Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy

Vũ Thanh Tùng
Thứ ba ngày 22 tháng 1 năm 2013 9:34 PM

I. Nguyễn Duy và thơ Nguyễn Duy
1. Tiểu sử:
Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh tại xã Đông Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1965 làm tiểu đội trưởng dân quân trực chiến tại khu vực cầu Hàm Rồng. Năm 1966 anh nhập ngũ, tham gia chiến đấu nhiều năm trên các chiến trường Đường 9 - Khe Sanh, Nam Lào, miền Nam. Năm 1971, anh về học Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ra trường, anh về làm việc tại Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam và là Trưởng Đại diện Báo Văn nghệ tại phía Nam.
Nguyễn Duy làm thơ từ khi đang còn là học sinh trường cấp III Lam Sơn, Thanh Hóa. Năm 1973, anh đoạt giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ với chùm thơ: Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, Tre Việt nam trong tập Cát trắng. Ngoài thơ, anh cũng viết tiểu thuyết, bút ký. Năm 1997, anh tuyên bố "gác bút" để chiêm nghiệm lại bản thân rồi tập trung vào làm lịch thơ, in thơ lên các chất liệu tranh, tre, nứa, lá, thậm chí bao tải. Từ năm 2001, anh in nhiều thơ trên giấy dó. Anh đã biên tập và năm 2005 cho ra mắt tập thơ thiền in trên giấy dó (gồm 30 bài thơ thiền thời Lý, Trần do chính anh chọn).
Nguyễn Duy được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
2. Thơ Nguyễn Duy.
Nguyễn Duy viết nhiều thể loại nhưng nhiều nhất, tiêu biểu nhất vẫn là thơ. Thơ Nguyễn Duy cũng nhiều loại từ thơ ngắn, tự do, lục bát đến thơ dài. Những tập thơ chính gồm:
• Cát trắng (1973), Ánh trăng (1978), Đãi cát tìm vàng (1987), Mẹ và em (1987)
• Đường xa (1989), Quà tặng (1990), Về (1994), Sáu & Tám (1994) 
• Vợ ơi (1995), Tình tang (1995), Bụi (1997), Thơ với tuổi thơ (2002)
•  Thơ trữ tình (2004), 36 bài thơ (2007)
• Thơ Nguyễn Duy(2010, tuyển tập những bài thơ tiêu biểu nhất).
Nói về con người và thơ Nguyễn Duy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhận xét: "Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó."
Nguyễn Duy viết nhiều và thơ anh gắn với cuộc đời và con người. Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Duy hiện lên làm cái nền cho con người hiện ra, bọc lộc. Con người trong thơ anh là người bà, người mẹ, người cha, người nông dân lam lũ và đồng đội anh - những người lính. Thơ Nguyễn Duy đi từ quê ra phố, từ phố ra ngoài và quay trở lại với quê. Hơn ai hết, Nguyễn Duy có cái ngang tàng, cái chiêm nghiệm đi cùng sự điềm tĩnh trong thơ. Vì thế thơ anh cứ ngấm vào người đọc và có lúc khiến người ta phải giật mình suy nghĩ. Nhiều bài thơ của anh được bạn đọc yêu thích: Tre Việt nam, Ánh trăng, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Đò Lèn, Ca dao vọng về, Lời ru đồng đội, Sông Thao, Em ơi gió.... Nguyễn Duy có sở trường và được đánh giá cao trong thể thơ lục bát, một thể thơ dễ viết nhưng viết được hay lại rất khó. Thơ lục bát của Nguyễn Duy có phong cách hiện đại, câu thơ vừa phóng túng lại vừa uyển chuyển chặt chẽ. Nhiều câu thơ lục bát của anh khiến người đọc giật mình. Ngôn ngữ thơ của anh vừa bình dân, hiện đại lại mang tính cách tân đổi mới. Nguyễn Duy được giới phê bình đánh giá là người đã góp phần làm mới thể thơ truyền thống này. 
