Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BẠN ĐỒNG NGHIỆP

Trường Giang
Thứ hai ngày 15 tháng 6 năm 2009 5:30 PM

Trường-Giang
 
      Bạn đồng nghiệp

                                            Thân tặng các bạn đồng nghiệp báo chí

     …” Nhà văn , nhà báo ,nhà giáo  , nhà đài
           Bốn nhà cộng lại bằng hai nhà nghèo…” *
Câu hài hước tự diễu mình hồi ấy
Chẳng mấy chút gây cười  ,
                              nghe chỉ  thương thêm
Giấy trắng lặng im dưới ánh đèn đêm
Sổ tay mở , việc và người bề bộn
Cuộc sống  theo dòng  đời cuồn cuộn
Khối óc ,con tim và cây bút bươn theo
Chuyện nghề bao nguy hiểm , ngặt nghèo
“ Đã mang lấy nghiệp vào thân” **thì đâu nản
Những đồng nghiệp nằm lại dọc đường chiến trận
chỉ còn tấm ảnh trắng đen trong tủ kính bảo tàng
đôi mắt vẫn trầm tư về những điều chưa kịp viết
còn nuối tiếc những chuyến đi xuống biển ,lên ngàn…
Những trang báo bây giờ xuất hiện trước ban mai                         
đánh thức những nghĩ suy , buồn ,vui , khát vọng
Giá như các bạn đồng nghiệp năm xưa
                      bỗng trở về từ giấc mộng
thì vui sướng nào hơn , kỳ diệu nào hơn !
“ Cánh báo chí” lại quây quần , rôm rả chuyện
Bõ những tháng năm lăn lộn , vượt gian lao
Một chút “bốc” , một chút say , ngất ngây hoài niệm
Nghề mãi mãi đáng yêu , cây bút  dễ thương  sao !

                                                      Hà Nội - tháng 6-2009  
 
     * Ca dao thời bao cấp
    ** Trích  Truyện Kiều
 

Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6)
 
