Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÚ ÚT TÔI TRỐN HỌP GIA ĐÌNH

Nguyễn Thẩm Văn
Thứ hai ngày 15 tháng 6 năm 2009 5:25 PM
 
Không hiểu sao năm nay chú Út tôi lại trốn không vể họp gia đình. Việc này đã thành lệ, hàng năm cứ đến ngày giỗ cụ, sau khi ăn cỗ xong, khách khứa đã ra về hết, ông nội tôi lại cho họp gia đình, hay đúng hơn là họp Đại gia đình để kiểm điểm tình hình làm ăn của các gia đình nhỏ. Các cuộc họp đó thường tổ chức tại nhà tôi vì bố tôi là con cả, hiện đang phụng dưỡng ông bà tại khu đất tổ mà bố tôi đã xây cất thành một ngôi nhà lớn.
Những cuộc họp như vậy thường diễn ra rất đầm ấm đông vui. Riêng bọn con cháu chúng tôi thì lại càng vui vì được ăn cỗ rất to nhưng không phải họp.
Thế mà năm nay chú Út, là Giáo sư Tiến sỹ, công tác ở Hà Nội, lấy cớ bận việc không về, làm cả nhà ai cũng băn khoăn. Bố tôi bảo là chú ta “trốn họp”. Nhưng các cô chú có mặt lần này lại bảo không phải thế. Nguyên nhân là trong cuộc họp lần trước, chú Út đã “chất vấn” bố tôi một  số việc nhưng bố tôi giải đáp không thỏa đáng, lại có phần “cả vú lấp miệng em” nên chú ấy chán không thiết về họp nữa.
 Việc đầu tiên chú ấy hỏi là tại sao bố tôi lại chặt cây nhãn ở đầu ngõ, đem bán cho thợ mộc lấy tiền mà không thèm hỏi ý kiến ai, kể cả ông bà? Chuyện này tôi đã tận mắt chứng kiến và đã lên tiếng thắc mắc thì bố tôi quát mày trẻ con biết gì, nên tuy trong bụng không vui nhưng tôi cũng chẳng dám ho he gì nữa. Đó là một cây nhãn lồng đã trên trăm tuổi, thân cây to bằng mấy người ôm, cao tướng che rợp cả một khoảng trời và quả thì sai lúc lỉu. Cứ đến mùa quả chín, ông nội tôi thường cho hái xuống chia đều cho các gia đình để cùng thưởng thức chứ không đem bán. Ngoài ra, đây còn là chỗ chơi đùa rất lý tưởng của bọn trẻ chúng tôi, kể cả trong họ lẫn ngoài làng. Chú Út cho rằng bố tôi bán nó đi như vậy là ích kỷ, là tham bát bỏ mâm, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà quên cái lợi lâu dài. Và mọi người trong cuộc họp cũng đồng tình như thế.
Việc thứ hai là ông bà nội tôi có một mảnh đất ở gần phố huyện, trước đây đã quyết định cho bố tôi được toàn quyền sử dụng, nhưng sau thấy hoàn cảnh nhà chú Ba rất khó khăn vì chú bị tai nạn giao thông không làm ruộng được nên ông bà bảo bố tôi cho chú ấy mượn tạm làm ki ốt bán hàng để tăng thu nhập. Nhưng bác cả, tức bố tôi, đã ra đòi lại rồi xây thành cái nhà thật to cho người khác thuê làm dịch vụ gì gì đó. Chú Út bảo đành rằng việc đó quyền anh nhưng làm như thế là vô nhân đạo. Và mọi người trong cuộc họp cũng đồng tình như thế.       
Trả lời chất vấn của chú Út, bố tôi nói rằng việc cây nhãn là việc nhỏ, không cần phải đưa ra cuộc họp gia đình. Còn việc cái ki ốt thì theo bố tôi nếu để chú Ba làm thế thì rất phí, phải làm như bố tôi mới được, đó là cách làm ăn lớn, thu lợi nhuận cao. Còn nếu chú Ba có khăn gì thì bố tôi sẽ sẵn sàng trợ cấp, ai bảo là vô nhân đạo?
Chú Út không đồng tình với bố tôi, lại tranh cãi tiếp. Hai bên nói đi nói lại đến nửa đêm vẫn chưa ngã ngũ. Thấy đêm đã khuya, ông nội tôi đành bảo mọi người trật tự để ông phân giải. Trước hết ông nhắc nhở bố tôi và chú Út không nên to tiếng, thiên hạ họ cười cho, thậm chí có kẻ còn lợi dụng xuyên tạc nữa. Sau đó ông biểu dương tất cả mọi người, bảo rằng mọi ý kiến hôm nay đều vì lợi ích chung, và nhìn chung là đồng thuận. Cuối cùng ông tuyên bố kết thúc phiên họp gia đình tại đây, có gì rút kinh nghiệm vào phiên họp tới. Bây giờ mọi người tạm nghỉ lấy sức để sáng mai còn đi làm việc.
Từ đó, chú Út tôi rất ít khi về thăm nhà, đến cuộc họp gia đình gần đây nhất cũng không về nữa. Tôi là hàng con cháu, chả biết làm gì cho phải, đành kể chuyện này với bác Trần Nhương vậy.