Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYÊN CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN VĂN AN: QUYÊN QUYẾT ĐỊNH LÀ QUYỀN TỐI HẬU CỦA NGƯỜI LÀM CHỦ

Bùi Hoàng Tám – Hà Vân
Thứ năm ngày 18 tháng 6 năm 2009 4:56 PM

Nếu Dân hoặc cơ quan đại diện của Dân quyết định mang tính hình thức thì có nghĩa là Dân làm chủ hình thức. Dân mà làm chủ hình thức thì Nhà nước sẽ đi tới chỗ quan liêu, dộc đoán, chuyên quyền, tha hoá, biến chất… Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào mà người làm chủ chỉ là hình thức, chủ hờ, không có một chủ cụ thể thật sự thì ở nơi đó, lúc đó sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ, vô trách nhiệm.
 

Xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN trên nền tảng xã hội dân chủ có lẽ là mục tiêu lớn nhất trong cuộc đời hoạt động chính trị của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Ngay sau ngày được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khoá XI, ông đã gửi tới các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và một số cán bộ lão thành cách mạng bài viết với các câu hỏi: Quốc hội chịu sự lãnh đạo của Đảng nhưng sự lãnh đạo đó là thế nào? Đảng lãnh đạo thì cũng phải đúng pháp luật và hợp lòng dân. Rồi sự ủng hộ của Quốc hội đối với Chính phủ thì cũng phải là thế nào chứ không thể vô điều kiện mà phái đúng luật, hợp lòng dân… Cả thời gian làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng hay sau này làm Chủ tịch Quốc hội, ông đều trăn trở với câu hỏi làm thế nào để người dân được thực hành quyền làm chủ của mình một cách đầy đủ và thực chất? Làm thế nào để vai trò lãnh đạo của Đảng là ngọn đuốc soi đường, là trí tuệ chỉ đường, là tổ chức, vận động, thuyết phục… chứ không phải là mệnh lệnh hành chính đối với Nhà nước và xã hội. Nhân kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 khoá 12 này, chúng tôi đã có cuộc đối thoại với ông về một số vấn đề trên.

Chưa làm chủ trực tiếp chưa là dân chủ thực chất
 

Thưa ông, Đại biểu QH Nguyễn Lân Dũng khi trả lời phỏng vấn chúng tôi có nói rằng Quốc hội cần có dân chủ hơn nữa bởi Quốc hội không có dân chủ thì không ở đâu có dân chủ. Ông đánh giá như thế nào về tính dân chủ trong Quốc hội hiện nay?
Đại biểu Dũng nói như thế là cũng có lý của ông ấy bởi thực tiễn thì chúng ta còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, cả trong Đảng, trong Quốc hội, trong xã hội. Đặc biệt là trong lĩnh vực làm chủ thì người dân mới làm chủ gián tiếp là chủ yếu, còn làm chủ trực tiếp thì chưa có được bao nhiêu. Mà khi chưa được thực hiện quyền làm chủ trực tiếp thì khó có thể nói là dân chủ đầy đủ và thực chất được. Đó là chưa kể hoạt động thực tiễn của các cơ quan đại diện cho Dân còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc.
Hiện nay, chúng ta đã bầu trực tiếp ĐB Quốc hội, ĐB HĐND các cấp, bầu trưởng thôn…?
Thì cũng chỉ mới có chừng ấy. Mà tại sao không để người dân trực tiếp bầu các chức danh chủ tịch xã, chủ tịch huyện và cao hơn nữa? Ngay cả các chức danh đã bầu ấy, các con số 98 – 99 % cử tri đi bầu liệu có thực chất không, hay trong đó còn các phiếu bầu hộ, bầu cho xong chuyện, bầu mà chẳng biết người được bầu như thế nào…
Trong một bài viết của mình, ông đã nhận định rằng thực hành dân chủ trong hoạt động của Quốc hội là một nguyên nhân của tiến bộ nhưng đồng thời cũng là một nguyên nhân của những hạn chế trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Tại sao ông lại có nhận định như vậy?
Vì tiến bộ cũng là ở đó mà hạn chế cũng là ở đó. Dân chủ là vấn đề cực kỳ nhạy cảm và việc so sánh thì luôn khập khiễng. Mang một vấn đề nhạy cảm để so sánh là rất khó. Nhưng không so sánh thì lại không có được khải niệm mình là ai? Đang ở đâu? Ưu khuyết, đúng sai đến đâu... Do đó,  phải có cách nhìn khoa học, khách quan trên nền tảng lịch sử. Nghĩa là so sánh với ai? Trong hoàn cảnh lịch sử nào? Ở thời điểm nào? Nếu so với trước đây, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội đã có rất nhiều tiến bộ. Ví như việc để các cơ quan báo chí được trực tiếp theo dõi, phản ánh về các kỳ họp chẳng hạn. Hay việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn và trả lời chất vấn… Rồi trong những kỳ họp, các đại biểu được tự do phát biểu những quan điểm của mình, tất nhiên là trên tinh thần xây dựng và văn hóa. Thế nhưng so với các nước tiên tiến, chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều.

