Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỪNG NHÌN RÔNG NHƯ "CHIM CHUỘT"

Thiền Phong Phạm Tuấn
Thứ năm ngày 18 tháng 6 năm 2009 11:08 AM

TNc:Gần đây trong báo giới có bài về vấn đề đồ án rồng ở đền vua Đinh (Ninh Bình), việc này dẫn đến các trao đổi trên báo Tiền Phong cuối tuần. Dưới đây web chúng tôi giới thiệu bài viết của Thiền Phong mới gửi cho.

Sau bài viết của chúng tôi trên Tiền Phong cuối tuần số 17, đến số 19 Trang Thanh Hiền đã có bài trao đổi “Không chỉ tay phụ nữ, mà còn có chim chuột”. Vậy thực chất của vấn đề “ẩn ngữ để nói về một bà Vương hậu” mà Trang Thanh Hiền đã đề cập qua hai bài viết từ “tay phụ nữ” đến “chim chuột” như thế nào? Những vấn đề khác liên quan đến một số bài của Trần Hậu Yên Thế về Mỹ thuật Hoa Lư mà Trang Thanh Hiền đã viện dẫn ra sao? Dưới đây chúng tôi xin đưa thêm một số ý kiến, hi vọng các vấn đề đang tranh luận sẽ ngày một sáng tỏ hơn.
1. Tay hay Chân rồng – những nhận định chủ quan.
Trang Thanh Hiền nhận định đồ án rồng là “những chiếc vòng được tạo ra ở cổ tay để khẳng định đó là những đôi tay phụ nữ”? Trước hết, nếu dựa vào ngấn vạch ngăn mà Trang Thanh Hiền cho là vòng mà “khẳng định” là đôi tay thì con rồng này thành bốn tay vì cái chân với vuốt không mềm mại cũng có ngấn vạch. Vậy con rồng này 4 tay? Với lập luận như vậy cho thấy nhận định của Trang Thanh Hiền là tiền hậu bất nhất, là không chính xác.
Đồ án chân rồng có ngấn vạch tách biệt phần bàn chân và khuỷu chân chúng ta gặp nhiều trong các điêu khắc cổ Việt Nam trên các đò án gỗ, hoặc đá…. như trán bia chùa Bút Tháp (dựng năm 1647 thời Lê), trán bia chùa Bạch Hào – Thanh Hà – Hải Dương (thời Lê)…. Như thế, với cách “giải mã” và “tầm đón đợi” về Mỹ thuật cổ Việt thì hình tượng con rồng bình thường như bao con rồng khác thành một con rồng dị dạng, nữ tính, bất thường với 3 tay đeo vòng và 1 chân cũng đeo vòng là khó tránh khỏi. Không dừng lại ở đó, Trang Thanh Hiền cho rằng rồng ở đình làng với móng vuốt cũng là hình ảnh tay rồng. Ta thấy, trong các đồ án rồng trên điêu khắc người Việt phần nhiều là chân rồng với 3 – 4 móng vuốt, như thế Trang Thanh Hiền muốn hoá chân rồng 3- 4 móng vuốt thành tay người trong tương quan so sánh để nhằm làm sáng tỏ hình ảnh chân rồng trên sập đền vua Đinh chăng?
Về hệ thống rồng Trung Hoa có nhiều kiểu thức thể hiện như: giao long, ứng long, sắt long, cù long, li long, thanh long, hoả long, hắc long, thương long, …. thể hiện đủ muôn hình vạn trạng. Về tôn giáo, truyền thuyết cổ đại Trung Hoa nói về rồng như: Chuyên Húc cưỡi rồng đến 4 biển, Chúc Dung cưỡi 2 rồng, Hoàng đế cưỡi rồng bay lên trời; đối với Phật giáo, hình ảnh rồng du nhập khá sớm như hình cửu long phún thuỷ, bồ tát chư thiên cưỡi rồng…vv..v.v.. Cho nên, Trang Thanh Hiền nhận định về hình ảnh rồng Trung Hoa rằng: “kể cả về ý nghĩa, rồng Trung Hoa chỉ tượng trưng cho vương quyền và chịu những quy cách ngặt nghèo, nên không thể mang những ý nghĩa về Thiên nhiên hay xuất hiện trong kiến trúc Phật giáo thời Lý Trần như rồng của Việt Nam” là một nhận định chủ quan mà người đọc bình thường cũng thấy nó sai một cách hiển nhiên.
2. Đồ án vẽ sai, dẫn đến nhận định thành “chim chuột”.