                                 Bạn đồng hành gắn bó
 
                                                                        Tùy bút
 
                          Đến bây giờ , hoàn cảnh tác nghiệp của các nhà báo nước ta đã được “hiện đaị hóa” , khác xa so với thời tôi và các bạn đồng nghiệp hành nghề trong khi cả đất nước còn nghèo nàn ,lạc hậu ,khó khăn ,thiếu rhốn mọi thứ ,trừ tinh thần yêu nước,quyết tâm giải phóng miền Nam -            
                  Thời đó,  bạn đồng hành gắn bó của cánh nhà báo chúng tôi chính là các đồng chí lái xe tải và xe ca của các đơn vị vận tải ôtô quốc doanh trung ương và các địa phương  (thời kỳ ấy chưa có thành phần vận tải tư
nhân) . Hơn 40 năm đã qua, nay tôi không thể nhắc gọi từng phiên hiệu của đơn vị ,từng tên người ngồi sau vô lăng nhưng ấn tượng những chuyến đi cùng các đồng chí ấy thì không bao giờ phai mờ trong ký ức
                Đó là những chuyến hàng đặc biệt từ các kho bí mật quanh ngoại thành Hà Nội được khởi hành trong đêm khuya , xe được trùm kín bạt ,um tùm lá ngụy trang ,  chạy theo đội hình quy định , giữ đúng cự ly và tốc độ thống nhất .  Ngồi bên cạnh đồng chí lái xe trên ca bin,tôi chỉ có thể tác nghiệp bằng cách im lặng , quan sát và cảm nhận tất cả… Có ghi chép cũng phải tuân theo nội quy dùng các ký hiệu thay thế các tên đơn vị , tên người và địa điểm … Dọc đường, xe chạy đêm bằng  “ đèn gầm” hoặc nhờ những  “cọc tiêu sống” là các o Thanh niên xung phong  quàng vải dù trắng quang mình đứng hai bên mép đường làm  “ xi nhan”
          Không thể nhớ hết , đếm hết những trận đoàn xe bị máy bay địch ném bom,phóng đạn rốckét chặn đường !  Đôi ba lần tôi đã cùng anh em lái xe mai táng những tay lái anh dũng hy sinh, bỏ lại dọc đường Trường Sơn những chiếc xe bị cháy khét … Mặc dù vậy , các đồng chí lái xe và cánh nhà báo chúng tôi chẳng hề ngần ngại đồng hành trên tuyến chiến lược dọc Trường Sơn hết chuyến trước lại tiếp chuyến sau cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam mới  “lật cánh sang Đông” tăng tốc ,bấm còi bon nhanh theo Quốc lộ1A như ngày nay
                  Hàng năm, trong lễ kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam ,chúng tôi thường dành một phút tưởng niệm các bạn đồng nghiệp đã hy sinh vì nhiêm vụ . Trong giây phút thiêng liêng ấy, tôi đồng thời tưởng niệm các bạn đồng hành trên từng cây số năm xưa đã anh dũng hy sinh sau khi cầm chắc vô lăng đưa cánh nhà báo chúng tôi đi hành nghề trên mọi nẻo đường dọc ngang đất nước . Xin gửi lời chào , trân trọng cảm ơn các bạn đồng hành của chúng tôi năm xưa trên từng cây số ,nay trở thành người cao tuổi đang sống vui , sống khỏe cùng con cháu ,cư trú trên khắp miền đất nước.
                       Trở lại với câu chuyện gần như  “cổ tich” thế kỷ XX ,tôi xin kể với các nhà báo trẻ hiện tại rằng  : Thời chúng tôi làm bạn đồng  hành  với
anh em lái xe không phải chỉ có hiểm nguy gian khổ mà còn có  những điều đặc biệt thú vị về  “văn nghệ dân gian” đại loại như  lái xe góp phần sưu tầm và sáng  tác tục ngữ  , ca dao , chuyện tiếu lâm…mà tôi lưu giữ được trong sổ tay phóng viên                                                                                                                                                       
          Xin nêu vài ví dụ :                                            
 Về kinh nghiệm phòng tránh máy bay địch , anh em lái xe theo dõi quy luật ném bom của chúng thấy : khi trời nắng , địch thường dùng máy bay tiêm kích F4 từ trên cao bổ nhào xuống gần sát mặt đường mới thả bom . Khi trời mưa hoặc mây mù , chúng dùng máy bayB52 từ trên cao ném bom xuống theo tọa độ định sẵn .Do vậy có câu tục ngữ rất  “hiện đại” rằng :
                            Nắng : bổ nhào ,mưa rào : tọa độ                   
 Hoặc , để trêu đùa nhau, cánh lái xe  tán rằng: Dọc đường vận chuyển, đêm đêm có rất nhiều thanh niên xung phong nữ và nam xin đi nhờ xe . Lái ,phụ xe bao giờ cũng ưu tiên phái nữ nhưng đêm trong rừng tối đen như mực ,làm sao phân biệt nữ , nam  ? Hồi ấy nữ thường mặc quần vải dệt bằng sợi phíp. Vì vậy , ít lâu sau cánh lái xe Trường Sơn “phổ biến kinh nghiệm” cho nhau bằng câu tục ngữ :                                                                     
                             Sợi phíp : cho đi , Kaki : ở lại 
 Tuy đương đầu với bom đạn ác liệt , kham khổ đủ thứ nhưng anh em lái xe , chị em thanh niên xung phong và cánh báo chí chúng tôi làm bạn đồng hành vẫn lạc quan ,yêu  đời  , thậm chí còn có lúc trêu chọc nhau “ tới số”, Điển hình là cuộc hò đối đáp như sau :
 Gặp tổ xe đến phần đường đang chờ dọn đá sau khi nổ mìn , các o TNXP hò trêu :
                           Hò lơ ớ lơ lắng tai nghe chúng em hò lờ
               Tội gì mà lấy lái xe                                                                                                                       
                                    Ali hò lờ                               
                   Cách ba cây số
                                                             Ali hò lờ
                       đã nghe mùi dầu          
                                                              Hò lơ…
Cánh nhà báo chúng tôi “gà” cho cánh lái xe hò đáp rằng :
        Mùi dầu thì mặc mùi dầu . Thích gì được nấy , anh hầu cô em                          
       Hò lơ..
Rồi cứ thế , cứ thế …chúng tôi cùng bạn đồng hành cười nghiêng ngả giữa Trường Sơn khét lẹt khói bom…
              
 
 
