Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hình bất thượng đại phu

Nguyễn Chính Viễn (St )
Thứ hai ngày 15 tháng 10 năm 2012 2:41 PM

1- Trần Hy Đồng

Ngày 31-7-1998, khi Trần Hy Đồng- Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản TQ, Bí thư thành uỷ Bác Kinh bị áp giải và xét sử trước toà, phiên toà đã gây một chấn động lớn cho cả đất nước TQ. Kể từ khi bè lũ 4 tên (Giang Thanh,Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hông Văn) bị đập tan và sau khi TQ bước vào quỹ đao mở cửa, chưa có UVBCT nào bị xét sử trước pháp luật vì tội tham nhũng. ( vì quan niệm truyền thống của Trung Quốc là : “hình bất thượng đại phu” ( Pháp luật không động đến những người có địa vị). Trần Hy Đồng là người đầu tiên.Đầu tháng 6- 2012, cựu Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng, 82 tuổi, giới thiệu cuốn Trần Hy Đồng tự thuật do Nhà xuất bản Thế Kỷ Mới phát hành, theo mạng tin tức Sina Hong Kong. Nhậm chức Thị trưởng Bắc Kinh năm 1989 rồi Bí thư Thành ủy Bắc Kinh vào năm 1992, ông Trần bị phát giác tham nhũng từ năm 1995. Sau đó, cựu Bí thư Trần mất hết mọi chức vụ trong đảng Cộng sản Trung Quốc và bị kết án 16 năm tù hồi năm 1998. Đến năm 2004, ông Trần được bảo lãnh tại ngoại để chữa bệnh. Cuốn sách Trần Hy Đồng tự thuật là ghi chép thực tế sau 8 lần trao đổi giữa học giả nổi tiếng Trung Quốc Diêu Giám Phục với cựu Bí thư Trần khi ông này được điều trị tại Bắc Kinh từ năm 2010-2012.Theo tờ “The New York Time” ông Trần, thông qua cuốn sách trên, phủ nhận toàn bộ những gì mà ông bị lên án như: đưa tin sai, quá cường điệu về phong trào sinh viên dẫn đến sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Mặc dù thừa nhận nhiều trách nhiệm, nhưng ông vẫn khẳng định mình không phải là tổng chỉ huy việc thiết quân luật trong sự kiện trên. Cựu Bí thư Trần biện minh rằng ông mong muốn tìm kiếm biện pháp ôn hòa nhưng không thành. Tuy nhiên, ông lại không tiết lộ ai là người trực tiếp chỉ huy thiết quân luật.Ngoài ra, ông Trần còn cho rằng ông là nạn nhân, bị ám hại bởi một số đối thủ chính trị nên phải hứng chịu những cáo buộc tham nhũng đầy “vô lý”. Cựu Bí thư Trần cũng nói vụ án của ông là “không công bằng nhất trong tố tụng tư pháp đối với các nhà lãnh đạo cấp cao kể từ thời Cách mạng văn hóa”. Đồng thời, ông tuyên bố: “Các đối thủ chính trị có thể không từ thủ đoạn nào để giành chính quyền”.  Ông Triệu Tử Dương (17/10/1919 - 17/1/2005), người từng giữ chức Thủ tướng (1980-1987) và Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc (1987-1989) cũng có một kết thúc đáng buồn. Với thành tích tiến hành nhiều biện pháp cải cách, góp phần lớn vào việc tăng trưởng sản xuất và hạn chế tình trạng tham nhũng, ông Triệu từng được đề cử làm lãnh đạo thay thế ông Đặng Tiểu Bình. Thế nhưng, cựu Tổng bí thư Triệu bị mất chức và rời khỏi Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc vì phản đối thiết quân luật trong sự kiện Thiên An Môn. Ông sống 15 năm cuối đời trong hoàn cảnh bị quản thúc tại gia. Trong suốt thời gian này, ông phải thực hiện các quy định nghiêm ngặt gồm: chỉ được tiếp khách tại nhà nhưng không được gặp phóng viên và khách nước ngoài; tham gia những hoạt động khác bên ngoài phải có cảnh sát đi theo, được phép tản bộ ở công viên nhưng có thể bị ngăn cản nếu đến những nơi đông người; không được đến sân golf vì những nơi này hầu hết có vốn đầu tư từ nước ngoài; nếu đi ngoại tỉnh, không được lui tới những khu vực duyên hải hoặc khu vực nhạy cảm; phải làm báo cáo kế hoạch để trung ương phê chuẩn.