Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ NGUYỄN VIẾT LÃM: THƯƠNG NHAU VƯỢT CẢ VÔ THƯỜNG.

Cao Năm
Thứ hai ngày 15 tháng 6 năm 2009 8:19 PM
 
Mừng nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đại thượng thọ 90 (15/6/1919-15/6/2009):

Còn nhớ cuối năm 1999, nhà văn Đình Kính, nhà thơ Trần Nhương đi với nhà thơ Nguyễn Viết Lãm vào Quảng Ngãi làm phim chân dung nhà thơ quê đất Quảng sống ở Hải Phòng mấy chục năm nay, khi về mang đến một tin mà không phải người nào nghe cũng dễ tin ngay: Ông Lãm lấy vợ rồi nhá! Không dễ tin ngay, vì nhà thơ Nguyễn Viết Lãm sinh ngày 15 tháng 6 năm 1919 (Kỷ Mùi), năm ấy tròn tuổi 80. Ông là người hoạt động văn học từ rất sớm, năm 17 tuổi (1936) đã có thơ đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy ; năm 1935-1939 tham gia Nhóm thơ Quy Nhơn cùng với các nhà thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, dưới sự đỡ đầu của đồng chí Nguyễn Minh Vỹ (sau này làm Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng); sau hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) tập kết ra Bắc, thành viên sáng lập rồi Chánh văn phòng đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam; năm 1962 được điều động về Hải Phòng tham gia thành lập Chi hội văn nghệ thành phố, rồi ở Hải Phòng cho đến nay. Vợ nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, bà Nguyễn Thị Minh Chí mất năm 1996 vì căn bệnh hiểm nghèo, các con tuy mỗi người một nơi, người trong quê Quảng Ngãi, người ở Hà Nội và ngay ở Hải Phòng khi ấy cũng có ba người con của ông, đều phương trưởng cả. Ở cái tuổi ấy, lại con cháu đề huề, ngày xưa ít người còn nghĩ đến đi bước nữa. Nhưng khi thấy nhà văn Đình Kính có vẻ cả quyết, chuyến này ông Lãm ra mua đất, làm nhà xong là đón vợ ra kịp ăn tết ngoài này mà lại không thật à! Thì mọi người mới à lên, thế thì thật quá rồi còn gì! Nhưng tôi vẫn thấy bán tín bán nghi. Nhất là khi nghe phần trích ngang khá tường tận về bà Phan Thị Đoan Trang, người mà Đình Kính cả quyết là vợ ông Lãm thật rồi, năm ấy 65 tuổi (bà tuổi Giáp Tuất-1934), tiến sĩ khảo cổ học, công tác ở sở giáo dục-đào tạo tỉnh Khánh Hoà, đã nghỉ hưu, có chồng và hai người con đều trưởng thành; nhưng vợ chồng ly hôn từ năm 1991, bà đang ở căn nhà riêng khá đàng hoàng tại Nha Trang. Thế lại càng bán tín bán nghi. Đến hôm có việc của cơ quan, tôi phải gặp bằng được nhà thơ Nguyễn Viết Lãm để trao đổi trực tiếp, mới mục sở thị nhà thơ đang trông coi đám thợ xây nhà cho ông trên đám đất khoảng bảy chục mét vuông dưới đường vòng Vạn Mỹ, thì tôi tin sái cổ lời Đình Kính hôm nào làm nhà kịp đón vợ ra ăn tết. Nhưng dẫu sao khi ấy cũng mới chỉ một số anh em quen thân với nhà thơ biết ông mới lấy vợ, ngoài ra không mấy người biết. Đến chiều 29 tết năm ấy, ông đi Hà Nội dẫn về một người đàn bà thấp đậm, nền nã, nói năng khoáng đạt, bấy giờ con cháu, xóm phố, bạn hữu mới tin Bà Lãm ra thật rồi.
