Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BA TRUYỆN NGẮN CỦA PHAN ĐÌNH MINH

Phan Đình Minh
Thứ ba ngày 26 tháng 5 năm 2009 11:06 AM

  Mật đắng  
               
   Truyện ngắn 
 
  Đêm, gió nồm leo pheo đuổi nhau trên ngọn cây. Ông Cả Thìn bỗng thấy cô đơn bao trùm căn nhà và cả tấm thân teo tóp. Ông chợt nghĩ: “Sao đến tuổi ấy mà thằng Xuề con ông chưa có vợ ?!”.  Cứ đà này vài năm nữa... ông mất đi… Ông lật đật trở dậy. Lấy giấy bút, hí hoáy viết viết, viết xong lại xé, mãi rồi cũng được. Rồi ngồi chờ. Lần đầu trong đời, ông Cả rõ thế. Gió quạt rụng lá cây cơm nguội đầu hồi nhà trộn tiếng ư ử dụ đực của con mèo nhà ai lẫn mưa tí tách rót lạnh vào máng nước. Ông chờ suốt đêm vẫn không thấy con. Ông biết nó về bến muộn và lại say, lại không về ngủ với ông.
 Ông Cả xuống đường, thuê một cái xích lô đi đến bến xe khách. Ông ngó nghiêng khắp các hàng ghế, rồi mấy cái xe rỗng thuông trong bến. Quả nhiên, con ông đang co quắp trong xe của nó. Ông đập thùm thụp vào thành xe. Thằng Xuề điếc...!, lâu lắm nó mới lè nhè:
  ...thằng nào... trêu bố đấy...?”
 Ông Thìn hét thè thè trong cổ:
- Xuề...Xuề  
Rượu ngà ngà, gà gật nhưng thằng Xuề còn nhận ra được tiếng người cha tội nghiệp. Nó càu nhàu:
- Đang ngủ ngon... lại suyễn!
 Nó tưởng nó đang ở nhà.
- Không, về... tao có chuyện.
Thằng Xuề tỉnh rụi. Ông già có của để dành? Khi là vàng...Thằng Xuề xăng xái đi trước cha nó. Ông Cả tráng xuyến, pha một ấm trà. Thằng Xuề ngồi nghiêm túc. Nó nhìn cha chậm rãi làm các việc mà ruột gan cứ cồn lên. Ông Thìn rót hai chén nước, một cho con, một cho ông.
- Không nói chắc anh cũng biết (gớm, hôm nay cha lại gọi mình là anh- Xuề nghĩ ) dòng họ Cao Cả, giờ, chỉ có mình anh. Tôi quyết định trao văn tự gian nhà, từ hôm nay. Với điều kiện, anh phải cưới vợ, có con
- Còn gì nữa... cha cứ dền dứ thế?”.
- Thì tôi đã nói rồi, hai gian nhà này là của anh nhưng phải cưới vợ. Đây!
- Thế thôi à?
- Mấy thứ trong nhà... đáng gì. Tài sản ở hai bàn tay con ạ
 Thằng Xuề dẩu mỏ, phắt dậy, đi ra cửa. Vừa đi nó vừa càu cạu câu gì trước sự hẫng hụt đến nguội lòng của người cha. Khuôn mặt ông Cả nhàu nhò “nó không hiểu mình như lòng biển, cạn đời nuôi nấng rong rêu”. Cứ ngồi thế một lúc lâu, ông Cả buồn bã đứng dậy châm một nén hương trên bàn thờ vợ rồi nằm xuống giường, mệt mỏi, chập chờn vào giấc ngủ ngày.
 “Thất nhật”. Ông Cả bấm đốt. Xuề dẫn về một người nhỏ tý, đứng đến vai nó. Nó giới thiệu với cả khu tập thể đấy là người yêu, vợ sắp cưới. Có trời biết Xuề yêu thật ?, hay nó đường mật làm chị Nhỏ xiêu lòng bỏ phố núi về làm con dâu ông Cao Cả Thìn. Đồn rằng, từ bé, chị Nhỏ nhàn hạ không vất vả. Cả vùng chị như vậy, thì đất đai màu mỡ, phố nhỏ buôn bán nhỏ. Kiếm cái ăn cái mặc không khó, suốt năm làm cũng như chơi, chơi cũng như làm ấy. Thế sao chị Nhỏ này không béo tốt, không đỏ da. Cả khu ai cũng dò dò xét xét, cân nhắc xem chị có đúng thực là quê?
 Từ hôm chị Nhỏ về làm dâu, nhà ông Cả Thìn như có luồng sinh khí. Mọi vật dụng sáng ra, mới lên. Có điều, thằng Xuề không bỏ được tật uống rượu. Rồi một ngày nó thấy bụng to to, cục cục, ăn gì cũng chẳng tiêu, mắt lại vàng. Bác sỹ bảo nó bị sưng gan. Ngày chị Nhỏ khai hoa, Xuề không đưa đi được. Thay vào, người cha già hen suyễn lật đật xách mấy thứ vật dụng chạy theo chiếc xích lô chở con dâu đang trở giạ quằn quại. Chị Nhỏ sinh ngay cho dòng họ Cao một đứa con trai đỏ au, chân tay nguyềnh ngoàng, mắt nhắm tịt nhưng cứ khóc chèo chẹo đòi ăn. Ngó thấy mặt cháu đích tôn là ông Cả lại phải sấp ngửa về  nhà, tức tốc tháp tùng thằng con ra bệnh viện, mổ, cắt một lát gan.
  Sự nghiệp lái xe khách của Cao Cả Xuề đứt mạch. Âu cũng là điều mừng vì cứ cái đà vừa say vừa cầm lái, không chóng thì chầy thằng Xuề cũng cho hành khách tắm nước sông, nước mương dọc những tuyến đường nó chạy.
 Sinh con mới một tháng, chị Nhỏ đã phải đâm đầu đi làm vì trợ cấp mất sức của chồng chẳng thấm tháp vào đâu so với tốn phí việc mổ, thuốc men... Chị đến khắp các phố mua lòng trắng trứng gà trong các hàng phở, bán lại cho lò làm bánh bích quy, mỗi ngày ăn chênh lệch cũng đủ kiếm gạo bốn miệng ăn. Mọi chuyện sẽ êm xuôi nếu thằng Xuề tử tế...thằng Xuề vẫn uống rượu, chết không doạ được nó. Kệ ông bác sĩ già cảnh báo:muốn... đi sớm thì cứ tự nhiên uống. Thằng Xuề cóc quan tâm. Nó không uống công khai trước mặt ông Thìn, mà sà sẻo tiền bán nước trà để uống vụng. Sáu tháng sau bụng Xuề lại to to... và lại vào viện để người ta banh, cắt thêm... một lát.
 Mùa đông năm  com Mèo thũng thẵng đến. Một ngày, ông Cả Thìn nói với chị Nhỏ:
 - Con từ từ hẵng đi lấy trứng. Bố có việc...bố thấy trong người độ rày khác quá, chắc không qua... Mọi việc trông cậy nơi con. Đây là văn tự hai gian nhà, uỷ quyền con. Bố có mệnh hệ, con cố nuôi dạy thằng Tịu để nó gây dựng, tiếp nối họ nhà Cao Cả.
 Nói xong, ông đưa cho chị tờ văn tự chữ cồ cồ. Chị Nhỏ rưng rưng, nước mắt chị nhỏ xuống làm tờ văn tự nhoè mất hai chỗ. Những dòng chữ trong tờ giấy nhẩy múa, bao vây chị. Chị cố đọc mà chỉ được mấy hàng: ...Tôi  uỷ thác cho con dâu là Bùi Bích Nhỏ toàn quyền sử dụng hai gian nhà... diện tích... địa chỉ tại... bản văn tự sẽ hoàn toàn có tác dụng sau khi tôi trở về với tiên tổ... Tất cả các loại giấy tờ giống như thế này, hay khác tờ giấy này mà ra đời trước nó thì đều vô giá trị, tôi không công nhận. Ký tên: Cao Cả Thìn.
  ông Cả... từ giã cõi đời lúc thằng Xuề còn đang mê man vì phải mổ cắt gan lần thứ ba. Trước khi chết ông Cả  túm túm vào tay con dâu, miệng ông bụm bụm... Chị Nhỏ chừng hiểu, chị gật gật đầu rồi nghẹn ngào cất hai tiếng: Cha ơi... Bộ ngực tóp như cái mui rùa của ông Cả Thìn rướn lên, nấc nấc. Hai giọt nước mắt ông Cả lăn nhanh, tượt đuôi mắt, thấm vội vào nhúm tóc mai lưa thưa.
 Mọi người trong khu tập thể thương ông Cả một, cám cảnh thương chị Nhỏ hai. Dân phố núi chắc nghĩ, chị Nhỏ đang thảnh thơi vì lấy chồng sung sướng. Cả cái bọn con gái mới nhớn trên đó cũng sẽ ước mình như chị Nhỏ, được lấy chồng thành phố, ở nhà lầu, nhà gác... chứ đâu biết những tháng năm ra phố của chị tràn đắng cay tủi cực. Nói thì vậy, chứ lẽ đời nhiều khi cũng phải cân bằng. Nhà ông Cả Thìn mà không có cô con dâu hiền thảo như chị Nhỏ thì chẳng biết cơ sự sẽ... đến đâu!
 Năm tháng gấp thếp rồi trải ra. Chị Nhỏ giờ không đi mua lòng trắng trứng gà mà lên chợ Bắc Qua cất hoa quả về phân loại. Thứ tươi ngon dành cho người ăn sang, đi biếu, bán cao tiền. Thứ vừa vừa mã không đẹp thì giá phải chăng, hơn bù kém, tốt bù xấu miễn có lãi. Chị gánh đi bán rong khắp các phố, tối chẫm mới về. Lão Xuề vẫn dọn hàng nước trà, nhưng xem chừng vắng khách vì mọi người nói lão mất vệ sinh. Lão Xuề cáu bẳn, chửi thề suốt ngày, hơi tí là gây sự cãi nhau. Nhiều khi say rượu lão còn đánh chửi vợ con. Trẻ nhỏ trong khu không dám lại gần. Mỗi lần lão vén áo hở cái bụng toàn sẹo là đứa nào đứa nấy khóc chết lặng. Ai cũng lấy lão để doạ con mình. Thằng Phô lười ăn, ngậm cơm bung búng, chỉ cần nói Lão Xuề kìa là nuốt vội. Thằng cu Sính (bố mẹ nó gọi là Mic) mười tuổi rồi mà tối nào ngủ cũng đái dầm tồ tồ. Mẹ nó doạ mách lão Xuề, thế là tịt luôn. Rồi chuyện va chạm giữa cô Thắm bún cua với lão Xuề. Chả là hàng bún Thắm mở gần hàng nước lão Xuề, cũng như quán phở bà Đằng, đông khách lắm. Cô Thắm mắng khách xơi sơi mà loáng tí buổi sáng bán hết dăm quả bún. Mọi người nói cô Thắm phải có bí quyết gì. Cô Thắm giang giang: Sạch sẽ, ngon miệng, ai chả vào. Cứ như hàng nước bẩn lão Xuề, cho... người ta cũng kiếu. Lão Xuề cú lắm. Cộng với chuyện hôm nọ thằng Tựu nghịch ngợm đổ béng lọ ớt bột vào nồi nước chan, làm khách ăn ai cũng giàn nước mắt. Cô Thắm bún quý thằng Tựu, nhưng hôm nay thì không thể chịu đựng được nữa, với người khác chắc cô bắt đền tiền, nhưng thằng Tựu thì tha... tha, cô cũng phải riếc một câu: Không tu thì lại như bố mày, sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy thôi con ạ. Lão Xuề tức điên. Vào ai, khen con giống cha thì vui nhưng lão cò bợ này kỵ nhất... Lão hận. Lão bảo như thế là xỏ xiên, mạt chược. Hôm sau lão quyết định không dọn hàng. Lão kiếm cái ghế đẩu, lão cởi trần ngồi án ngữ ngay gần hàng bún Thắm. Khách quen, nhất là mấy cô tiểu thư làm ở văn phòng bên kia đường hàng ngày nghiện bún cua. Nhìn thấy mặt lão Xuề gầm ghè, bụng thì sần sùi chằng chịt như hoả diệm sơn đành... các vàng. Cô Thắm phải vừa cầm con dao vừa vái lão mới tha cho. Lão còn giao hẹn từ nay không được bảo thằng Tịu giống cha!
 Cả khu nhà chẳng ai lý giải được thân xác lão Xuề mổ đến ba bốn lần  vậy mà vẫn không tịch, chuyện đến lạ... Lão vẫn uống rượu. Rồi bụng lão lại to to, ăn gì cũng không tiêu. Lão cười nhe hàm răng cải mả với cô Thắm bún: mổ... chuyện nhỏ. Cô Thắm lắc đầu. ái ngại là ái ngại cho chị Nhỏ chứ lão Xuề thì nhằm nhò cái chó gì.
 Nhưng lần mổ thứ tư này không bao giờ xảy ra. Bệnh viện trả lời: “mổ sẽ... đi ngay”. Cái dấu chấm than đời lão thế là đã xoay ngang rồi.
Khi thần chết nhìn thấy, sờ thấy, lão mới sợ, mới thực sự cuống lên. Lão khóc như một đứa trẻ con rồi nài nỉ chị Nhỏ tìm thầy, tìm thợ cố chữa cho lão khỏi, chứ lão chết thì ai lo cho thằng Tựu ! Chị Nhỏ tựu đò đắm. Có người mách “Bệnh của lão Xuề chữa được, nhưng thuốc đắt lắm phải đặt ở tận nước ngoài” ý định bán nốt gian nhà để chữa bệnh cho chồng được chị Nhỏ đem ra bàn với thằng con mười hai tuổi. Lần đầu tiên trong đời thằng Tựu thấy mình quan trọng. Nó đồng ý ngay rồi thủng thẳng buông một câu: Mẹ bán đi, chữa cho bố khỏi, quây cót ép ngoài sân thượng, chỉ cần kê cái giường, ăn nhiều, ở mấy Chị Nhỏ thở dài.
 Lão Xuề thiêm thiếp nhưng cũng nghe được hai mẹ con bàn chuyện bán nhà để chữa bệnh cho mình. Lão buồn tái tê, thương vợ con đến thắt thẻo. Cuộc đời của lão chẳng có lẽ đến lúc chết vẫn còn báo hại, đẩy con ra... sân thượng...
  Mọi người trong khu thật lạ, sáng ra lại thấy hàng nước lão Xuề dọn bán. Cũng như trước, người quen chẳng ai thèm vào, thi thoảng mới có khách vãng lai. Bà con phân vân: “Không có lẽ lão khoẻ lên ?, hay chị Nhỏ tìm được ông thầy giỏi ? ”. Nghĩ vậy, nhưng nhìn kỹ thấy thần sắc lão Xuề kém lắm rồi.
- Chà, nhanh mọm quá hà ?
 Ông bạn tài xế tận Mèo Vạc - Đồng Văn ghé chơi. Chuyện đến lạ. Mười chín năm nay ông bạn mà một lần suốt đêm trên đèo Túng Héng lão Xuề chữa hộ xe. Sau khi toạ lạc ở mép cái giường một, trên mắc tùm hụp chiếc màn tuyn màu bộ đội. Ông khách thao thao, tồng tộc kể cuộc sống chục năm qua cho lão Xuề nghe. Lão Xuề đang đau đầu, lời ông bạn đồng nghiệp cứ bong bong nện vào tai. . Nói chán, xong. Ông khách người Hoa mới ngó nhà cửa rồi ngó lão Xuề. Giọng ông rưng rưng: “Cái bệnh này sợ nắm. Để tui kiếm cho cái mật gấu. Chỉ một cái là khỏi niền. Nhưng phải mất bốn trăm ngàn”. Đang nhắm nghiền con mắt, lão Xuề vẫn giẫy nẩy: “Những bốn trăm ngàn ? Già nửa tiền bán cái nhà này còn gì” . “Chứ sao. Uống là bệnh nui, là sống”.
Mặt lão Xuề xịu đi, ẻo xèo. Sao còn... chữa bệnh được nữa... ừ, khỏi, sống đấy, nhưng thằng Tựu phải ra sân thượng... !
 Thũng thẵng gần một tháng sau, bà con trong khu nhà không thấy hàng nước lão Xuề. Đó là cái ngày lão cò bợ biết mình sắp chết. Chờ cho chị Nhỏ gánh hoa qủa đi bán. Lão gọi chiếc xích lô tự ra bệnh viện. Lão nghĩ, “đi ” ở bệnh viện cho rộng rãi, chứ ở nhà... khổ cho vợ cho con quá. Bác sĩ trong bệnh viện cũng bằng lòng để lão phục thuốc... kéo dài.
 Một ngày, lão Xuề cố bò lên tầng thượng của nhà thương. Buổi tối mùa hè đầy sao. Lão nhìn lên bầu trời. Những ngôi sao to sáng lấp lánh và cả những ngôi sao mờ xa tít. Lão ngẫm nghĩ đời lão chẳng biết ứng với ngôi nào đây.  Cứ ngồi thế lâu lắm, ngồi thế... rồi lão ngủ... và không bao giờ thức nữa.
 Lão Xuề mất được hơn mười hôm, đường đột có một người đàn ông mang chiếc mật gấu đến biếu. Cầm chiếc mật đắng trong tay, chị Nhỏ nước mắt chan hoà. Chị, lại thương chồng đến quặn đi.
 