Trang Thanh Hiền trong bài viết trả lời chúng tôi đã đưa hình tượng con chuột (do Trần Hậu Yên Thế nghiên cứu), cho là một minh chứng để làm rõ “ẩn ý” của con rồng “ba tay và một chân” và con rồng kì dị này là kiểu ảnh xạ “chim chuột” trên điêu khắc ở đền vua Đinh. Đồ án trong điêu khắc cổ có hai loại hình là Đồ án Biểu tượng như Long li quy phượng và Đồ án Trang trí với các hình ảnh chim, cá, tôm, cua… Chúng tôi cho rằng hình ảnh “Chuột”, nếu có, thì thuộc vào Trang trí chứ không phải là Biểu tượng. Trong bài viết: “Con chuột trên bia đá đền Vua Đinh”, Trần Hậu Yên Thế đã mô tả trên tấm bia Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế công đức tằng tu điện miếu bia ký với hình ảnh: “Không phải là lưỡng chuột chầu cua mà lộ rõ dáng vẻ rình rập của hai con chuột đồng béo núc đang chuẩn bị lao vào xơi tái chú cua”. Quả là cách nhìn nhận rất hồn nhiên, ngộ nghĩnh của Trần Hậu Yên Thế về hình ảnh con chuột có “vị trí trang trọng nhất” mang “đậm đà bản sắc dân tộc”!? Thực ra, có phải là con chuột không, trước tiên chúng tôi trở lại với hình ảnh đồ án trên sập mà Trần Hậu Yên Thế cũng như Trang Thanh Hiền lấy làm dẫn chứng. Đồ án đã vẽ lại hình con rồng cuộn dựa trên ảnh thác bản của sập rồng. Thực tế thác bản vốn đã không lấy được nguyên bản hình ảnh của các đường nét với tính trung thực cao nhất dẫn đến các ngón vuốt thô tháp, các góc và kẽ chân của vuốt rồng đã không được rập cho tường tận và đồ hoạ vẽ lại đã cắt nét cho phẳng, nhẵn nhụi như tay người. Tính không trung thực trong bản vẽ đồ án còn hiện rõ ràng hơn trong hình ảnh con sư tử. Về hình ảnh này, chúng ta gặp nhiều trong văn khắc thời Lê, nó vừa tựa như con Lân, vẽ đơn giản lại như con hươu mà chúng tôi tạm gọi là Linh vật. Chuột tai nhọn và nhỏ, mắt nhỏ, đuôi nhọn, trong khi con Linh vật xuất hiện trên đồ án điêu khắc Việt Nam với thân cổ dài, tai to, chân vươn ra, đuôi dài với nhiều kiểu như chẻ ra nhiều sợi xoắn lại, hoặc như chổi bông, hoặc như quạt…. (Nếu có dịp chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết khác). Vả lại, con vật này xuất hiện trên chạm khắc ở đền vua Đinh đuôi dài bồng ra như có lông cũng như 2 con Linh vật trong đồ án hai bên con cua không phải là con chuột và vì thế càng không nên phát huy nghĩa lí thêm thành chim chuột như Trang Thanh Hiền nghiên cứu. Kiểu ngộ nhận này chúng ta cũng găp trong “Con chuột trên bia đá đền vua Đinh” của Trần Hậu Yên Thế viết: “chiếc bia đá niên hiệu Chính Hoà thứ 21 (1700) có khắc hình một cô gái khỏa thân đứng dưới cành hoa” ở ngã ba Thiên Tôn mà thực chất là những con khỉ trong điêu khắc cổ mà chúng ta gặp rất nhiều như bia đền Lê Đại hành dựng năm 1608, hoặc các bức chạm ở hành lang đá chùa Bút Tháp năm 1647….
