Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÕ VĂN KIỆT - NGƯỜI BẠN LỚN CỦA CÁC NHÀ BÁO

Lê Phú Khải
Thứ năm ngày 28 tháng 5 năm 2009 7:28 AM

. . . Khi công cuộc khai hoang Đồng Tháp Mười vào giai đoạn cuối, chỉ còn lại những vùng đất hoang khó khai phá nhất, một buổi sớm vừa mở mắt, tôi đã nhận được điện của giám đốc cơ quan thường trú Đài TNVN tại TP.HCM…  phải lên cơ quan gấp! Thì ra ông Sáu Dân nghe chương trình thời sự của Đài TNVN buổi 6  giờ sáng, có bài của tôi viết về kinh tế trang trại ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nói về trang trại trồng mía của anh Võ Quang Huy, ở Đức Hòa vùng ven Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An. Anh Huy đã đại diện cho 6 hộ nông dân trong vùng nhận đất của nhà nước để khai hoang hơn 200 hécta, với thời hạn 20 năm. Anh Huy đã cùng với 6 hộ đào kênh, đắp đê bao chống lũ, lên liếp rửa phèn toàn bộ 200 he1cta đất được giao…
Đêm trước ông Sáu dân ngủ tại trang trại của anh Huy, sáng về sớm, trên xe về TP.HCM ông nghe đài có bài viết của tôi về trang trại của anh Huy nên muốn gặp tác giả để trao đổi!... Trên đường đến nhà cố vấn Võ Văn Kiệt (lúc đó ông Sáu Dân với cương vị cố vấn Ban chấp hành TW Đảng) tôi vẫn còn băn khoăn, không biết bài viết của mình có gì sơ xuất không (?) Vì lúc đó vừa mới có Hội nghị về kinh tế trang trại do Ban Kinh tế TW chủ trì ở Bình Dương, trong hội nghị ấy người ta tranh luận rất nhiều, quan điểm trái ngược nhau về vấn đề tích tụ ruộng đất (!) Nhưng vừa bước chân vô phòng khách tôi đã thấy nhẹ người… Vẫn cái nheo mắt cười quen thuộc, ông Sáu biểu tôi: Nghe đã thấy nhẹ người… Vẫn cái nheo mắt cười quen thuộc ông Sáu biểu tôi: Nghe Phú Khải trên đài nhiều rồi, bây giờ muốn Phú Khải nghe tôi có đặng không? Tôi lấy bút ra ghi chép. Cuộc làm việc đến hơn tiếng đồng hồ. Ông Sáu Dân nhắc lại những điều có liên quan đến vấn đề ruộng đất và nông dân từng đã nói với tôi trước đây, đại ý, trước kia trong hai cuộc kháng chiến, ruộng đất là “cái bùa hộ mệnh” của cách mạng đối với nông dân… Nhưng bây giờ thời thế đã thay đổi, giai đoạn cách mạng đã thay đổi thì tư duy phải thay đổi. Ông đi đến kết luận: Ruộng đất không phải là mục đích cuối cùng mà cách mạng đem đến cho nông dân. Công ăn việc làm, đời sống no đủ, công bằng xã hội mới là mục đích cuối cùng với nông dân. Vì thế ông tán thành tích tụ ruộng đất để có sản xuất lớn, để nông sản hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế nay mai, đồng thời người nông dân có việc làm, có thu nhập cao không nhất thiết mỗi người phải có một mảnh ruộng nhỏ nhưng không đủ sức cạnh tranh, nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói … Cuối cùng ông đề nghị tôi vô một nông trường có tên là nông trường “Cô Bé Hai”, do một nữ doanh nhân ở quận 4 TP.HCM thuê gần 2000 hécta đất với thời hạn 20 năm để khai hoang, ở huyện Thủ Thừa tỉnh Long An. Theo ông Sáu, đây là những vùng phèn nặng nhất của Đồng Tháp Mười. Ông hỏi tôi: Phú Khải có biết câu ca về vùng này không? Rồi ông đọc cho tôi nghe “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh, cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy”! Theo ông thì người nghèo không có vốn, dù có cấp đất cho cũng không thể khai hoang nổi. Ông đề nghị tôi với tư cách là một nhà báo, hãy đến tận nơi quan sát rồi suy nghĩ cùng ông. Sau này khi vô nông trường Tân Thanh (tức nông trường Cô Bé Hai) tôi được biết, trước đó cố vấn Võ Văn Kiệt đã lặn lội vô đây, (không có đường xe hơi), ăn cơm cá lóc nướng chui với những người khai hoang. Lúc tiễn ra cửa, ông còn vỗ vai tôi, lại nheo mắt cười: Cô Bé Hai đang “cô đơn” đấy, gắng lên nhà báo (!) (Sau này Cô Bé Hai lấy một việt Kiều ở Mỹ, quê ở huyện Bình Chánh, cùng cô chung lưng khai phá đất hoang).
