Xem xét tổng thể, theo tôi, đời sống văn học Việt Nam năm 2012, có nhiều sự kiện sôi động nhưng cũng là một năm khá “sóng gió” của Hội Nhà văn Việt Nam. Xoay quanh giải thưởng năm, kết nạp hội viên, hội thảo, báo chí có những mảng sáng tối, vui buồn trái chiều, ít nhiều thu hút sự quan tâm của dư luận. Chứng tỏ: Văn học nghệ thuật vẫn là nhu cầu thiết yếu, là sự thể hiện khát vọng chân thiện mỹ của nhân dân như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ. Dù văn hóa đọc đang có những biểu hiện xuống cấp rất rõ rệt trong thời kỹ trị làm chúng ta lo âu nhưng văn chương vẫn dành được sự chia sẻ của công chúng. Thái độ đồng tình hay phản đối, khen hay chê với các tác phẩm hoặc sự việc xảy ra trong đời sống văn học là điều bình thường, rất bình thường. Không có nó mới đáng ngại, đáng sợ bởi đó là sự thờ ơ, quay lưng của nhân dân đối với văn học nước nhà. Năm 2012, dưới góc nhìn của tôi, đời sống văn học nước ta có 5 sự kiện (hoặc vấn đề) nổi bật như sau:
1.Liên hoan thơ Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất (2/2-6/2/2012), điểm sáng của đời sống văn học trong năm.
Với sự có mặt của gần 80 nhà thơ quốc tế đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, 50 nhà thơ Việt Nam đại diện cho các vùng miền trong cả nước, với chủ đề Thơ ca vì một Châu Á-Thái Bình Dương đoàn kết, hữu nghị, hợp tác đồng thuận và phát triển Liên hoan thơ Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất đã thành công tốt đẹp. Đấy là thành quả của sự phối hợp giữa Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh với Hội Nhà văn Việt Nam. Dù khác quốc tịch, ngôn ngữ, văn hóa nhưng các nhà thơ tham gia Liên hoan đều bày tỏ nguyện vọng tha thiết góp phần củng cố nền hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các nước và vùng lãnh thổ Châu Á-Thái Bình Dương. Nhà thơ Hữu Thỉnh, trong diễn văn khai mạc Liên hoan đã nồng ấm bày tỏ: Với thơ ca, hòa bình là một niềm say mê, một cảm hứng sáng tạo vô hạn trong tình yêu con người. Có bao nhiêu con đường đến với thơ ca thì có bấy nhiêu sáng kiến để bảo vệ và củng cố hòa bình. Không ít nhà thơ đề cao tính dân tộc trong thi ca; Nikolai Preiaxlov đến từ Nga nói: Giữ gìn thơ ca dân tộc-đó không chỉ đơn giản là bảo toàn văn hóa khỏi sự vứt bỏ và sự xói mòn bởi những trào lưu văn học mốt mới. Giữ gìn thơ ca dân tộc-đó còn có nghĩa là bảo tồn tâm hồn của chính nhân dân, bởi vì chính trong thơ ca đã in dấu các truyền thống sinh hoạt và nghi lễ của nhân dân, những bài ca, những anh hùng ca, huyền thoại và đạo lý nhiều thế kỷ của cha ông..., Agus R. Sarjono (Indonesia) phát biểu: Thơ nhìn vào thế giới từ những đặc điểm riêng, và sự khác biệt của nó, vì thế thơ có sức mạnh bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, chạm vào trái tim của con người trên khắp thế giới...
Chúng ta nghĩ tới điều gì về thơ ca từ những phát biểu như thế. Phải chăng nó gần với sự lo toan của nhiều người yêu thơ ca Việt về khả năng đứt gãy truyền thống hiện nay trong thể loại văn học này. Sự học đòi, bắt chước, lai căng trong thơ đã xuất hiện trên đất nước ta và nguy hiểm hơn nó được một số bậc nhà thơ đàn anh cổ súy tâng bốc như là những tài năng lấp lánh.
Ngoài ra, thiết nghĩ cũng cần nhắc tới cuộc giao lưu văn học Việt –Mỹ nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ hợp tác và Hội nghị nhà văn 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia và trao giải thưởng Văn học sông Mê Công lần thứ tư.