Ông Triệu từng nhiều lần viết thư cho cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân yêu cầu gỡ bỏ lệnh quản thúc trên. Trong một lá thư, ông Triệu viết: “Từ tháng 6/1986 tôi bị quản thúc. Điều này có hại nghiêm trọng tới sức khỏe một người gần 80 tuổi như tôi. Tôi hy vọng lệnh quản thúc này sớm bị gỡ bỏ để sự tự do của mình được khôi phục”. Thế nhưng, chẳng những lệnh quản thúc không được gỡ bỏ mà trong khoảng thời gian từ tháng 10/1997 - 12/1999 nó còn thắt chặt hơn, như: cấm tiếp khách, cấm đi ra ngoài. Đến ngày 17/1/2005, báo đài Trung Quốc đăng tải một tin vắn tắt về việc cựu Tổng bí thư Triệu Tử Dương qua đời mà không đề cập gì về chức vụ ông từng đảm nhiệm. Đám tang của ông diễn ra trong lặng lẽ và trở thành đề tại được báo chí quốc tế bàn luận sôi nổi. Chiều 4/5/1995, Phó thị trưởng Bắc Kinh khi ấy là ông Vương Bảo Sâm, cộng sự thân tín nhất của cựu Bí thư Trần Hy Đồng, tự sát trên núi bằng cách bắn vào đầu. Ông Trần cũng chính là người cuối cùng trò chuyện với ông Vương. Một số thông tin cho rằng cựu Phó thị trưởng Vương tự sát vì hoảng sợ khi bị điều tra về tham nhũng. Sau khi ông Vương chết, dư luận Trung Quốc rộ lên thông tin về việc ông Trần nhận các khoản hối lộ khổng lồ.

2-Trần Lương Vũ

Bí thư Thành uỷ Thượng Hải  bị cách chức từng được coi là người có công lớn trong sự phát triển của thành phố này. Bộ Chính trị thuộc Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp thảo luận về bản báo cáo điều tra sơ bộ về các vấn đề liên quan của ông Trần Lương Vũ .Như vậy là, kể từ ủy viên Bộ Chính trị Trần Hi Đồng, bí thư Thành ủy Bắc Kinh, phải vào tù vì tham nhũng năm 1995, Trần Lương Vũ là quan chức cao cấp nhất bị cách chức.Trước đây, nhắc tới Bí Thư Thành uỷ Thượng Hải Trần Lương Vũ, nhiều người đã coi ông như một người hùng, một vị lãnh đạo có công lớn trong sự phát triển của thành phố sôi động bậc nhất Trung Quốc.Trần Lương Vũ là người dân tộc Hán, sinh năm 1946 ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Ông trở thành đảng viên đảng Cộng sản TQ (CPC) tháng 4/1980, tốt nghiệp khoa Kiến trúc tại Học viện Kỹ sư Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).1963-1968: sinh viên khoa Kiến trúc, Học viện Kỹ sư Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).1968-1970: Phục vụ tại đơn vị số 6716 PLA. 1970-1983: Thiết kế, phó phụ trách cơ sở hạ tầng ở Nhà máy Bành Phố, Thượng Hải (Học Kỹ sư xây dựng tại Đại học Đồng Tế từ tháng 2/1979-1/1980).1983-1984: Phó giám đốc nhà máy Bành Phố, phó bí thư Hội đồng luyện kim và hoá chất Thượng Hải.1984-1985: Bí thư Hội đồng Thiết bị điện Thượng Hải 1985-1987: Phó giám đốc, Giám đốc phụ trách an sinh của Thành uỷ Thượng Hải.1987-1992: phó Bí thư lãnh đạo Hoàng Phố, Thượng Hải (Học tại trường Đại học Birmingham, Anh từ giữa tháng 1/1992 - 9/1992).1992-1996: phó Bí thư Thành uỷ Thượng Hải 1996-2001: phó Bí Thư Thành uỷ Thượng Hải, phó Thị trưởng Thượng Hải 2001-2002: phó Bí thư Thành uỷ Thượng Hải, quyền Thị trưởng Thượng Hải 2002: Bí thư Thành uỷ Thượng Hải. Uỷ viên dự khuyết Uỷ ban Trung ương Đảng khoá 15, Uỷ viên Trung ương Đảng khoá 16, uỷ viên Bộ Chính trị Uỷ ban Trung ương Đảng khoá 16.Trần Lương Vũ là người có công rất lớn trong việc biến Thượng Hải thành trung