             Hải Dương, những ngày lạnh giá
 
          Tiếng đàn và vỏ ốc                                  
 
              Anh mắc chứng suy thận cấp sau hôm ở ngôi nhà bên sông về. Với tay tới cõi thì bệnh viện như cái chắn tầu, ngáng lại! Anh thấy bất lực và xấu hổ bởi hơn bẩy mươi kí lô cơ thể cứ ườn ra trên xe đẩy, không nói, không động cựa, lúc mơ, lúc tỉnh kèm xung quanh bao nhiêu là ống thở, ke, dịch truyền lủng liểng.
Khi cô y tá mảnh khảnh đẩy anh vào buồng cấp cứu, cảm giác đầu tiên là sự liên tưởng đây như phòng thí nghiệm với vô số máy móc, bình, lọ. Rồi mắt anh bập ngay vào một hình thể cũng tua tủa ống hút, ống thở, tóc rụng từng mảng, chân tay xù xì đỏ bợt tựa quả cà chua lai - chín. Nhìn kỹ thì ra một ông già. Anh gật đầu. Ông cụ nhướn mắt chào anh.
  Lượng kali trong máu tăng cao, 6.5 mmoL/L.
 Tim đập 130 nhịp một phút.
 Huyết áp một trăm chín mươi trên một trăm hai mươi mi-li-lít thuỷ ngân.
Hôn mê - 24/24.
 Những lúc mê man, anh như tái tạo cuộc sống. Hồi ức đã khô, vụn nhỏ bỗng hiện về mồn một. Thế mới biết ở ranh giới giữa cái sống cái chết người ta hay ngoái lại. Tỉnh tỉnh, chẳng biết làm gì anh lại nói chuyện bằng mắt với ông lão cùng phòng, cứ như hai cao thủ võ lâm trong truyện kiếm hiệp thông tuệ thần giao cách cảm. Anh kể cho ông... nghe chuyện tình tang lang bang của mình, chuyện cơ quan, cuộc sống với bao quần quạ, cả tiếng đàn tinh khôi của cô con gái yêu. Mà kỳ lạ, tự nhiên sao anh cởi lòng với ông cụ mắc bệnh tiểu đường sắp tịch này cơ chứ?
 ... Một ngày, anh đọc trong ánh mắt ông cụ: “Vợ cậu vừa đến đấy!” Anh quay phắt vào tường. Chuyện lạ! Tốt đẹp bình phong! Nhưng anh chợt thấy năm quả thanh long trên tủ! Cô ấy đến thăm mình? Phòng cấp cứu đặc biệt đâu có được vào? Anh lại nghiêng mặt nhìn ông cụ. “Chứ sao!” Anh liếc mắt ra xa, ở đó có tấm biển: Khu cấp cứu tích cực - cấm vào. “Cậu không biết, trong  vô số cái nguyên tắc, có trường hợp hãn hữu à? Vợ cậu tóc dài!”.
  Tuần chạy thận thứ hai, tình trạng sức khoẻ anh vẫn rất xấu. Bắp chân bị loét một chỗ, người nặng chịch, cảm giác lúc nào trong người cũng đeo túi nước. Các chỉ số báo nguy hiểm không hề thuyên giảm.
Thời gian trôi lệt bệt.
Một hôm anh lại nhìn thấy lời nói trong mắt ông già. “Cô ấy gửi cho cậu sách đấy”. Anh liếc mặt tủ: Một nửa đàn ông là đàn bà - Tiểu thuyết của Trương Hiền Lượng... Mãnh liệt sống trong anh bỗng trỗi dậy. Trong người  có luồng sinh khí đang chảy rân rân, âm ấm. Tim đập mạch lạc chứ không chìm đi. Và anh thèm ăn. Thèm thứ lương thực đích thực là cơm chứ chai nước lủng lẳng treo trên đầu kia đâu thay thế được đậu phụ, rau muống, cá nấu dấm... cả bia hơi nữa. Rồi giấc ngủ đến đúng vào buổi tối... 
“... Con chúc mừng sinh nhật bố. Bố ơi, mẹ đi rồi. Mẹ vào Tuy Hoà”.
Bé Hoài Thương nấc lên trong điện thoại. Anh bải hoải, đau nhói nơi ngực trái. Lẽ nào! Anh vội ngắt máy, kịp nhận ra tiếng khóc tấm tức của con tựa như dao khứa. Tinh thần anh bấn loạn, hồ nghi mọi thứ. Cách đây mấy ngày cô ấy vẫn thăm mình, gửi cả sách? còn nấu canh khổ qua cho mình ăn? Hôm qua cậu Phước điện thoại ra xác nhận thế. Lẽ nào!
 
