã, những người đó đã phải lần lượt quay về cái cửa hiệu của lão. Lúc đấy, với những người này, lão mới tưng tửng nâng tiền dịch vụ lên cho bõ ghét. Lão cười thầm khoái trá khi đọc được ý nghĩ “thôi thì trả cho xong việc !” trên những khôn mặt xạm nắng, nhẫn nhịn bẩm sinh và quen hạt tiện đó. 
Hôm nay, cái nhà ông có con (tên xe) cà tàng ấy đem xe đến bảo dưỡng toàn bộ. Hắn cũng chẳng buồn mời ông ngồi như những ngày đầu nữa. Còn ông, đứng tránh ra đến sát tường, chăm chú theo dõi thợ làm và thỉnh thoảng lại nhắc nhở: Con ốc ấy không cần phải vặn với lực lớn đến thế; hoặc: lau sạch cát ở cái khay rồi hãy đổ xăng vào rửa chế hòa khí ... hay lúc chú thợ phụ thay dầu máy: Đạp thêm mấy cái cho dầu cũ ở đầu bò xuống hết hẵng vặn đóng ốc nút xả ...
Nhận ra ông tóc bạc trắng cũng là người ít nhiều có hiểu biết về máy móc, tự nhiên, lão sinh lòng nể trọng và tâm lý e ngại. Cái sự nể trọng và e ngại của lão ập tới như một thứ bản năng của kẻ săn mồi. Lão nhận ra ngay rằng một nhận xét của ông với bà con trong khu về chất lượng kỹ thuật dịch vụ, có thể, hoặc đưa lão đến đỉnh cao rực hồng của sự thu nhập hoặc phải bẽ bàng nói lời “chào các bác, em ngược !”.  Lúc thanh toán, lão kéo ghế, hãm trà, hòa nhã mời ông tóc bạc trắng. Ông khách già khoan thai ngồi xuống, nói lời cảm ơn và cầm chén nước nghi ngút khói lên, nhấp chiếu lệ.
- Thưa, hỏi khí không phải - Lão hận trọng gợi chuyện - bác hình như là cán bộ hưu trí ?
Ông tóc bạc nhìn bộ dạng khiêm tốn, cung kính đột xuất của lão, thoáng chút ngạc nhiên:
- Vâng, cảm ơn, cũng được dăm năm rồi.
- Thế trước bác công tác ở ngành nào ạ ?
 - Tôi làm bên giáo dục. Thế còn ông ... chắc cũng như tôi ? – Ông tóc bạc nhìn hắn, nheo mắt, rất khó xác định được ông ta có phải đang cười hay không.
- Không đâu, trước đây tôi làm chuyên trách đoàn thể bên sở tài chính.
- Thảo nào, về hưu rồi mà ông vẫn tháo vát quá ! – Ông tóc bạc nhận xét, mặt lạnh tanh.
Lão đỏ mặt, xoa tay nhũn nhặn:
- Bác cứ nói thế, thiếu sót của chúng em vẫn còn nhiều lắm; có cái tự mình kiểm điểm được, còn nhiều tồn tại mà chưa biết ... mong được bác cho ý kiến chỉ đạo thì chúng em mới mở rộng được tầm mắt mà phục vụ bà con được tốt hơn.
Đến đây, nét mặt ông tóc bạc như nghiêm lại:
- Vâng, tôi có một điều băn khoăn.
- Xin bác cứ nói !
- Ở cái cửa hàng này, không hiểu vì sao, tiền công và phụ tùng thay thế so với các cửa hàng khác luôn cao hơn từ hai mươi đến ba mươi phần trăm ?
Lão tái mặt. Cái ấm chuyên trên tay gã nghiêng đi, đầu vòi trễ xuống, khiến nước chảy ra lênh láng mặt bàn. Ông tóc bạc vội đỡ lấy đặt xuống bàn.
- Hình như ông xúc động ?
- Vâng, cũng chỉ là cái tâm muốn điều tốt cho dân thôi bác ạ
- Cái này gọi là “trong tâm có tiền” chăng ?