tâm tài chính, cạnh tranh được với trung tâm tại Hong Kong. Khu vực Phố Đông của Thượng Hải được coi là Phố Wall của Trung Quốc.Tại cuộc gặp thường niên Ngân hàng phát triển châu Á lần thứ 35 năm 2002, Trần Lương Vũ đã nêu bật lên những thành tựu chính mà Thượng Hải đạt được như mạng lưới giao thông ba chiều gồm đường sắt nền cao, đường ngầm và đường cao tốc đều rất phát triển. Mặc dù số lượng xe cộ đã tăng 3,5 lần nhưng tốc độ trung bình trong thành phố cũng tăng từ 10km/h lên đến 25 km/h. Phố Đông và Phố Tây đã liên kết với nhau qua bốn cây cầu bắc ngang sông Hoàng Phố. Diện tích nhà ở của người dân tăng trung bình từ 6,6 mét vuông/người năm 1990 lên tới 12,1 mét vuông/người năm 2001...Và không ít chuyên gia tài chính quốc tế đã nhận xét, Thượng Hải đang trở thành trung tâm tài chính toàn cầu. Tính đến cuối năm ngoái, các giao dịch tài chính của Thượng Hải đã tăng lên 35 nghìn tỷ NDT (4,38 nghìn tỷ USD), trong đó doanh thu từ chứng khoán chiếm 5 nghìn tỷ NDT (625 tỷ USD), tương đương 79% doanh thu của cả nước .Trần Lương Vũ từng kêu gọi, thúc giục người dân Thượng Hải phải tự mình phát triển trong tiến trình hội nhập, thực hiện tốt vai trò mà quốc gia Trung Quốc giao phó là "đầu tàu và bốn trung tâm".Về quan hệ giữa Thượng Hải và Hong Kong trong thế kỷ mới, Trần Lương Vũ đưa ra sự so sánh rất sinh động: Thượng Hải và Hồng Kông như hai nghệ sĩ trong một dàn nhạc giao hưởng, phải có sự cạnh tranh trong bối cảnh chung của kinh tế thị trường, nhưng quan trọng hơn là hợp tác và học tập lẫn nhau, góp tiếng nhạc hay cho bản giao hưởng hoành tráng của người dân Trung Quốc.Có lẽ vì thế, mặc dù Hong Kong vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Thượng Hải (chiếm 30% tổng vốn đầu tư bên ngoài vào Thượng Hải) nhưng sự tăng trưởng nhanh chóng của Thượng Hải đã khiến nhiều người phải lên tiếng cảnh báo về sự cạnh tranh mà thành phố này tạo ra với đặc khu hành chính Hong Kong .Trần Lương Vũ đã đưa ra chính sách hợp tác với Đài Loan trong phát triển, trao đổi kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật. Ông nhận định, Thượng Hải có nhiều ưu điểm nhưng chi phí cao trong giao dịch thương mại, giá lao động, giá đất đã tạo ra những bất lợi cho môi trường đầu tư của thành phố. Vì thế, Thượng Hải cần tận dụng lợi thế, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nguồn vốn từ Đài Loan.Trong ba năm nắm quyền, ông Trần đã giúp Thượng Hải tăng trưởng 60% bên cạnh việc thuyết phục được các công ty lớn như General Motors, Honeywell International chuyển trụ sở từ Singapore sang Thượng Hải.Câu nói điển hình của vị Bí thư Thành uỷ Thượng Hải - cũng là mục tiêu của Thượng Hải được nhiều người biết tới là: "Phấn đấu xây dựng thành phố Thượng Hải trở thành một trung tâm kinh tế quốc tế hiện đại vào năm 2020".Hơn 100 điều tra viên đã được cử về Thượng Hải điều tra vụ án tham nhũng quỹ an sinh xã hội. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc gọi đây là vụ bê bối tài chính lớn nhất Thượng Hải trong nhiều năm qua khi quỹ an sinh xã hội bị biển thủ 1/3 trong tổng số 1,2 tỉ USD.Kể từ khi vụ bê bối bị khám phá vào tháng 7, Giám đốc Phòng Lao động và An sinh xã hội Thượng Hải, Chu Tuấn Dật, 55 tuổi, đã bị cách chức với tội là "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" trong quản lý sử dụng quỹ trợ cấp của chính phủ. Đây là vị quan chức Thượng Hải đầu tiên bị bãi nhiệm ở tư cách đại biểu quốc hội. Chu Tuấn Dật hiện còn đang bị điều tra vì tình nghi nhận hối lộ và vi phạm quy tắc tài chính quốc gia. Tại cuộc họp Hội đồng nhân dân thành phố Thượng Hải lần thứ 12 ngày 11/8, Chu cũng bị buộc thôi giữ chức vụ hiện tại.Quận trưởng quận Bảo Sơn là Tần Dư cũng bị sa thải vì liên quan tới vụ việc này. Tần là thư ký đắc lực của Trần Lương Vũ năm 2002.Kết quả điều tra ban đầu của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy, từ năm 1998, ông Trần Lương Vũ và phe cánh đã sử dụng sai mục đích và tham ô khoảng 16 tỉ nhân dân tệ trong quĩ an sinh. Đồng thời ông Trần còn mắc các sai phạm như “giúp đỡ các doanh nghiệp phi pháp, bao che cho cấp dưới sai phạm, lợi dụng chức vụ để giúp đỡ các thành viên trong gia đình mình”.Theo Tân Hoa xã, vụ việc điều tra hành vi vi phạm của Trần Lương Vũ và những người có liên quan là "thể hiện quyết tâm của CPC trong việc xây dựng Đảng trong sạch và đấu tranh chống tham nhũng". "Dù là ai, dù ở vị trí nào, tất cả mọi người vi phạm quy tắc của đảng, luật pháp quốc gia đều sẽ bị điều tra và trừng phạt", Ủy ban Trung ương CPC trong một thông cáo báo chí nhấn mạnh như vậy. “Trước lúc Tần Dư bị cách chức, Trần Lương Vũ đã chủ trì một cuộc họp ở Thượng Hải ngày 15/8 và nhấn mạnh "tính kỷ luật của Đảng", với nỗ lực "tạo dựng khoảng cách" cho bản thân khỏi vụ bê bối và cứu vãn sự nghiệp của mình. Trần cảnh báo các quan chức thành phố không nên lạm dụng chức vụ để tham nhũng Trong thời điểm vụ án Trần Hy Đồng được đưa ra xét xử, dường như ông Trần Lương Vũ với tư cách là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thượng Hải không quan tâm nhiều đến những lời cảnh báo của cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc.Thực tế sau này cho thấy, lúc đó Trần Lương Vũ đã“nhúng chàm”. Cuối cùng, ngay 11-4-2008, tức 10 năm sau, người đồng cấp với ông Trần Hy Đồng là Trần Lương Vũ bị kết án 18 năm tù vì tội danh nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền, trở thành Uỷ viên BCT thứ 2 của Đảng cộng sản Trung Quốc bị xét sử về tội tham nhũng.

3- Bạc Hy Lai

Với những đóng góp to lớn đối với Đại Liên, Bạc Hy Lai từng được ca ngợi là “người hùng” của thành phố, là tấm gương chính trị gia điển hình có tầm nhìn và năng lực lãnh đạo ở Trung Quốc.Bạc Hy Lai giữ chức thị trưởng Thành phố Đại Liên – một thành phố cấp II thuộc tỉnh Liêu Ninh vào năm 1993. Khi ấy, Đại Liên chỉ là một thành phố cảng nặng về phát triển công nghiệp với những vết tích từ thời cải cách kinh tế và chính sách mở cửa quá vội vã, thiếu quy hoạch ở Trung Quốc còn hằn sâu trên mỗi nẻo đường…Vấn đề công nợ của doanh nghiệp nhà nước; lao động dư thừa do chuyển đổi công nghệ sản xuất từ thủ công sang tự động cùng với bao gánh nặng xã hội (giáo dục, y tế,…) khiến thành phố thực sự kiệt quệ.Thu nhập kinh tế trong bối cảnh khó khăn ấy thật chẳng khác nào “tiền vào nhà khó, gió vào nhà trống” khiến người dân phải thường xuyên đối mặt với cái đói, cái rét, sự ô nhiễm và nghèo nàn lạc hậu quanh năm suốt tháng.Hình ảnh về Đại Liên không có gì khác là những khu nhà tệ hơn ổ chuột, những hẻm phố lầy lội, gập ghềnh, một môi trường sống ẩm thấp, tối tăm, nặng nề và bẩn thỉu.Trước thách thức lớn lao ở vị trí người lãnh đạo mới, chính trị gia họ Bạc đã quyết tâm thực hiện một chiến dịch làm “đẹp hóa Đại Liên” nhằm thay đổi hình ảnh thành phố trẻ và mang lại cuộc sống lý tưởng cho người dân.Nói là làm, ông Bạc lập tức cho phá hủy các nhà máy cũ; thực hiện phong trào trồng cây phủ xanh mọi khu đất trống, mọi con đường; cho xây dựng nhiều công viên, quảng trường, (trong đó có quảng trường Tinh Hải rộng 166 ha đã được công nhận là đẹp và quy mô bậc nhất ở Châu Á).Một tài liệu của chính quyền Đại Liên thống kê, trong 8 năm Bạc Hy Lai làm Thị trưởng, hơn 80% các quảng trường công cộng được xây dựng trong thành phố và tỉ lệ phủ xanh đạt mức 40%.