3. Nhận định sai lịch sử xây dựng đền vua Đinh.
Trang Thanh Hiền đã viết sai lịch sử dựng đền vua Đinh rằng: “Theo những điều ghi nhận trên các bia còn được lưu giữ ở đền vua Đinh thì năm Hoằng Định 9 (1608), Bình An vương Trịnh Tùng cho trùng tu lại đền vua Lê, sau đó năm Hoằng Định thứ 12 (1611), sửa lại tượng và rước Hoàng Hậu và Lê Hoàn về đền vua Lê cùng với Lê Ngoạ triều”, để cho rằng có việc thờ bà Hoàng hậu ở đền vua Đinh thì mới có chuyện 3 cái chân kia biến thành tay cho hợp lý. Đồng thời tiến thêm một bước, Trang Thanh Hiền nhận định về cái ẩn ngữ “dân gian càng gia cố thêm cho những lý giải về hình tượng các đôi tay phụ nữ” và “hai chiếc sập đá chạm rồng nay đã có ở đền Đinh ngày nay trước khi tượng Dương Vân Nga và Lê Hoàn được tách về đền vua Lê” nhằm chỉ Dương hậu với vua Lê mang hàm ý chim chuột và minh xác cho việc hình ảnh bà Dương hậu ở đền vua Đinh. Thực tế có như tất cả câu chuyện về đôi tay phụ nữ như các bài báo của Trần Hậu Yên Thế và Trang Thanh Hiền đã viết không? Mấu chốt chính là nhà nghiên cứu mỹ thuật đã hư cấu hoàn toàn việc bia đền vua Đinh ghi chép về việc thờ bà Hoàng hậu ở đền vua Đinh và chuyển thờ bà từ đền vua Đinh sang đền vua Lê. Xét tư liệu thực địa, đền vua Đinh hiện còn 3 tấm bia. Tấm bia thứ nhất là Tiền triều đinh tiên hoàng đế miếu công đức bi kí dựng vào năm Hoằng Định thứ 9 (1608); bia thứ 2 dựng năm Chính Hoà 17 (1696); bia thứ 3 dựng năm Thiệu trị 3 (1843), đều không hề ghi chép về việc trùng tu năm 1611 cũng như di dời Hoàng hậu từ đền vua Đinh sang vua Lê. Hệ thống văn bia đền vua Lê cùng giai đoạn cho biết vua Lê chúa Trịnh cho làm Thánh tượng Lê Hoàn, Hoàng thái hậu và Lê Ngoạ Triều không hề ghi chép di dời tượng thờ, cũng như triều đình không hề miệt thị bà Hoàng thái hậu mà còn ca ngợi có Đức độ như thơ Quan Thư, Phúc ở thơ Cù Mộc trong Kinh Thi. Một vị Hoàng hậu mà cái đức được đem so với đức của bà Hậu phi trong thơ Quan thư, phúc trong thơ Cù Mộc thì làm gì có chuyện chim chuột như nhận định của nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền.
Thứ nữa Trang Thanh Hiền cho rằng hình ảnh còn rồng ở đền vua Đinh còn “ảnh hưởng từ văn hoá Chăm”. Điều này vốn Trần Hậu Yên Thế trong bài viết “Từ con rồng có đôi tay… vũ nữ” ngày 3 tháng 4 năm 2009 trên Thể thao văn hoá đã cho rằng “Dấu ấn Chăm Pa ở Hoa Lư đậm nét tới mức người thợ đá khắc hình rồng trên chiếc sập đá trước Nghi Môn ngoại đền vua Đinh đã dám thay những móng vuốt chim ưng sắc nhọt theo kiểu thức Trung Hoa trong Mỹ thuật đời Lê bằng những cánh tay thon mềm uyển chuyển như thường thấy trong các điệu múa các vũ nữ Chăm Pa” và nhận định ảnh hưởng văn hoá Chàm để nền Mỹ thuật Hoa Lư? Về vấn đề Chăm Pa, đến cuối thế kỉ XVI thì chúa Nguyễn đã di dân vào Trung bộ nhiều lần và phát triển đất nước về phương nam và phân định dần thế Đàng trong đối kháng Đàng ngoài. Như thế, ảnh hưởng Mỹ thuật Chăm đến thế kỉ XVII từ Thanh Hoá trở ra Bắc đã tuyệt diệt, hoặc chăng còn rơi rớt. Vả lại, kiểu thức rồng vuốt râu là đề tài phổ biến trong đồ án rồng thời Lê cũng như chân rồng dần dần vuốt không sắc nhọn là sự chuyển biến theo thời gian từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Cho nên ý kiến của Trang Thanh Hiền và Trần Hậu Yên Thế là không xác đáng và trái với sự phát triển của hình ảnh rồng trong lịch sử phát triển Mỹ thuật Việt Nam.