Năm con Rồng này, Hội Nhà văn Việt Nam đóng góp 2 tác giả tên tuổi cho các giải thưởng văn học khu vực. Đó là nhà văn Trung Trung Đỉnh được đề cử Giải thưởng văn học Đông Nam Á năm 2012, nhà văn Ma Văn Kháng được đề cử cho Hội đồng giải thưởng Nikkei Asia năm 2012 của Nhật Bản.
2. Cuộc thi Truyện ngắn trên báo Văn nghệ và Trại sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng của tạp chí Văn nghệ quân đội là những điểm nhấn của đời sống văn học trong năm.
Phát động từ tháng 1 năm 2011, cuộc thi Truyện ngắn trên báo Văn nghệ đã thu hút hơn 700 người tham gia với hơn 1000 tác phẩm gửi về tòa soạn. Hơn 400 truyện ngắn chọn lọc đã được giới thiệu trên Văn nghệ và Văn nghệ Trẻ. Theo nhà văn Nguyễn Trí Huân, Tổng biên tập báo Văn nghệ thì diện mạo và không khí truyện ngắn dự thi phản ánh rõ nét hai xu hướng lớn trong văn chương nước nhà hiện nay là quan tâm đến những vấn đề xã hội đương đại và khai thác những câu chuyện lịch sử.
Đọc truyện ngắn dự thi Văn nghệ ta thấy rõ trên hướng tập trung vào vấn đề xã hội đương thời, phần đông các tác giả viết về những thân phận éo le của con người trong bối cảnh đầy bất trắc khó khăn của đời sống xã hội đang chuyển đổi dữ dội với cái tốt cái xấu đan xen cài cắm vào nhau thành những mảng sáng tối tương phản gay gắt. Ở hướng khác, một số tác giả khai thác chất liệu lịch sử, thông qua lăng kính của con người hiện đại nhằm gửi gắm những thông điệp nào đó về xã hội bây giờ, là những ẩn dụ của văn xuôi về đời sống đương thời hay là những lý giải về một hoài nghi lịch sử còn tồn đọng. Tuy nhiên, như nhiều người nhận xét thì nền của cuộc thi khá vững song chưa có đỉnh như mong muốn; người ta chờ đợi hiện tượng nổi bật như trường hợp Ngô Phan Lưu ở cuộc thi Truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2007. Dù vậy, những cái tên tác giả như Uông Triều, Chu Thị Minh Huệ, Chu Thùy Anh, Hoàng Hải Lâm, Thu Trân...cho bạn đọc những hy vọng tốt đẹp về cuộc thi này.
Từ ngày 9 đến 27 tháng 4 năm 2012, Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với UBND Tỉnh Phú Yên, được sự tài trợ của Khu du lịch sinh thái Sao Việt và New City đã tổ chức Trại sáng tác văn học với đề tài chính Chiến tranh cách mạng Phú Yên, xưa và nay. Lần đầu tiên mô hình Trại sáng tác văn học được tổ chức với sự phối hợp giữa một tạp chí và một tỉnh. 17 tác giả văn xuôi, 7 tác giả thơ đã được chọn lọc khá kỹ (phần lớn được giải thưởng của báo Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ quân đội) của khắp ba miền về dự Trại. Một số tác phẩm của họ đã được giới thiệu trên Văn nghệ quân đội trong năm qua ít nhiều gây chú ý cho bạn đọc như truyện ngắn của Ngô Phan Lưu, Lê Nguyên Ngữ, Nam Ninh, Nguyễn Anh Vũ, Lê Hoài Lương, Nguyễn Hiệp, Huỳnh Thạch Thảo, Đoàn Dũng, Di Li, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Minh Cường...thơ Inrasara, Trần Hữu Dũng, Y Nguyên, Hồ Thanh Điền, Trần Thế Vinh...Có lẽ, cũng cần nói thêm về sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo đối với Trại viết này. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên BCT, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đến thăm và nói chuyện với các nhà văn tham dự Trại.
3. Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 và 2011 ( trao vào đầu năm nay) cho các tác phẩm thơ gây nhiều tranh luận.