Ông Bạc còn thực hiện tăng cường các biện pháp kiểm soát khâu xử lý rác thải ở các nhà máy, xí nghiệp trong chiến dịch làm trong sạch hơn 40 dòng sông bị ô nhiễm nặng thuộc địa bàn thành phố. Trong khi công nghiệp nặng về cơ khí, gang, thép, hóa chất là công nghiệp truyền thống cũng được sàng lọc và đưa ra vùng xa vùng nội thành để dành quỹ đất cho công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp hơn với xu hướng mới.Về mặt dân sinh, nhằm tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp, Thị trưởng Bạc Hy Lai cũng đã chỉ đạo cho xây dựng nhiều khu nhà cho thuê giá rẻ đáp ứng nhu cầu của khoảng 450.000 người.Không những thế, chuyện Đại Liên với danh xưng ‘Quạ hóa thành Công’ còn được biết đến với hình ảnh một thành phố du lịch - dịch vụ - thương mại hiện đại, giao thông thuận tiện, có nhiều di tích lâu năm thường xuyên được tôn tạo, cảnh quan hấp dẫn và rất thanh bình.Nhờ sự chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện ấy, thành phố Đại Liên đã vinh dự được Liên Hiệp quốc khen thưởng vì có thành tích cao trong việc cải thiện điều kiện sống của người dân.Bạc Hy Lai trở thành ‘người hùng’ của thành phố Đại Liên, một kiểu mẫu chính trị gia điển hình có tầm nhìn và năng lực lãnh đạo.Ngoài những đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội ở Đại Liên, thị trưởng họ Bạc còn góp phần mang lại những nét văn hóa độc đáo cho thành phố cảng bằng nhiều ý tưởng vô cùng mới mẻ.Ví như việc lần đầu tiên thành lập một đội nữ cảnh sát trẻ trung, xinh đẹp cưỡi ngựa làm nhiệm vụ tuần tra quanh khu vực Quảng trường Nhân dân. Hay việc tổ chức một buổi biểu diễn thời trang thường niên thu hút nhiều người nổi tiếng trong đó có cựu Phó Thủ tướng Nhật Bản Ryutaro Hashimoto và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.Mô hình thành phố Đại Liên dưới thời Bạc Hy Lai thu hút sự chú ý của nhiều lãnh đạo Trung Quốc và không ít người đã áp dụng các chính sách của ông Bạc với mong muốn xây dựng một thành phố phát triển nhanh chóng như Đại Liên.Đến tận bây giờ, sau khi Bạc Hy Lai đã rời Đại Liên tới Trùng Khánh làm Bí thư tỉnh ủy một thời gian, các quan chức thành phố cũ vẫn còn nhớ hình ảnh thị trưởng họ Bạc đã tự hào như thế nào trong các cuộc họp khi lớn tiếng khẳng định rằng: “Thành phố Đại Liên là một bộ trang sức quý giá mà mỗi món đồ trong đó đều được tôi tận tay đánh bóng và nâng niu một cách cẩn thận.”Ở mỗi cương vị khác nhau, dù là Thị trưởng Đại Liên hay Bí thư Trùng Khánh, Bạc Hy Lai vẫn luôn cố gắng xây dựng cho mình một hình ảnh lãnh đạo mẫu mực, một chính trị gia sắc sảo, khôn ngoan.
Trong bối cảnh Bắc Kinh đang chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 18, đánh dấu mốc chuyển giao quyền lực quan trọng vào mùa thu năm nay, vụ việc Bạc Hy Lai được xem là một bài học nghiêm túc cần rút kinh nghiệm đối với thế hệ lãnh đạo hiện tại và tương lai của Trung Quốc.
