Trang chủ » Tản văn

UỐNG RƯỢU VỚI ĐỖ THỊ TẤC

Trần Nhương
Thứ năm ngày 22 tháng 9 năm 2016 5:30 AM






TNc: Mẩu ghi chép này tôi viết khi cùng Đỗ Thị Tấc ở Nhà sáng tác Đại Lải, năm 2009, hôm nay đưa lại. Bởi vì Đỗ Thị Tấc vừa bị đột quỵ. Tấc bị đột quỵ trên Lai Châu, sơ cứu rồi đưa về Bệnh viện Biển ở Hải Phòng phục hồi chức năng. Khổ thế, một người năng nổ, sống hết mình mà bị bệnh bất ngờ. Chưa đi thăm Tấc được nên đưa tin để bạn bè cùng chia sẻ ..


Trong một tháng sáng tác tại Nhà sáng tác Đại Lải, bốn nhà văn sắp già: Tô Đức Chiêu, Dương Duy Ngữ, Trần Kỳ Trung và Trần Nhương được chung một mái nhà với hai trại sáng tác khác. Một trại của Hội Mỹ thuật Việt Nam, một trại của Hội Văn nghệ Lai Châu.
Với trại Mỹ thuật thì Trần Nhương được các họa sĩ cho màu, cho bút, cho toan để tranh thủ vẽ lúc văn nhàn. Nhí nhoáy tôi vẽ được 5 tranh. Các bạn họa sĩ xem và bảo không thể xem thường tranh của nhà thơ được. Họa sĩ Mai Hương đánh giá trong 5 tranh có 1 trìu tượng rất oách, 1 oai và 3 cái đường được. Thế là vui rồi.
Ngày 19-3-2009, Đỗ Thị Tấc, chủ tịch hội Văn nghệ Lai Châu dẫn hơn 10 trại viên đến Đại Lải. Lại vui tiếp vì lâu ngày không gặp “anh” Tấc tít trên Tam Đường.
Ngày nào cũng trà lá tếu táo bao nhiêu là chuyện.
Đỗ Thị Tấc là một người đàn bà bản lĩnh ít thấy. Một mình nuôi 1 mẹ già hơn 80 tuổi bệnh tật, một con đẻ và 4 con nuôi. Gọi là con nuôi nhưng Tấc đều có trách nhiệm như một người mẹ, dựng vợ gả chồng, lo công ăn việc làm cho các con. Tôi hỏi vì sao nuôi lắm con thế, Tấc bảo số em nó thế phải vậy mới yên. Khi tách tỉnh Điện Biên và Lai Châu, Tấc được phân về Lai Châu làm chủ tịch Hội Văn nghệ. Một tay lại gây dựng phong trào. Chủ tịch Hội lo chăm chút đội ngũ văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số, bảo tồn từ điệu hát Then đến văn hóa dân tộc Lự chỉ có ở Lai Châu, với hơn 5000 người.
Người ta biết đến Đỗ Thị Tấc là một nhà thơ nhưng các công trình nghiên cứu dân gian dân tộc thiểu số của chị mới đáng nể. Năm 2009 này Tấc phải hoàn thành 3 công trình nghiên cứu về văn hóa dân tộc Lai Châu.
Tấc nghiện thuốc lá và cà phê nên rất hay sang phòng tôi phun khói và tán tào lao. Tấc tặng tôi một cân chè Tam Đường mà theo chỉ ngon không chịu được. Tấc bảo đi công tác đâu em cũng mang chè này theo. Chè đặt một người sao suốt, mua vào tháng 9 âm lịch và cất đi uống cả năm. Chị nói đây là chè đội 2, ngon có tiếng. Chỉ giải thích rằng ở lâm trường Tam Đường có câu: “ Chè đội 2, khoai đội 6, các cháu đội 5” vì chè đội 2 ngon nhất, khoai đội 6 tuyệt vời và con gái đội 5 xinh tươi như hoa hậu.
Ối trời ơi, tôi sướng mê đi khi uống chè đội 2. Dương Duy Ngữ và Trần Kỳ Trung hay mò sang xin được uống chè Tam Đường. Cái thứ chè mã không đẹp lắm nhưng uống vào ngọt giọng đến cả buổi. Tấc lại bảo chè này ở vùng đất núi lửa phun mấy ngàn năm trước lại có quặng Niradium nên rất khác với chè các nơi.
Ngày mai 27-3, bốn nhà văn kết thúc đợt sáng tác. Đỗ Thị Tấc tổ chức một bữa cơm vừa là khai mạc trại vừa chia tay bốn ông anh.
Rượu cần mở ra cùng nhau vít cần thưởng thức cái vị thơm, vị ngọt dịu dàng của men lá. Cứ tưởng ngòn ngọt dễ uống mà ngấm vào lục phủ ngũ tạng, mà say la đà.
Chúng tôi hẹn với Tấc cuối năm sẽ lên Lai Châu để thâm nhập vùng đất mà Tấc yêu hơn cả quê nhà.


Đỗ Thi Tấc qua phác họa của TN