Không đựoc lòng dân sớm muộn cũng thất bại

Thưa ông, có một thực tế là trong các phiên họp Quốc hội nói chung, các phiên chất vấn nói riêng, cử tri thấy các vị  cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước rất ít khi có ý kiến tranh luận, chất vấn,  đặc biệt là với những chủ trương mà Trung ương Đảng đã thông qua. Vì sao vậy, thưa ông?
Tôi nghĩ là có nhiều nguyên nhân mà một trong các nguyên nhân đó là nhận thức về ngtuyên tắc tập trung dân chủ còn khác nhau. Câu hỏi đặt ra của một số đại biểu là khi có ý kiến khác với một vài vấn đề cụ thể trong các dự án được Chính phủ, UB TV QH trình Quốc hội thì nên phát biểu như thế nào? Vì đây là những dự án thể hiện chủ trương lãnh đạo của Đảng, ĐB QH là đảng viên có được nói lên ý kiến của cử tri gửi gắm và cả ý kiến của riêng mình không? Có ý kiến khác có phải là không ủng hộ, không tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng không? Có bị coi là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ không? Điều này khiến các phiên họp của Quốc hội bớt sinh động và chắc chắn có những ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Là người diều hành trực tiếp nhiều phiên chất vấn “nảy lửa” đó, ông thể hiện quan điểm của mình như thế nào? Ủng hộ hay không ủng hộ những đại biểu “có ý kiến khác”?
Tôi không chỉ ủng hộ mà còn khuyến khích các ý kiến khác nhau trên tinh thần xây dựng.
Vì sao vậy, thưa ông?
Vì chúng ta chỉ có thể tiệm cận chân lý thông qua tranh luận. Không ai độc quyền chân lý. Ngọc càng mài, càng sáng. Từ thực tế các khoá Quốc hội vừa qua, rất dễ nhận thấy là nhiều đại biểu là đảng viên đã thẳng thắn phản ánh những kiến nghị của cử tri cũng như ý kiến độc lập của chính mình. Họ đã nhận thức đúng đắn rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân nên có trách nhiệm phản ánh, phân tích và quyết định thể theo ý chí, nguyện vọng của cử tri, góp phần làm cho chủ trương của Đảng hoàn thiện hơn, dự án của Chính phủ sát hợp với cuộc sống hơn. Đây là vấn đề rất cụ thể, rất thời sự và rất hệ trọng. Ý Đảng, lòng Dân phải là một, không thể là hai. Là hai là xa lạ với bản chất chính trị của Đảng ta, một Đảng do Dân, vì Dân, của Dân. Là hai thì chủ trương đó không đựoc lòng dân và sớm muộn cũng thất bại.