II. Nguyễn Duy và bộ ba thế sự:
Sau năm năm say sưa trong men chiến thắng, bắt đầu từ 1980, dân chúng mới ngã ngửa người ra ta chẳng có gì, đất nước chẳng có gì và chẳng biết làm gì. Những năm 1980 - 1990, đất nước và nhân dân ta đứng trước muôn vàn khó khăn: Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tất cả nhưng lại thừa sự trì trệ, sự dối trá và thói ba hoa. Trong khoảng 10 năm đó, bằng sự tác động của nhiều kênh thông tin trong, ngoài nước và bằng chính những đòi hỏi khắc nghiệt của cuộc sống, ban lãnh đạo nước nhà đã có những thay đổi mạnh mẽ, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Chúng ta đã dần thoát khói cảnh thiếu đói, việc làm đã nhiều hơn, hàng hóa đã nhiều hơn, cuộc đời đã đẹp hơn.
Trong hoàn cảnh chung đó, Nguyễn Duy đã viết ba bài thơ dài theo thể tự do như một dạng trường ca. Anh đã nói hộ, nói thay chúng ta những trăn trở, nghĩ suy, những đau đớn dằn vặt và những mong muốn hướng về tương lai mà một người con dân đất Việt có lương tâm luôn đau đáu trong lòng.
Bài thơ đầu “Đánh thức tiểm lực”, được Nguyễn Duy viết từ năm 1980 đến 1982 với những suy tư về tiềm lực của đất nước và những trì trệ, những lời nói suông dẫn đến sự đói nghèo và băng hoại đạo đức xã hội. “Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ tiềm lực còn ngủ yên”…”Tiềm lực còn ngủ yên/ Trong bộ óc mang khối u tự mãn”…” Cần lưu ý/ lời nói thật thà có thể bị buộc tội/ Lời nịnh hót dối lừa có thể được tuyên dương/ đạo đức giả có thể thành dịch tả/ lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường”. Bài thơ đã được đọc cho ông Sáu Dân (Ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Bí thư Thành ủy T.P Hồ Chí Minh) nghe trước khi được in ra với chữ đề “Tiễn anh Sáu Dân đi làm kinh tế”.
Năm 1988, Nguyễn Duy sang thăm Liên Xô và như một điều kiện để “kính nhi viễn chi”, để tự nhìn nhận, suy ngẫm lại những gì mình đã sống, đã trải và bài thơ “Nhìn từ xa… Tổ quốc”  ra đời trong hoàn cảnh đó. Bài thơ viết về những trì trệ, bất cập mà anh mắt thấy tai nghe trong thời kì bao cấp, với những câu thơ rất mạnh mẽ, "như những nhát dao cứa vào lòng người đọc" (Lê Xuân Quang). “Đối diện ngọn đèn/ trang giấy trắng như xeo bằng ánh sáng/ Đêm Bắc bán cầu vần vụ trắng/ nơm nớp ai rình sau lưng ta”… “Có một thời ta mê hát đồng ca/chân thành và say đắm/ ta là ta mà ta cứ mê ta”. Bạn bè kể lại rằng, những ngày đó, ban ngày Nguyễn Duy đi thăm thú, làm việc nhiều nơi, tối đến anh đi đi lại lại trong phòng, khi chắp tay cúi đầu, khi vung tay ngửa mặt, khi lẩm bẩm, khi quát váng lên, không ai dám khơi trò vì biết rằng lúc ấy Nguyễn Duy đang nhập đồng và những câu thơ ứa máu được viết ra như thế. Sau này, mỗi khi bạn bè yêu cầu, anh vẫn giữ nguyên cái giọng lên đồng đó mà đọc. Có lẽ đây là một trong số bài Nguyễn Duy rút ruột gan mà viết. Mỗi lần đọc lại bài thơ này tôi vẫn có cái cảm giác gai người.
Bài thơ thứ ba viết hai năm 1990, 1991 mang tên “Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ” vẫn cùng giọng điệu, cách cảm, cách nghĩ như hai bài thơ trước nhưng điềm tĩnh hơn, triết lý hơn và chủ đề lại rộng hơn: những suy nghĩ về thiên nhiên, không gian và tương lai con người. “Quả đất nóng dần lên/ tầng ôzôn có vấn đề gì đó/ sọ dừa gặp vấn đề trì trệ/ tri thức nhồi vào tri thức cứ phòi ra/ mắt vấn đề toét tai vấn đề ù…/Khủng hoảng thiếu thần linh/ khủng hoảng thừa yêu quái…/ đại loại thay cái thiên hạ rắc rối/ vấn đề tầng ôzôn cả thôi”. Nguyễn Duy mượn cái triết lý phương Đông “Âm dương-Ngũ hành” để nói về cái cụ thể của cuộc đời, của đất nước, của dân tộc từng ngày xáo trộn đổi thay: “Như kiểu bán từng phần rừng bể núi sông/ từng miếng địa ốc từng mẩu mặt bằng từng khúc ruột đất/ thời buổi thị trường mọi việc đều có thể/ có thể nước này mua trọn gói nước kia”…“có thể lập những liên doanh ma quỷ/ những công ty bán nước từng phần/ có thể kể những tập đoàn siêu quốc/ những quốc gia mất nước từng phần”…Và dẫu vậy thì cuối cùng thì nhân dân vẫn là người quyết định: “Năm ô cờ sắp xếp lại thiên hạ/ ngồi xổm chơi hay ngồi bệt thì tùy”.
