Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Phút im lặng cùng “người ma ra tông với thơ”

Trần Vũ Long
Thứ tư ngày 27 tháng 6 năm 2012 6:12 PM

Nhà thơ Trúc Thông tên thật là Đào Mạnh Thông, sinh năm 1940. Quê quán Hà Nam. Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông về công tác tại Ban Văn nghệ, Đài tiếng nói Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu. Sau đó ông tham gia Ban biên tập Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam.
Tác phẩm: Chầm chậm tới mình (thơ, 1985), Ma ra tông (thơ. 1993), Một ngọn đèn xanh (thơ, 2000), Văn chương ngẫu luận (lý luận phê bình, 2003), Vừa đi vừa ở (thơ, 2005), Mẹ và em (bình thơ, 2006).
Giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội 1990 – 1995, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2000, Giải B Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000.
 
Do công việc nên thỉnh thoảng tôi có đi viết chân dung các nhà văn, nhà thơ, nhưng có lẽ chưa bao giờ cảm thấy khó khăn như lần này, khi định viết chân dung về nhà thơ Trúc Thông. Kỉ niệm của tôi về ông thì không có nhiều, chỉ là những lần gặp mặt ở đâu đó rất vội vàng. Mà thơ của ông thì tôi chỉ thuộc mấy câu trong bài Bờ sông vẫn gió. Một bài thơ rất hay viết về mẹ đã góp phần làm nên tên tuổi nhà thơ Trúc Thông. Tôi tin sẽ có nhiều người giống tôi khi nói về thơ Trúc Thông. Sở dĩ như vậy vì thơ của ông phần lớn viết theo thể thơ tự do nên khó nhớ. Lần gặp mới đây nhất, khi tôi đến nhà thăm ông trong một con hẻm trên phố Cầu Giấy, thì câu chuyện của tôi với ông chỉ vỏn vẹn mấy câu nói đếm trên đầu ngón tay. Bởi mấy năm gần đây ông bị tai biến, nói rất khó và người nghe cũng khó. Ấy vậy mà không hiểu sao, có điều gì đó cứ thôi thúc tôi muốn viết chân dung về ông. Cũng giống như một số những nhà văn nhà thơ cùng thế hệ với ông mà tôi từng viết, Trúc Thông không phải là một nhà thơ quá xuất sắc nhưng ông thực sự đã đóng góp một tiếng nói thơ ca cho nền văn học bằng tình yêu, lòng đam mê hồn nhiên, chân thành và đầy trăn trở với con chữ. Cũng đủ để bạn bè văn chương, bạn đọc nhắc đến với một tấm lòng yêu mến, kính trọng.
Đi qua một khoảng sân gạch rộng, tôi bước vào ngôi nhà mới xây, thoáng mát và ngăn nắp, đủ cho ta thấy được một bàn tay phụ nữ đảm đang hiện diện trong ngôi nhà đó. Nhà thơ Trúc Thông đón tôi bằng một nụ cười hiền hậu. Vâng, vẫn là nụ cười thường thấy ở ông, đã nhanh chóng xoá đi khoảng cách thời gian rất lâu rồi mới gặp lại giữa hai chúng tôi. Mái tóc bạc nay cắt ngắn hơn trước. Nét mặt ông già đi nhiều. Mà cũng phải thôi, ông đã bước qua cái tuổi xưa nay hiếm được mấy năm rồi. Cái tuổi phần nhiều người ta sống bằng những kí ức. Tôi với ông, hai thế hệ cầm bút cách nhau đến gần 40 năm, nhưng dường như trong tôi không cảm thấy có khoảng cách tuổi tác khá lớn đó. Có lẽ, bởi từ lâu, nhà thơ Trúc Thông luôn là một người gần gũi với lớp trẻ. Ông chịu khó đọc của lớp trẻ. Ông lắng nghe lớp trẻ. Ông luôn nhiệt tình nâng đỡ và dìu dắt lớp trẻ. Bản thân tôi khi mới bắt đầu cầm bút, chỉ xuất hiện rất ít trên vài tờ báo, chẳng ai biết đến một cái tên lạ hoắc lạ hơ, nhưng đã được ông để ý giới thiệu trên Đài tiếng nói Việt Nam, nơi mà ông đã gắn bó kể từ khi là một sinh viên khoa văn mới ra trường cho đến lúc nghỉ hưu. Sau này, khi có thêm đôi chút kinh nghiệm viết lách, tôi hiểu rằng, đó là cử chỉ khuyến khích, cổ vũ lớp trẻ với tinh thần trọng thị của một bậc cha chú đi trước trong nghề. Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà với hầu hết những người mới cầm bút viết văn thì đó là điều vô cùng ý nghĩa, là động lực thúc đẩy cũng như sự tự tin để dấn thân vào con đường khổ ải này.
