Lời thưa: Sau khi đăng bài Vĩnh biệt một người thày, một cây đại thụ chữ nghĩa về Dịch giả- Nhà thơ- Họa sĩ- Nhà quốc tế ngữ Đào Anh Kha trên trang trannhuong.com, có bạn đọc cùng trang lứa ở HN, Tp HCM gọi điện muốn tôi đăng tiếp bài viết về tuyên ngôn thơ Đào Anh Kha. Âu thế cũng đỡ buồn vì vẫn còn nhiều người nhớ đến ông!...
Có lẽ trong số các thi sĩ Việt Nam, người làm nhiều thơ để nói về thơ và nghiệp chướng thơ là Chế Lan Viên. Trong di cảo của ông thật khó mà nhớ hết các bài thơ hay thuộc loại này. Tôi chỉ nhắc lại đôi câu đã hằn sâu trong tâm tưởng từ những năm sáu mươi tập tọng làm thơ, viết văn : "Muối lắng ở ô nề, thơ đọng ở bề sâu” hay "Thơ dở người không dịch được, thơ hay như cô gái đẹp, ở đâu cũng lấy được chồng."...
Nếu tôi không lầm thì ở Hà Nội mấy năm gần đây, người hay làm và làm thơ hay về thơ là Đào Anh Kha. Trước mặt tôi là tập thơ song ngữ Việt - Pháp "Lễ ca tình yêu của tôi" (Plains - Chants de mon Amour) của Đào Anh Kha, do NXB Thế giới ấn hành trong không khí Hà Nội tưng bừng chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao lần thứ 7 các nước nói tiếng Pháp. Tập thơ gồm 42 bài do tác giả tuyển chọn và tự dịch ra tiếng Pháp. Lời ông đề tặng tôi ngay tại căn gác xép ở 25B Tràng Thi vẫn còn thơm mùi mực. Tôi đọc một mạch hết cả 42 bài thơ và tôi cảm nhận, tôi yêu cái giọng thơ mượt êm, tĩnh lặng , uyên thâm rất phương Đông, mặc dầu bút pháp thể hiện lại rất hiện đại kiểu phương Tây, cho dù là thơ văn xuôi hay thơ lục bát. Điều làm tôi hứng thú là trong bài thơ ấy đã có tới 5 bài thơ nói về thơ với giọng điệu trữ tình sâu lắng tới mức không thể phân biệt giữa thơ tình yêu với thơ triết luận: "Anh là...", "Chuyện của gã ăn mày ", "Gã nhà thơ ", "Thơ là tĩnh lặng", "Hỏi chi em". Tôi sững sờ kinh ngạc và tự trách mình bấy lâu có một nhà thơ ở ngay cạnh mà sao tôi hờ hững, tôi vô tình nên chưa hề biết đến. Phải vì nhà quốc tế ngữ - nhà thơ sống quá thầm lặng như thơ ông vốn là tĩnh lặng?
"Thơ chỉ đến trong lòng tĩnh lặng
có đâu thơ giữa huyên náo
chợ trời.
Mẹ hát, con tán lời
trò khỉ mà chơi
đâu có biết nôi thơ
là tĩnh lặng.
Gương mặt hồn sáng lên khi đón mộng
hoá gương soi trăm khía
mặt trần gian" ...
Sinh năm 1923, từng bị chính quyền Pháp cầm tù vì hoạt động cách mạng, ở tuổi 74, Đào Anh Kha đã cho ra mắt 2 tập thơ: "Hồ Chí Minh - Sự thật truyền kỳ "(trường ca, 1990)" và "Lành vỡ hoa yêu" (1992). Ông đã từng được nhận giải thưởng văn học ở chiến khu Nam Bộ (1947) với vở kịch thơ "Phạm Hồng Thái". Công chúng phương Tây biết đến thơ ông từ lâu. "Đối với công chúng phương Tây, có lẽ đây sẽ là sự phát hiện trước một nhà thơ độc đáo Việt Nam - một phong thái rõ nét hiện đại nơi một tâm hồn dịu dàng, trầm tư mặc tưởng và hướng thiện theo lối phương Đông" (lời NXB Thế giới). Nhà soạn nhạc và viết báo người Pháp Giăc-cơ-lơ-puyn cũng đã viết về ông: "Thế rồi bỗng nhiên nổi lên ở Pa ri, ở Matxcơva, ở Bắc Kinh hoặc ở Hà Nội cái "gã nhà thơ" biết rằng "Vì yêu, hưởng ít cho nhiều". Đào Anh Kha, nhà thơ đích danh, nhưng mà xuỵt! Thơ là tĩnh lặng." ... Vậy mà éo le thay, có thể nhiều bạn đọc còn chưa biết ở Việt Nam có thi sĩ Đào Anh Kha!