Như bất cứ nhà hoạt động chính trị có tầm cỡ nào, ông Võ Văn Kiệt quan tâm đến việc tập hợp những người làm thông tin đại chúng, thu hút, thuyết phục họ, hướng ngòi bút của đội ngũ này vào những đề tài nóng bỏng, có tính sống còn của cuộc sống đất nước, để những thông tin từ họ phát đi, phù hợp với lợi ích của đất nước trong hiện tại, và cả những lợi ích trong tương lai mà người lãnh đạo sáng suốt sớm nhìn ra… Tôi chỉ là một phóng viên nhỏ bé, được sự quan tâm của ông (trong lĩnh vực khai phá xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long) trong rất nhiều những nhà báo mà ông đã dìu dắt, đã cộng tác vì sự nghiệp chung của đất nước. Khi tôi thay mặt cho tạp chí Nghề báo TP.HCM phỏng vấn, ông đã trả lời: “Báo chí là một kênh thông tin rất quan trọng, không thể thiếu được với lãnh đạo và điều hành đất nước. Khi tôi điều hành chính phủ ngoài trực tiếp đọc, nghe một số thông tin cần thiết, hàng tuần anh em TTXVN còn đến báo chí tổng hợp. Văn phòng Chính phủ có một vụ theo dõi báo chí, điểm báo hàng ngày, tóm lược những thông tin trên báo chí những bài có liên quan đến công việc điều hành của Chính phủ, giúp cho sự chỉ đạo, khẳng định cái đúng cũng như giải quyết những việc chưa phù hợp, qua đó biết những mặt tích cực và tiêu cực của xã hội, cũng như trong bộ máy nhà nước, những trì trệ, cửa quyền v.v… Điều này rất có lợi vì ta truyền tải thông tin qua thông tin đại chúng, đại chúng cũng qua báo chí phản ánh tình hình trở lại với Đảng, Nhà nước. Qua thông tin trên báo chí, người điều hành có thể giải quyết, xử lý, phát hiện những cái mà bên dưới chưa kịp báo cáo hoặc không đi vào ngóc ngách như báo chí. Có nhiều trường hợp. Ví dụ như qua nghe đài, xem báo và điểm báo, có vấn đề gì liên quan đến các Bộ, Ngành địa phương thì kiểm tra lại thông tin hoặc trích chuyển bên dưới trực tiếp giải quyết. Thấy cần thì cho người kiểm tra trực tiếp hoặc giao cho cơ quan Thanh tra xác minh những sự việc thông tin trên báo. Báo chí phải là công cụ truyền tải thông tin chính xác của Đảng, Nhà nước đến dân và phản hồi trung thực những đóng góp và nguyện vọng của dân chúng đến các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Báo chí cần kiên trì và đủ dũng khí tích cực đấu tranh chống “quốc nạn” tham nhũng và thực hiện “quốc sách” tiết kiệm chống lãng phí (dưới bất cứ hình thức nào) như chủ trương của Đảng, Nhà nước. Thông qua phương tiện báo chí, đấu tranh vạch trần bản chất những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch bên trong, bên ngoài đối với dân tộc cũng như chỉ rõ đường lối đúng đắn của Đảng ta. Mặt khác, trên tinh thần cầu thị, chúng ta sẵn sàng nghe những ý kiến phản ánh sai sót khuyết điểm của mình (nếu đó là sự thật) không phân biệt ý kiến đó là của ai với động cơ gì.