Trên một cái ghế mây dài, tôi ngồi cạnh ông để có thể nghe cho rõ lời ông nói. Nhưng thú thực phần lớn buổi gặp hôm đó tôi đã giao tiếp với ông bằng những khoảng trống lặng im. Tôi nhìn ông. Ông lặng lẽ nhìn ra cái sân gạch đầy nắng chói chang của những ngày đầu hè oi bức. Và tôi biết, không chỉ hôm nay, mà đã có rất nhiều ngày nhiều tháng, ông ngồi trên chiếc ghế này, lặng im nhìn ra cái sân gạch đó. Khi mới bước chân vào ngôi nhà của ông, gặp vợ con ông, tôi cảm nhận ngay rằng ông đang sống trong một gia đình hạnh phúc, trong sự yêu thương của người thân. Nhưng trong những giây phút lặng im đó, trong cái nhìn vô định ra ngoài sân gạch kia, vẫn phảng phất nỗi buồn, phảng phất một sự cô đơn mơ hồ nào đó. Buồn vì cái gì? Điều này thì có thể giải thích được. Ngay cả lúc chúng ta ở dưới một mái ấm vui vẻ, hạnh phúc thì vẫn có vô vàn những nỗi buồn cứ xâm chiếm tâm hồn ta khi mà ta đang phải sống trong cái cõi người trầm luân này, trong một xã hội đầy mất mát và bất trắc đến đáng sợ. Với một tâm hồn thi sĩ thì sự xâm chiếm đó đôi khi giống như một cuộc xâm lược vũ bão. Cô đơn vì cái gì? Đã là sự mơ hồ thì khó mà giải thích được. Sự mơ hồ đó đôi khi khiến người nghệ sĩ phải ngờ vực chính mình. Đối với người cầm bút, nhiều khi cứ muốn trốn chạy khỏi những phiền muộn của cuộc sống, hòng mong có được sự thanh thản, nhưng càng trốn chạy thì những hiện thực đó càng bám riết lấy anh ta. Những giây phút đó có thể khiến anh ta cảm thấy trống trải mệt mỏi, nhưng đôi khi lại giúp anh ta thăng hoa trong sáng tạo. Và khi đó anh ta được hiện diện là chính mình một cách rõ nhất.
Có thể nói Trúc Thông là một nhà thơ luôn đau đáu với ngòi bút của mình. Có nhiều người bảo, cả cuộc đời ông sống hồn nhiên chẳng hề bon chen với đời, chẳng ganh đua với người. Chỉ có một điều khiến ông luôn thao thiết, đó là thơ ca. Ông luôn cảm thấy mình không đủ thời gian dành cho thơ. Ông giống như vận động viên chạy ma ra tông với thời gian, chạy ma ra tông với những con chữ, chạy ma ra tông với những thân phận con người, chạy ma ra tông với tất cả những chất liệu có thể giúp ông chưng cất thành thơ:
Ma ra tông với cây với gió
Với bé đang trong bụng, mẹ xanh xao mệt mỏi bước đi
Ma ra tông với rồ dại nhà thơ
với lốc rock với dân ca dìu dịu
Ma ra tông với em kì diệu
Em hai mươi em của nghìn năm
                                                               (Ma ra tông)
Với nàng thơ, lúc nào ông cũng như một người chạy ma ra tông, nhưng trong cuộc sống ông luôn là người sống chậm. Trúc Thông sống chậm để hiểu đời, hiều người và hiểu chính mình hơn. Ông sống chậm để cho lòng mình được thanh thản, để ông có được không gian và thời gian cho thơ, đúng như tựa đề tập thơ đầu tay của ông cách đây gần 30 năm: Chầm chậm tới mình. Chắc hẳn sẽ có người đặt câu hỏi, tại sao ông lại in sách muộn đến thế. Vâng dường như mọi cái đến với cuộc đời ông đều muộn: lấy vợ muộn, sinh con muộn, công bố tác phẩm muộn, mặc dù Trúc Thông bắt đầu làm thơ khi mới là một cậu học trò. Trong rất nhiều năm, việc công bố tác phẩm đối với ông là một điều rất vất vả. Bởi Trúc Thông là người có tư tưởng cách tân trong thơ ca từ rất sớm, trong khi người ta mới chỉ thẩm thơ bằng sự thuận tai, thuận ý. Nhưng ông cũng chẳng hề lấy đó làm trọng. Ông vẫn cứ lặng lẽ, miệt mài sáng tác bằng tình yêu trong sáng dành cho thơ, chứ không phải để “mưu giành một quả gì thôi trong nghệ thuật”. Và khi cầm bút ông cũng là người chậm rãi và kĩ lưỡng với từng con chữ. Trúc Thông luôn không bằng lòng với những cái đã ra viết để gò mình phải tìm tòi đổi mới về ngôn ngữ và phong cách thơ. Đối với ông, viết giống như cỏ cây hoa lá đang quang hợp ánh sáng, giống như con người ta đang thở. Nhưng nó cũng giống như một công việc khổ sai đầy mê hoặc:
Nhà thơ ơi
dịu dàng ngọn gió
anh đi qua những bức tường
người ta nhìn rõ bóng anh qua