Sau một thời gian dài mất mùa thơ (không được trao giải hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam) thì đầu năm 2012, trong thông báo Hội nghị BCH Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 5 khóa VIII có danh sách 4 tác phẩm của 4 tác giả được trao giải thơ cho 2 năm 2010 và 2011. Đó là: tập thơ Bầu trời không mái che của Mai Văn Phấn, Sóng và khoảng lặng của Từ Quốc Hoài (năm 2010) và Ngày linh hương nở sáng của Đinh Thị Như Thúy, Hoan ca của Đỗ Doãn Phương. Việc trao giải cho các tập thơ trên phản ánh sự ủng hộ xu hướng thơ cách tân của Hội đồng Thơ và BCH Hội Nhà văn Việt Nam. Ủng hộ cái mới là cần thiết nhưng mới như thế nào là điều đáng bàn. Xung quanh các tập thơ được giải này có những luồng khen chê khác nhau, nhất là với tác phẩm Hoan ca của Đỗ Doãn Phương. Người khen Hoan ca của Đỗ Doãn Phương nhất có lẽ là nhà thơ Đặng Huy Giang, ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam. Ở bài viết Lại phải khởi đầu từ nơi kết thúc, nhà thơ Đặng Huy Giang hào hứng ca ngợi: Không phải ai cũng có tâm trạng mang màu sắc thái độ như Đỗ Doãn Phương: Thân thiết đến mức tôi tưởng tôi không phải từ ai hết/ Rườm rà đến mức làm tôi chán ngắt. Không phải không có lúc, Đỗ Doãn Phương (hoặc nhìn thấy) sự bất an, bất yên của đời sống, nhưng chính ngọn đèn trên khung cửa của tình yêu đã giúp anh đẩy lùi cái chết (có thể là đẩy lùi tất cả) ra ngoài cửa chính đã đóng chặt…Thơ Đỗ Doãn Phương là thơ hướng nội, hanh thông, nhất quán về giọng điệu, khiển ý, dựng tứ và có chiều sâu. Đọc Hoan ca, tôi càng tin thơ chính là sự vượt thoát (theo quan niệm của nhà thơ Mai Văn Phấn) và cũng chính là chứng ngộ của tâm hồn…
Nhưng theo tôi, trong Hoan ca thơ Đỗ Doãn Phương đang thiếu năng lượng nội lực để mở ra những không gian lớn, thiếu sự từng trải để ngẫm nghĩ sâu hơn về nhân tình thế thái, thiếu xúc cảm để truyền cho thơ những rung động mạnh mẽ, thiếu sáng tạo để tạo dựng được những bài thơ độc đáo. Đỗ Doãn Phương chưa phải là người mở ra một con đường trong thơ hiện đại và thơ anh chưa đạt tới vẻ tráng lệ của ngôn từ và cái chiều kích hiện đại trong mỗi hình ảnh như tờ Nghệ thuật mới tụng ca và cũng chưa đến độ vượt thoát, chứng ngộ của tâm hồn như Đặng Huy Giang nhận xét.
Không đồng tình với việc Hội Nhà văn Việt Nam trao giải cho các tập thơ trên có thể kể đến các nhà thơ, nhà văn Trần Mạnh Hảo, Đỗ Hoàng, Nguyễn Hiếu, Triệu Lam Châu...
Xu hướng đa dạng hóa văn chương, hình thành các trường phái, các nhóm gần gũi nhau về quan điểm sáng tác đã được dự báo từ trước và đã trở thành hiện thực ở nước ta. Cách tân, sáng tạo là quy luật tự nhiên, tự tại của thơ ca. Tuy nhiên, cách tân như thế nào, có lẽ cũng nên bàn luận cho thấu đáo. Về vấn đề này, tôi thấy bài viết Thơ đương đại đang khủng hoảng? của Hồ Sĩ Vịnh đăng trên Văn nghệ công an ngày 15 tháng 10 năm 2012, sau đó được nhiều báo viết, báo mạng in lại có những điều đáng suy nghĩ. Hồ Sĩ Vịnh viết: Cách tân không phải là mục đích, mà chỉ là phương tiện, là thao tác kỷ xảo, là sự tìm kiếm ý tưởng mới, hình tượng mới, ngôn từ lấp lánh...Muốn cách tân gì thì cách, trước hết nhà thơ phải có tài. Trong thơ ca, tài năng là sự chân thật, chân thật tối đa. Ở đây nhà thơ và nhân vật trữ tình là một, trùng khít đến mức khó tách làm hai. Mọi thứ giả vờ, làm dáng, cường điệu cảm xúc của người viết thật xa lạ với tính chân thật trong thơ...Trong thơ đương đại, do tâm lý hấp tấp, hiện tượng “ăn non” quả chưa chín đã hái, nên vừa chát, vừa chua...Ông cảnh báo về sự bắt chước vồ vập một vài khuynh hướng thơ hiện đại, hậu hiện đại của bên ngoài...Mọi thứ bắt chước kỳ quặc, thô kệch, mọi thứ suy nghĩ rối rắm, ngôn từ bệnh hoạn (mot malade) hiện tượng làm ô nhiễm ngôn ngữ, cách diễn đạt rắc rối, gượng gạo, vờ vĩnh về đề tài tình dục, tình yêu nam nữ đều xa lạ với thơ đương đại và hệ lụy bạn đọc xa lánh.