 
Mái hiên hun hút, tản mạn, khuất, nhô hơn chục chiếc cột ốp gạch thô ấn tượng. Bàn nước là loại gỗ đen bóng, kèm đôi ghế tựa bọc nhung mầu ca cao loảng. Bên phải là mảng tường cách điệu, treo các bức tranh sao: Rupple-Ronai; Phong cảnh Tatry; Vườn địa đàng... bắt mắt. Nước trên mái hiên nhỏ long tong suốt ngày! Điện nến đỏ nhờ. Cảnh sắc lãng mạn và hoài cổ.
Anh đến quán cà-phê đã một giờ đồng hồ. Quyển tạp chí khoa học về những ngôi nhà pha-lê trong không gian trên tay! Ly Dimarll trà đỏ sậm vẫn đầy! Thỉnh thoảng anh lại lơ đãng nhìn ra cửa. Anh hay đợi chị ở đây. Phụ nữ đáng yêu hơn nếu đúng hẹn! Chị quen anh luôn chờ, một giờ hay hai giờ đồng hồ để được bên chị ba mươi phút! Chị cho mình đặc quyền vì cớ: Chị kém anh mười tuổi, đẹp, thông minh và quan trọng: Chị đang tự do. Anh thì có gia đình. “Anh như con thuyền hai mạn”. Chị thường nói, và: “Tốt nhất anh đừng kêu ca”. Ngoài phẩm chất một phụ nữ hiện đại: Đẹp, bằng cấp, thông minh, lương cao, thời trang, không biết chị còn ưu điểm gì khiến anh mê muội?! “Tớ nghiệm điều này..., dù phải chịu khổ, chịu nhịn nàng tớ cũng kham, đó là: Nụ hôn (chắc là cao hứng...) Hôn nàng, lần đầu hay lần thứ một nghìn tớ luôn cảm giác mình đang trôi trên những cánh rừng nguyên sinh châu úc; bồng bềnh qua đền đài Trung Hoa cổ và trườn trên các kim tự tháp đế chế Ai Cập. Phước à”. Anh hay thủ thỉ văn hoa trong điện thoại đường dài với anh bạn thời du học vậy. (Nói thêm: Anh thuộc típ đàn ông, cưa máy xẻ dọc chưa chắc lấy được tim ra, thế mà...!).
Chị đến.
Vẫn thói thường. Mỗi ngày một trang phục. Vài cô gái trẻ trong công ty rất ngưỡng mộ chị. Ngắm chị là như đang được chu du trong các siêu thị sầm uất. Chị đòi hỏi sự đặc biệt ở anh:“Thế mới xứng với em”. Anh lảng sang chuyện khác “Đổi mới là mỗi ngày một trang phục?” Như thế là tuyệt, phong cách ư?! Chỉ vài bộ quần áo cũng ấn tượng ở dăm cô gái anh từng gặp. Lúc giận, không dám nói, anh hay âm thầm ví suy nghĩ chị giống sự lầm lẫn về mầu sắc của loài bò tót trong các trường đấu xứ Ca-ta-lăng!.
“Quá thể... trông xe còn đánh bạc”.
  Chị hất hàm nhìn mấy thằng bé chụm đang đầu chơi trò ba cây. Thằng lớn nhất như trẫu tràng đu lên chiếc Spasy, giùn vào chỗ cất, xong, nó còn cúi rạp, vòng tay một đường, kính cẩn đưa chị tấm số. Chị lắc đầu: “Không cần”. Nhướng mắt tới chiếc bàn số 9 anh chị thường ngồi, giờ có hai đứa trẻ ranh học sinh trung học, chiếm mất. Chúng cứ quện đầu hôn nhau tựa hai con gà choai chọi nhau đến độ đuối sức! “Khỉ. Con nhà mất dạy”. Chị buột miệng. Chị đưa mắt nhìn khắp quán, mãi mới phát hiện anh. Ông tướng đang gập người trên trang tạp chí viết về mái vòm của những ngôi nhà pha-lê, bàn số 4! (con số chị luôn phản cảm). Chị bước đến gần. Anh giật mình nhoi dậy. Điệu bộ như cậu học trò bị bắt quả tang đang coi cóp. Chị phì cười. “Sao không đón em. Mệt”. “Anh cũng đợi rồi”. “Từ bao giờ?”. Đứng chán, mỏi, phải vào ngồi chứ - Nghĩ vậy, nhưng anh vẫn nở nụ cười. Hàm răng trắng, đều. “Từ... kiếp trước!”. “Ghét!”. Chị ngúng nguẩy, không khiến anh kéo ghế. Bực dọc trong chị bỗng tan biến bởi câu đùa, thêm nụ cười anh loá lên. Và thấy râm ran khắp người khi nhớ câu anh thường lịnh: “Anh không thay đổi được thế giới, nhưng làm được điều cụ thể cho người thân và cố làm nhiều việc nho nhỏ cho tình yêu lớn lao của anh”.
... Đôi lúc bên chị, anh cũng nhớ về vợ. Vợ anh đẹp nhưng tộc tệch. Đấy là lời của bà Tâm hàng xóm. Còn anh: “Tóc cô ấy dài nhưng ý nghĩ nhẹ tựa trí nhớ loài cá vàng ấy”. Anh kể với chị. Anh cần quan tâm bằng lời nói, vợ anh lại quăng thức ăn, nước chanh leo đến rồi im lặng. Anh mê đọc báo văn nghệ, chị ham bóng chuyền và nghiện truyện vụ án giật gân; anh thường thủ thỉ chuyện trò và hứng thú nghe con gái chơi đàn, chị mệnh lệnh, yêu cầu con là bản sao của mình;... Nhiều điều khác biệt trong lời kể của chị với bà chị kết nghĩa bán thịt quay đầu phố. Còn con gái. Nó cứ nghĩ bố mẹ là đôi hợp nhất trên đời.
“Ngồi gần em..., anh sao thế?”. Mặt anh thoáng bí sì. Chị định khoác tay, anh lại đưa lên sửa kính.“Anh kể chuyện đi. Ngày về Hà Nội ấy”. Chị nũng nịu. “Có gì đâu mà kể”. Anh ngửa cổ. Cầm ly nước...“Từ huyện đảo về, người đầu tiên anh gặp là cô ấy”. Chị ngó dài: “Và thương lắm tóc dài luôn, càng mê khi chạm cái eo ong... tham giầu, bố vợ, nước ngoài xoành xoạch”. Chị trau trảu, làm anh cứng cả người.
... Chuyện một nửa, anh cực đoan lo rích con tim và nhầm khi tính việc hôn nhân vẫn bị xúc cảm dẫn dụ, không đếm xỉa đến lô rích của cái đầu. Anh có đàn ông không?! cơ quan ai cũng biết. Chứng thực, anh từ chối chuyện ở rể. Bố vợ có ý cho gian nhà rộng thênh trên miếng đất trăm mét vuông hướng ra hồ. Anh cảm động nhưng lại trung thành phương châm: Đưa vợ vào tập thể cơ quan. Chị kê giường ở tập thể nữ, anh có một cái giường ở nhà tập thể nam. Muốn gần gũi, chị lại đưa anh vào nhà mẹ. Thật khổ, và thật vui khi bé Hoài Thương ra đời. Cô con gái mũm mĩm nặng những ba kí lô và anh ngỡ trúng số độc đắc sau ba tháng được cơ quan phân gian phòng mười bốn mét vuông. Hạnh phúc và toại nguyện. Anh thở phào: “Thế là gia đình nhỏ của mình đã lo xong!” (Nhiều năm qua đi, nhớ lại, anh ân hận và hay sỉ vả mình bởi những quyết định manh nha từ ý nghĩ này là một trong những  điều tệ hại nhất trong cuộc sống của anh). Anh thoải mái xả hơi, không bon chen thăm quan nước ngoài; “Chức quan thất phẩm - phó phòng, tớ không màng!” những lúc trà dư, tửu hậu anh tếu táo với bạn bè; “Nhà có, đất cát mà làm gì. Ông Hội độc thân...” anh từ chối phân đất vì ảnh hưởng đến ông trưởng phòng và không đi nghiên cứu chuyên đề ở Nhật khi viện trưởng chỉ đích danh, anh muốn người mình đang hướng dẫn làm luận án cần đi hơn...
Đúng dịp này anh gặp chị tại cuộc hội thảo về ứng dụng công nghệ Nanô do Viện anh chủ trì...
“... tháng sáu trời mưa, mưa không dứt.
… trời không mưa anh cứ đợi trời mưa
...
   anh muốn về. Mưa phong kín lối về
  và em ơi đêm cứ dài vô tận”
Âm nhạc êm dịu, giọng hát lắt lay của nam ca sỹ Khuya Hoàng như kéo mây vào lòng chị. Chị loay hoay xoay ghế khỏi hướng mặt vào tán cây liễu. “Lừa khéo gã mới ký đơn”-  Chị bật câu tức tối. Anh trố mắt. Lừa tiền, lừa bạc, lừa hợp đồng kinh tế chứ ai lừa chồng ký vào đơn ly hôn. Em lại lầm - giấy ly dị chẳng qua là tờ biên bản cuộc hôn nhân thất bại mà thôi! Gió dọt dẹt buông, khiến những chiếc lá liễu dài rũ ra.  Anh nghiêng đầu chắn tầm nhìn chị. Có lần chị nói: “Sao tóc gã chồng em cứ bàng bạc như tán liễu lộn ngược thế?”. Anh xuội người, tủm tỉm! Lúc trầm tư thế này trông chị đẹp biết bao. Lành lạnh và sang trọng. Ngày đầu, ngoài lý do nụ hôn huyền diệu anh còn nhận ra: Chị luôn rành rẽ và chẳng cần gì khi dính với anh. “Mê, thì yêu thôi”. Nói thế, sao chị vẫn thở dài: “Tiếc, đàn ông đáng mặt đều rủ nhau có gia đình cả!”. Chị xử sự nhẹ tênh trong các mối quan hệ, nếu ở anh sẽ trĩu nặng cân nhắc. Chị chuyển chỗ làm xoành xoạch, có năm đến bốn cơ quan. Chỉ đơn giản: làm nơi nào cho xứng. Thời buổi hàng đống sinh viên túa các nơi tìm việc, chị tới đâu người ta cũng nhận vì hoạt bát và năng lực ngoại ngữ của mình. Cuộc sống chị thừa thãi mọi thứ nhưng thiếu những khoảng lặng, kiên trì ở anh, và: anh luôn biết làm giầu cảm xúc trong chị, điều không người đàn ông nào trước anh làm được. Trong mắt chị, anh là của hiếm và chị hay nói: “Sao cô ấy không thấy nhỉ?!”.
Thế mà!
Anh buồn bã, giơ thìa múc đốm nắng tròn vạnh trên bàn vào cốc trà cạn quá nửa cho chị!
Chuông điện thoại trong túi reo “Thắm à. Chuyện gì đấy?”. “Họ điều em từ phòng tài vụ xuống trông kho vật tư anh ạ”. “Trông kho cũng được chứ sao!”. “Nhưng kho trước kia là nhà xác. Vẫn còn cái bàn thờ đá”. “Ôi. Tí anh về ”. Ai lại cải tạo nhà quàn thành kho. Nó đàn bà con gái. Chắc lão trưởng phòng hành chính chim chuột con bé không được nên dở trò. Mình sẽ điện cho cậu Khang giám đốc. Anh nhìn chị: “Anh phải đi, nghe?”. “Vừa ngồi tí. Anh... về trước”. “Đừng giận. Tuần sau anh đưa đi nghe hoà nhạc”. “Không đền, tôi cũng tràn”.
Anh lật đật dắt xe ra cửa quán. Hàng cây trứng cá dọc con phố nhỏ nhà anh cứ phảng phất mùi quả chín. Ngày anh mới về đây, nó còn lúp xúp. Thời gian như so đũa, thấm thoắt đã mười mấy năm... Anh nhớ, khi bé Hoài Thương vừa bốn tháng tuổi thì anh giành toàn tâm lực để lo cho đại gia đình. Tức là xúc tiến xin việc cho các em mà thầy bu anh mỗi công đẻ, mặc thằng Tư, con Thắm học hành lớp mấy, có nghề gì để rút chân ra khỏi ruộng!.. nhà hướng đông nam, gió đồng cứ rời rợi! Anh là cả của bốn đứa em. Khi con Ngà vào trường nuôi dậy trẻ, anh bán chiếc áo mút Lào mua quả đu đủ và con gà thiến cảm ơn ông trưởng phòng tổ chức hợp tác xã khâu bóng đã nhận con Thắm vào làm hợp đồng. Công việc cô út không tốn kém, anh chỉ bị điện giật cắm đầu xuống nắp cống giữa đêm khuya vì câu điện trộm cho ông hàng xóm để có cái thư tay gửi anh chàng đang làm bảo vệ một khách sạn ngành du lịch... kẽo kẹt, gian truân lắm, đứa cuối cùng cũng rút chân ra khỏi ruộng. Tiếp đến, chúng lấy chồng, lấy vợ. Bố anh chẳng lo gì. Tức là như đám cưới anh ngày xưa, đón cụ lên tập thể, tìm một chiếc giường thật tĩnh, cắt cử bạn bè, đứa hầu cờ, đứa thổi cơm còn anh quắn người lo hội trường, cỗ bàn, hoa cưới, thiệp mừng... cho em. Anh gầy tóp, già hơn cả những năm ở huyện đảo nắng gió. Trán thêm hai nếp nhăn, lại sút cân kinh khủng. Khi đám cưới con Thắm xong, anh bị ho dữ dội, đi khám, người ta bảo anh mắc chứng lao, phổi lỗ ra, lỗ rỗ. Vợ anh được dịp cách ly. Bà ngoại cho con nhị thể. Thay vì chăm anh, chị chăm mèo. Con mèo óng ả, đỏm dáng, anh thì gầy cong keo vì mỗi ngày phải uống hàng vốc kháng sinh mà chẳng có gì bồi dưỡng. Như chiếc lá khô. Có lúc tưởng không qua, nhưng cứ nghĩ mình là cả còn gánh vác mọi chuyện trong nhà, anh vận người cố nuốt những thứ lổn nhổn viên tròn, viên dài, nghĩ đến đã oẹ. Mỗi lần ôm con anh phải quay mặt đi chỗ khác để thở. Anh chỉ đủ tiền mua thuốc năm ngày một lần. Kẽo kẹt chữa gần một năm thì bệnh lui. Tử vi nói, anh phát về  hậu. Anh tin, vì mình ở hiền. Người ta, đầy chỗ này thì vơi chỗ khác, mình vơi nhiều, khắc có lúc đầy. Thì đầy tình nghĩa. “Tình với chả nghĩa. Đến thăm người ốm chỉ vài lời hỏi han thì để người ta nằm ngủ cho khoẻ”. Vợ anh bực dọc mỗi lần anh nói chuyện tình nghĩa. Cả những lúc vợ chồng mây mưa nhất, đột nhiên nhớ cử chỉ sốt sắng lo cho người làng khám bệnh là cảm xúc trong chị trôi tuồn tuột như trẻ con ngồi cầu trượt. Anh ôm eo chị, gục đầu vào tấm lưng mịn màng. Chị xoay phắt anh, kéo vào giường, đẩy ập xuống. Anh né người nhớ tới trận rượu hôm qua, người còn xưng sửng. Cái thứ kia dẻo sớm chị lại nổi I2K... Chị ngó sững, đập bộp vào bụng dưới làm anh đau thót người. Cứ tưởng chỉ hôn hít. “Vô tích sự”. Ôi, không phải vô tích sự, mà cảm hứng chồng vợ trong anh tắt rụi từ lâu bởi mỗi lần nghĩ lời đồn thổi chị chung chạ với thằng cha đồng hương, đồng khói hồi bên kia và cả thằng phi công trẻ lái máy bay bà già là mọi hồng cầu không ở chỗ cần tích tụ mà dồn hết lên đầu! Cả những lúc gặp bạn bè, bia bọt, về nhà muộn. Khi bánh xe kịch vào cổng là anh đã mường tượng ngay nét mặt vợ hằm hằm. Hôm nay, chị còn móc mỉa: “Anh (miệng chị kéo rề, phát một tiếng: xì) nếu bảo tôi không có bồ mới là chuyện lạ! Anh ngắm mình xem!”.  Như bị phang một vồ. Anh choáng, thụp ngay xuống ghế. Ngực tức, hụt hơi. Rồi anh nhoi đứng dậy. Theo phản xạ tự nhiên, anh cúi xuống ngắm mình. Chị phì cười. Thay vì giơ tay cho chị cái tát trời giáng, anh sững sờ bước lại giường. Nước mắt anh tràn trệ nghĩ đến con, đến sự vất vả bao việc bên nhà anh, nhà chị và nhất là lúc ôm con ốm giữa đêm khi chị đi công tác nước ngoài “Con yêu, đêm nay con đừng sốt nữa, bố quỵ mất - Thế mà cô ấy...” Cơn thịnh nộ của chị cuộn lên một phần do xót con nhị thể đi ngoài sườn xượt. Chị trực ca chiều mãi năm giờ mới về, anh đang nghỉ mấy ngày chuẩn bị công tác miền Nam, thế mà... Con mèo bỏ ăn, dính bụng xuống miếng giẻ lau nhà. Lạ, con nhị thể thành đàn bà rồi mà nó vẫn cứ ngoeo ngoeo như còn bé khi bà ngoại bảo Hoài Thương bê về. Ngày về, nó náo loạn cả nhà. Anh thật ghét và bực mình mỗi khi nó cào cấu cánh tủ lạnh hay loa máy tính. Con nhị thể còn láu cá. Mỗi lần nổi cơn, thấy anh trừng mắt nó liền ngoeo một tiếng, quay ra ngó nghiêng, cầu cứu hai bà chủ. Thấy chị và Hoài Thương chiều mèo thái quá, anh mát mẻ: “Hai mẹ con làm như nó là thành viên thứ tư trong nhà không bằng!”. Vợ anh nhìn bé Hoài Thương! Mãi sau này anh mới giải nghĩa được ánh nhìn – Con nhị thể còn đứng trên anh! Quý thế. Hôm nay thành viên thứ... không yên giạ! Chị nguyểnh người bước ra hiên. Anh liếc chữ nhẫn trên tường, kịp nghe câu: “Đàn ông hèn, bé mọn”. Máu anh sôi. Anh bấu chặt tay vào thành giường giữ khối thuốc nổ trong người khỏi bùng ra. “Hèn?...bé mọn ư?”. Bằng cấp mình có, nghề nghiệp ổn định. Mình còn có công trình khoa học lưu vào sách đỏ của viện. Lại được phỏng vấn trên truyền hình và nhiều tờ báo đã tốn vô khối giấy mực ca ngợi. Xét khía cạnh gia đình, mình chỉn chu, lương đưa về đều. Không ham đốt thời gian vào xổ số, rượu chè... nghĩ cho cùng khiếm khuyết vẫn là cái lỗi mình để gia đình so xíu, ở nhà tập thể mãi vậy!
Không khí đang căng như dây đàn, thì may, Hoài Thương đi học về. Nó khoe với anh tiết mục biểu diễn đàn Tam thập lục đoạt giải A trong cuộc thi nhạc cụ dân tộc các trường tiểu học thành phố.
  Anh, chị, nhìn nhau, ngồi xuống mâm cơm!
Chiều, khi mọi điều tạm lắng, lúc Hoài Thương không có nhà. Chị bước đến trước anh, giọng mềm đi: “Thế đã gọi bác sỹ thú y chưa? mất mặt ở đâu!”. Anh choàng tỉnh, dừng con chuột máy vi tính “Lúc sáng ông ấy đã cho uống thuốc”. “Phải truyền chứ”. “Truyền thứ nước luộc ngô chắc nó đi luôn”. “Huyết thanh của người ta ông lại bảo nước luộc ngô”. “Thì tôi thấy có mùi ngô”. “Chả trách chỉ là phó tiến sỹ... mà lại gọi lão Phơ!”. Mặt anh thoắt đỏ rừ. “Tôi biết gọi ai?”. “Con Huyền chết cũng tại lão lang chó dởm này. Bảo hỏi một không tám không, thế mà!”. “Một không tám, dữ liệu chưa có bác sỹ thú y”. Ngoeo. Tiếng kêu của con nhị thể chặn trận cãi nhau lần nữa phình to.
Anh quay mặt vào tường!
ý nghĩ ngồi thiền lại đến!
Buổi tối, sau khi rửa bát đĩa xong, con Hoài Thương lại bàn học. Được một lúc nó tắt vụt đèn, rúc roạt vào nách bố. “Cơ quan bố, mọi người rất tốt với nhau”. Hoài Thương nhổm phắt lên: “ứ. Đấy đâu phải cổ tích?!”. Anh bật cười. ừ, không là chuyện cổ tích!
Từ khi Hoài Thương bốn tuổi, giờ nó đã sang tuổi mười ba. Tối nào anh cũng phải kể một câu chuyện cổ tích cho con nghe. Thay, xem tin tức các trận túc cầu, kết quả giải quần vợt Winlondon, Habanhcups... anh đọc, sưu tầm truyện cổ các nước miền Duyên Hải đến lục địa biển Đen. Hôm nay, vì cú sốc khi vợ tung thông điệp tự ngắm mình làm tâm thần bấn loạn. Thay, kể câu chuyện nào đó trong tập truyện cổ Grim anh nghĩ đến lão Hang ngọng dính chuyện hủ hoá với cô phụ trách nhà ăn uỷ ban hành chính một tỉnh trung du, lão vọt xuống thủ đô cầu cạnh một chân trong Viện anh, rồi, gã bỏ của chạy lấy người từ biệt chốn trần tục này để sang chốn trần tục khác bìu ríu với cô kế toán trưởng để cuộc tình sặc mùi... con số thất thoát ba mươi phần trăm kinh phí cất căn nhà làm serum thí nghiệm. Khuyết điểm chỉ xử lý trong nội bộ vì hình như theo quan điểm vị bộ trưởng nào đó: tổng kết xây dựng cơ bản thường thất thoát bốn mươi phần trăm kinh phí... Đây, ba mươi... Mọi người nhìn Hang ngọng đầy thông cảm khi gã rầu rầu hứa hon trước ban lãnh đạo. “Anh ta là sản phẩm nói dối của cơ chế xin cho tồn tại lâu trong tập thể trí thức này”. Viện trưởng kết luận nhỏ vào tai người ngồi cạnh khi trưởng phòng tổ chức tuyên bố hạ bậc lương lão Hang. Một tuần sau vài người nhao nhao đòi kiện.“Ôi dào, muỗi đốt. Rập ghim tai mèo ư? Hay đá mõm chó béc?! có khi hắn là Đông trùng hạ thảo của Viện cũng nên!” Một vị lãnh đạo nói với anh, xong, ông ta còn nháy mắt!  Mặt anh thuỗn ra, tựa mặt con bò bị úp nón vào đầu! 
  Ở cơ quan, nhiều lúc anh cũng ngơ ngao! Một phần, anh chỉ tập trung vào chuyên môn, với quan điểm: to know one thing, is to know  a lot,  to know everything is to know nothing -  biết một thứ là biết nhiều, biết tất cả là không biết gì. Cả cái chuyện quản lý dự án trong Viện. Đơn vị anh chịu trách nhiệm lập kế hoạch, phân bổ kinh phí. Dự án nào cũng các vị giáo sư, lãnh đạo có tiếng tăm làm chủ. Đề cương không biết các vị này có đọc... điều tra cơ bản gì mà tiến hành mấy năm chưa xong. Anh là lão gở mồm. Hay dự báo những vẫn đề khó, không chở được ở các cuộc họp, hội thảo dự án của Viện. Hoặc hay kêu ca sự chồng chéo, vay mượn phần việc ở dự án này, gửi chân sang dự án khác, có việc làm rồi ở đây, ở kia lại rầm rập tiến hành, như là làm mới. Nhỡn tiền. Bới ra, khó giải. Đáng lẽ lờ đi anh lại kỳ đà ngáng mũi đòi xử lý đến cùng. “Biêng. Dở hơi”- Nhiều người quay mặt, buông câu. Cả cái chuyện anh thấy trăng trắng, lôm lốp tang hang ngay trong buồng làm việc của tay trưởng phòng kế hoạch. Tất nhiên, không phải lão Hang ngọng mà là thằng trò ngày xưa, cái thằng anh nhường suất nghiên cứu chuyên đề ở Nhật để một năm sau nó trở về, có bằng cấp, có tiền, để thành đạt để rồi chính cái hôm nó ngoại tình ngày trên bàn làm việc, nó đã không còn gọi anh là thày nữa. Báng bổ. Mà anh cũng thật hâm cơ, nhìn thấy thì quay đi, hay lặng im mà xem như lời mấy kẻ bất lương đàm tiếu, anh lại bước vào góp ý chân thành, mà có kiểu góp ý đến xóc xỉa khiến ba gã người nhện, sáu gã người giơi, tám thằng mặt nạ xanh nhẩy choi choi trong thân thể con người có học kia làm thứ lưu manh ém nhẹm, nguỵ tạo, tiềm ẩn bấy lâu bật ra đến phựt, khiến anh choáng váng chẳng khác bị cú vồ của vợ. “Tôi không hiểu, cậu lại biến công sở, nhà làm việc thành nhà nghỉ. Tại sao cậu không ra nhà nghỉ mà làm việc... xấu hổ, có thời tôi đã là thày của cậu”. Tay học trò, giờ là lãnh đạo anh, mặt đỏ tía, ẩy cô trợ lý ra ngoài. “Hâm. Ông nghĩ nhờ ông tôi mới nên người, mới như hôm nay à. Đồ điên. Thử ngắm mình xem”.
Lại ngắm mình!
 