Ba bài thơ dài mà tôi gọi là bộ ba thế sự là tâm trạng đau đớn tột cùng của tác giả trước những bất công mới, những trì trệ cũ cùng mong muốn sự cải đổi, thay thế, sự cởi trói, mở cửa để người dân có thể tự cứu mình trước khi cứu nước nhà khỏi thảm cảnh đói nghèo, tụt hậu. Nguyễn Duy đã nói lên cái nguyện vọng, ý chí của người dân và giờ này nhìn lại thấy tuyệt đối đúng. Vậy mà, vào thời điểm đó, bài thơ đọc lên khiến khối kẻ không bằng lòng và gây không ít khó khăn cho tác giả và những người làm công việc xuất bản. Không biết những kẻ đó giờ ở đâu? Có còn tí liêm sỉ nào không nhỉ?
III. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy trong ba bài thơ nói trên.
1. Ngôn ngữ phóng sự, thời sự, chính luận
 Đặt trong bối cảnh đất nước sau 1975, cả dân tộc say sưa trong chiến thắng. Năm năm sau, giật mình nhìn lại trắng tay không. Ít nhất cũng trong hơn mười năm (1980-1992), chúng ta mới thấy hết những điều mà Nguyễn Duy viết ra trong bộ ba nêu trên là hết hết sức chân thành, hết sức dũng cảm. Những câu thơ mang tính thời sự, phóng sự.
Mở đầu bài “Đánh thức tiềm lực”, Nguyễn Duy viết:: “Hãy thức dậy đất đai! Cho áo em tôi không còn vá vai/ cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô khoai sắn/ xin hãy bắt đầu từ cơm no áo ấm/ rồi hãy đi xa hơn - đẹp và giàu, và sung sướng hơn”. Ai trong số chúng ta đây không được học: “Nước ta rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu”. Nguyễn Duy cũng chỉ nhắc lại: “Thuở tới trường cũng đầu trần chân đất/ chữ viết loằng ngoằng củ sắn ngọn khoai/ thày giáo giảng rẳng nước ta giàu đẹp lắm/ lớp lớp trẻ con cứ thế học thuộc bài”. Nhưng chiến tranh qua đi, không còn nguồn viện trợ, chúng ta lại không biết làm kinh tế cộng thêm thói ba hoa tự mãn đã đẩy đất nước vào thảm cảnh kiệt quệ về kinh tế, cô lập về chính trị. “Ruộng bát ngát đó thôi và gạo đắt đó thôi/ đất nghiền phân vô cơ như người nghiền á phiện/ con rầy nâu khoét rỗng cả mùa màng/ thóc bỏ mục ngoài mưa thiếu xăng dầu vận chuyển/ phà Cần Thơ lê lết người ăn xin”.  Bằng mẫn cảm của người cầm bút, và rất thẳng thắn, Nguyễn Duy chỉ ra nguyên nhân của những yếu kém đó: “Tiềm lực còn ngủ yên/ trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng/ Tiềm lực còn ngủ yên/ trong bộ óc mang khối u tự mãn/ Tiềm lực còn ngủ yên/ trong lỗ tai chai viêm màng nhĩ/ Tiềm lực còn ngủ yên / trong ống mũi khò khè không nhận biết mùi thơm…”. Rồi cao hứng, Nguyễn Duy kêu gọi: “Năng động lên nào/ từ mỗi tế bào từ mỗi giác quan/ cố nhiên cần lưu ý sự năng động của cái lưỡi”. Nhưng rồi anh cũng cảnh báo: “ Cần lưu ý/ lời nói thật thà có thể bị kết tội/ lời nịnh hót dối lừa có thể được tuyên dương/ đạo đức giả có thể thành dịch tả/ lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường”.  Một vài phát kiến về cải cách, về kinh tế nhỏ bị quy chụp, bị kết tội. “Có cái miệng làm chức năng cái bẫy/ sau nụ cười là lởm chởm răng cưa...”.
