Với tôi, cái danh của nhà văn thiêng liêng và cao quý, có lẽ phấn đấu cả một đời phải sống và làm việc ra sao cho xứng với danh nhà văn còn phải rèn luyện gian nan, vất vả lắm mới hy vọng mong manh tới ngày “đắc đạo”. Thử hỏi trong làng văn có được mấy người xứng với cái danh ấy cả về tài, đức?
Thì đây, có người khi chưa phải là nhà văn cấp…tỉnh, họ chỉ là chuyên viên ở công sở bình thường, không chức tước gì, lại sắp về hưu. Thế là quay ra viết văn, đưa đến Hội văn cấp tỉnh, được đón tiếp, đọc bài, in vào tạp chí của tỉnh, rồi giới thiệu đi dự trại tận…trung ương, được gọi là: nhà văn. Oai quá. Quen biết nhiều trong cả nước, quay nhìn lại quê hương, thấy những người đã từng đọc bài giới thiệu mình đi dự trại, in tạp chí, sao mà: “quê mùa”, “man di mọi rợ”, ăn nói cục cằn... Thế là quyết tâm “chạy” vào Hội Văn trung ương. Được vào Hội trung ương rồi, đến ngày Đại hội văn cấp tỉnh, thế là “tân nhà văn trung ương” rung đùi tuyên bố câu xanh rờn: Tôi không bỏ phiếu cho “con” này, “thằng” nọ, chúng nó không xứng đáng. Chao ôi, “con này, thằng nọ” ngày xưa đã từng đeo kính cận đọc tác phẩm, quan tâm tới từng câu văn, dấu chấm cho “tân nhà văn” đấy ạ. Nghe nói thêm rằng, có lần “nhà văn” này đị thực tế vùng sâu xa, nghèo khổ, nhưng “nhà văn” đòi nghỉ phải ở phòng điều hoà để…đọc tài liệu, vì nắng nôi quá không thể đi tiếp xúc với dân trên nương rẫy được. Khiếp.
Lại có nhà văn khác ở tỉnh lẻ có ý tưởng phải tổ chức đi thực tế để tăng thêm“vốn sống”, viết mới hay, mới “đi vào lòng người đọc”, bằng tác phẩm “dự báo” tương lai cho cả một tỉnh, một đất nước. Ghê. Chức năng của văn học phải như thế! Phải gấp rút tổ chức chuyến đi thực tế, không nên lãng phí nhiệt huyết của nhà văn đang sục sôi vì tương lai của một…tỉnh cơ mà. Chạy vạy mãi cũng đủ kinh phí để thuê xe, tiền ăn ở, liên hệ địa điểm đoàn nhà văn sẽ tới… Đến giờ xe đón, xe vắng tanh. Tại sao thế? Điện hỏi vì sao? Nhiều cái “vì” lắm: Vì nhà có giỗ…đột xuất, ốm đột xuất, “bạn gái” không cho đi, ngày lên đường không phải giờ “hoàng đạo”, có con em từ Sài gòn về thăm… Kinh. Tất nhiên chuyến đi thực tế không huỷ, vì tiền đã hợp đồng với nhà xe, nơi ăn ở đã báo trước, quan chức ở địa điểm nhà văn sẽ đến đã chuẩn bị đón. Chỉ có điều lãng phí, thuê xe lớn, người đi lại ít hơn dự toán ban đầu. Đó cũng là “bài học dự toán” cho những nhà tổ chức quá nhiệt tình, chưa có “tầm nhìn vĩ mô” đi thực tế của các “nhà văn lớn”.
Chuyện nữa về một “nhà văn cấp tỉnh” cũng “hay” không kém “nhà văn trung ương”. Trước đây ông ta không bao giờ đến Hội văn cấp tỉnh. Năm trước, Hội tỉnh tổ chức về giải Văn học Nghệ thuật, thế là ông ta xuất hiện, xin vào Hội với thái độ, lời nói…khiêm nhường: “ Cả một đời dồn hết tâm huyết vào cuốn sách này, tiền nong không thành vấn đề, chủ yếu nhờ ban giám khảo thẩm định, tuyên truyền, quảng bá, để dễ phát hành tác phẩm ra mắt bạn đọc, thế là quý lắm rồi”. Chao ôi, có người trong ban giám khảo đã rưng rưng đôi mắt khi nhìn thấy mắt tác giả cũng đang…rưng rưng, liền an ủi ông ta với niềm hy vọng sẽ có giải thưởng. Năm ấy, ông ta trúng giải VHNT cấp tỉnh, và cũng bất ngờ, từ cái “giải” ấy, thái độ “khiêm nhường” ấy của “nhà văn cấp tỉnh” bỗng dưng…biến mất. Lời ăn tiếng nói của “nhà văn” được “nâng cấp âm lượng” bất ngờ, ngạo mạn, coi “chúng nó viết có ra cái gì” may có “ta” làm “rạng danh” cho Văn học tỉnh nhà, phải tiếp tục “đầu tư” cho “ta”, nếu không sẽ đưa ra Đại hội, sẽ không bỏ phiếu cho “con này, thằng kia”, phải giới thiệu, tôn vinh “ta” vào Hội nhà văn Việt Nam, nếu không thì…Nghe kinh hoàng. Ai dám nói thái độ của “nhà văn” trên khác với thái độ, hành động của tầng lớp giang hồ đang hoàng hành làm giảm sút, sa đoạ đạo đức trong xã hội nào?
Còn rất nhiều, rất nhiều chuyện về “nhà văn” nữa mà kể mãi cũng không hết được. Ví như có “nhà văn” gặp các quan chức ở địa phương thì lên tiếng nói… hùng hồn của “Văn nghệ sĩ”, gặp “Văn nghệ sĩ” thì nói…có gang, có thép như “một chính khách” thực thụ, hi hi, chết cười.
Những năm gần đây, tôi cảm nhận được một điều rằng, hình như các nhà văn chân chính thường rất ít tự giới thiệu tôi là nhà văn? Có phải đã quá hiểu về tình trạng danh nhà văn đang bị lạm dụng, lợi dụng một cách trơ trẽn, thô thiển, nên tầng lớp nhà văn chân chính này không muốn nhắc tới làm gì nữa?
12-2012