Từ sau khi bị cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân tố cáo với nhiều tội danh như tham nhũng, làm ăn phi pháp, giết người diệt khẩu… vào hồi cuối tháng 2/2012, hiện ông Bạc và vợ (bà Cốc Khai Lai) đang bị giam giữ để thẩm tra.Sự việc còn chưa rõ kết quả cuối cùng nhưng Bạc Hy Lai cũng đã phải trả cái giá không ‘rẻ’ khi bị tước mọi chức vụ và để vuột mấy giấc mộng làm ‘Vua’ khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp.Ngày 28-9, Tân Hoa xã ra thông báo: Hội nghị Bộ Chính trị Đảng CS Trung Quốc đã quyết định khai trừ đảng, bãi bỏ mọi chức vụ công của Bạc Hy Lai - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành uỷ Trùng Khánh - về những tội lỗi đã phạm phải trong thời gian giữ các chức vụ lãnh đạo ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Bộ Thương mại và TP Trùng Khánh. Tội lỗi chủ yếu của Bạc Hy Lai được báo chí Trung Quốc khái quát là “lạm dụng chức quyền, tham nhũng hủ bại, sinh hoạt tha hoá, dùng người sai trái”. Bạc Hy Lai bị khai trừ đảng, bãi chức, báo chí trong nướcvà Hoa ngữ hải ngoại đã có nhiều bài viết phân tích, làm rõ thêm vấn đề của Bạc Hy Lai .Quê gốc ở Sơn Tây, nhưng Bạc Hy Lai sinh ở Bắc Kinh (3-7-1949), trong Cách mạng Văn hóa tham gia Hồng vệ binh, năm 1972 đi làm công nhân cơ khí; tháng 2 năm 1978 vào học tại chức đến năm 1979 thì tốt nghiệp khoa Sử, đại học Bắc Kinh, vào đảng năm 1980; năm 1982 đỗ bằng Thạc sĩ ở Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, sau đó vào Phòng nghiên cứu Ban Bí thư TW rồi trở thành cán bộ thuộc Văn phòng TW Đảng. Là con trai của Bạc Nhất Ba, một bậc nguyên lão, Ủy viên BCT, hai lần làm Phó Thủ tướng nên Bạc Hy Lai thăng tiến như diều gặp gió. Từ năm 1984, Bạc Hy Lai được đưa về cơ sở để rèn luyện, phát triển. Ông lần lượt được giao giữ các chức Phó bí thư rồi Bí thư huyện ủy huyện Kim (Liêu Ninh), Bí thư khu ủy Kim Châu (Đại Liên), Phó thị trưởng, Phó Bí thư, rồi Thị trưởng Đại Liên (từ 1992- 1999), UVTV tỉnh ủy Liêu Ninh, Bí thư thành ủy Đại Liên rồi Tỉnh trưởng Liêu Ninh (2-2001); năm 2004 sau khi một loạt các vụ việc tham nhũng bị phát hiện ở Liêu Ninh, Bạc Hy Lai được điều trở lại Bắc Kinh làm Bộ trưởng Thương Mại.Tháng 10-2007, Bạc Hy Lai được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị khóa 17, đến 30-11 cùng năm, được điều về làm Bí thư thành ủy Trùng Khánh – một đơn vị hành chính cấp tỉnh được tách từ tỉnh Tứ Xuyên. Từ đây, Bạc Hy Lai trở nên nổi danh bởi thành công của “Mô hình Trùng Khánh”.Báo chí Trung Quốc một dạo ra sức tuyên truyền cho thành công của “Mô hình Trùng Khánh”. Theo đó, trong thời gian Bạc Hy Lai nắm quyền lãnh đạo, năm 2008, kim ngạch đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Trùng Khánh đã tăng 170%, đạt 2,7 tỷ USD, từ vị trí thứ 6/12 tỉnh thành miền Tây, nhảy lên đứng thứ 2; năm 2009 thu hút thêm được 4 tỷ USD, chiếm ngôi vị số 1; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 đạt tới 14,3%. Tháng 7-2008, thành ủy Trùng Khánh đã đưa ra “quyết sách chiến lược xây dựng mô hình Trùng Khánh” gọi là “5 đặc điểm Trùng Khánh: dễ sống, (giao