Khi chúng ta bước vô kinh tế thị trường được một thời gian, báo chí phát triển mạnh, nhưng nhiều vấn đề mới mẽ đặt ra cho một nền báo chí ra đời và phát triển từ một cuộc chiến kéo dài, sau đó là những năm tháng kinh tế tập trung bao cấp… thì chính ông Võ Văn Kiệt là một nhà lý luận sắc bén về báo cáo đổi mới: “Kinh tế thị trường, mà chúng ta áp dụng, trên thực tế đã không thương mại hóa báo chí theo hướng mà không ít người lo ngại. Chính thị trường đang làm cho báo chí gần gũi với người đọc hơn bởi sự tồn tại và phát triển của báo chí là do chính người đọc quyết định. Sự phát triển theo hướng đó đã tạo ra những tiêu chí đánh giá mới. Tầm quan trọng của báo chí hiện nay không còn lệ thuộc hoàn toàn vào các thang bậc của thời bao cấp: báo chí cấp I, báo chí cấp II, cấp III. Sự tín nhiệm của công chúng, của bạn đọc quyết định vị trí của các sản phẩm báo chí. Càng đi theo những tiêu chí đó, càng nói tiếng nói của dân, trở thành công cụ của nhân dân, báo chí Việt Nam càng trở về một cách gần gũi hơn, với bản chất của nền báo chí cách mạng: yêu nước, tiến bộ. Chúng ta có hàng chục nghìn nhà báo đang có mặt ở khắp mọi miền đất nước, am hiểu thực tế và có thể nắm bắt kịp thời mọi diễn biến xã hội. Nếu chỉ sử dụng báo chí nói một chiều theo ý mình, sẽ không phát huy được tính năng động, sáng tạo của đội ngũ nhà báo đông đảo đó. Báo chí “một chiều” chỉ có thể trở thành những công cụ dễ dàng làm vừa lòng mình nhưng không thực sự giúp được gì cho mình. Trong điều kiện một Đảng lãnh đạo, báo chí càng cần phải trở thành một kênh thông tin từ nhân dân, một công cụ giám sát quyền lực. Nhà nước của nhân dân; vừa phát hiện và vừa đóng vai trò phản biện. Nếu báo chí thụ động, các nhà báo cứ quen chờ đợi sự chỉ đạo, chúng ta sẽ thường xuyên bị động trên mặt thông tin. Về kinh tế, Việt Nam đã từng bước hội nhập. Về phương diện thông tin, Việt Nam càng không thể biệt lập với bên ngoài. Trong thời đại ngày nay, nếu báo chí trong nước tạo ra bất cứ khoảng trống nào về thông tin, báo chí bên ngoài sẽ ngay lập tức chiếm chỗ. “Bức tường” tốt nhất để ngăn cản các thông tin xấu là chủ động thông tin và tạo ra không khí đối thoại cởi mở trong xã hội.
Báo chí cũng đang đứng trước không ít cám dỗ. Nếu coi báo chí như là một thứ quyền lực đứng trên pháp luật thì nhà báo cũng rất dễ bị tha hóa. Các nhà báo và các hoạt động báo trí cũng rất bị tha hóa. Các nhà báo và các hoạt động báo chí cũng phải được đặt dưới sự chế tài của luật pháp. Ngược lại, xử lý những sai sót của báo chí và của các nhà báo cũng phải căn cứ vào pháp luật. Tôi tin rằng, các nhà báo chân chính, dám nói tiếng nói của đông đảo quần chúng nhân dân, không cầu an khi dấn thân vào nghề này. Những, sẽ không công bằng khi những nhà báo thật sự dũng cảm, dám đương đầu với tham nhũng, chống lại cái xấu và cổ động cho cái mới lại phải chịu nhiều “bầm dập”. (Báo SGGP số ra ngày 21.6.2007)
Và chính tác giả Võ Văn Kiệt là một nhà báo xuất sắc, là người cầm bút đứng giữa dòng chảy của cuộc sống để viết lên những tác phẩm báo chí có sức lay động lòng người như bạn đọc cả nước đã thấy. Theo tôi thì chưa bao giờ ông là một cán bộ lão thành cả, lúc nào con người này cũng trẻ trung tràn đầy nhựa sống.
Trách nhiệm một công dân trước vận hội mới của đất nước đã vận động tư duy sáng tạo của ông lên những tầm cao mới. Những lá “thư công tác” đầy tâm huyết, trách nhiệm với dân với nước mỗi khi ông đi thăm đồng ruộng, trang trại, cơ sở này, xí nghiệp kia …vẫn được các cấp ủy chính quyền, bà con cô bác nơi nơi trân trọng và tìm thấy ở những điều hữu ích, thiết thực. Những bài viết, trả lời phỏng vấn của ông trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước về những vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, có ý nghĩa sống còn với công cuộc đổi mới, tiếp tục đi lên của đất nước… luôn thu hút dư luận, luân là đề tài để công chúng bàn bạc, trao đổi.