 Từ nước Nga xa xôi, Nguyễn Duy bình tâm nhìn lại tất cả những gì mà đất nước và nhân dân đang gánh chịu. Trong “Nhìn từ xa…Tổ quốc”,  anh kể ra đến đến 6 cái xứ xở quê nhà: “Xứ xở nhân tình sao lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu/ nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng/ mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện/ Ma cụt đầu phục kích nhà quan”. Rồi “Xứ xở linh thiêng sao lắm đình chùa làm kho hợp tác…thiện ác nhập nhằng/ công lý lênh phênh/ Xứ xở thông minh sao lắm trẻ con thất học/ Xứ xở thật thà sao lắm thứ điếm/ điếm cấp thấp bán chôn nuôi miệng/ điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn/ Xứ xơ cần cù sao lắm lãn ông/ Xứ xở bao dung sao thật lắm thần dân lìa xứ/ Xứ xở kỷ cương sao thật lắm thứ vua…”. Nguyễn Duy lấy mình ra xét để nói thay mọi người: “Chích một giọt máu thường đem xét nghiệm/ tí trí thức - tí thợ cày - tí điếm - tí con buôn - tí cán bộ - tí thằng hề/ phật và ma mỗi thứ tí ti”. Anh cũng thông cảm và biết rằng chúng ta sống trong một thời mà: “Khốn nạn thân nhau/ Nặng kiếp phân thân mặt nạ”. Anh kêu gọi chúng ta hãy nói thật với nhau đi, nói hết những sai trái ra để rồi cùng nhau làm lại: “Thì lột mặt đi lần lữa mãi mà chi/ dù dối nữa cũng không lừa được nữa/ khôn và ngu cũng có tính mức độ”.
 Không chỉ nêu ra, liệt kê và khái quát sự kiện, Nguyễn Duy còn chỉ ra nguyên nhân của những thói vô nhân và bình luận: “Sự thật hôn mê - ngộ độc tự hào/ bệnh và tật bao nhiêu năm ủ lại/ biết thế nhưng mà biết làm thế nào/ Chả nhẽ bây giờ bốc thang chửi bới/ thầy chửi bới nhe dàn nanh cơ hội/ Chả nhẽ bốc thang cỏ khô nhai lại/ lạy ông cơ chế lạy bà tư duy/ xin đừng hót những lời chim chóc mãi/ đừng lớn lối khi dân lành ốm đói/ vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn/ đổi mới thật không hay giả vờ đổi mới/ máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?. Nhưng cũng có khi anh buồn bã thốt lên: “Thật đáng sợ ai không có ai thương/ càng đáng sợ ai không còn ai ghét/ Ngày càng hiếm những câu thơ tuẫn tiết/ ta là gì? Ta cần thiết cho ai?”.
 Nói như một nhà triết học cổ điển “Ta tư duy vậy thì ta tồn tại”. Nguyễn Duy cũng phải tìm một chỗ dựa cho chính mình, cho bạn đọc của anh nữa chứ. Anh dựa vào đâu: “Có thể ta không tin ai đó/ có thể không ai tin ta nữa/ dù có sao vẫn tin ở con người…/Dù có sao vẫn Tổ quốc trong lòng/ mạch tâm linh trong sạch vô ngần/ còn thơ còn dân/ Ta là dân - vậy thì ta tồn tại”.