thông) thông suốt, xanh hóa, bình yên, lành mạnh” với những biện pháp cụ thể được lòng dân, được đánh giá cao, như xây dựng thêm 164 quảng trường, 882 công viên, vườn hoa, tỷ lệ diện tích cây xanh thảm cỏ trong thành phố đạt 41,8%, đứng đầu cả nước. Năm 2011, Trùng Khánh được xếp thứ 5 trong danh sách “100 thành phố sống hạnh phúc” của Trung Quốc....Bạc Hy Lai phát động ở Trùng Khánh chiến dịch gọi là “Đả hắc trừ ác” (dẹp xã hội đen, trừ ác cho dân), bắt giam tới 3.000 người trong các vụ án. Ông ta cũng phát động phong trào “Hát nhạc đỏ, đọc kinh điển, kể chuyện cũ, truyền danh ngôn”, lập ra danh mục “27 ca khúc cách mạng phải thuộc” để dạy trong các trường học, cho lập các tấm bảng màu đỏ trích lời Mao Trạch Đông dựng khắp nơi trong thành phố. Những hành động đó đã gây nên tranh cãi lớn trong xã hội Trung Quốc. Những báo chí ủng hộ như trang mạng “Utopia” ca ngợi Bạc Hy Lai là “người đem tư tưởng Mao Trạch Đông trở lại Trùng Khánh”, “lãnh tụ mới”, tung hô “Tinh thần Bạc Hy Lai muôn năm”...Những người phản đối thì phê phán ông “sáo rỗng”, “giáo điều”, “chơi ván cờ chính trị”, “giáo dục ngu dân”, “nọc độc CMVH rơi rớt”...Là con cán bộ lãnh đạo cấp cao, nhưng trong bối cảnh chính trị - xã hội chung của Trung Quốc, gia đình Bạc Hy Lai khá phức tạp.Bố ông, Bạc Nhất Ba (1908-2007) là một cán bộ lão thành, từng được giao nhiều chức vụ quan trọng: Bộ trưởng Tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế quốc gia, Phó thủ tướng, trong cách mạng văn hóa bị đánh đổ, đấu tố, đến khi cải cách mở cửa lại được phục chức Phó thủ tướng, sau khi nghỉ hưu thì giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Cố vấn TW, được coi là một trong số “8 vị nguyên lão”. Bạc Nhất Ba có 2 vợ, bà đầu là Lý Như Minh, sinh 1 con gái là Bạc Hy Oanh; bà thứ 2 tên Hồ Minh, vốn là thư ký của ông, tự sát chết trong CMVH, sinh được 2 con gái, 4 con trai (Bạc Hy Lai là con trai thứ 2).Ông Bạc Hy Lai cũng có 2 vợ, đều là con cán bộ cấp cao. Bà vợ đầu Lý Đan Vũ là con gái ông Lý Tuyết Phong (Bí thư TW, Bí thư thành ủy Bắc Kinh thời kỳ CMVH). Hai người kết hôn năm 1976, ly hôn năm 1984. Bà Lý Đan Vũ là bác sĩ Viện Quân y Bắc Kinh. Hai người có một con trai là Bạc Vọng Tri (sinh 1977, sau đổi theo họ mẹ là Lý Vọng Tri).Bà vợ thứ 2 Cốc Khai Lai là con ông Cốc Cảnh Sinh (1913-2004), Thiếu tướng quân đội. Hai người có 1 con trai là Bạc Qua Qua (sinh 1977, hiện sống ở bang Massachuset (Mỹ).Những anh, chị, em của ông Bạc Hy Lai đều khá thành đạt. Người chị khác mẹ là Bạc Hy Oanh nguyên là Vụ trưởng Vụ châu Phi, Bộ ngoại giao; Chị gái Bạc Khiết Oanh là Tiến sỹ Y khoa sống ở Mỹ; Người anh cả Bạc Hy Vĩnh từng là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Quang Đại lừng danh; em trai Bạc Hy Thành hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Trung Tín; những người em khác cũng đều là giáo sư đại học hoặc làm kinh doanh.