Quyền lực được dân ủng hộ có thể còn lớn hơn quyền lực Nhà nước

Có một điều khá tế nhị nhưng có lẽ không xa với thực tế, đó là tâm lý  không ít đảng viên ngại, thậm chí không dám nói lên chính kiến của mình vì sợ cho là phản ứng, thậm chí là chống đối…?
Về tâm lý, điều đó có nhưng thực tế là cho đén nay, Đảng và Chính phủ đã rất tôn trọng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, của ĐB Quốc hội. Trân trọng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đúng đắn, giải trình thuyết phục lại những vấn đề cần thiết, nâng cao chất lượng dự án trước khi trình Quốc hội thông qua. Làm như vậy, Đảng đã thực hiện được vai trò lãnh đạo của mình như Hiến pháp đã quy định, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Không làm thay, không biến các tổ chức đó trở thành hình thức, thể chế máy móc, thụ động thừa hành, tránh được nguy cơ chủ quan, áp đặt…
Thưa ông, Đảng lãnh đạo toàn diện, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Vậy quyền quyết định tối cao nằm ở đâu? Đảng hay Quốc hội?
Ở đây phải thống nhất, quyết định của Quốc hội chính là quyết định của Dân vì Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng  của nhân dân. Do đó, có hai thành viên tham gia phạm trù này là Đảng và Dân đều có quyền quyết định theo chức năng của mình, không thể chồng chéo chức năng và quyền hạn. Tổ chức này không được làm mất chức năng của tổ chức kia. Đảng quyết theo chức năng của Đảng, Dân quyết theo chức năng của Dân, không ai quyết thay ai.
Đảng thuộc phạm trù người lãnh đạo đất nước được Dân suy tôn, quyết định của Đảng là quyết định của một tổ chức chính trị, quyết định chính trị để lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Quyết định của Đảng không phải là quyết định của các cơ quan Nhà nước, không thuộc về quyền lực Nhà nước vì Đảng không phải là một tổ chức do Dân bầu ra. Song quyết định của Đảng không phải là quyết định suông, mà có quyền lực thực sự. Đó là quyền lực chính trị, quyền lực dựa trên sự sáng suốt của đường lối chính trị và năng lực tổ chức, vận động, thuyết phục… Quyền lực chính trị khi được dân ủng hộ có thể còn lớn hơn quyền lực Nhà nước như Cách mạng Tháng tám năm 1945 là một dẫn chứng lịch sử.
Còn quyền lực của Dân, thưa ông?
Dân thuộc phạm trù người chủ đất nước. Quyết định của Dân là quyết định của người chủ đất nước. Quyết định trực tiếp của Dân hay quyết định của các tổ chức do Dân bầu ra là quyền lực nhà nước đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Như vậy, phải đặt vai trò của người chủ và vai trò của người lãnh đạo trong một cơ chế tổng thể và thống nhất. Dân làm chủ. Đảng lãnh đạo. Nhà nước quản lý. Đảng không quyết định thay Dân hay thay Nhà nước vì nếu Đảng làm điều đó sẽ biến Dân và Nhà nước trở thành hình thức, hữu danh vô thực và ngược lại cũng thế.
Hành pháp không có quyền chỉ đạo tư pháp
Ông là một chính khách xuất thân từ người làm công tác kỹ thuật (Kỹ sư điện), nếu chọn một mô hình kỹ thuật cho mối quan hệ này, ông sẽ chọn như thế nào?
Tôi thường dùng hình ảnh cái đồng hồ để nói về hệ thống chính trị, nói về cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ. Các kim đều chuyển động trên bề mặt đồng hồ mà không có sự chồng chéo, va vấp là do chúng chuyển động ở các mặt phẳng khác nhau. Trong mô hình của ta hiện nay cũng tương tự như vậy. Vì thế, bất cứ kim nào từ mặt phẳng của mình lại chạy sang mặt phẳng của kim khác là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành của cả cái đồng hồ.
Như thế có phải là “lấn sân” không thưa ông?
Tôi không muốn dùng từ “lấn sân” mà tôi muốn dùng từ “lẫn chức năng”. Lẫn chức năng do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là do nhận thức.
Ông có thể cho một ví dụ cụ thể về trường hợp “lẫn chức năng” mà ông chứng kiến?
Cách đây đã lâu, một số tờ báo có đăng thông báo ý kiến của một thành viên Chính phủ trong việc chỉ đạo xử lý vụ đất đai ở Đồ Sơn. Tôi không tin là có bản thông báo đó nên tìm hiểu từ nguồn Chính phủ và thấy đúng là có thông báo này. Cách xử lý như thế là làm lẫn chức năng vì hành pháp không có quyền chỉ đạo tư pháp. Lý giải do không nắm vững luật pháp cũng không thể chấp nhận còn làm lẫn chức năng lại càng không được. Người dân có quyền nói việc đó xử đúng hay sai, còn công chức và các cơ quan hành pháp thì chỉ được nói và làm theo quy định của pháp luật.
Theo ông thì cách làm nào là hữu hiệu nhất để ngăn ngừa việc “lẫn chức năng”?
Phải phát huy tinh thần dân chủ. Dân chủ trong Đảng, dân chủ trong Quốc hội, dân chủ trong toàn xã hội. Không có dân chủ, sẽ khó tránh khỏi chồng chéo, lẫn chức năng…