 Trong “Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ”, Nguyễn Duy mượn hình tượng tầng ôzôn bị ô nhiễm, cả thiên hạ đổ xô vào cứu chữa bằng nhiều biện pháp mà chửa tới đâu để nói về những bất ổn, những nguy cơ hiện hữu ngay trong nước mình. Đó là những chuyện cụ thể như cháy rừng, lũ lụt, trẻ lang thang bụi đời, sinh đẻ thiếu kế hoạch, xì ke ma túy… “Sâu rầy đang vấn đề cánh đồng/ rừng cây vấn đề cháy và trụi/ nón hành khất ngả vấn đề xó chợ/ trẻ lang thang vấn đề bụi đời/ lổn nhổn hành tinh vấn đề đẻ và đói…/vấn đề nước cầm đầu lũ lụt/ vấn đề lửa thủ phạm hỏa hoạn” . Rồi đến những vấn đề lớn hơn như thói đạo đức giả, buôn quan bán chức: “Ta ngan ngán  đám quan hoạn giả thiến giả đạo/ vừa ăn hoa hồng vừa xơi hoa đào”. Anh sợ có ngày: “Cơ chế thị trường mọi việc đều có thể/ có thể nước này mua trọn gói nước kia/ có thể lập những liên minh ma quỷ/ những công ty bán nước từng phần..”. Và rồi cái anh lo lắng hình như đang xẩy ra: “Như kiểu bán từng phần rừng bể núi sông…”. Nguyễn Duy lo lắng cả đến cái gọi là tri thức trong cơ chế thị trường: “Lại thắc mắc sọ dừa trí tuệ/ tri thức nhồi vào tri thức cứ phòi ra… Chiêm ngưỡng bàn tay bậc thày mổ cá/ bái phục giáo sư vặt lông vịt thiên tài..”.
 Ta go, nhà thơ thiên tài Ấn Độ, trong bài thơ Trò chơi từng viết đại ý là: Kết bạn với nhà vua anh sẽ thành nô lệ của quyền lực, kết bạn với lái buôn anh sẽ thành nô lệ của tiền bạc, kết bạn với cô gái đẹp anh sẽ thành nô lệ của tình yêu, còn khi kết bạn với đám trẻ ngoài bãi biển, cùng chơi đánh đáo bằng vỏ hến thì anh thành người tự do. Nguyễn Duy dường như cũng mang cái tâm thức ấy nên cuối cùng anh quay về với đám trẻ: “Thì ta thi tài với con nít lối xóm/ cờ tướng cờ vua cờ ngựa cờ ô/ và chơi lại trò xưa giản đơn như là không có gì/ ván âm dương Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ/ năm ô cờ xếp lại thiên hạ/ ngồi xổm chơi hay ngồi bệt thì tùy”.
 Ba bài thơ trên của Nguyễn Duy mang đậm hơi thở của thời đại, nó phản ánh cái không khí ngột ngạt, cái bức bối của của một dân tộc vừa mạng niềm tự hào lớn lao vừa mạng nỗi nhục đói khổ. Không chỉ thế, Nguyễn Duy là một trong số ít những người dám nói thẳng, nói thật, chỉ ra những bất ổn, những thói hư tật xấu làm mất lòng tin của người dân. Chính vì những lẽ đó, tôi gọi ba bài thơ trên là bộ ba thế sự.
2. Những thủ pháp ngôn từ
 Nguyễn Duy với một mẫn cảm ngôn từ đặc biệt nên thơ anh dù là lục bát, tự do hay tứ tuyệt đều đạt đến độ tự nhiên, bất ngờ thậm chí đôi khi huyền ảo, biến hóa khôn lường. Anh có cái lối nói chơi mà thật, nhại đấy mà chua chát đấy. Nói như Chu Văn Sơn đó là cái lối “ghẹo” của muôn đời cha ông ngấm vào anh từ lúc nào không biết. Đọc Nguyễn Duy, lắm khi người ta thấy cái chua ngoa, nghiệt ngã, cái cười cợt mà cay cay con mắt tự lúc nào. Ấy là nhận xét về ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy nói chung vậy. Còn trong bộ ba bài thơ vừa kể, ngoài ngôn ngữ mang đậm chất báo chí, phóng sự, chính luận ra, Nguyễn Duy còn sử dụng nhiều thủ pháp đặc biệt để biểu hiện cái tâm trạng, cái đau đớn, xót xa trước tình cảnh hiện thực.
2.1. Trước hết để phản ánh cái hiện thực nghiệt ngã mà nhân dân đang gánh chịu,  Nguyễn Duy dùng lối liệt kê, thống kê sự việc.