4. Hội thảo bình thường và bất bình thường.
Không thể hồ đồ cho rằng mọi cuộc hội thảo văn học gần đây ở nước ta là vô bổ và tốn kém. Việc trao đổi, thảo luận về các vấn đề nóng hổi của văn học hiện nay cũng như các tác giả, tác phẩm ít nhiều đã cung cấp cho bạn viết, bạn đọc những thông tin, cách nhìn nhận, thẩm định đánh giá khác nhau. Qua đó, chúng ta có cơ hội hình dung, nắm bắt đầy đủ hơn ở cả bề rộng và chiều sâu tình hình văn học nước nhà với những mảng sáng tối, đậm nhạt, hay dở của nó để tự điều chỉnh cho phù hợp trong sáng tác và thưởng thức theo hướng tích cực. Trong năm 2012, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức được nhiều cuộc hội thảo bổ ích như hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Châu, Hàn Mặc Tử; các cuộc hội thảo về Văn học thiếu nhi, về Văn học dịch, về Nhà văn Lê Minh với đề tài cách mạng và kháng chiến; đặc biệt hội thảo Sáng tạo văn học về đề tài lịch sử...
Tuy nhiên, lại có những cuộc hội thảo không bình thường gây bức xúc rất nhiều trong đội ngũ nhà văn và công chúng.
Cuộc hội thảo bất thường được dân cư mạng nhắc tới nhiều nhất là hội thảo Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử do tạp chí Nhà văn tổ chức. Hoàng Quang Thuận là hội viên mới kết nạp đầu năm 2012 của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm đưa ra hội thảo là Thi vân Yên Tử không biết vì sao lại được một số nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình nổi tiếng tụng ca hết lời. Cũng không ít người phê phán, đặt câu hỏi: Thơ như thế đã được gọi là thơ thiền chưa? Nó có phải là sự nhập thế của tiền nhân sống ở thế kỷ 13-Người mà được dân tộc vinh danh là Vua hiền, Vua sáng, Phật của Việt Nam và cũng là thi nhân nổi tiếng với những câu thơ thế này: Bên song đèn rạng sách đầy giường/ Khí lạnh đêm thu đượm giọt sương/ Thức dậy tiếng chày đà lặng ngắt,/ Trên chùm hoa mộc nguyệt lồng gương không? Xin thưa, đấy là thơ của Trần Nhân Tông, trong bài Trăng, một bài thơ mang nỗi thao thức sâu lắng của bậc đại nhân, đại trí, là ngân rung của một tinh thần đã đạt tới tinh khiết trong sáng và tự nhiên như trời đất, cây cỏ...Người lập ra Trúc lâm Thiền phái chắc không ngờ tám thế kỷ sau lại có kẻ dám mượn danh mình để đánh bóng cho một tập thơ vụng về, nông cạn và bi hài thay người ta lại tổ chức hội thảo ầm ĩ về nó với rất nhiều tụng ca du dương...Cái gì đã dẫn tới cuộc hội thảo à uôm này?