 Đúng vào cái ngày lễ tình nhân, khi những đôi yêu nhau gặp để thổ lộ, mãn nguyện thì anh và chị nói lời chia tay tại một trong sáu mươi chiếc cabin treo lưng chừng trời. Năm nay ai nghĩ ra cái ý tưởng tổ chức lễ Valentine ở các cabin công viên nước này thật tuyệt vời. Nhưng tiếc, với anh ý nghĩa lại ngược lại. Anh chia tay chị vì cứ tưởng có chị sẽ thay thế những gì thiếu, cân bằng cái phần thêm mà cuộc sống chồng vợ dị sàng bấy lâu anh kĩu kịt... Còn chị thôi anh, vì: “Đến lúc không thể ríu vào nhau mãi thế này, mất tự trọng lắm”, phải tìm người hợp hơn và dứt khoát phải... đặc biệt hơn anh”. Đã đến lúc chị nghiệm ra câu nói:“Anh một bên và những người đàn ông trên thế giới một bên!” không còn đúng, vì cuối cùng gia đình dù muối nhạt, trầu hăng anh vẫn phải tròn bổn phận làm cha, làm chồng chứ đâu có thể giũ một cái... Nghĩ vậy và ngày tháng tiếp diễn  trắng phớ chị vẫn không ân hận về cuộc tình gió táp mặt sông. Thế, sao đêm chị cứ  buồn rã người vì nhớ anh! Rồi không chịu được, chị cố xin anh cho gặp.
 Ngôi nhà nhìn xuống dòng sông.
 Nền chiều hồng sậm in bóng cây cầu khúc khuyủ mé phải. Bên kia là chiếc cầu xi măng khoẻ khoắn, ồn ã. Khuôn viên lắng dịu, sân gạch đỏ tràn sát ra mé nước. Vừa đến nơi là anh tự hỏi: “Liệu khi nào cả cái sân này lở ụp xuống sông?” Sát mí nước có cây vối già. Anh chợt nhớ bài hát: “Nụ vối đầu mùa” chị thường nghe say đắm đâu đó. Căn nhà ốp loại gỗ mầu cánh gián, các phòng bên trong cũng ốp gỗ. Nội thất sang trọng và hiện đại như khách sạn ba sao. Chị chọn nơi này, phút giây cực điểm thăng hoa tình yêu để chinh phục, thoả mãn anh. Gần nhau hai năm trời, ngần đó thời gian mà chuyện ấy giữa anh chị chưa hề xẩy ra. Anh là người đàn ông đầu tiên chị đưa về tệ xá. Còn người yêu sùng ái chị như tôn giáo, ông chủ căn nhà lại ở cách đây nửa vòng trái đất! 
  Anh lặng bên gốc vối ngắm sông, đúng ra là anh đang ngắm vợ chồng người thuyền chài. Chiếc thuyền mong manh đối nghịch dòng nước ngầu đỏ, người vợ khom mình khoắng chiếc áo của chồng xuống lòng sông còn người chồng đang hý hoáy mở đài, chốc chốc lại áp tai dò sóng. Chị ở sau và ngắm anh đến tơi bời, chờ đợi và mong những đọt nắng dềnh dàng cuốn chiều xa khỏi họ. Bên kia, bên bồi ấy vài ngôi nhà le lói đèn. Con thuyền bơi vào sương và khoang thuyền tỏ đốm lửa dầu. Hôm nay, anh phát hiện ra: Sương mù là hiện tượng thiên nhiên kỳ vĩ nhất, có thể gói mọi thứ mang đi và lung linh tột bậc những gì để lại.  Anh bồi hồi mơ màng trước cảnh, như cố tình quên thực tại. Chị khát ngập gió trăng, tóc xoà, áo ngủ thông thênh. Thung lũng chị mù khơi xanh ngặt thèm muốn sự ngập chửng, vùi lấp, nhấn chìm mọi thứ ập vào! Mắt chị biến màu chờ đến phập phồng mang cá! Anh như kẻ khờ thiên thạch ngao du:“Hay cứ cho đây là cơ hội khám phá bản thể mình” và lập tức anh biết ngay sự trầy truột, ngợp ngạp tựa diều đứt bóng, chứng thực sự biến dạng hoàn toàn bản năng đàn ông chứ không phải hiện tượng lãnh cảm như anh tưởng bấy lâu. Thật là sỉ nhục. Cái quý giá, công lực, thể hiện sức mạnh quyền năng, độc đoán, dẫn dụ, chi phối, cứng rắn phút chốc teo tũn, nhõm nhẹt một cách thảm hại. Anh thảng loạn vì điều nhận ra khiến không còn dũng khí động viên chị cái hôn rã rệu! Chị lại lầm tưởng men tình anh rữa nát chẳng còn chắt được một chút yêu đương nào nữa!?
 Anh lên xe phóng vội như một tên trộm!
          Ngay hôm sau, anh phải vào bệnh viện cấp cứu vì bị suy thận.
 
Ngày ra viện, anh một mình về nhà, lòng rã rượi.
Ba trăm sáu mươi năm bậc cầu thang từ tầng một lên đến tầng năm của khu tập thể cứ trì anh xuống. Vừa đi anh vừa bóc thư của vợ ra đọc vì thấy nó lạnh băng bên ngực trái.
 