         Phần thưởng đặc biệt của nghề báo chí
                  . Tôi từng là chiến sỹ  Thanh niên xung phong chủ lực cầu đường trong chiến dịch Điện Biên Phủ rồi trở thành cán bộ kỹ thuật đường bộ , cán bộ tuyên truyền báo chí ,thành nhà báo chuyên nghiệp có hơn 30 năm tuổi nghề. Bởi vậy ,tôi cũng từng vinh dự được nhiều người trong ngành Giao thông vận tải gọi  là “ nhà báo , nhà thơ của ngành ta “ . Tôi coi cái tên gọi thân tình này là một phần thưởng  đặc biệt dành riêng cho mình .    
        Phải kể dài dòng như vậy để bạn đọc dễ mường tượng những năm tháng thời bình và thời chiến tôi đã được trực tiếp tham gia và chứng kiến tại chỗ  những  công việc “ đào đất cất gỗ” vất vả nặng nhọc mà các đơn vị thi công cầu đường  đã phải đương đầu với muôn vàn gian khổ ,nhiều khi đã phải hy sinh xương máu để những trục đường được mở thông , những nhịp cầu được lao lắp an toàn kịp  hạn  định của cấp trên vàog như2ngx thời điểm “nóng”
        Thời gian trôi đi có thể làm phai mờ nhiều thứ .Nhưng trong ký ức  thẳm sâu ,tôi không bao giờ quên những đồng đội TNXP đã nằm lại vĩnh viễn giữa rừng sâu Tây Bắc và  những cánh rừng của đất bạn Lào xa xôi vì những cơn sốt ác tính và nhiều bệnh hiểm ác nơi miền “ lam sơn chướng khí” cướp đi hàng trăm  chàng trai , cô gái đang phơi phới tuổi xuân hăng hái xẻ núi mở đường ,bắc cầu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc và mối tình Việt Lào “ Xa ma khi pi xệt” ( hữu nghị đặc biệt) . Sự việc xẩy ra từ thời kỳ quân ta mở những trục đường chiến lược tuyệt mật để phối hợp lực lượng với Bạn cùng đánh giặc ,cùng giải phóng đất nước ta và đất nước Bạn . Thời gian tuyệt mật quá dài , sự kiện chồng chất sự kiện ,chẳng ai được phép ghi chép ,lưu trữ  tài liệu !
         Cho đến đầu thập niên 80 của thế kỷ trước , tôi vinh dự là nhà báo đầu tiên được phép qua biên giới  sang Lào , lần lượt đi dọc các  trục tuyến “tuyệt mật” mà Ban Xây Dựng 64 ( mật hiệu của lực lượng hồi ấy đã bám trụ rừng Lào hàng chục năm để mở đường giúp Bạn ). Đáng tiếc là tài liệu ,nhân chứng  đã mất mát theo thời gian quá nhiều .Bằng sức bút có hạn của mình , tôi đã cố tái hiện phần nào hình ảnh những chiến sĩ mở đường giúp Bạn nhằm mục tiêu cao cả là “ Được Con đường ,được Con Người và Tình Hữu nghị” . Với tôi, chuyến đi Lào đầu tiên ấy là phần thưởng đầu tiên do nghề báo đem lại . Tuy nhiên , cho đến nay ,tôi vẫn cảm thấy mình mắc món nợ với anh linh các liệt sĩ  Ban Xây dựng 64 năm xưa ( nay là Cienco 8 ) vì những bài vở tôi  đã viết , đã in dù cố gắng mấy cũng chưa nói được là bao so với sự hy sinh lớn lao của hàng vạn đồng đội hồi ấy .
           Tôi đã có dịp trở lại  trục đường 111 năm xưa – nơi tôi từng  trực tiếp tham gia thi công một trục đường bí mật  ngay sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ . Đó cũng là nơi tôi từng mai táng các đồng đội hy sinh trong khi xẻ  núi mở tuyến dọc bờ trái sông Nậm Na ,men theo chân dãy Sình Hồ cao ngất . Thi hài các bạn tôi gói trong lớp chăn chiên Nam Định quá đơn sơ ! Giữa rừng già thâm nghiêm  không thể tìm đâu ra gỗ ván, chúng tôi chỉ còn cách ghép những đoạn nứa quanh thành hố hình chữ nhật thay quan tài ! Mấy chục năm qua ,bây giờ các bạn nằm đâu ? ai biết ? .Bởi vậy mà lòng tôi luôn canh cánh nỗi niềm thương cảm ,nhất là mỗi lần đến ngày 27-7 hàng năm ,lòng cứ âm thầm, xa xót !