ôi áo ngực gày
máu rỏ vài ba chữ
và người ta điên cuồng đuổi theo
tận thẳm cùng bóng tối
xa, xa mãi
trăng trắng mươi lăm dòng
                 (Thụ cầm và bóng tối)
Một tiếng. Hai tiếng trôi qua. Tôi vẫn lặng lẽ nhìn gương mặt ông và chúng tôi giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ của im lặng. Dường như tôi đang cảm nhận được tâm trạng của ông. Tôi tin là như vậy. Nếu không, tôi đã không thể ngồi lâu đến thế. Tôi chợt nhớ đến lời một anh bạn sống lâu năm ở nước ngoài, rằng sao người Việt mình ngồi với nhau cứ phải nói liến thoắng. Tôi bảo, không nói thì ngồi với nhau làm gì. Anh bạn đó mỉm cười nói với tôi rằng, đôi khi im lặng cũng là cách để chia sẻ. Bây giờ thì tôi hiểu bạn mình nói đúng. Nhiều khi chúng ta cứ sợ người khác không hiểu mình, sợ những giây phút lặng im khiến ta buồn tẻ, và có khi để xua đi sự ngờ vực chính mình, nên ta phải lên tiếng. Kỳ thực, có lúc trong cuộc sống, những thanh âm, ngôn ngữ lại trở nên vô nghĩa; sự im lặng trở thành ngôn ngữ giao tiếp hữu hiệu nhất giúp ta hiểu được người đối diện một cách sâu sắc hơn. Nhạc sĩ Văn Cao đã mô tả một cuộc trò chuỵện với bạn mình là nhà văn Nguyễn Tuân bằng hai câu thơ thế này “Chúng tôi nói như không nói/Im lặng nói nhiều hơn”. Trong sự im lặng đó hai người nghệ sĩ đã tìm được tiếng nói chung để cảm và hiều nhau. Lúc đó sự im lặng trở thành một ngôn ngữ trong trẻo và kỳ diệu.
Giữa một bên là im lặng, một bên là ồn ào thì trong cái thế giới ồn ào luôn có nhiều điều cám dỗ con người ta. Trúc Thông thuộc tuýp người không thích sự ồn ào đó. Không thích ồn ào nhưng ông lại là người rất ham chơi. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực ra lại rất có lý. Là ông không thích sự hời hợt, giả tạo, sự phù phiếm háo danh ở những nơi đông đúc đến lãng xẹt nhưng ông lại ham vui cùng với những người mà ông thực sự coi là bạn, có thể sẻ chia và nâng đỡ. Vợ ông bảo, có chuyến đi công tác, chỉ định đi hai, ba ngày nhưng vì ham bạn mà ông đã đi luôn cả mấy tháng trời. Đối với ông thơ ca giống như trời cho và bạn bè cũng như trời cho. Chính vì vậy mà ông hết lòng với thơ, đồng thời cũng sống chân tình, hết lòng vì bạn. Trong mỗi cuộc đời, trời chỉ cho ta một vài người bạn tri kỉ để mà chia sẻ những buồn vui trong cõi nhân sinh này. Tôi chợt nhớ nhà thơ Hoàng Trần Cương có hai câu thơ viết về bạn bè như thế này: “Bạn bè không nhiều lắm đâu/ Dẫu mặt đất ngày càng đông chật”. Và trong cuộc đời sáng tác của nhà thơ, trời cho một vài bài thơ để người đời nhớ đến đã là điều vô cùng hạnh phúc không phải ai cũng làm được. Và tôi tin bài thơ Bờ sông vẫn gió của Trúc Thông là bài thơ trời đã ban cho ông. Với những câu thơ xuất thần khiến người đọc rưng rưng đến gai người.
Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió người không thấy về
Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối một lần về cuối thôi
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một đời tóc xanh
Lệ xin giọt cuối để dành
Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha.

(Bờ sông vẫn gió)
Có lẽ bài thơ đã đạt đến ngưỡng của sự giản dị nó cũng giống như sự giản dị trong chính con người Trúc Thông vậy. Trong mỗi một con người và trong mỗi một cuộc đời sáng tác để đạt đến ngưỡng của sự giản dị thật khó biết bao. Đó là sự giản dị lấp lánh làm mê lòng người.
Bỗng nhà thơ Trúc Thông quay lại nhìn tôi, tay run run giơ lên: “Không viết được. Buồn”. Mắt ông hoe đỏ. Một phần đáp án đã có và nó cũng đúng với lời giải của tôi trước đó. Cả cuộc đời ông đã chạy ma ra tông với nàng thơ, vậy mà bây giờ ông phải dừng lại. Nhưng tôi tin ông đã chạy đến đích của mình. Và điều đáng trân trọng, trong cuộc chạy ma ra tông đó, ông là người đã tiếp sức cho rất nhiều những cây bút trẻ. Có thể với họ đó cũng là một cuộc chạy ma ra tông cũng có thể không, nhưng họ thầm cảm ơn ông về điều đó.