 Anh Sinh!
 Thì tôi cũng phải nói lời cuối cho đúng thủ tục để vào Tuy Hoà. Gạo tôi đã mua, tiền điện đã nộp và lệ phí truyền hình cáp đã đóng trước sáu tháng vì đang dịp khuyến mại. Anh cứ say sưa với khuôn viên gạch Bát Tràng có cây vối quả đỏ au và bằng lòng những gì có. Tôi đi đây. Sắp xếp xong tôi sẽ đàm phán chuyện đưa Hoài Thương vào Tuy Hoà như ly dị gửi toà.
  Anh ốm tôi cũng thăm, mang cả thanh long và truyện nhưng không lần nào chuyển  được vì anh ở khu cấp cứu.
Anh lật bật bước đến căn hộ tập thể của mình. Vài giò phong lan treo trước cửa chạm nhau lộc cộc. Anh không dám ngó gian bếp lạnh lẽo dù biết vợ đã sắm sửa đầy đủ trước lúc đi!
Tiếng đàn vẳng ra từ phía ban công buồng con gái. Tiếng đàn buồn, đơn lẻ, dung dị lạ thường như đi ra từ vỏ ốc bằng đôi chân cổ tích! Tiếng đàn ướp đầy nước mắt và sự chia xa!
Lẽ nào mình chỉ là vỏ ốc cho con? Phần nhỏ tí teo liệu có hoá được chút đá vôi!
    Hà Nội, những ngày đông giá
Gió đắng sân chùa
 
  - Năm nay các con có về quê ăn tết ?
Cha tôi bịn rịn vừa nói vừa kéo rệ cánh cổng chùa.
  - Có chứ ạ. Chúng con không về quê thì về đâu?
 - Thì cha hỏi vậy. Trời nổi giông đó. Đi đường chú ý cái xe ôtô to. 
Lần nào về quê, lúc đi cha cũng dặn hai vợ chồng tôi cẩn thận cái xe ôtô chở congtennơ.
Ăn tết ở quê vừa là trách nhiệm, sau là niềm vui lớn nhất trong năm mà tôi thường khoe với mọi người trong khu tập thể... được đi chợ Phí, chợ Ngọc Liên sắm tết; ngập nửa người rửa lá rong rồi chất tất cả lên phiến đá ở mỏm Rùi cho dáo nước... và thích nhất là canh ba đêm hai mươi chín tết được cha lay dậy cho đi đụng thịt lợn sau đó về nhà  gói bánh trưng, thức đến nhèm mắt chất củi, châm nước nồi đáy... chỉ nghĩ đến đấy thôi là mọi vất vả lo toan suốt năm tan biến... mấy ngày nay lại nghe thấy tiếng gà gáy, chúc chắc, thôi thúc trong khu tập thể làm dậy trong tôi lỗi nhớ quê da diết quá... mặc dù bây giờ, quê tôi không còn được đẹp như ngày xưa, không còn rẻo đất gồm mấy chục nóc nhà núp dưới tre xanh thấp thoáng giữa năm bẩy cái đấm sen ngát hương. Nói không cường điệu “Giờ ngôi làng của tôi tựa như một cục xi măng mất rồi”, không còn nhiều tre, còn con sông nhỏ bao bọc tuổi thơ nhột mình tép nhẩy, tuốt quả ruối chín vàng vờn mặt nước để ăn. Không còn sen ngút ngàn tầm mắt bởi đầm Đậu, đầm Vọng bị cắt nhỏ chia hết cho các hộ gia đình trong làng. Sen đi vào giếng chùa, lác đác mọc trong ao nhỏ nhà ông Đoan ông Sướng... về quê những ngày cuối năm với tôi chỉ là các chiều tảo mộ, thăm bà con xóm giềng và được cha cho rửa tay bằng nước thơm trong chiếc chậu đồng trước khi vào thắp hương ở chùa làng. Ngôi chùa cha tôi làm bõ, trông nom đã được hơn hai chục năm, từ khi tôi chưa về nhà.
 Hàng ngày, khi mờ đất, lúc con đâm đấm ngoài bờ ao dồn khắc khoải cha tôi đã trở dậy. Quờ chân xuống cha đã chạm cho chó Vá trực sẵn. Việc đầu tiên là cha lạch xạch xuống bếp chỗ đang vùi nồi khoai sọ, vo hai nắm rơm như quả bưởi nhỏ quén một đường sát mép nồi hầm để bụm tàn trấu sạch hết.  Xong, ông ghé miệng thổi phù phù đến khi chiếc vung nồi ló hoàn toàn mới giơ tay nhẹ nhàng nhấc ra. Mùi khoai ngậy ngậy bốc nghi ngút đằm mũi. Cha luồn tay gỡ lượt lá chuối chuyển mầu phèn sậm làm lộ những củ khoai sọ vàng chới sém cạnh nồi dưới làn hơi trắng tinh. Củ ở giữa nồi thì nở bung, thơm phức. Cha giỡ khoai ra chiếc rổ lóng hai cứ như người ta đếm trứng. Ngày mới rụt rè về trên đường làng đã thấy cha cà nhắc cắp rổ khoai ra chùa. Công việc này gắn bó cha đặng như từ kiếp trước ấy. Thường khi ngoài chùa làng vắng vẻ lắm, thỉnh thoảng mới có khách thập phương đến vãn cảnh. Còn tuần rằm mùng một thì đông tấp nập, đến đêm vẫn còn người. Văn hoá làng lúc đó gom ở sân chùa. Những hôm ấy cha tôi bận lắm, phải sắp lễ, thỉnh chuông, rửa tay cho khách và sau cùng là kiểm tiền trong chiếc hòm công đức... Chiều nhọ mặt người  cha mới giật mình xua con Vá về trông nhà, còn cha ngủ lại trông chùa. Nhiều năm nay cha cứ một chốn đôi nơi thế. Mà thực ra, chùa đã là nhà của ông từ lâu rồi. Ai muốn tìm cha thì cứ việc ra chùa. Không thấy mới phải vào trong nhà. Ngôi nhà cha đang ở đủ bốn gian một trái, lúc đông người có đến sáu, giờ quạnh quẽ mỗi cha. Có lần vợ tôi nói: “Ngoài chùa, cha lại vui... về nhà, cha chỉ làm bạn với bàn thờ mẹ! Mà cha không chịu lên ở với mình anh nhỉ”. Tôi thoắt  cau mày, ánh nhìn hình dấu hỏi. Vợ tôi vẫn bô lô: “Cái sân, cái vườn cha chẳng chịu quét quáy. Nó hoang hoá, rêu phong. Gần tết biết các con sắp về, cha mới dọn dẹp… Soài, chuối, ổi... đến mùa cứ thơm nức, chín rũ”. “Mà cha giải quyết thế nào với cái vườn cây ấy nhỉ?”. “Hoạ hoằn, cha gọi người vào mua sổi chứ sao” . “Ghê… em biết cả việc ấy!” . “Ơ, anh hay nhỉ. Anh tưởng hàng tháng chút tiền anh gửi về  là đã đủ cuộc sống cho  cha?”.
Chiếc giường đóng bằng gỗ mít kê trong buồng ngày xưa mẹ tôi nằm còn chắc chắn, cả chiếc hòm gỗ đựng quần áo cha tôi vẫn giữ nguyên. Hàng ngày, trước khi ra chùa, cha trèo lên gác xép, lôi xuống một mảnh vải rườm bâu may to như chiếc chiếu đôi rồi phủ lên. Xong đâu đấy, ông đứng ngẩn, rồi cứ giơ tay sửa sang, sờ nắn mãi... chiều về đến nhà, việc đầu tiên là ông vào trong buồng mở tấm vải ra. Thấy vậy  tôi hỏi: “Sao  cha không chùm nguyên như thế cho đồ đạc khỏi bụi bặm?”. Cha tôi thủng thẳng: “Đậy thì mẹ anh dùng bằng gì? Tối phải mở ra để bà ấy còn nằm chứ”.
 Mỗi lần từ thành phố về quê, chúng tôi thường ra luôn ngoài chùa vì biết cha không có nhà. Nhìn qua cánh cổng gỗ sơ sài bắt gặp dáng đi cà nhắc lom lỏi giữa cảnh viên liêu đôi bàn tay gắn chiếc chậu đồng đựng nước giếng chùa vào tháng tư điểm vài cánh hoa soan, tháng sáu thơm cánh hoa sen, tháng mười một vài bông dành dành  phảng phất dìu dịu là lòng tôi như có gió dựng.
  Nhớ lại, ngày đầu tiên tôi có mặt ở nhà, cha kể: “Cất bánh đúc cho những hàng bún riêu bán ở chợ Ghẽ, chợ Ngọc Liên, mỗi phiên là công việc từ đời ông nội nhà mình đấy”. Khuôn mặt cha giãn ra, đôi mắt nhuốm bóng mờ thời gian cố ánh lên lóng lánh, chắc lâu lắm cha chưa chuyện trò với ai. Niềm vui đang tràn trong ông khi thằng bé nằm sấp trên giường cứ dướn lên, chờ đợi. “Dạo ấy, mỗi ngày nhà ta xuất cả trăm quả. Những thúng bánh đúc xếp núc núc, ròn đanh. Tiếng đồn sang tận Gia Lương - Hà Bắc”. “Nhà mình chắc giầu lắm cha nhỉ?”. Tôi ngây ngô. Cha phì cười: “Giầu giẩu giầu dâu. Làm bánh đúc mà giầu được... đủ ăn hơn các hộ trong làng thôi... cái nghề”. Tôi biết cái nghề... tưởng thường, no ấm cả nhà vịn vào đấy. Cha đưa bàn tay đen đúa xoa lên mái tóc màu lửa của tôi.
 Sân chùa vắng vẻ. Giếng chùa lập lờ bóng mây trắng xốp bồng bềnh trôi từ đông sang tây.
 ... câu chuyện ông Dưỡng kể, cồn cào tôi sau đó một năm.
-  Tráng niên, cha cậu  ngang tàng, phóng túng có tiếng đấy.
Tôi phì cười.
-   Ngang tàng?
-  Trên,  ông ấy sợ ông nội cậu, dưới, sợ mỗi thằng Đớt quý tử.
Nói vậy, rồi ông Dưỡng ngó tôi chăm chăm. Tôi gật đầu, có ý bảo: “Cháu biết mình là con nuôi rồi còn gì”.
Giọng ông Dưỡng vẫn đều đều:
-  Người làng, ông Hoán đụng chạm bất kể ai. Mà xóm giềng nhiều nhặn cho cam. Tính cạn, được hai trăm nóc nhà.
Tôi nhoài người bứt cọng cỏ non mảnh nhú dưới mạch gạch làm mấy con sẻ đồng sà xuống ngó nghiêng giật mình vù lên tán cây muồm muỗm xoà bóng nửa mái chùa.
-    Nghe đồn...
-  Thật, chứ đồn gì. Thằng con của ông chủ gỗ Khuế Gà trên thị trấn Cẩm Giàng đích thực là quả của cha cậu. Mà sao tôi lại kể chuyện này nhỉ?
Tôi nhướng mắt.
- Ông Khuế thuê cha cậu trông nhà một đêm  để vào Hưng Yên tỷ thí cờ với ông Tú Hương còm, giải cho xong lời đánh tiếng...
Tôi nói:
- Trông nhà thì sao ông?
Ông Dưỡng:
-  Thằng bé này! Thì trông luôn cả bà vợ ba sinh đẹp của ông Khuế chứ sao.
 “Trông luôn...”
 Chuyện nhà cha nuôi gờn gợn trong cái đầu non nớt của tôi.
 