Hãy xem anh kể: “Tôi lớn lên trên bờ bãi sông Hồng/ trong màu mỡ phù sa và máu loãng/ giặc giã từ con châu chấu con cào cào…”/ “Tôi đã qua những chặng đường miền Trung bỏng rát và dai dẳng/ một bên Trường Sơn cây xanh/ một bên Trường Sơn cát trắng/ Đồng bằng hình lá lúa gầy nhẳng/ cơn bão chưa qua hạn hán đổ tới rồi…”/ “Tôi về quê em châu thổ mới bồi/ sông Cửu Long giãn mình ra biển…”. Anh dùng lối điệp ngữ để kể và nhấn mạnh cái ý “Tiềm lực còn ngủ yên” đến tám lần. Mỗi lần anh lại chỉ ra một nguyên do để cho tiềm lực của đất nước bị lãng quên. Thực chất  đó là những tội lỗi được anh gọi tên, chỉ mặt. Rồi sau khi chỉ ra nguyên nhân để cho đất nước lâm vào cành nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân đói khổ, anh lại cảnh giác chỉ ra bằng một loạt sự “Cần lưu ý”: “Cần lưu ý lời nói thật thà có thể bị buộc tôi…” / “Cần lưu ý cái miệng làm chức năng cái bẫy…”/ “Cần lưu ý có lắm sự nhân danh lạ lắm/ mượn áo thánh thần che lốt ranh ma…”/ “Cần lưu ý có lắm nghề lạ lắm/ nghề mánh mung cứa cổ bóp hầu nhau/ nghề chửi đổng, nghề ngồi lê, nghề vu cáo/ nghề ăn cắp lòng tin và chẹt họng đồng bào…”.
Trong “Nhìn từ xa… Tổ quốc”, Nguyễn Duy đau đớn ngẫm về đất nước, về nhân dân. Anh liệt kê ra sáu xứ xở quê nhà: “Xứ xở nhân tình sao lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu/ nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng…”/ “Xứ xở linh thiêng sao lắm đình chùa làm kho hợp tác…thiện ác nhập nhằng/ công lý lênh phênh…”/ “ Xứ xở thông minh sao lắm trẻ con thất học…”/ “Xứ xở thật thà sao lắm thứ điếm/ điếm cấp thấp bán chôn nuôi miệng/ điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn…”/ “Xứ xở cần cù sao lắm lãn ông…”/ “Xứ xở bao dung sao thật lắm thần dân lìa xứ…”/ “Xứ xở kỷ cương sao thật lắm thứ vua…”.
Thủ pháp thống kê, liệt kê cho phép người viết kể được nhiều, nói được nhiều những điều mắt thấy tai nghe. Bên cạnh đó còn có thể bình luận thể hiện sự đánh giá, nhận xét của mình trước những điều đã thấy đó. Cái khác biệt ở đây là Nguyễn Duy đã dùng sự đối lập của ngôn từ và hình ảnh để nói về cái lầm than, cái chua xót khi liệt kê. Câu thơ đọc lên như “nhát dao cứa vào lòng” vậy.   
2.2. Lối nói dân gian:
 Đọc Nguyễn Duy nhiều khi ta thấy anh dùng lối nói ngoa dụ đến độ chua ngoa. “Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ/ ợ lên thum thủm cả tim gan…”/ “Đôi khi nổi máu lên đồng/ hồn thoát xác rũ ruột gan ra đếm…”/ “ Nghe chừng lục phủ ngũ tạng đều cọt kẹt/ sida giác quan ung thư toàn thân…”/ “kẽo kẹt hai vai một nhịp cầu vồng…”. Lối ngoa dụ trong dân gian thường lựa chọn các hình ảnh tượng trưng, dù là mạnh bạo cũng chỉ đến mức: “ước gì sông rộng một gang/ bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”  hay: “Hôm qua tát nước bên đình / bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”.  Vậy mà nó ngấm vào Nguyễn Duy và anh cũng đanh đá, cũng chua ngoa và cái lối nói chua ngoa đầy dân dã của Nguyễn Duy lại bằng ngôn từ rất hiện đại. Có thể nói không ngoa rằng đó là lối nói của dân bụi, dân @ thứ thiệt: “Lại đi đưa những đám ma từ ngữ/ xác chữ chôn đầy nghĩa địa giấy vô hình…” / “Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện/ ma cụt đầu phục kích nhà quan”/ “Có trận đánh úp nhau bằng chữ nghĩa/ khái niệm bắn ra không biết lối  thu về”.