Ông Bạc Hy Lai có hai con trai với hai bà vợ. Cùng mang dòng máu của cha, nhưng được những bà mẹ khác nhau nuôi dưỡng, họ có số phận khác nhau một trời một vực.Người con đầu Bạc Vọng Tri do bà Lý Đan Vũ sinh năm 1977, khi lên 7 tuổi thì cha mẹ ly dị do xuất hiện “người thứ 3” là Cốc Khai Lai – em gái của người bác dâu. Bạc Vọng Tri sống với mẹ, chẳng hề được cha ngó ngàng tới, sau đổi sang họ mẹ thành Lý Vọng Tri. Anh được mẹ nuôi nấng học xong Đại học Bắc Kinh, sang Mỹ học tiếp bằng Thạc sĩ truyền thông ở đại học Columbia rồi trở về nước làm cho một quỹ tư nhân.Không biết do lo sợ sau này Lý Vọng Tri được cha ưu ái hay vì lý do gì mà dù Bạc Hy Lai hầu như không ngó ngàng gì đến anh, nhưng Cốc Khai Lai vẫn đe dọa Lý Vọng Tri “hãy tránh xa Bạc gia, nếu không sẽ mất mạng”. Lần cuối cùng Lý Vọng Tri gặp mặt cha là tại tang lễ ông nội. Nhiều người dự đám tang đã rất bất bình khi chứng kiến Cốc Khai Lai đuổi Lý Vọng Tri khỏi hàng ngũ con cháu họ Bạc. Lý Vọng Tri phải lên xe hơi khóc chịu tang ông, nhưng vẫn bị Cốc Khai Lai cho người đuổi khỏi đám tang. Hồi đầu năm 2012, báo chí Hoa ngữ đã đưa tin Lý Vọng Tri bị công an tạm giữ một thời gian vì “dính líu đến một vụ án kinh tế”. Giới thạo tin cho rằng đó là cách để Cốc Khai Lai dằn mặt bà Lý Đan Vũ vì sợ rằng bà sẽ tiết lộ những “thông tin khủng khiếp” làm ảnh hưởng đến sự thăng tiến của Bạc Hy Lai. Trong một lần hiếm hoi tiếp xúc với báo chí, hôm 25-4-2012, Lý Vọng Tri đã nhận trả lời qua điện thoại phóng viên hãng Bloomberg. Anh khẳng định: từ xưa đến nay chưa bao giờ lợi dụng chức vụ, địa vị của cha để mưu lợi cho mình, đã 5 năm nay anh không gặp cha kể từ sau đám tang ông nội, nhưng việc ông Bạc Hy Lai ngã ngựa đã ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của anh. Lý nói: “Sự kiện này đã hủy hoại cuộc sống của tôi. Tôi không thể khống chế suy nghĩ của người khác, nhưng tôi không hề muốn dính dáng đến ông ấy. Tôi không mang họ Bạc, xin hãy nhớ điều đó”. Tuy nhiên, anh mong muốn vụ việc của Bạc Hy Lai được kết luận một cách công bằng.Trong khi đó, người em trai khác mẹ, “công tử Bạc Qua Qua” được đưa sang Anh du học từ khi 11 tuổi ở trường Harold giành cho con cái quý tộc, sau đó vào trường Oxfort danh giá, nhưng do học kém nên bị sa thải, sau nhờ can thiệp của Thống đốc Hongkong Patten, Bạc Qua Qua mới được vào học trường Kennedy thuộc đại học Harvard. Bạc Qua Qua viết bài trên tờ báo của trường Harvard rằng học phí và sinh hoạt phí của mình đều lấy từ học bổng và thu nhập từ nhuận bút và làm luật sư của mẹ. Tuy nhiên báo chí Anh lại khẳng định mọi khoản chi phí đều do tỷ phú Từ Minh bỏ ra. Về sinh hoạt, Bạc Qua Qua nổi tiếng là tay chơi có những mối quan hệ tình ái phức tạp và nhiều lần được lên báo chí Anh, Mỹ bởi các vụ bị cảnh sát tạm giữ hoặc bị phạt vì chạy xe quá tốc độ.Với việc Bạc Hy Lai bị kết tội: “lợi dụng chức quyền để mưu lợi cho người khác, trực tiếp hoặc thông qua người nhà để nhận khoản hối lộ khổng lồ”, giới pháp luật cho rằng “người nhà” ở đây ám chỉ việc Bạc Qua Qua liên quan đến việc phạm tội của cha bởi khi bà Cốc Khai Lai bị xử đã không đề cập đến vấn đề “nhận hối lộ”. Như thế, khả năng Bạc Qua Qua bị yêu cầu dẫn độ về nước và phải đối diện với tội danh nhận hối lộ là rất lớn. Xem ra “Hình bất thượng đại phu” không còn tồn tại.