 Súng cối từ bốt cái Cẩm Giàng đùng đùng nã về Cầu Bát.
 Bên kia  Cầu Bát là an toàn khu du kích.
 Bỗng pháo chuyển làn.
 Dân Kinh Uyên lúc này không còn ai ở làng để chứng kiến cảnh chùa làng bị đổ.
Nhà tôi trong đám người đang chạy càn tận bên Cẩm Đoài. Nửa tháng sau ngớt càn mọi người mới lục tục trở về. Không ai là không bàng hoàng trước cảnh đổ nát điêu tàn của ngôi chùa đã  gắn bó với làng mấy trăm năm. Chùa đổ, vậy mà không hiểu sao chẳng có ai ra xếp nép hay thu quén gì cả. Đống gạch ngói, gỗ lạt bừa bãi cứ nguyên trạng suốt cả năm trời. Một ngày, trong đống phế tích ló ra chiếc chậu đồng hình thù giống chiếc mũ cát rộng vành. Chiếc chậu nặng chịch gò thủ công chứ không đúc bằng khuôn, có từ đời nào? xưa nhà chùa dùng nó vào việc gì không ai biết. Chiếc chậu gội mưa nắng và chịu đất cát nhuộm mầu sìn xịt. “Anh ra chùa lấy chiếc chậu về  cho tôi”. Ông nội tôi bảo với cha tôi thế. Cha ra chùa móc máy đến sứt cả tay chân mới mang được chiếc chậu về nhà. Về đến nhà, ông nội lại sai cha mang ra cầu ao dùng tro bếp đánh đi đánh lại cho thật bóng. Cha mỏi rã tay, mặt mũi nhăn nhó còn ông nội thì sõng lưng, săm soi và cứ xoa xoa vào thành chiếc chậu đồng, miệng lụng bụng không thành tiếng: “Chưa được...”. Mỗi lần vậy, cha lại sầm sì. Cuối cùng, mài tro đến hết buổi chiều, chiếc chậu đồng cũng  bóng lì lên nước.
Ông Nội quái tay. Nửa viên gạch chỉ choác vào chiếc nồi đất thường ngày đựng nước lã nhúng bánh đúc. Ông quén mấy mảnh da sành vỡ vào bới tre rồi thay vào chỗ chiếc nồi là chiếc chậu của chùa.
- Chuyện về chiếc chậu đồng cồn thành điều chướng tai gai mắt người trong làng. Kể ra cũng chẳng đáng gì. Nhưng việc nhà cậu lấy của chùa cộng thêm sự ghen ăn tức ở, nỗi bực dọc va chạm thường xuyên với làng xóm láng giềng là  cái cớ để dân làng quy cho ông nội cậu là quân ăn cắp, phường chiếm dụng, tham lam.
 Ông Dưỡng không hề khách sáo.  Tôi thì cứ dán mắt vào cái miệng hòn hon chỉ còn ba chiếc răng cửa của ông lão cao niên nhất làng.
 - Điều ong tiếng ve, nhà cậu nghe đã quen tai... cái tính cương cương, không chịu ai của bố ông Hoán làm câu chuyện chiếc chậu đồng càng thêm khó chịu, thành chủ đề đàm tiếu  cả  chục năm trời.
 Chùa làng tôi được phục chế ngay trên nền đất cũ bằng tiền bà con quyên góp. Mấy người ra ngoài khá giả cũng gửi về. Chùa thiết kế đủ tam gian ngũ mái, có cả dẫy nhà ngang không tường chống hoang, chống huyếch... Khi khánh thành, việc đầu tiên là làng đòi tắp lự chiếc chậu nhà tôi. Lúc này ông nội tôi đã mất. Cha tôi nóng nảy lớn tiếng: “Đòi chậu. Làm nhục nhà ông thì có... ông thách. Làng này không bằng con ca... ông đây”.  Tiếng chửi của cha ồm ồm, váng nửa làng. Mẹ tôi và anh Đớt sợ run, ôm nhau ngồi rịt trong buồng. Dân làng chẳng ai có máu mặt đối lời trực diện với cha tôi. Chửi chán cha tôi lại nghe. Mãi, rồi cũng mệt, phải thôi. Sau này, mỗi lúc vui vui, có ai nhắc chuyện chiếc chậu là cha tôi bay biến: “Đây là thứ ông cha đào được ngoài bãi Váu”. Có lần cha tôi còn nhận mình cất công sang tận làng đồng Lý Đông, Lý Đỏ gò... Dân làng nản, bảo nhau: “Đòi gắt, lão lại chửi cho như bận trước mà xem...
 Tháng ngày nhảng trôi, khi anh Đớt năm tuổi, trông mập mạp như cái bồng sen. Một đêm,  cha tôi không ngủ. Bực dọc trong người ông dâng cuồn cuộn. Cha như con trâu điên, lao ra ngoài sân, rồi lại lao vào trong nhà. Ông  còn ra tận mỏm Rùi đấm ngực chửi thề khiến mọi người đi đường cái nhìn phát gai cả người.  Nguyên nhân cũng bởi hàng tháng nay ông nghe được lời cạnh khoé: “thằng Đớt... trông không giống ông”. Quan trọng là trong đầu cha nghĩ điều dớ dẩn: “Khi mới về nhà bà ấy thường xin đi bỏ gấm. Mà có đận cả tuần ở bên ngoại không về - không có lửa, sao lại có khói được?”. Con Vá thấy ông chủ giận dữ, sợ quá, tru lên những tiếng dài. Đuôi con mèo mướp vón xù như đuôi sóc, mắt nhập một chòng. Được một hồi, con mèo hoảng loạn vọt tót lên quá giang nhà, thoi thóp thở.
  Cha vẫn đi ngang, đi dọc, tay vung viêng bốn hướng, rồi cha giơ chân đá một đá, làm đống rơm cạn lõi hình chiếc lấm đổ kềnh. Bàn chân cha lần nữa nhằm cạnh sắc của chiếc chậu đồng đang đặt sát gờ sân gạch, dông tới. Không hiểu ông trạm thế nào mà một nửa gót chân bên phải bị gọt lìa, văng tận góc vườn. Máu vọt thành vòi, nhuộm hồng bốn viên gạch vuông.
 Kệ cái gót chân thâm xịt còn động đậy, cha xông ào vào trong buồng. Mẹ tôi thì đang cùng cực trong sự đau khổ và sợ hãi. Bà cứ ôm riệt chiếc chăn chiên vào ngực rồi nép sát vào góc tường.  Cha nhẩy một bước lên giữa giường, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đấm đá mẹ liên hồi kỳ trận. Mái tóc có những sợi bạc sớm xổ tung xuống ngang lưng. Bà oằn mình trước trận đòn thần sai qủi khiến của chồng. Một hồi, mẹ  không chịu nổi, nằm vật ra thì cha cũng quay đơ. Nhà tôi tựa bãi chiến trường. Máu lênh láng từ ngoài sân rong tận trong nhà.  Cha ngất lịm mà lông mày vẫn dương lên dữ tợn.
 Tôi thoắt sởn người, dựa mình vào vai ông Dưỡng.
-   Thế ai đưa cha mẹ cháu đi bệnh viện hả ông?
-   Thì dân làng chứ ai. Mà mẹ cậu sau đấy tỉnh lại.
-   Chắc anh Đớt hoảng lắm.
Ông Dưỡng giơ cánh tay tóp lóp vuốt mái tóc cứng như tăm hương của tôi.
-  Hoảng gì. Nó cứ trâng trâng nhìn mọi người võng cha đi mà chẳng mảy may tiếng khóc nào.
Con muỗi chiều lởn vởn lao sập vào mắt tôi như nhặm lúa. Tôi giơ khuỷu tay lên rụi rụi rồi quay nghiêng ngó vào tam cấp chùa làng. Những ngôi tượng bằng gỗ, bằng đất nung sơn son thiếp vàng lung linh trong ánh nến. Ngôi nào cũng như đang mỉm cười.
Ông Dưỡng hạ giọng.
 - Từ bệnh viện trở về, cha cậu tự dưng thuần tính lại. Kiệm lời cả ngày không nói câu nào. Người ác khẩu trong làng lại dè bỉu: “Không còn thấy lão điên này chạy khắp xóm đập chó người vì bãi phân và cảnh lão vác gạch tu vào đầu trâu nhà ai khi nghe  tiếng cọ sườn roàn roạt ở hông nhà...”
Ông Dưỡng thở dài:
-  Nhà cậu bớt xẩy ra những trận đấm đạp và không còn nghe tiếng cha cậu chửi bới hàng xóm láng giềng nữa. Lời đàm tiếu của dân làng cằn cục đi rồi cằn cục lại: “Do thay máu nên em con chó Vá trong người ông Hoán chết”. Thay máu, mà khiến chữ thiện rõ rệt ra thì thời nay khối kẻ...
Lần thứ hai, cách lần trước bốn năm. Tôi lằn lì mãi ông Dưỡng mới kể tiếp chuyện nhà cho nghe. Lần này, tôi đã manh nha cuộc sống gia đình mình trước kia. Những lời ông Dưỡng như làn gió mỏng heo hoắt len nỏi vào cơ thể, dấm dứt tận tâm can tôi.
 Nghề làm bánh đúc nhà tôi sa sút khi cha tôi mất gót chân.
 Anh Đớt lớn lên, trầy trụa mãi mới tốt nghiệp được cấp hai. Mà cũng yếu sức không đi nghĩa vụ quân sự được. Thấy anh chơi bời vô bổ, lại còn tấp tểnh cờ bạc nữa.  Cha bảo: “Muốn khá thì đi buôn chứ đừng học thói đánh bạc mà cũng đừng tập nhòm đít con trâu.  Nói xong ông gọi anh vào buồng, đặt vào tay anh hai khau vàng : “Đây là hai đồng cân. Mày cầm lấy mà đi buôn cá”.  Anh Đớt ngước mắt lên cha đầy vẻ khó hiểu. Hai ngày sau, anh đạp xe lên làng trên tìm cho được chú Lai làm nghề thầu cá đã có tiếng mấy năm nay. Chú Lai đang dập dềnh chai rượu ngang. Nghe anh Đớt chào rồi mà chú vẫn dệnh dạng tợp nốt chén thứ ba. Xong, còn quờ đũa gắp miếng đậu phụ tỏm vào mồm rồi mới thũng thẵng: “Nghề này phải thức khuya dậy sớm. Tường số ao chuôm trong vùng, trong làng. Biết ao nhà ai đang thả cá gì, bao giờ thì thu. Dụ dỗ làm sao để chủ ao dành cá cho ta. Chịu tiền cất càng tốt, chứ thanh toán ở đầu cân có bữa nhai cả  quần đùi”. Nói xong, chú Lai lườm lườm thằng học việc: “Cho mày một tháng tập những điều tao vừa bảo, rồi quay lại góp vốn”. Bốn tháng sau, lưng quần anh Đớt đã có ba đồng cân vàng. Nhưng cái nghề ban ngày vất vả, thường nhật khi mọi người lên giường đi ngủ cánh thầu cá lại lục tục lên đường. Quần quã mãi chiều hôm sau mới mướt mải về. Ngủ vật vờ, chờ đêm đến lại đi tát ao, cân cá... Tiền kiếm từ thầu ao lời nhất trong đám chạy chợ, nhưng anh Đớt không kham nổi. Sau nhiều lần cân nhắc, anh quyết bôn tẩu sang Tú La học nghề ấp vịt. Và cũng đúng ba tháng sau hai đồng cân vàng cha cho mượn và một đồng cân do anh làm cá lời ra mất dạng.
   Thời gian trôi như ngựa vía.
  Không biết nghe ai xúi mà anh Đớt lại xoay sang nghề gom mèo trong làng, trong xã bán cho nhà hàng tiểu hổ trên thành phố.  Anh tỉ tót trả giá thế nào mà chỉ năm sau, mèo trong vùng không còn nấy  một con.
   Hoạ. Không có mèo thì ắt sinh lắm chuột!
   Dạo ấy chuột sao mà nhiều.
   ... dân làng cáu giận:“Thằng Đớt là mầm mống nạn chuột bọ trong làng nở rộ”. Chuột đầy đồng, những con chuột béo núc lích, những con chuột tuổi thọ gấp đôi bình thường, râu bạc, đầu rụng hết lông, đuôi chóc lở. Chuột chạy rông dài đầy đường, xục xạo làm toang hoang các bồ thóc, cắn nát quần áo và những đêm kinh hoàng vào bập chết hàng trăm con vịt con nhà ông Thưởng.... chuột cắn tã tười hàng mẫu lúa. Phá huỷ nửa cánh đồng dưa hấu. Diệt chuột. Việc làm đầu tiên, bức bách của dân làng. Sáu con chuột năm điểm, mười hai con chuột một công. Một công là hai cân thóc. Diệt chuột bằng bẫy, đánh bả, luyện chó thay mèo bắt chuột... nhà nhà bẫy chuột...  cha tôi là người bẫy giỏi nhất. Ông chế hàng loạt chiếc bẫy chuột bằng tre, trên chèn một hòn đá hay hai viên gạch chỉ. Dưới để cái càng cua nướng. Chuột mò vào ăn, hòn đá, viên gạch ập xuống, chuột to đến đâu cũng bị nát đầu. Có đêm  cha tôi diệt được cả... chục công. 
 Anh Đớt gây nạn chuột tràn lan.
 Cha tôi là người diệt chuột giỏi nhất làng! kiếm công điểm gấp  mấy chục nhà cộng lại.
Nhà tôi lần nữa lại là tâm điểm ghẻ lạnh của dân làng Kinh Uyên.
...Gió sém lá bàng.
Nắng gắt, không khí như rang thôn xóm.
Nhân ngẫm như thần...
Một chiều chạng vạng. Cuối làng phơ phất rặng tre buồn thiu. Mé đường tầu sau làng bỗng cồn lên. Đến mấy chục người hầm hầm sát khí. Tay gậy, tay dao sùng sục đi về  phía chùa làng.  Dân làng Kinh Uyên nhao ra xem có chuyện gì? Đám đông làng Tú La đến gần, thì mọi người thấy họ đang dẫn giải một thanh niên bị trói rặt cánh khuỷu, mặt mũi sưng vù, không còn nhận ra. Nhìn kỹ, không ai khác chính là anh Đớt tôi. anh Đớt sang làng Tú La lấy chộm đường dây điện đèn bị Tú La bắt quả tang. Dân làng rện anh lên bờ xuống ruộng. Đến khi mọi người không còn muốn đánh nữa thì hô hoá dong anh về trả Kinh Uyên. Mà lại giao tại sân chùa mới oái oăm. Anh Đớt tôi bị trói đứng run rẩy, rạc dài như con cò bợ, khiến mọi người không ai muốn nhìn.
Hôm toà xử án,  cha tôi không ló mặt, mẹ cực chẳng đã bước ra với thân hình nhỗm nhẹo, nước mắt cạn đạch dòng...
Anh Đớt đi tù hai năm.
Nhà tôi tụt dốc như mít rụng đầu hè.
Cha tôi buồn, thường ra mỏm Rùi thu lu ngẫm ngợi. Giông kéo về đầy trời khiến da mặt cha tê trong gió vờn mà vẫn không hay. Chỉ khi mẹ chạy ra đập vào vai, cha mới giật mình thất thểu về  nhà.
 Mùa đông năm ấy như dài thêm.
...Mỏm Rùi ở xéo bên tay phải cống Rọm, dịch hướng đông bắc hơn chục bước chân là nhà tôi. Rùi là chỗ chửa to của con đường ngày xưa. Con đường đất củ có từ mấy trăm năm. Đồn rằng con đường này song song con đường chính của làng bây giờ. Dẫn từ đường cái huyện Năm Bê về. Tương truyền, có lần vua Lê Duệ Tông kinh lý vùng Chí Linh qua đây đã nghỉ một đêm chỗ đường chửa này. Sau lưng là con sông Kinh Thầy, bên trái là cánh đồng phì nhiêu. Bên phải sáu bẩy cái đầm rộng thẫm một mầu xanh của sen, xen kẽ làng xóm. Con đường độc đạo bên cạnh có một bãi đất bằng nhô hẳn nằm kề. Giữa bãi là một cây đa to. Phong cảnh và thế đất thật đẹp. Nhà vua truyền hạ trại ở qua đêm để ngoạn cảnh, uống rượu vịnh thơ. Từ đó cái bãi đất sát ngã ba thông ra bến đò này mang tên là Ngự. “Long ngự, tiên tửu dạ - Toạ nhất điền viễn tứ thiên / Thiên tử ngự rượu một đêm - Ngồi trên mảnh đất tốt ngắm bốn phương”. Chùa của làng mọc lên sau đó mười ba năm, toạ trên mỏm Ngự. Cái tên Ngự sau vài chục năm thì đổi thành Rùi. Nguyên cớ sao? bay lên không trung, trôi theo năm tháng, hậu sinh không ai tường. Ngôi chùa to, lại ở trên miếng đất hẹp, sát đường đi, lâu dần thành bất tiện vì người, trâu bò qua lại. Sú uế, dân dã, tầm thường diễn ra thường xuyên sát bên hông nên cổ nhân quyết định dịch chùa về  hướng đông nam một đoạn khoảng năm mươi mét. Làng cũng được đổi tên từ Ngập (ngập là quanh năm ruộng ngập, lúa chỉ trồng được một vụ. Ruộng đa số là rộc, đầm cạn) thành Kinh Uyên. Kinh Uyên từ chữ rinh nguyên mà ra. Mỏm Rùi còn, vắt vẻo mặc cho nước xoáy ì ọp từ đập Bát Thuỷ dẫn nước sông cái Tràng Kênh phóng thẳng về. Nước chẩy đá còn mòn nhưng kỳ lạ mỏm Rùi này vẫn hiên ngang chơ chơ theo ngày tháng. Mọi người trong làng cho đó là sự linh thiêng nhưng với lũ trẻ con bọn tôi chẳng có gì là ghê gớm. ốp vào chân gò là hòn đá to bằng chiếc chiếu không biết có từ bao đời (sau, tôi đồ rằng khi lập đền thờ ở đây, dân gian trở phiến đá này về, tượng trưng vua Duệ Tông nấy đó làm long sàng ngủ qua đêm, để điển tích thêm ấn tượng). Hườm của phiến đá là nơi tập trung, trú ẩn bao nhiêu là các loại cá bò, trạch trấu.
Ông Dưỡng giơ tay xoa xoa vào thành chiếc chậu đồng.
ánh mắt ông  bò buồn bã lên tán cây muồm muỗm.
Hôm nay không thấy bóng con sáo sậu nào về đậu.
Khoảng trời mé tây rực ráng chiều.
 - Đi tù về nhà, thằng Đớt vẫn sằng sặc xoãi mình trong thói chơi bời cờ bạc. Mọi thứ có trong cái rương gồm ba bình sứ Giang Tây, vài tấm gấm quý bà Hoán để giành nó cuỗm sạch gá bạc mà ông Hoán không hay biết. Buổi tối thằng Đớt vác xe đi. Sớm thì một hai giờ sáng, muộn thì đến tận chiều hôm sau mới vật vờ về. Nó là con bạc khét tiếng liều lĩnh và ngu đần trong vùng. Thắng, nó nướng vào các cuộc bia bọt ở ngã ba đường Năm Bê. Thua, bệ rạc cù nhầy ăn chằng uống quỵt. Người làng đánh tiếng. Ông Hoán, thay vì không ngăn con mà còn tức tối. “Đàn ông cờ bạc rượu chè. Không dính, sau làm lên chuyện gì”. Quá mù sang mưa, đến đận thằng Đớt lấy cắp năm đồng cân vàng giấu trên lỗ đòn tay nhà, ông  Hoán mới ầm ầm lổi giận và sự giận giữ càng bốc hoả khi ông sờ đến cái rương... Ông Hoán chẻ dóng chuồng trâu làm bốn, rồi điệu thằng Đớt từ chiếu bạc làng Tú La về, lọc ra... Lưng, đít, tay chân thằng Đớt không còn chỗ nào là không nổi bầm, nổi trạch. Thằng Đớt kêu la rầm trời. Bà Hoán không dám vào can. Dân làng không muốn ngó xem. Đánh chán,  ông Hoán tuốt mấy sợi lạt giang trên gác bếp, trói gô thằng Đớt như trói chó rồi vác nó ra mỏm Rùi. Đang kỳ xả nước đập Bát Thuỷ. Nước nổi cồn ầng ậng vào chân Rùi, quẫy ngang thành vệt trắng bọt. Ông Hoán đứng choạng chân lấy đà, quăng thang lang một cái. Thằng Đớt chìm mất dạng. ông Hoán quay lưng mà không nghe thấy tiếng tòm thứ hai là bà Hoán dù không biết lội sông vẫn len lén lao xuống cứu con. ông Hoán bỏ về nhà thu lu ngồi hút thuốc lào. Bà Hoán hoảng hồn cuống cuồng nhấp nhô mãi cuối cùng cũng kéo được thằng Đớt vào bờ. Khi gếch được cái đầu nó lên cạnh phiến đá thì bà đuối sức quá. Cố gượng không được, bà đành buông tay...
Lời ông Dưỡng tựa mưa đông nặng hạt.
Hơi thở ông đứt quãng, mỏng tang.
Ông kể chuyện nhà tôi bằng xúc động dâng tận đáy lòng chứ không chỉ bằng lời nói phát ra từ cái miệng nhóm nha nhóm nhém.
Bụng giạ tôi lúc ấy bỏng rát như vừa sát muối.
...
Gió đồng hoang hoẻ về  sân chùa từng cơn xào xạc.
...
Tôi thấy có vị gì nồng nã, đắng ngắt trong gió quê.
Nhà tôi đứt mạch nghề làm bánh đúc.
Cha tôi ở lì trong buồng và đóng cửa suốt tháng. Ai quan tâm, ngó vào là bắt gặp ông lù lù dính người trên cái phản một thớt, bên cạnh có chai rượu ngang đục lờ nước gạo. Ba bốn hôm liền mới trệu chạo cái bắp ngô. “Nhà này còn... dậu đổ bìm leo”. Cha cam lòng cúi mặt, ướp buồn trong lời đàm tiếu của dân làng.
Ông Dưỡng thở dài :
 - Chỉ thương cho bà Hoán. Lúc sống ông Hoán hành hạ. Vui  ông ấy đánh, buồn ông ấy cũng đánh. Sự chịu đựng của bà tưởng có kết quả nếu như gia đình yên ổn, ấm êm như lẽ thường, thế mà... Kiếp trước chắc bà mắc tội gì, nên mới dính vào nhà Hoán. Mà bà ấy là gái đẹp  nhất chợ gấm Cẩm Giàng xưa.
Gió đông hây hây, những chuyến gấm Hàng Châu, Liễu Giang... xuôi đò, cập bến Cẩm Đông. Con đường đất thấp tìn tịt mùa nào gió cũng ngược. Cô gái áo tứ thân loè xoè, đầu vấn khăn, má đỏ hồng quẩy gấm xếp la liệt trong nều chợ...
 Cha  tôi bồi hồi, mắt bỏi hỏi như trôi về  vô định.
 Và cha cũng thường nói với tôi: “Mẹ thích sự ngang tàng hảo hớn của  cha mà  thuận lời bà mối, thôi con... cha cưới được mẹ, làng xóm hậm hực, ganh tị đến cạn ngày cạn tháng”.
Nhìn khuôn mặt phết sáp của cha tôi lúc ấy, tôi không còn nhận ra được nữa.
 