Võ Văn Kiệt là một con người như sinh ra để đứng ở đầu sóng ngọn gió. Ông “thà đi trong giông bão còn hơn đi bách bộ trong sân”!
Một buổi tối êm ả tại nhà riêng ở đường Tú Xương, Tôi được ông tâm tình về những ngày đầu kháng chiến gắn bó với nhà báo: “Thời chống Pháp lúc tôi phụ trách huyện rồi lên tỉnh, cơ quan của huyện và cơ quan của tờ báo “Tiếng súng kháng địch” của Quân khu 9 đều ở trong tỉnh Rạch Giá. Tôi quan hệ mật thiết với các nhà báo và được biết sớm các thông tin, nhất là tin chiến trường. Tôi thường xuyên liên hệ và cùng trao đổi tình hình với anh em ở báo Tiếng súng kháng địch của Quân khu 9 như: Rum Bảo Việt, Lê Minh Hiền,Ung Văn Khương… Đó là thời kỳ kháng chiến chống Pháp, sau này, trong kháng chiến chống Mỹ thì tôi thường liên hệ với anh em làm báo Giải Phóng của R (Trung ương cục) và anh em đặc trách báo chí công khai ở Sài Gòn”.Ông cũng cho tôi cái nhìn hoàn cảnh và công bằng về báo chí TP.HCM sau 75: “Sau ngày giải phóng ta tiếp quản nhanh đài truyền hình, đài phát thanh và phát sóng sớm nhất. Còn báo viết thì mất mấy ngày sau mới có báo Giải phóng, báo Sài Gòn giải phóng. Thành phố cũng nhanh chóng tiếp nhận báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân … nhưng số lượng không nhiều và lượng thông tin chưa thật sát với bà con thành phố. Đối với dân Sài Gòn, từ lâu đọc báo như một nhu cầu thành thói quen không thể thiếu vào buổi sáng. Việc thay đổi và thiếu báo như thế làm bà con có phần hụt hẫng. Vì vậy chúng tôi cùng với anh em tuyên huấn tập trung lo cho báo chí rất nhiều, nhanh chóng cho xuất bản các tờ Tuổi trẻ, Phụ nữ, Công nhân giải phóng… thành ủy còn có chủ chương rất sớm cho tờ Tin Sáng – tờ báo của anh em đối lập với chính quyền Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ tiếp tục xuất bản hàng ngày. Vài tháng sau, tờ Công giáo và Dân tộc được ra mắt bạn đọc. Rồi tiếp đến thêm tờ Giác ngộ của Phật giáo phát hành. Lực lượng báo chí hợp lại ngày càng mạnh. Nhưng phải đánh giá một cách công bằng rằng, bên cạnh các tờ báo của Đảng, của các đoàn thể, vai trò của báo Tin Sáng, báo Công giáo và Dân tộc, báo Giác ngộ đã góp phần tích cực trong những năm đầu giải phóng, đúng như chủ trương của Thành ủy và Ủy ban lúc bấy giờ. Chính thói quen tốt – đọc báo – của Sài Gòn giúp họ biết các chủ trương của chính quyền những ngày đầu giải phóng. Vì thế lúc bấy giờ, chúng tôi quan tâm chăm sóc và góp sức nhiều với anh em làm báo…”
Bất chợt ông hỏi tôi: Phú Khải quê ở đâu? Tôi thưa: Dòng họ tôi đã mấy đời sinh ra và lớn lên Hà Nội. Người gốc gác thành phố coi như không có quê! Tết đến thấy người ta đua nhau về quê buồn lắm! Ông Sáu Dân phá lên cười! Rồi ông thân mật nói: Tôi nghĩ, phần lớn các nhà báo không chọn báo chí như là một nghề chỉ để kiếm sống, có phải không nhà báo?
Không phần thưởng cao quý nào hơn khi một nhà cách mạng đã dành những lời lẽ như thế cho nghề báo.
LPK
Ảnh: Thủ Tướng Võ Văn Kiệt và nhà báo Lê Phú Khải