Việc khen chê một tác giả, tác phẩm là chuyện rất bình thường trong các cuộc hội thảo văn học. Nhưng, chúng ta thử nhìn lại xem mấy cuộc hội thảo văn học nói chung và thơ gần đây, rất ít, nếu như muốn nói là không có những bài viết phản biện, trái chiều với dòng tụng ca ngút trời được cất lên. Chủ yếu là khen, khen, khen. Rất nhiều lời có cánh được tung ra mà dựa vào đó người ta tưởng như đã xuất hiện những hiện tượng kỳ vĩ, những ngôi sao chói lọi trên bầu trời thi ca Việt Nam. Đấy chắc chắn không phải là kiểu khen cho nó chết mà khen vì cánh hẩu, khen vì nén bạc đâm toạc tờ giấy, khen vì mối tình cảm anh anh chú chú, khen vì nó bị thằng không ưa mình ghét...Những dòng này có thể đụng chạm ai đó trong làng văn nhưng tôi không thể không viết ra khi cái sự nịnh bợ, tâng bốc nhau đã trở thành căn bệnh của một bộ phận người cầm bút ở nước ta hiện nay.
5. Báo chí văn chương đang gặp nhiều khó khăn nếu không muốn nói là đang tụt dốc.
Một tình trạng chung khá buồn cho các tờ báo và tạp chí văn học nghệ thuật là chất lượng hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu đọc ngày càng cao của công chúng và số lượng đang sụt giảm trông thấy. Thực trạng có thể nói là khá u ám này không chỉ xảy ra với hầu hết các tờ báo tạp chí văn nghệ địa phương mà ngay với các tờ báo tạp chí văn nghệ Trung ương vốn nổi tiếng xưa nay cũng “lâm nạn”. Có tờ tạp chí trước đây xuất bản mỗi số trên 3 vạn nay tụt xuống còn 2/3 mặc dầu được bao cấp hoàn toàn. Hệ thống báo chí của Hội Nhà văn Việt Nam thực sự khó khăn. Tạp chí Nhà văn, Văn học nước ngoài, Thơ số lượng xuất bản rất khiêm tốn, ngoài phần tặng cho hội viên không phát hành được mấy. Hội Nhà văn đang đau đầu về chuyện này; tổ chức lại hệ thống báo chí của Hội là việc không thể không làm.
Nhìn ra xã hội, rộng hơn, tôi thấy rất nhiều ấn phẩm văn học không được công chúng mặn mà. Nguyên nhân, theo tôi, chủ yếu là tại văn chương, tuy nhiều số lượng nhưng lại ít chất lượng, bên cạnh sự mòn cũ nhàm chán có lắm hô hoán cách tân nhưng lại ít chất đời sống, xa lạ với tâm tư tình cảm của đông đảo quần chúng nhân dân. Trong nhiều tác phẩm, kể cả những tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, nhất là thơ, trong mấy năm qua hình như những vấn đề lớn của đất nước, với con người lao động trong thời kỳ đổi mới khá mờ nhạt nếu không muốn nói là bị bỏ rơi. Quá nhiều sự phản ánh vụn vặt, cái đời thường lấn át cái cao cả, cái tiêu cực phủ trùm cái tích cực được thể hiện trong nhiều tác phẩm. Các vấn đề xã hội bị xem nhẹ trong khi xu hướng đề cao cá nhân được quan tâm lựa chọn. Đó là chưa nói tới sự rối rắm tù mù trong thể hiện, lắm khi như thách đố người đọc. Cuộc sống đang hướng tới sự tiện lợi, giản đơn, hiệu quả dù các phương tiện tiêu dùng ngày càng hiện đại tinh vi hơn. Thế mà, thơ văn vẫn muốn bày ra sự rắc rối phức tạp xa lạ với cách cảm, cách nghĩ của đông đảo nhân dân, thử hỏi có được không? Sẽ đi về đâu, tới đâu thứ văn chương chỉ viết cho mình hiểu, hoàn toàn không thấm nhập được vào lòng công chúng. Chúng ta chống sự nhân danh truyền thống để biến văn chương thành thứ dễ dãi, sáo mòn, nôm na nhưng cũng phải cảnh giác với những nhân danh cách tân đổi mới để làm mọi thứ rối tung lên, để bôi lem thuần phong mỹ tục dân tộc. Tôi nghĩ, chưa làm được điều đó, văn chương nước nhà chưa đáp ứng được nhu cầu và mong mỏi của nhân dân. Và, những ấn phẩm văn học vẫn nằm ngoài sự quan tâm thường trực của công chúng.
Khép lại một năm, trong tôi vẫn là những băn khoăn cũ, hy vọng cũ hướng tới 365 ngày mới.