Mới đấy, mà quay đi quay lại đã mười năm. Mười năm, quãng thời gian không dài so với cuộc đời một con người, nhưng có lẽ đó là những tháng năm cả hai ông bà như thấy đời trẻ lại: Mười năm chung sống/ Như đôi chim câu/ Không rời nhau nửa bước/ Chẳng bao giờ thấy mặt u sầu/ Hạnh phúc này hiếm thấy trước sau!. Khổ thơ ấy tôi chép trong bài Hạnh phúc của bà Lãm (Phan Thị Đoan Trang) viết ngày 8 tháng 3 năm 2009, sau bài Tình sâu hai tháng, viết dịp tết Kỷ Sửu, mà nếu bạn đọc không ngại mất thì giờ, tôi chép hầu đây đoạn mở đầu: Giáp Tuất-Kỷ Mùi nghinh Kỷ Sửu/ Duyên già thấm thoắt đã mười xuân/ Hải Phòng quê mới sao đằm thắm/ Con cháu trăm năm chúc hợp quần. Nhân chép thơ bà Phan Thị Đoan Trang ra đây, tôi lại nhớ đến khởi nguồn cuộc tình của hai ông bà cũng là từ thơ. Dạo ấy, bà vợ nhà thơ Nguyễn Viết Lãm ở Hải Phòng mới mất. Bà Phan Thị Đoan Trang vừa nghỉ hưu, sống ở Khánh Hoà, được học trò cũ, lại là con dâu trưởng của vợ chồng ông Lãm báo tin, liền xin địa chỉ viết thư ra Hải Phòng chia buồn với ông Lãm. Cũng là tình cũ nghĩa xưa sâu đậm lắm, vì từ những năm 1960, bà Trang sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội, về dạy học ở quê (Chương Mỹ, Hà Đông). Trường bà gần trường học sinh miền Nam số 6, thỉnh thoảng bà cũng được điều sang dạy ở trường này, nên bà đưa con vào gửi nhà trẻ của trường miền Nam, người trực tiếp chăm nuôi con bà là cô nuôi dạy trẻ Nguyễn Thị Minh Chí, vợ nhà thơ Nguyễn Viết Lãm. Nhưng dạo ấy bà Trang chỉ biết bà Chí là cô nuôi dạy trẻ, chứ không hề biết là vợ nhà thơ, vì thực ra, ông Lãm công tác ở Hà Nội đường xá xa xôi, hàng mấy tháng mới về với vợ con ở Chương Mỹ một lần. Ít lâu sau trường học sinh miền Nam số 6 chuyển xuống Hải Phòng, bà Chí cũng theo trường đi; sau đó, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm cũng chuyển công tác về thành phố Cảng. Từ ấy tin tức về nhau thưa vắng. Dạo bà Chí  nằm điều trị ở bệnh viện K, do chỗ con trai bà Trang quen biết con trai trưởng vợ chồng ông Lãm nên bà biết tin; khi có việc về quê ngoài Hà Đông, bà Trang dành thời gian vào bệnh viện thăm bà Chí. Không ngờ đấy là lần gặp cuối cùng giữa một phụ huynh học sinh với cô giáo nuôi dạy con mình; càng không ngờ hơn nữa, những lời bà Chí nói với bà Trang, khi biết vợ chồng bà Trang đã ly hôn dăm năm nay rồi, chỉ sau cuộc gặp có mấy năm lại thành sự thật: bà thay bà Chí chăm sóc ông Lãm. Nhưng nếu chỉ có thế, chưa hẳn đã tác thành mối duyên đằm thắm giữa hai người đến đầu bạc răng nong, như cách nói của người xưa. Mà cái gắn bó keo sơn, cái làm nên sự vô thường, lại là một thứ không nhìn thấy, nhưng cứ lẳng lẽ, âm thầm, len lỏi, lắng sâu vào từng ly ty huyết quản mỗi nguời, ấy là THƠ. Vâng, có lẽ chính Nàng Thơ đã tác thành cuộc tình của một bà sáu nhăm với ông tám mươi, khi ấy đang ở cách xa nhau nửa vòng trái đất, người Hải Phòng, người mãi Nha Trang. Đúng như trong bài thơ Vượt cái vô thường ông Lãm tặng bà Trang lúc hai người mới quen nhau (tháng 6,7 năm 1998): Anh ở xa em cách ngàn dặm biển/ Nhớ thương nhau vượt cả cái vô thường/ Giữ cho lòng mình trong sáng như gương/ Như ánh trăng nối khoảng trời xa ấy. Anh ở ngoài kia cách ngàn dặm biển vẫn nhớ về em, thì em ở trong này dù ngàn dặm xa nhau thì ngay đến bữa cơm chiều đã ăn muộn, lại còn nhớ anh so thừa cả đũa: Hôm nay em soạn muộn cơm chiều/ Vì mải đọc thư anh suốt buổ/ Em sới cơm, em so thừa đũa/ Lặng mời anh, dù nghìn dặm xa nhau. Sau bức thư chia buồn bà Trang gửi ra cho ông Lãm, lẽ tự nhiên nhà thơ của chúng ta thật cảm kích liền gửi thư đáp lễ. Nhưng đúng như câu thơ tôi đọc ở đâu đó Hẳn ý chàng không chi khác cả/ Yêu em có nói cũng khôn cùng, nên thư có viết ngàn trang cũng không cô đúc hết, không nhớ hết cái tình ta gửi cho nhau, chi bằng chỉ cần một bài thơ, thậm chí một câu thơ lại nhớ lâu, nhớ kỹ từng ý từng lời. Họ hẹn nhau, cứ đến giờ ấy thì ngồi thiền để nhớ về nhau: Giờ hẹn đến rồi!