Không có một chủ cụ thể sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ, vô trách nhiệm
 

Thưa, ông đã nói khá sâu sắc về dân chủ trong Đảng, dân chủ trong các hoạt động của Quốc hội. Còn dân chủ với toàn xã hội?
  Hiến pháp đã quy định Dân là chủ tức là Dân phải làm chủ. Mà Dân làm chủ tức là Dân phải có quyền quyết định. Đó là lẽ tự nhiên và khi Dân chưa được quyền quyết định thì Dân chưa được làm chủ một cách đầy đủ và thực chất. Phương châm công tác dân vận hiện nay là Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra tôi thấy đúng nhưng chưa thể hiện chuẩn xác và đầy đủ quyền của Dân.
Chưa chuẩn xác và chưa đủ ở điểm nào, thưa ông?
Vì nó chưa đề cập đến một chức năng, một quyền quan trọng nhất của người làm chủ. Đó là quyền quyết định. Đây là quyền tối hậu của người làm chủ. Các cụ ta đã nói Dân là gốc, nâng thuyền là Dân, lật thuyền cũng là Dân, ý dân là ý Trời… Khi chưa có quyền quyết định thì dù lý giải cách gì cũng không thể là dân chủ đầy đủ và thực chất được.
Ông có lo ngại khi để Dân quyết định sẽ ảnh hưởng tới chất lượng?
Khi có quyền quyết định thì chất lượng quyết định có thể sẽ diễn ra theo hai chiều hướng. Một là quyết định mang tính hình thức – quyết định để thể chế hoá một vấn đề đã được an bài, quyết định chưa dựa trên sự thảo luận sâu sắc, chưa dựa trên ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Hai là quyết định thực chất – do chính mình cân nhắc lựa chọn phù hợp với quy luật và thực tiễn khách quan, phù hợp với lòng Dân.
Nếu Dân hoặc cơ quan đại diện của Dân quyết định mang tính hình thức thì có nghĩa là Dân làm chủ hình thức. Dân mà làm chủ hình thức thì Nhà nước sẽ đi tới chỗ quan liêu, dộc đoán, chuyên quyền, tha hoá, biến chất… Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào mà người làm chủ chỉ là hình thức, chủ hờ, không có một chủ cụ thể thật sự thì ở nơi đó, lúc đó sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ, vô trách nhiệm.

Chủ trương, chính sách chưa đi vào cuộc sống là có vấn đề

Có lần ông nói phương châm “Dân kiểm tra” cũng chưa thật chuẩn xác. Vì sao vậy?