Chiều vẫn đi dọc ngõ, hoa dâm bụt thì cố đỏ nhịu ngoài cổng nhà càng làm lỗi buồn cha tím thẫm. Cha trầm tính, giờ lại càng trầm hơn khi mẹ mất rồi. Anh Đớt tôi thì coi cuộc đời không còn gì để bấu víu nữa. Anh theo con nhà Thập lên đào vàng trên Biển Động - Bắc Giang, rồi không hiểu thế nào anh đi được xuất khẩu lao động ở tận bên Đức. Được hai năm, trở về, chỉ có lưng mà không vốn. Phờ phạc, chơi bời một thời gian đẫy, anh lại đi tiếp. Lần này thì không quay về nữa. Nghe đồn anh sống lưu vong và tham gia vào một băng cướp rồi bị giết chết trong lần chia chác không sòng phẳng.
Dẫu biết cuộc đời là biển cả, đâu thể tránh phong ba! nhưng cha tôi không sao lý giải, nghiệt ngã cứ ấp vào mình nhiều vậy?! ông cô độc chẳng thể giãi lòng cùng ai và lạ lùng, không ai thấy cha tôi rơi một giọt nước mắt khi hay tin anh Đớt chết.
Người tò mò, cố nhòm vào trong nhà xem cha tôi ra sao. Tuyệt nhiên, không nhìn thấy bóng ông đâu. Mãi tối khuya mới bắt gặp vật vờ lúc đi lúc đứng. Chuyện nhà tôi khiến không khí trong làng căng tựa dây đàn. Cha cứ vục mặt vào cái chậu đồng ngày xưa nhúng bánh đúc. Lâu lắm ông mới ngẩng lên úa úa thất thần. Tiếng kêu dáo hoảnh, ai oán như tiếng vạc đêm. Cha đã cạn nước mắt khóc anh Đớt hay nước mắt  cha vẫn âm thầm chảy khô lòng chiếc chậu đồng?
Trạng thái này diễn ra suốt cả tháng làm thân hình cha tiều tuỵ như cây ngô ngoài đồng hết bắp. Sáng, tối cứ thấy ông dật dờ mơ mơ, tỉnh tỉnh. Không còn khái niệm gì về thời gian...
  ....đêm lãng ngãng.
 Bóng một người ngồi trên mỏm Rùi ...
 ... nước réo ì oạp. Phiến đá lúc lúc lại hiện lên tựa mình con trâu trắng.
 “Bà ơi...”
 Bóng đen gọi nhiều lần
 Sương mù bỗng chùm kín mỏm Rùi.
 Suất hiện cái bóng nữa, áo lụa phất phơ.
 Bóng đen thoắt vươn người.
 Bóng trắng như chạy trốn, tan vội vào thinh không.
 Trăng leo lẻo tròn vanh. Những mảnh sương như sợi bông bò trên làn nước rờn rợt rồi vội vã bốc lên từng cột, gặp ánh trăng lung linh bỗng sáng rỡ. Khung cảnh mơ màng, kỳ ảo như trong cõi mộng...
 Cái bóng trên mỏm Rùi là một người đàn ông.
 “Bà mất, con mất rồi. Tôi buồn quá”
Tiếng vọng từ xa lắm...
 “Cõi người là cõi trả. Ông đừng lấy đó làm đau khổ, phiền luỵ...”
 “Ngày xưa...”
 “ Đừng nhắc chuyện ngày xưa...”
  Cái bóng trắng lại nói tiếp:
 “ Dù ngày xưa... ”
 “ Nếu bà ”
 “ Nếu được làm kiếp người tôi vẫn cứ thương...”
 “ Bà thật rộng lượng ”
 “Tôi cũng chẳng rộng lượng như ông nghĩ đâu, kiếp đàn bà”
 “Kiếp đàn bà khổ lắm, tôi biết mà”
 “Khổ vì chịu nhiều oan khiên ”
 “Bởi sao nhỉ”
 “Bởi đa đoan”
 “Bà có trách giận tôi không”
 “Không, tôi tha thứ cho ông rồi”
 “Bà tha thứ cho tôi, nhưng tôi không tha thứ cho tôi, và...”
 “Và cả con nữa. Nó cũng tha thứ cho ông. Người đời nữa...”
 “Đúng vậy không bà?”
 “Đúng...”
 “Tôi muốn theo bà”
  “Ông đừng nghĩ quẩn. Nếu biết trước mọi điều thế...”
 “Tôi... thương  bà hơn”
 “Vởy... quá đủ rồi”
  Cái bóng trắng chập chờn hiện ra rồi lại tan vào thinh không.
  Người đàn ông hoảng hốt. Cố vươn người  gọi: “Mình ơi... mình...”
Cha tôi choàng tỉnh, thấy mình đang tựa người vào gốc cây vối già trong vườn. Đêm tối kịt, chốc chốc nhoàng ánh chớp. Hai bả vai mỏi  nhừ. Cha chống tay nần vào sân, trong đầu rỗng rễnh mơ màng tiếng con cưỡng nhà ai khản khắc xé canh.
-  Ông phải dậy. Vẫn phải sống. Cõi tạm là nơi người ta trả… nam mô ai di đà phật.
Sư thầy Huyền Thông hay tin cha tôi suy sụp, không đặng, liền về  chùa Kinh Uyên ở cả tháng trời. Ngày, sư thầy kinh kệ, tối lại vào trong nhà thủ dụ, cố gỡ khổ đau đang đóng băng trong con người cha. Không biết Sư thầy khai đạo ra sao mà sau khi sư thầy về Cẩm La thì cha tôi nhóc nhách xin làng cho ra chùa làm công việc quét dọn và nhang khói.
 - Chiếc chậu đồng không cần làng đòi, ông Hoán tự giác mang ra chùa đựng nước lau rửa hoa quả. Dân làng cũng không ai còn nhắc chuyện riêng nhà anh trong các buổi cỗ bàn nữa.
Câu chuyện nhà tôi, ông Dưỡng kể cho tôi nghe mấy năm mới hết. Mà lần nào cũng ở tại sân chùa làng. Từ buổi đầu tiên tôi về làng, ông Dưỡng còn rất khoẻ. Bước chân vẫn nhanh nhẹn lắm. Bây giờ trông ông cọm rọm nhiều. Tóc trên đầu đã phơ phơ bạc.
 