/ Anh gấp sách, dừng công việc lại/ Quên hết ưu tư, ngồi tĩnh tại/ Ta nhập thiền, thầm gọi tên nhau.../ Tiếng gọi của tình yêu, cách cảm thần giao/ Vòng sóng vô hình nối hai đầu thương nhớ. Có lẽ thơ tình của những đôi trai gái đang yêu cũng chỉ đến thế. Quả là tình yêu không phân tuổi tác. Nhưng có lẽ đỉnh cao của bùa thơ là khi bà Phan Thị Đoan Trang chọn 110 bài thơ nhờ nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đọc và viết giới thiệu. Nhà thơ nhiệt tình đọc và viết bài giới thiệu khá súc tích, in trong Bóng trúc, tập thơ thứ hai của tiến sĩ khảo cổ học Phan Thị Đoan Trang, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Sách ra ít lâu thì ông Lãm về quê thăm con trai trưởng, rồi xuống Nha Trang thăm con dâu, cũng là học trò của bà Trang đang dạy học ở đấy. Có người bảo ông Lãm đi chuyến ấy là để xem mặt bà vợ hai, kể cũng không sai, vì từ trước đến nay, nhất là chừng gần hai năm, kể từ ngày bà Trang gửi thư ra chia buồn với ông Lãm, rồi lại nhờ ông viết giới thiệu cho tập thơ mới của mình, chưa bao giờ hai người gặp nhau. Thế nên, sau một loạt bài thơ bề trong như đã..., ngày 30 tháng 12 năm 1998, tại Nha Trang, hai ông bà lần đầu gặp nhau. Có lẽ đoạn thơ này là ông Lãm viết trong cảm xúc dâng trào cái buổi ban đầu gặp gỡ ấy: Chợt thấy chúng mình trở lại tuổi thơ/ Dù dấu thời gian đã in trên mái tóc/ Một tia nắng lay cành nhảy nhót/ Một ánh trăng lặng lẽ bên thềm/ Đều khiến cuộc đời thật đáng yêu thêm. Nhưng cũng phải đến gần năm sau, tháng 9 năm 1999, ông Lãm về quê để làm phim chân dung nhà thơ, biết ông đính hôn với bà dưới Nha Trang, ông Si ở Ban Tuyên giáo bố trí với Văn phòng Tỉnh uỷ mời bà Trang lên Quảng Ngãi chơi. Và một điều chính ông Lãm cũng không ngờ, là chuyến bà Trang lên chơi ấy lại diễn ra bữa tiệc cưới của nhà thơ Nguyễn Viết Lãm và tiến sĩ khảo cổ học Phan Thị Đoan Trang, do Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đứng ra tổ chức. Đấy là điều nhà thơ Nguyễn Viết Lãm vô cùng cảm kích, vì sau bao năm xa quê, khi xế chiều trở lại, còn được những người đồng chí, đồng bào nơi quê hương cảm thông, sẻ chia và quan tâm hết mực. Sau đó ít lâu, tết Nguyên đán năm ấy, ông đón bà ra Hải Phòng.
Mới đấy đã mười năm bà sống trến đất Cảng: Hải Phòng, quê mới sao đằm thắm/ Con cháu trăm năm chúc hợp quần!. Thật ít có cuộc tình nào tuổi tác chênh lệch nhau: Bà tuổi bảy lăm/ Ông chín chục/ Ra ngoài ai cũng khen đẹp đôi như mối tình giữa nhà thơ Nguyễn Viết Lãm và tiến sĩ, nhà thơ Phan Thị Đoan Trang. Vâng, đến đây thì tôi xin tiết lộ, bà Phan Thị Đoan Trang cũng là một nhà thơ, nếu không câu lệ cứ phải là hội viên Hội nhà văn mới được gọi như thế. Bởi, bà là một người yêu thơ, say thơ, từ năm 1994 đã có tập thơ Phút trầm tư in ở nhà xuất bản Thanh niên. Rồi khoảng mười năm sau Bóng trúc, bà về chung sống với ông Lãm, lại lần lượt in hai tập thơ, một tập truyện và ký ở NXB Hải Phòng. Thế nhưng, mãi khi tuổi ngoài bảy mươi, năm kia, bà mới làm đơn xin vào Hội nhà văn Việt Nam. Còn với nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, trong mười năm về chung sống bà đã giúp ông tập hợp và đánh máy gần 200 bài thơ, một phần trong số này đã in thành hai tập Bài thơ viết ngày mưa tạnh và Hương ngâu (tặng thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam năm 2004), gần đây, được sự giúp đỡ của Hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi, ông lại in tập Lời nguyền (NXB Đà Nẵng-2008), tập hợp các tiểu luận và tuỳ bút của ông trong 20 năm lại đây. Quả là tình yêu đã chắp thêm đôi cánh cho cả hai ông bà Trở về với thời trẻ thơ cả trong tâm hồn và trong sáng tác; bởi cả hai đều tâm niệm Nhớ thương nhau vượt cả cái vô thường, và họ đã vượt qua không ít lời đàm tiếu để đến hôm nay, dù cháu con hay người quen thân đến với vợ chồng hai nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, Phan Thị Đoan Trang cũng thốt lên Hạnh phúc này hiếm thấy trước sau!./
 
___________________________________________________
(*) Thơ dẫn trong bài đều của vợ chồng nhà thơ Nguyễn Viết Lãm./
____________________________________________________
 Nguồn: http://tongocthach.vn/index.php