- Ý em là ... muốn phục vụ nhân dân được tốt, có chất lượng, mình phải có đầy đủ các thiết bị cần thiết. Cần lên cốt xi lanh: có máy doa; cần ép biên: có máy ép máy mài; cần mài trục cơ: có máy mài chuyên dụng; cần nắn lại khung càng, có dàn ép thủy lực ... Hai đến ba mươi phần trăm ấy chính là tiền để đầu tư vào thiết bị phục vụ nhân dân lâu dài đấy ạ. Dạ, em nói thế, bác thấy có đúng không ạ ?
Ông tóc bạc lấy tay đẩy cái chuyên nước vào sâu hẳn lòng bàn, mắt nhìn thẳng vào khuôn mặt đang rưng rưng của lão:
- Này, ông bạn, tôi thì cứ trực giác, cứ nghĩ đơn giản thôi: Làm lãnh đạo thì phải có đủ đức đủ tài, theo nghề dạy học thì phải có kiến thức, đi buôn thì phải có vốn liếng, hành nghề thì phải có dụng cụ ... Điều này từ xửa xưa đã cứ như thế rồi. Nó luôn cứ như thế, như một thứ tiên đề; không khiến chứng minh, chẳng cần lý luận, ai cũng thấy như thế mới là bình thường.
Mình gặp hạn lớn rồi - Lão thầm nghĩ – cái anh già này quả là lợi hại. Chẳng phải đợi hắn nói ra, trẻ con cũng biết, lão cũng biết. Tuy vậy, lão vẫn tiếp tục nhẫn nại:
- Bác cảm thông cho ! Bác xem, ngành giáo dục dân lập không thu tiền xây dựng cơ sở vật chất của học trò thì lấy đâu chỗ học và dụng cụ thí nghiệm ? Ngành điện lực không tăng giá bán điện thì lấy đâu ra tiền đầu tư thiết bị và thưởng cho tám mươi tư ngàn công nhân lao động của họ ? Em là kẻ đi sau, chỉ học theo phương thức của họ. Xin bác thông cảm cho. Cũng chỉ là cái tâm muốn điều tốt cho nhân dân thôi bác ạ !
- Điện lực nào, giáo dục dân lập nào, tôi không biết. Ông Các Mác bảo rồi: Giá trị của hàng hóa là lượng lao động kết tinh trong đó. Vậy thì ông cứ thu tiền dịch vụ đúng như lao đông của các ông bỏ ra. Thu nhiều hơn là ăn hiếp, là ăn ...
Ông tóc bạc dừng lại, đôi mắt vẫn bình thản, khuôn mặt ửng nhẹ, rồi lại vẫn cái ngữ điệu điều hòa, khoan dung từ tốn ấy:
-Mà ông ơi ... hãy để cho dân người ta được yên. Đừng bạ cái gì cũng lấy họ ra làm thuyền mà chở. Tội lắm !
Tưởng như không muốn nói thêm gì nữa, đột nhiên, ông già nở một nụ cười tinh quái, hấp háy đôi mắt nói tiếp
- Thử tưởng tượng xem, đến một ngày nào đó, dân người ta đến Cục bảo vệ sở hữu bản quyền để đăng ký bản quyền cái danh mọn của họ, liệu ông có đủ tiền để trả mỗi lúc muốn mang họ ra mà nhân danh không ?!
Lào ngồi thừ mặt. Ông Lưu, tay đang cầm cái choòng, đứng bên cạnh cái tủ phụ tùng, im phắc như người phải phép định thân. Ông già thở dài, chào, rồi từ từ dắt xe ra.
Lão đứng nhìn theo hồi lâu.
Lão quay vào ngồi phịch xuống ghế, mắt nhìn đi đâu đó, xa xăm ...
Mãi sau, lão lắc đầu, quay sang nói với ông Lưu:
- Trông cái mặt hắn thì ngu hơn tôi, nhưng ...
- Nhưng sao ? – Ông Lưu quẳng cái choòng vào khay sắt, gặng.
Lão nói tiếp, giọng buồn:
- ... ra … có học cũng có khác !

NLT