Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lạm bàn về câu thần chú

Trần Quốc Thường
Thứ sáu ngày 27 tháng 4 năm 2012 8:12 PM

     Đọc truyện Cây tre trăm đốt, anh Khoai có câu thần chú: “Khắc xuất-Khắc nhập” diệu kì được ông Bụt tặng cho mà anh đã lấy được vợ, kẻ tham lam độc ác bị bẻ mặt, phải quy thuận, mọi người được hân hoan.
      Ngày nay câu thần chú này được phát huy tác dụng tối đa trên mọi lĩnh vực, được coi như một quy luật tất yếu của cuộc sống, cả tự nhiên lẫn xã hội và của sự nghiệp cách mạng trong thời kì hội nhập.
      Cơ thể người ta cũng phải “ Khắc nhập” thức ăn, nước uống để “Khắc xuất” phân, mồ hôi, nước tiểu,… Khoa học ngày nay gọi đây là quá trình “Đồng hoá, dị hoá”. Nền kinh tế đất nước cũng phải ““Khắc xuất” nông sản, thuỷ sản, nhân lực,… để  “ Khắc nhập” vật tư thiết bị, công nghệ,… nhằm công nghiệp hoá, phát triển đất nước.
      Trong hôn nhân gia đình, khi tình yêu chín muồi thì hai họ cũng phải “ Khắc nhập” cho đôi lứa về chung một tổ ấm, để họ lại “Khắc xuất” cho những  đứa  con chào  đời, nối dõi tông đường. Khi đông con họ lại muốn “Khắc xuất” xin bố mẹ ra ở riêng,…
      Trong khám chữa bệnh, người bệnh lo “ Khắc nhập” cho được vào viện nhanh chóng rồi lo làm sao được “Khắc xuất” ra viện an toàn, tiết kiệm nhất cho túi tiền của mình. Anh  nào ăn uống lung tung, cứ “nhất nhập-thập xuất” không cân đối được “nhập-xuất”, “ thu –chi” bị Tào Tháo đuổi thì thật nguy hiểm.
     Người nông dân, công nhân hiện nay cũng vậy, họ chỉ nhập ba hạt thóc, công nhân viên chức nhập chỉ ba đồng, ba cọc tiền lương mà phải xuất trăm thứ ba rằn, còn khổ hơn cả khi  bị Tào công đuổi.      
     Từng người, từng  gia đình, công ty, doanh nghiệp…trong làm ăn, sinh hoạt… ai cũng mong tiền  bạc “Khắc nhập” đều đều như nước sông Đà, “Khắc xuất” nhỏ giọt như cà phê phin,… Thương các chủ doanh nghiệp, tóc bạc phờ, mắt hõm sâu, lòng lo lắng vì hàng không khắc xuất được, nợ ngân hàng ngày một chất cao. Họ đang chết dần. Mấy vị ngân hàng buôn tiền, khắc nhập tiền vào như nước. ( Huy động 1,2%/tháng; cho vay không dưới 1,85 %/, lãi như thế thì doanh nghiệp có nằm mơ cũng không có được). Ngân hàng được các doanh nghiệp nuôi, nên vị nào cũng béo mượt, trắng trơn cả.
      Trong ngành giáo  dục  cũng  “Khắc xuất” khi tách trường, rồi lại “ Khắc nhập” khi sáp nhập lại, làm tốn tiền, tốn công sức của nhà nước và nhân dân. Gần đây ngành giáo dục “ Khắc xuất” hàng trăm trường Đại học, cao đẳng; hàng trăm ngàn tấm bằng TS, thạc sĩ, cử nhân  đến mức cung vượt cầu. Bộ Giáo dục “Khắc xuất” được nhiều trường, nhiều bằng như thế đáp ứng niềm mơ ước của hàng chục triệu nông dân được “Khắc nhập” tấm bằng cho con em mình. Để có công đoạn này hầu hết bà con nông dân phải “ Khắc nhập” vay ngân hàng cho con em mình ăn học. Biết khi nào họ “Khắc xuất” được tiền trả ngân hàng, trong khi tìm việc làm cho con em là vô cùng khó. Chính vì thế mà họ ngày càng bị bần cùng hoá. Đây là  hậu quả của câu thần chú “Khắc xuất-Khắc nhập” bị dùng không đúng chổ.
     Trong kế hoạch đầu tư công trình dự án, xây dựng cơ bản khác cũng vậy, một bộ phận người có quyền cứ “Khắc xuất-Khắc nhập” liên hồi, bất chấp hiệu quả. Có khi họ bất chấp pháp luật, đạo lí, cứ cưỡng chế Khắc nhập đất đai của dân, tuỳ tiện trả giá rẻ như bèo; Khi Khắc xuất cho nhà đầu tư giá cao trên trời. Chỉ có nông dân là thiệt thòi, chịu khổ. Rồi nhiều dự án treo, nhiều công trình bỏ dở, họ cứ kí bừa “Khắc xuất”  cho nhịp nhàng với cái “ Khắc nhập” tiền của chảy vô hầu bao cá nhân, hầu bao lợi ích nhóm của mình.
      “Khắc xuất-Khắc nhập” là một quy luật tất yếu của cuộc sống, cả tự nhiên lẫn xã hội nhưng lâu nay câu thần chú này được lạm dụng quá đáng. Tất cả là do bất tài, trí não có vấn đề, con mắt nhìn thiển cận, trái tim xơ cứng hoặc một lòng tham vô đáy của một bộ phận lãnh đạo có quyền, nắm trong tay câu thần chú này tạo nên mà thôi. Nghe tin số kinh phí ngất trời khi họ hô “Khắc xuất” cho đầu tư xây dựng, làm ta chóng mặt. Nhìn các công trình đầu tư lãng phí rồi không sử dụng khi “ Khắc nhập” các sở ban ngành, nhập trường mà ta thêm đau lòng tiếc của, của người dân đóng thuế.
      Gần đây phong trào xây dựng nông thôn mới, “ tái cơ cấu” các công ty, ngân hàng, sắp xếp lại cơ cấu trường lớp, là những chủ trương lớn của đảng và nhà nước, là sự tổng hợp của “ Khắc xuất-khắc nhập” đây còn là một xu thế tất yếu của sự đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Vì vậy mong các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu kỉ mức độ, thời điểm, quy mô cho phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội, đặc biệt là hợp với lòng dân.
       Ngẫm lại mới biết thần chú chỉ có một câu nhưng hiệu quả sử dụng lại phụ thuộc vào ý chủ quan của người dùng nó. Mong sao người có quyền sử dụng câu thần chú trên hãy học tập anh Khoai như buổi ban đầu anh được ông Bụt ban cho câu thần chú, hãy cẩn trọng, lưu tâm khi dùng phép mầu này. Tất cả hãy dùng  câu thần chú “ Khắc xuất-Khắc nhập” vì mưu lợi ích cho dân, cho nước và trừng trị kẻ ác, lũ gian tham thì đất nước này sẽ sớm sánh vai với các cường quốc năm châu như Hồ Chủ tịch hằng mong ước.