 
Thời gian như cối giã thoi đưa. Ngọn gió mở cửa cuối cùng cũng lay động cái làng cò trắng Kinh Uyên. Nhà nhà làm ăn khấm khá từ viên gạch, ao cá, vườn cà chua. Có người giầu lên từ việc cho con cái đi xuất khẩu lao động ở Ma-lai hay Hàn-Quốc. Nhà xây mọc như lấm. Mà kỳ lạ, nhà cửa trong làng xây dựng buồn cười. Người người thi nhau làm nhà ống, nhà mái trần... những mô típ xưa cũ trên thành phố đã thải ra, giờ người làng tranh nhau áp dụng mới buốt ruột.
Con nhà Thới là thằng Vuông trên phố là đứa ra ngoài khá nhất. Nó có hai cái nhà ba tầng cho Tây thuê; Có trang trại rộng mấy chục héc-ta  trồng Cà phê tận trong Tây Nguyên. Người ăn kẻ ở có đến mấy. Người chuyên đi chợ thổi cơm; Người quét dọn, lau nhà... nó còn thuê về một cô bé sinh viên làm mỗi công việc chuyên đọc truyện cổ tích để ru thằng con nó ngủ vào buổi trưa.  Về quê, thằng Vuông đánh tiếng xin hiến chùa làng một pho tượng Quan âm đúc bằng đá cẩm thạch. Làng họp, một nửa số người đồng ý, còn một nửa lại không đồng ý. Nguyên nhân sâu xa là vì trên kia, thằng Vuông làm nghề buôn bán động vật rừng. Cái ngữ bắt tất thứ để giành của núi rừng, rồi lớn bùi, bé mềm dâng cả vào nhà hàng đặc sản biến thành các món ẩm thực... là tổn đức. Của lả thằng Vuông có được rứt khoát nguồn gốc từ điều ác ấy rồi... Bàn đi tính lại chán, cuối cùng dân làng nhất trí sẽ cử người sang Cẩm La xin ý kiến sư thầy Huyền Thông. Kỳ lạ. Sư thầy Huyền Thông đồng ý ngay, không hề cân nhắc. Tưởng đến đó thì thông đồng bén rọt... tâm trạng dân làng càng nặng chĩu hơn. Trong khi đấy thằng Vuông cứ dồn dập báo tin là ở trên ấy nó đã đặt tiền đúc tượng... cuối cùng dân làng đành phải bằng lòng.
Lúc hô thần nhập tượng, già trẻ phải ra làm lễ đến ba ngày liền. Khi mọi thủ tục xong xuôi, thằng Vuông bèn sai mở cốp xe khiêng xuống một pho tượng Quan âm nữa, giống y hệt pho  tượng nó vừa hiến chùa, nhưng nhỏ gấp ba lần. Thằng Vuông nói với sư thầy Huyền Thông: “Thầy nhập ngài vào bức này để con mang lên điện nhà thờ”.
Sư thầy Huyền Thông giật thót người. ánh mắt hoảng loạn không gì tả xiết. Thầy rùng mình một cái như tách hồn khỏi xác rồi cúi gập đầu. Cảm giác, thầy đang tích tụ đạo pháp để biến mình khỏi dương gian!
Sân chùa ong nắng,  không khí quánh lại.
Dân làng đều đã quá mệt mỏi mà vẫn cố nín thở hướng tâm trí vào sự phán quyết của sư thầy Huyền Thông.
Lúc này sư thầy Huyền Thông mới chậm rãi san ánh nhìn sang khuôn mặt những thịt là thịt của thằng Vuông rồi buông một câu sắc gọn:
-  Cái tâm của tín chủ đang động rồi. Thiện tai, thiện tai...
 Sư Thầy thỉnh hồi chuông, dập đầu ba lần trước bức tượng quan âm lớn, rồi khoan thai quén vạt áo tràng, lùi vào tịnh thất.
Thằng Vuông khóc ré lên như cha chết. Nó hướng mặt về tam bảo, dập đầu tựa tế sao.
“Báng bổ...”.
 Mọi người chẳng ai nói với ai, nhất loạt đứng dậy ra về.
 Cha tôi vẫn ngồi im ở góc vườn chùa chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc. Trên trán ông quần quã những nếp nhăn. Nếp nào ứng với sự ăn năn hối lỗi thời tráng niên? Nếp nào ân hận thương vợ? giận trách anh Đớt không tu, không chịu thành người?... Nếp nào mung lung những ngày ít ỏi phận mình còn lại? còn nếp nào mới.
Sau ngày nhập tượng, cha tôi kê một chiếc ghế trước cửa chùa và đặt chiếc chậu đồng trong có nước giếng  thơm mùi hoa sen, hoa dành dành. Ai vào thắp hương khấn vái, cha cũng ân cần múc nước thơm dội vào tay bằng chiếc gáo nhỏ. Cảm giác nước trong chiếc chậu đồng lúc này như là một thứ nước tẩy trần. Đầu tiên dân làng người hưởng ứng săm sắm thực hiện và còn vận động người khác cùng làm. Cá biệt có người không hưởng ứng, cho đó là việc nhàm. “Thân xác người ta là phần đất, nước, gió, lửa hội tụ. Cái tâm bên trong là quan trọng. Tĩnh động đều từ nơi ấy. Việc làm là khai sáng, hướng định của cái tâm. Việc làm cốt ở lòng người. Dùng tí nước rửa bàn tay thì đã sao? Cứ cho là từng gáo nước, từng chậu nước ông Hoán lấy bởi bước chân khổ sở dưới giếng chùa lên, giúp ông ấy thanh thản vợi buồn khổ, để qua cái khắc bĩ cực trong cuộc đời này thì đã sao?... sao ta không đặng... Mưa nắng còn là sự trả vay... tội lỗi, tội lỗi”. Dân làng lè lưỡi. Sư thầy Huyền Thông mới là người thấu tỏ việc làm của cha tôi và là người đủ đạo lực khai tâm điểm đạo dân làng. Việc rửa đôi bàn tay trước khi vào thắp hương từ đó thành lệ.  Nhất là con cháu đi xa lập nghiệp trở về hay người nơi khác đến vãn cảnh chùa  đều phải làm việc này như là một lề luật.
 Năm ấy. Sau đám giỗ mẹ tôi, cha tôi bị dính cảm. Cơn gió độc vào cái tháng chạp rét mướt khiến ông kiệt sức mà cấm khẩu. Hôm đó lại đúng vào ngày mùng một. Dân làng vực ông đi bệnh viện. Người thân chẳng còn ai. Làng phải cắt cử nhau xuống trông nom cha tôi.  Một tháng rưỡi sau cha mới bình phục.
 Khi bước chân ra chùa.
 Cha nhìn quay quắt một lượt.
 Sân chùa vẫn rợp bóng cây muỗm già.
 Giếng chùa lặng nước váng ánh chiều tà.
 Đột nhiên, cha tôi rú lên rồi ngồi bệt xuống nền đất nham nhở: Chiếc chậu đồng, thứ của chùa thân thuộc gắn bó với cha mấy chục năm không thấy đâu cả. Thay vào chỗ đặt chiếc ghế đẩu cũ kỹ giờ là một cái kệ sơn son thiếp vàng rực rỡ, trên toạ uy nghi chiếc chậu đồng to gấp ba lần chiếc cũ. Anh ánh, choe choé, ngạo nghễ sáng cả góc sân chùa. Xung quanh chậu chạm nổi hình núi non, sông nước. Những bụi chúc quân tử la đà. Cậu bé mục đồng gánh củi hẩy mặt cười mãn nguyện. Và điều quan trọng là chính bên hông chậu có nhiều hình quả trám chạm lổi lối nhau. Trên mỗi hình có hai hàng chữ, rõ mồn một: Nguyễn Đức Vuông - Tín chủ, kính hiến. Các quả trám gắn thành vòng ở chỗ phình to nhất. Trông xa như một thứ hoa văn. Cha nhìn thôi miên chiếc chậu đẹp. Giận dữ giăng kín khuôn mặt vặn vọ những vết nhăn. Sự xúc phạm; lăng mạ; lỗi trống rỗng của người bị mất cắp; sự khinh bỉ; chà đạp; chơ chẽn... tất cả diễn tiến đồng thời, dồn dập trong trí não và hiển hiện mồn một lên ánh mắt. Cha tôi chậm rãi bước đến chiếc chậu đồng mới, giơ tay nhấc nó ra khỏi cái kệ sơn son. Dịch cái kệ qua một bên, rồi  ông ra góc vườn chùa bê chiếc ghế đẩu đang chỏng trơ, cô đơn, đặt ngay ngắn đúng vào chỗ mọi khi.
Tất cả việc làm của  cha tôi chỉ có đàn chim sáo sậu đậu trên cây muồm muỗm chứng kiến.
Đàn chim sáo sậu không biết được con chó Vá cũng đang núp ở cánh cổng chùa nín thở quan sát.
Còn con chó Vá lại không hay có ông Thới, bố đẻ ra thằng Vuông đang nép người sát bờ tường bao quanh chùa theo dõi từng động tác, cả sự biến đổi đến dị biệt sắc mặt của  ông bõ giữ chùa.
Đoạn kết:
 “Lão điên kia. Nếu lão còn đấm cổng nhà tôi thêm nữa, tôi sẽ gọi Công an gô cổ lão”. “Anh không trả chiếc chậu đồng, tôi sẽ ở đây không về  nữa” . “Cuộc đời lão khốn khổ cùng  chiếc chậu,  mà lão không từ bỏ được nó à”. Từ trên gác hai ngôi nhà bốn tầng. Cậu thanh niên béo núc. Miệng vắt vẻo điếu thuốc, quát vọng xuống. Trước cổng. Ông già gầy guộc. Quần áo nhàu nhĩ mệt mỏi đứng bíu tay vào những thanh sắt ken rầy. Bên cạnh ông là chiếc bao tải đựng vật gì tròn tròn. Dịch xuống vài mét là lòng đường. Người xe, đi lại tấp lập. Phố phường nhộn nhạo không hề chú ý. Mọi ánh mắt lướt qua ông như lướt qua một ông lão ăn mày lang thang.
  Đêm thành phố xuống nhanh. Từng chùm đèn toả ánh sáng vàng vào dòng người thưa dần. Cơn mưa đông ập đến. Những bụm nước từ trên cao quạt xối xả.
 Ông lão vẫn ngồi co ro sát cánh  cổng sắt.
 Cái lạnh thấm dần vào gan ruột ông.
 Kệ.
 Ông vẫn kiên lòng ngóng mắt lên gian phòng tầng hai của ngôi nhà. Sự mệt mỏi, buồn nản cộng với chút sức lực ít ỏi còn lại đã đem chống chọi hết với trận ốm vừa rồi, khiến  ông không trụ được lâu. Ông cứ ngả dần vào những thanh sắt tròn sơn mầu đen, rồi nằm hẳn xuống, cò khoăm như một cái xác. Lũ trẻ bán báo ào qua. Chúng dừng cả lại. Đầu tiên là sự tò mò, vì thấy bên cạnh người đàn ông là một  chiếc bao tải to, và hơn nữa người đàn ông cứ trân trân chịu mưa gió trước cổng ngôi nhà, không hề có ý định tránh né cơn mưa. Khi thấy hơi thở người đàn ông yếu quá rồi chúng nó mới kêu rầm lên và hò nhau khênh ông vào chỗ chờ xem buýt cách đấy mấy bước chân...
 “Cháu nhà ở đâu?”. “Cháu ở trường trẻ mồ côi”. “Tội quá”. Người đàn ông thở dài, cố  giơ tay cầm bàn tay nhỏ nhắn gầy guộc của cậu bé. Ông bõ thấy mình đang ở trong bệnh viện. Bên cạnh là cậu bé độ tuổi mười hai. Tối tối, cậu bé bán báo vẫn đến thăm ông. Mặc dù mới quen nhưng cậu thấy rất mến ông già. Mọi người xung quanh cứ tưởng em là người nhà của ông lão.
Nửa tháng sau, sức khoẻ ông lão vực lại. “Hay cháu theo ta về quê sinh sống”. Cậu bé bần thần. Ai chẳng muốn có một gia đình riêng. “Nhà không có ai, chỉ mỗi ta thôi”. “Nhưng cháu còn phải đi học”. “Về đấy cũng có lớp. Ta sẽ lo cho con”. 
Ngày khỏi bệnh trở về quê, ông Bõ giữ chùa không đòi được chiếc chậu đồng nhưng có thằng bé con về cùng. Bước chân hai người, một già, một trẻ chộn rộn trên con đường trải nhựa phẳng lì.
 Làng xóm chờ sẵn ở sân nhà ông lão. Mọi người nhìn thằng bé với ánh nhìn dò hỏi. Nó lạc loài từ cõi uyên nguyên nào, néo vào cô đơn bõ Hoán để cùng tìm ánh sáng sao? hay cùng bươn bải cố chật vật qua phút rùng mình phận người mỏng mảnh! Cuộc sống của nó bắt đầu trang mới, hay cuộc đời ông bõ đang rẽ sang nhánh khác? Hôm đó hai cha con họ vui lắm. Thức với nhau gần trắng đêm. “Thế chiếc chậu cha mang trả anh Vuông, đâu rồi?”. “Lúc  cha mê man, tưởng lũ bán báo bọn con cất hộ. Sau này bệnh viện nói cha không còn tí đồ đạc nào”. “Cái nhà anh Vuông thật đáng ghét”. Cậu bé thở dài và bình thản đi vào giấc ngủ cha nuôi ...
  Sáng hôm sau  ông bõ lại ra chùa.
  ông thật sửng sốt... như lần trước, từ bệnh viện trở về.
  đàn chim sáo sậu đến mấy chục con về đậu kín tán cây muồm muỗm, im phắc.
 đàn chim...

 Hà Nội, tháng 6 - 2005
       PĐM