Về xây dựng đền vua Đinh cũng như vua Lê được sự chỉ đạo của vua Lê chúa Trịnh, chứng cứ còn rõ trên bia năm 1608 ở đền vua Đinh với nội dung cho biết: “Từ vũ tu tập, Lễ bộ đảm đương - tu tập từ vũ, Lễ bộ đảm đương”. Ngoài ra, đền vua Lê được trùng tu lần đầu tiên trong giai đoạn này theo tấm bia sớm nhất ở đền vua Lê là vào năm 1608 và sau đó tạc tượng Lê Hoàn, Lê Ngoạ triều cùng Bảo Quang hoàng thái hậu. Như vậy, đầu thế kỉ XVII, việc xây dựng và ổn định thờ tự bà Dương hậu đã ở bên đền vua Lê chứ không hề liên quan đến đền vua Đinh. Việc xây dựng đền vua Đinh, vua Lê được sự giám sát chặt chẽ của quan lại đầu triều là bộ Lễ, bộ Công với chuẩn tắc viết chữ của Ngọc thạch cục, của Thạch tượng cũng như tạc khắc đá ở Thạch Thành….  của triều đình nhà Lê mang tầm quốc gia đại sự chứ không phải mang tính dân gian muốn làm gì theo ý thích, hoặc chủ quan trong nhận định mà làm của thợ địa phương qua cách nhìn nhận của Trang Thanh Hiền. Cũng như kiểu thức kiến trúc, hoa văn, thợ khắc phần nhiều đều thuộc đất Thanh Hoá bởi giai đoạn Lê triều Hoa Lư vẫn thuộc Thanh Hoá mà đến năm 1831 mới thành lập nên tỉnh Ninh Bình.
Kết luận:
Từ vấn đề xây dựng, thờ tự, và đồ hoạ vẽ lại của đồ án rồng ở đền vua Đinh chúng tôi thấy kết luận sau: Trang Thanh Hiền đã hư cấu nội dung tấm bia đền vua Đinh dựng năm 1608 về việc chuyển dời Dương hậu từ đền vua Đinh sang đền vua Lê nhằm mục đích hợp thức hoá có hình ảnh bà hậu này ở đền vua Đinh để nói được cái ý chủ quan về con rồng “3 tay và 1 chân” mà tay “đeo vòng” rất dị dạng làm nên ẩn ngữ “chim chuột” trong điêu khắc đồ án sập rồng. Từ không có việc thờ tự Dương hậu ở đền vua Đinh cũng như phân tích qua 2 bài viết của chúng tôi có thể khẳng định không hề có con rồng lạc loài 3 tay 1 chân mà lại ẩn ý về một bà Hoàng hậu như trong bài viết của Trang Thanh Hiền. Cũng như vấn đề “chuột” trong Mỹ thuật cổ đã được Trần Hậu Yên Thế phát kiến mang một cách nhìn chủ quan rồi “tiếp biến” xây dựng nên hình ảnh “chim chuột” trong bài viết của Trang Thanh Hiền là hoàn toàn không đúng với sự thật Mỹ thuật cổ ở đền vua Đinh vua Lê. Nghiên cứu Mỹ thuật nói riêng, nghiên cứu văn hoá nói chung cần có cái nhìn hướng về cái đúng, tốt đẹp chứ không phải làm lu mờ và rối mù lịch sử. Trong xã hội hiện nay nghiên cứu văn hoá cổ đã có trường phái “chày cối”(thể hiện ở nhìn nhiều thứ thành Lin ga, kể cả chùa Một Cột), không lẽ nay lại có thêm trường phái “chim chuột”?.  Do đó, chúng tôi mong rằng qua bài viết vấn đề đặt ra sẽ thêm sáng tỏ hơn, ngõ hầu mỗi người dân Việt Nam về tham quan đền vua Đinh sẽ nhìn rồng thành Rồng mà không chỉ trỏ vào chân rồng mà bảo: “Đây là tay bà Dương Vân Nga” trong hình ảnh con rồng dị dạng với ba tay đeo vòng và một chân đeo vòng như trong nhận định về bàn tay mềm mại, phụ nữ của các nhà nghiên cứu Mỹ thuật Trang Thanh Hiền và Trần Hậu Yên Thế.
Tham khảo và chú thích.
1. Nguyễn Danh Phiệt, Nhà đinh dẹp loạn và dựng nước, nxb Khoa học Xã hội, HN. 1990.
2. Xem thêm Mỹ thuật của người Việt, nxb Mỹ thuật – 1989, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng đã dùng tên gọi hươu để gọi con vật kiểu hình dáng này, và chú thích đồ hình tại trang 102.
4. “Con chuột trên bia đá đền vua Đinh” của Trần Hậu Yên Thế trên:
http://www.vietnamfineart.com.vn/printContent.aspx?ID=1495
3. Đồ hoạ trên Văn khắc Hán Nôm tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.