        Cứ nghĩ đến ngày xưa gian khổ , tôi lại tự “làm công tác tư tưởng” cho mình rằng : còn sống , được học hành thành “nhà” này , “nhà” nọ ,được đi đây đi đó suốt mấy chục năm để viết báo ,viết văn , làm thơ ,ít nhiều được bạn đọc biết đến tác phẩm của mình ,thế là hạnh phúc rồi . Các cháu của tôi  ngây thơ hỏi : “ Ông có nhiều phần thưởng thế ! Nào Huân chương ,huy chương các loại ,lại còn Bằng khen của Thủ tướng ,của Bộ , của các cơ quan .                                                                                                 Các ông ,các bà nhà báo đêù được nhiều phần thưởng như ông phải không ạ ?”
        Tôi bảo các cháu là nhiều bạn đồng nghiệp của tôi còn tài giỏi hơn , được nhiều phần thưởng  hơn tôi . Đó là sự thật .
          Nhưng có một điều tôi chưa khoe với các cháu .Đó là phần thưởng đặc biệt chỉ riêng tôi có được do nhiều năm làm phóng viên chính của báo Giao thông vận tải
           Bản liệt kê số lượng phần thưởng  ấy khá dài ,bao gồm các sự kiện mang tính chất lịch sử mà tôi vinh dự được chứng kiến . Trong ký ức của tôi chứa đựng đâỳ ắp những hình ảnh , không gian và thời điểm diễn ra các sự kiện không bao giờ lặp lại . Kèm theo đó là các địa điểm , dấu vết  các công trình giao thông  xuất hiện ,nay vẫn còn  hoặc đã  bị dòng thời gian xóa  nhòa,mất dạng
                     Có thể trích dẫn một số ví dụ cụ thể như : cuộc khảo sát ,thiết kế  thi công trục “Đường 20-Quyết thắng” tuyệt mật từ Phong Nha (Bố Trạch,Quảng Bình) đến Lùm Bùm (Lào) dài 214km đạt tiến độ “ thần tốc” : nổ phá gần 1.000.000 mét khối đá để khai thông tuyến chỉ hết 77 ngày , mở ra một trục đường vắt qua đỉnh Trường Sơn có thể vận tải cơ giới cả bốn mùa trong năm ,tạo được thế chủ động cho lực lượng vận tải quân sự chi viện tiền tuyến lớn miền Nam ruột thịt . Con đường tuyệt mật này trở thành huyền thoại Trường Sơn từ nửa thế kỷ trước mà tôi là nhà báo may mắn có mặt tại trận .
              Cũng có thể dẫn ra một loạt công trình và sự kiện mang tính chất “Đầu tiên” :  Khánh thành cây cầu bê tông dự ứng lực đầu tiên trên quốc lộ số 3 tại địa phận Phù Lỗ ( Đông Anh –Hà Nội) ; chuyến xe lửa đầu tiên nối Hà Nội-Sài Gòn sau 21 năm đất nước tạm thời bị chia cắt ( khởi hành từ ga Hàng Cỏ chiều ngày 31 tháng12 năm 1976 ) ; chuyến tàu biển đầu tiên từ Hải Phòng ra Vịnh Hạ Long rồi nhổ neo rời luồng Cửa Lục chạy vào cập bến Nhà Rồng ( Sài Gòn) chiều ngày 13-5-1975 v.v…
              Những dữ liệu đó đã được lưu giữ trong các cuốn sổ tay phóng viên và in đậm trong ký ức riêng tôi . Tôi luôn coi đây là thứ của cải “có giá” nhất đời mình . Và , với tôi , đó mới thực sự  là những phần thưởng xứng đáng với mấy chục năm dài mải miết theo nghề báo ,toàn tâm toàn ý phục vụ ngành Giao thông vận tải
              Ngày nay , các bạn đồng nghiệp trẻ đã có thuận lợi hơn rất nhiều so với hoàn cảnh  của thời chúng tôi . Phải chăng đó chính là phần thưởng của Tổ Quốc và Thời Gian dành cho Làng Báo Chí  Việt Nam chúng ta trên đường đi tới tương lai  tươi sáng !   
                                                                          T.G.
                                                                       2_6_2009