Vì người dân chủ yếu và thường xuyên thực hiện chức năng giám sát. Ngay cả các cơ quan dân bầu như Quốc hội, HĐND cũng chỉ có chức năng giám sát. Chức năng kiểm tra là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan và công chức Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Dân có quyền kiểm tra trực tiếp một số nội dung được quy định cụ thể trong quy chế dân chủ cơ sở. Do đó, cần bổ sung quyền giám sát cho đầy đủ và đúng với quy định pháp luật.
Vậy câu đó phải thể hiện như thế nào mới đạt tới sự chuẩn xác, thưa ông?
Theo tôi, nó phải được viết đầy đủ như sau: Dân biết, Dân bàn, Dân quyết, Dân làm, Dân giám sát – kiểm tra.
Thưa ông, hiện có hai luật mà một thể hiện quyền quyết định trực tiếp của Dân và một thể hiện quyền quyết định gián tiếp của Dân. Đó là Luật Trưng cầu ý Dân và Luật bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

 Thế nhưng đến nay, một Luật ra đời đã hơn 60 năm và một luật ra đời qua hai nhiệm kỳ Quốc hội  vẫn chưa được thực hiện lần nào. Vì sao vậy?

Về Luật trưng cầu ý Dân, có nhiều nguyên nhân, song hiện nay ta chưa có luật này song chủ yếu là do nhận thức còn khác nhau. Đảng của Dân, Nhà nước cũng của Dân. Ta phải tin Dân. Mà đã hỏi trực tiếp Dân bao giờ đâu, chỉ mới hỏi gián tiếp thôi. Nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XI đã đưa dự án Luật này vào chương trình dự phòng. Còn Luật bỏ phiếu tín nhiệm, có lẽ cũng cần sửa đổi cho phù hợp vì nói gì thì nói, một chủ trương, chính sách chưa đi vào cuộc sống là có vấn đề của nó.

Con đường đến với dân chủ còn không ít chông gai 

Khi được mời góp ý cho Dự thảo Cương lĩnh, ông ủng hộ ý kiến đề nghị đưa cụm từ Dân chủ lên trước từ cụm từ Công bằng (Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh = Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh). Tại sao ông ủng hộ sự hoán vị này?
 

Từ xã hội thần dân chuyển sang xã hội công dân cái chính là phải dựa trên nền Dân chủ Cộng hòa. Nếu chưa có Dân chủ thậc sự thì cũng chưa thể có công bằng và văn minh thật sự. Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của Cách mạng. Dân chủ là gốc của mọi vấn đề như Quốc hiệu đầu tiên của nước ta: Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Còn bây giờ là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam?
Cái này do cách hiểu thôi. Nếu hiểu đúng thì nó vẫn đúng và hiểu sai thì nó lại sai. Cụm từ Chủ nghĩa xã hội ra đời trước Mác cả mấy trăm năm. Hiện nay, có hàng trăm kiểu Chủ nghĩa xã hội khác nhau. Nếu hiểu xã hội Xã hội chủ nghĩa là mục tiêu phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp hơn xã hội Tư bản hiện nay, ra đời sau Chủ nghĩa tư bản thì đó là cách hiểu đúng. Nếu hiểu xã hội XHCN là những biện pháp Công hữu hóa, Tập thể hóa, Kế hoạch hóa tập trung từ Trung ương... là không đúng. Vì mục tiêu phải kiên định, còn biện pháp thì phải thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể như chúng ta đã và đang đổi mới. Vì khi biện pháp không đúng thì có thể đi ngược lại mục tiêu.

Cụm từ Dân chủ hiện nay được coi là “nhạy cảm”. Tại sao vậy, thưa ông?

Có lẽ do có sự lo ngại xu hướng Dân chủ tư sản thôi. Còn dân chủ chính là mục đích của Đảng, của Bác Hồ đã vạch ra và nhân dân ta đang phấn đấu để đi đến đó dù con đường không phải đã gần và ít chông gai.
Nếu gọi ông là Nhà dân chủ, ông có khước từ?(Ông cười nhân hậu, nhìn tôi như thể đo lường rồi nói):
Tôi góp phần phấn đấu cho mục tiêu dân chủ theo tư tưởng của Bác Hồ.
Xin cám ơn ông!