Trở lại với những bài tuyên ngôn Thơ song ngữ Việt-Pháp của Đào Anh Kha trong tập "Lễ ca tình yêu của tôi", mỗi bài một vẻ, lời nồng tấm yêu. Trước đây đọc Chế Lan Viên, tôi rất khâm phục. Nhưng đôi lúc tôi hơi mỏi mắt, váng đầu bởi lối viết theo kiểu nhà thơ đang ở đỉnh cao trên thi đàn nói về thơ. Với 5 bài tuyên ngôn Thơ của Đào Anh Kha, tôi thấy ngọt ngào, nhẹ êm một cảm giác rằng Nàng Thơ ở một thế kỷ xa xôi nào đó trong quá khứ hoặc trong tương lai đang nói về Thơ. Giữa cõi nhân gian vốn là bể khổ, "gã nhà thơ" đồng nghĩa với "gã ăn mày", chịu ơn mưa móc và mắc nợ với cuộc đời, với Thượng đế. Gã đi xin, đi vay cho mình và cho hết thảy mọi người. Luật đời có vay có trả. Trong cuộc vay - trả, trả - vay ấy, gã đã làm đẹp cho đời để rồi hoá thành bất tử, bởi thơ gã không dứt lời ngợi ca cuộc đời này. Vậy nên trong bài "Hỏi chi em" ( A quoi bon la question), tác giả lại khuyên người đời đừng bao giờ hỏi tuổi "gã nhà thơ" hay "gã ăn mày" ấy. Có lúc suy tưởng của gã còn già gấp đôi ông lão, nhưng hồn thơ của gã tràn đầy sức xuân gấp đôi sức anh lực điền, trong trẻo và đáng yêu gấp đôi cô gái tuổi cập kê và thậm chí có lúc giọng thơ của gã còn ngây thơ như đứa trẻ trên nôi.
Tôi đọc và tôi yêu nhất bài thơ " Anh là..." ( Je suis...). "Nàng Thơ" hay "gã nhà thơ", tôi cũng không biết nữa, cứ khe khẽ tự hát về mình rằng thơ là sáng tạo , thơ chắp cánh bay cho những tư tưởng nhân ái , công bằng, vô ngã, vị tha và căm thù, khinh miệt mọi cái ác, cái giả trá, thờ ơ...
"Anh là con chim Lời nở từ trứng tưởng tượng
chắp cánh bay cho lặng thầm ý tưởng.
Anh là con sâu Lời đục trái tim chai sạn,
mở lối thông cho máu thắm đi về.
Anh là con mọt Lời khoét gỗ đá vô tri
ăn nát vỏ, bóc trần cây vô giác.
Anh là bột mầu Lời vẽ ông Thiện, ông Áác
Trên mỗi cửa đền phân vế ghét và thương."
Vượt lên trên tất cả, thơ hoá thân vào vũ trụ làm ánh trăng soi rọi mọi góc tối tâm hồn, tưới lên những con tim đau khổ, những mảnh đời đơn côi tình yêu và nghĩa cả. Sự cộng hưởng giữa thơ với những hoà âm của vũ trụ sẽ như cây đàn nguyệt cầm ngân rung điệu nhạc của tình yêu muôn thuở:
"Anh là mảnh trăng Lời soi bóng lẻ cô đơn
đưa tiếng gió ru hời qua biển khổ.
Anh là nguyệt cầm Lời không thôi ngân tiếng khẽ
Chỉ mình em nghe rõ, bạn tình ơi !"
Tú Xương khi viết bài "Thi hỏng", cả bài không hề nhắc đến từ "thi hỏng" mà chỉ thấy: "Học đã toi cơm, cơm chửa chín - Thi không ăn ớt, thế mà cay". Nét độc đáo trong thi pháp của Đào Anh Kha là ở chỗ khi "Nàng Thơ" tự hát về mình, cả bài không hề có từ "Thơ". Ông dùng một cách cao tay điệp từ "Lời" : con chim Lời, con sâu Lời, con mọt Lời, bột mầu Lời, ánh trăng Lời, nguyệt cầm Lời. Nói về thi pháp, tôi lại nhớ đã đọc ở đâu đó, trong một cuốn sách cổ có ghi lời của Lý Bạch luận về thi pháp trong thơ tứ tuyệt: "Một bài tứ tuyệt hay, người ta có thể tìm thấy trong bốn câu ba vần triết lý của hiền giả, giai điệu của âm nhạc, mầu sắc của hội họa, xung đột hay tương phản của kinh kịch". Phải chăng vì thế mà trong khúc tự hát của "Nàng Thơ" đã có "con chim Lời nở từ trứng tưởng tượng", "con mọt Lời khoét gỗ đá vô tri", lại có cả "bột mầu Lời", "mảnh trăng Lời", "nguyệt cầm Lời" ?
Khi tác giả tự dịch ra tiếng Pháp bài "Je suis..." này, tôi chợt nhớ lại câu thơ của Chế Lan Viên : "Thơ dở người không dịch được, thơ hay như cô gái đẹp, đi đâu cũng lấy được chồng". Thơ Đào Anh Kha khi dịch sang tiếng Pháp, đọc lên với lối phát âm "măng giê xla_vơ" nghĩa là nuốt vần, tôi nghe thấy mượt êm, trong sáng và sâu đằm bao ý tưởng.
Lạ thay cái duyên kỳ ngộ! Hơn 10 năm trước, vào một buổi tối cuối thu trời se lạnh, tôi từ Khâm Thiên qua đường Nguyễn Du thơm nồng hoa sữa, đến nhà giáo sư Trường Lưu ở phố Lương Ngọc Quyến (nguyên là biên tập viên thập niên 70 của báo Nhân Dân và tuần báo Văn nghệ), tình cờ biết nhà thơ Đào Anh Kha… Đọc tập thơ song ngữ Việt - Pháp của ông, tôi đem lòng si mê một nhà thơ và không thể không viết đôi dòng về những lời tuyên ngôn thơ song ngữ Việt - Pháp của ông.
Hà Nội, 5/11/1997