Thuở nhỏ, mỗi lần ăn cơm, tôi dánh rơi mấy hạt cơm lập tức tôi bị mẹ mắng: “Con ơi! Mày không biết tiếc của à?” Mẹ tôi vừa nhặt những hạt cơm rơi vãi vừa nói: “Bao nhiêu mồ hôi nước mắt đổ ra mới có hạt cơm nuôi sống con người! Hạt cơm, hạt gạo là “ngọc thực”. Ai phung phí là có tội với Trời đó con ạ!” Bài học mà Mẹ giảng cho tôi rất ngắn gọn nhưng hình ảnh và ấn tượng in sâu vào tâm thức tôi suốt đời.
Lớn lên, 18 tuổi đi bộ đội có điều kiện đi qua nhiều vùng của Đất nước, tôi thấm thía mấy từ “Non sông gấm vóc”. Cho đến mấy chục năm gần đây, lần đầu tiên nhìn thấy cả một cánh đồng rộng bị bỏ hoang chính do con người (không phải thiên tai gì hết). Sự kiện bất thường đó khiến không chỉ riêng tôi mà rất đông người xót xa tiếc nuối, nhất là những người nông dân nghèo ít ruộng, cả đời khao khát “tấc đất cắm dùi”! Tự dâng tôi nhớ lời mẹ tôi đã “kết án” tôi đánh rơi mấy hạt cơm là “kẻ có tội với trời”! Nếu mẹ tôi còn sống mà nhìn thấy cánh đồng hoang này, Mẹ tôi sẽ …nhất là, nếu Mẹ đã chứng kiến nhiều cảnh đấu tố, hành quyết để “người cày có ruộng”!Tôi nhớ lại ở mặt trận Đ.B.P. hình ảnh một đồng đội, vốn là con nhà cố nông, khi d/c nhận được thư báo tin quê nhà đã giảm tô và triển vọng thực hiện chính sách ruộng đất với nông dân. Đ/c phấn khởi mang thư đi khoe với đồng đội khắp chiến hào… Với người Việt nam ta ruộng đất có cái gì đó thiêng liêng và gắn bó qua nhiều đời. Vì thế, đột xuất nhìn thấy những cánh đồng bờ xôi ruộng mật bỗng bỏ hoang cho cỏ mọc do con người gây ra là hết sức bất bình thường!! Bốn nghìn năm lịch sử, tất nhiên không kể đến tình huống chiến tranh, chưa bao giờ chúng ta nhìn thấy quang cảnh, ngày càng nhiều những cánh đồng buộc phải bỏ hoang trong khi nông dân không có việc làm và nhiều hệ luỵ lớn lao khác. Rất tiếc, chưa thấy THỦ PHẠM là ai(?).Ai sẽ phải ra trước vành móng ngựa về cái “tội tày trời”này.Hơn 500 vụ khiếu kiện từ lớp “nông dân là quân chủ lực” của Cách Mạng Việt nam bao giờ thì được xử rốt ráo (như TƯ đã đánh giá, phần lớn trong 500 vụ khiếu kiện là chính đáng).
Mặt khác, xét về ý nghĩa khoa học và xã hội (không nói đến ý nghĩa đạo đức, chính trị v.v…): LÃNG PHÍ còn nguy hiểm hơn tham ô nhiều. Tham ô, của cải vẫn lưu hành trong xã hội. Thằng ăn cắp mang của ăn cắp về xây lầu, mua sắm vật dụng,…thậm chí làm từ thiện(!). Như vậy của ăn cắp lại trở thành nguồn thù lao nuôi sống mọt số người lao động. Còn LÃNG PHÍ thì số tiền bạc, của cải do xã hội làm ra (có thể là tích cóp từ nhiều đời) sẽ mất tiêu như một trận hoả thiêu. Ước gì Quốc hội nước ta sẽ có Hình luật rõ ràng và nghiêm khắc về tội gây ra lãng phí. Có như vậy mới bớt đi những cánh đồng bờ xôi ruộng mật bỏ hoang phí cả chục năm mà kẻ gây hoạ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Chúng ta, Nhân dân ta không bao giờ chấp nhân cái LUÂN LÝ(!): yêu thương một vài cá nhân để nuôi dưỡng tội ác làm hại Đất nước, làm hại đông đảo Nhân dân!!!
Phải bằng mọi cách chấm dứt một hiện tượng hết sức bất thưòng đang trở thành bình thường mà hệ luỵ thì vĩnh viễn là vô cùng nguy hại!!!
NGÀY 16/10/2012
Phạm Mạn