 Nguyễn Duy còn rất thích dùng lối ẩn dụ. Đôi khi, nói trực tiếp không đem lại hiệu quả bằng cách nói này. “Kèn trống bỗng mọc móng mọc vuốt vuốt/ gầm gừ đèn lân tinh nhờ nhợt…”/ “Thuyền vỏ trấu mỏng manh ba chìm bẩy nổi/ khúc dân ca cũng bèo dạt mây trôi/ hạt gạo nõn nà gày đi vì thiên tai…". Các cụ ta xưa mượn cây đào, cây mận để nói về tình yêu một cách trang trọng và tế nhị nhưng không kém mượt mà tha thiết: “Bây giờ Mận mới hỏi Đào/ vườn hồng đã có ai vào hay chưa”. Nguyễn Duy mượn cái bóng của mình để nói cái sợ hãi vô hình theo gót, ám ảnh con người ta suốt những năm tháng muốn nói, muốn thét lên sự thật mà không dám: “A… xin chào người anh hùng bất lực dài ngoẵng/ bóng máu bầm đen sõng soài nền nhà”. Rồi anh tự hỏi: “Ai? Không ai/ Vết bầm đen ngửa mặt lên trời”…/ “Ai? Không ai/ Vết bầm đen tọa thiền”. Lối nói ẩn dụ của Nguyễn Duy khác hẳn các cụ ta trước đây, nó bặm trợn, ngổ ngáo, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại: “Đêm huyền hoặc/ dựng tóc gáy thấy lòng toang hoác/ mắt xanh lè lạnh toát lửa ma trơi”.
 Trong kho tàng ngôn ngữ thơ ca dân gian tồn tại nhiều cách nói, lối nói, trong đó có kiểu nói ghẹo. Trong cuộc sống lao động, lối hát ghẹo, nói ghẹo chính là tiếng cười tạo nên sự lạc quan của con người. Còn gì vui vẻ hơn khi đang lao động mệt nhọc lại được nghe những lời chòng ghẹo, đùa cợt ưỡm ờ  rồi bật lên những tràng cười sảng khoái. Nguyễn Duy cũng thế, cái lối nói “cà chớn” ấy ngấm vào anh, anh đùa cợt với cả thánh thần, với cả những vật vô tri và cợt nhả với ngay chính mình: “Ta chúi mũi hà hơi lên trang bản thảo/ hô hấp nhân tạo những con chữ khó thở…/ta khao khát tiếng hát giun dế/ không biên tập không kiểm duyệt…/ ta ao ước cái bay chim chóc/ không hộ chiếu không biên giới/ chó già giữ xương mèo già hóa cáo/ ta già ta hóa trẻ con”. Lối nói cà chớn (ghẹo) của Nguyễn Duy đậm chất bụi của thời đại. Anh đã làm cho tiếng Việt sống động lạ lùng: “Sọ dừa gặp vấn đề trì trệ/ tri thức nhồi vào tri thức cứ phòi ra/ Mắt vấn đề tét tai vấn đề ù/ bất an vấn đề giấc ngủ/ nón hành khất ngả vấn đề xó chợ/ trẻ lang thang vấn đề bụi đời…”.
 Nhận xét về ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy mà chỉ gói gọn trong bộ ba bài thơ nói trên quả là không đủ, không hết và bỏ sót quá nhiều. Trong phạm vi này, người viết chỉ muốn nói đến một phần thủ pháp ngôn từ mà Nguyễn Duy sử dụng nhằm đạt hiệu quả của cái gọi là “thế sự” mà thôi. Bây giờ có quá nhiều người lớn lối, yêu cầu này, đòi hỏi kia. Hãy quay lại 30 năm trước xem giọng điệu họ thế nào? Với tôi, bằng bộ ba: “Đánh thức tiềm lực, Nhìn từ xa…Tổ quốc và Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ”, Nguyễn Duy đã nói thay chúng ta - những người có lương tâm, rất nhiều điều.
          Đầu hạ, tháng 6 năm 2011.
Tham khảo:
1. Nguyễn Duy - Thơ, NXB Hội Nhà văn, H. 2010.
2. Chu Văn Sơn: Nguyễn Duy thi sĩ thảo dân. (trong tập Nguyễn Duy - Thơ).