Bà lấy bố Phạm Tiến Duật là người chồng thứ hai và theo chồng lên thị xã Phú Thọ sinh sống.

Vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng tôi đều tản cư về xóm Đồng Bở, xã Thái Ninh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Hồi đó quê tôi là vùng tự do nhưng quân Pháp đóng bên Trung Hà, Hưng Hóa thường mở những cuộc càn lên vùng quê tôi.

Gia đình chúng tôi lên tản cư chạy càn còn gia đình Phạm Tiến Duật cũng từ thị xã về đây định cư. Tôi nhớ ngày ấy chúng tôi đều 11, 12 tuổi gì đó (Duật cùng tuổi với tôi, tuổi con Rắn, Tân Tỵ, 1941).

Duật là người thị xã lại con nhà công chức, bố Duật từng làm ông ký, ông phán gì đó ở tỉnh. Duật khi ấy ăn mặc rất diện kiểu tỉnh thành, áo cộc tay trắng, quần soóc trắng, đi đôi dép cao su đúc cũng màu trắng. Bọn chúng tôi nhìn Duật ăn mặc, sinh hoạt mà thèm. Chúng tôi cùng nhau đi học tại trường xã. Duật bao giờ cũng là người học giỏi nhất lớp.

Xong những trận càn tôi lại về quê dưới Lâm Thao, còn Duật vẫn ở lại xóm Đồng Bở. Thế rồi hòa bình lập lại chúng tôi không gặp nhau nữa, mỗi người học hành kiếm ăn một nơi.

Vào năm 1966, khi ấy tôi đã nhập ngũ vào Cục Vận tải quân sự được 1 năm thì Cục mở Hội nghị quyết thắng. Tôi nhớ nơi hội nghị tổ chức là trường Đại học Tổng hợp khu Mễ Trì. Các sinh viên đều đi sơ tán cả nên bộ đội mượn nhà trường thoải mái.

Tại đây tôi gặp lại Phạm Tiến Duật. Thấy tôi trang trí cho hội nghị Duật đến xem và bất ngờ chúng tôi nhận ra nhau. Duật cũng mới từ lính cao xạ trên Việt Bắc chuyển về Cục Vận tải, được giữ lại ở Ban Tuyên huấn, phòng Chính trị Cục.

Lúc này tôi ở Tiểu đoàn 936, làm ở bộ phận chính trị. Nhờ có khiếu viết khẩu hiệu và vẽ tàm tạm nên thường được điều đi trang trí hội nghị. Rồi Tiểu đoàn tôi ra tờ tin nội bộ, tôi được phân công biên tập, trình bày.

Bản tin in li tô chữ viết ngược bằng tay để khi in thành chữ xuôi. Tôi học mãi mới có thể viết thành thạo. Tôi thường viết những bài ca dao về các chiến sỹ vận tải trên bản tin đó. Có lần Phạm Tiến Duật khen tôi viết ca dao hay. Thế là chúng tôi thường trao đổi với nhau về thơ ca.

Một thời gian Duật được giao nhiệm vụ nhân viên câu lạc bộ, anh giữ một kho nào đài Orionton, phim ảnh, pin, vải, giấy. Duật vốn nghệ sỹ nên việc quản lý kho rất lỏng lẻo, nhiều khi phát cho đơn vị không ghi sổ sách, hoặc ai xin gì cũng cho. Thế là thâm hụt kho vật tư câu lạc bộ, Duật bị phê bình và chuyển sang đội chiếu bóng của Cục.

Phạm Tiến Duật là người thuyết minh phim loại giỏi, anh hoạt ngôn, lắm khi bịa thêm làm cho lính nhiều phen cười vỡ bụng. Hồi ấy hay chiếu phim Liên Xô có nhiều cảnh lính uống rượu, Duật bịa: “Nào làm chén quốc lủi” . Đang phim Tây lại dùng ngôn ngữ dân gian ta chen vào nên rất tức cười. Không thể kể hết những câu pha trò của Duật trong những buổi chiếu phim.

Tôi nhớ vào năm 1967, tôi chuyển vào Thanh Hóa công tác tại Ban Chính trị Binh trạm 10, có lần Duật vào chiếu phim tại binh trạm. Ngày ấy anh vừa viết xong bài thơ Lửa đèn, Duật ghi tặng cho tôi bản đánh máy. Tôi đọc thơ Duật mà thích quá: Anh cùng em sang bên kia cầu/ nơi có những miền quê yên ả...

Bài thơ viết về Thanh Hóa, nơi có cầu Hàm Rồng mà tôi đang đóng quân. Trong những ngày ở Binh trạm Duật còn viết một bài thơ về quán Dắt, cái ngã tư lên Triệu Sơn ấy đã vào thơ Duật ngọt ngào, dân dã. Duật tặng tôi bản viết tay, có chữ ký rất đẹp. Tôi còn nhớ bài thơ có những câu như sau:

Ngã tư là ngã tư nào
Chưa ra đã nhớ, chưa vào đã quên
Biết đâu đấy có nhà em
Mà nhìn cho rõ mà xem cho tường

Sau này tôi thấy các tập thơ của Duật không có bài thơ đó. Có lẽ anh cho nó như ca dao, như một ghi chép chưa thành thơ.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày càng quyết liệt. Tuyến vận tải chiến lược phát triển rộng lớn. Bộ Tổng tư lệnh thành lập Đoàn 500 làm nhiệm vụ trung chuyển giữa hậu phương và tiền tuyến tức là giữa Cục Vận tải Tổng cục Hậu cần và Đoàn 559. Phạm Tiến Duật được cử vào công tác tại đây.

Thế là tôi và Duật không ở cùng Cục Vận tải. Duật ở Đoàn 500 rồi chuyển vào Đoàn 559. Hồi này thơ Duật đã nổi tiếng trên văn đàn và sau đó anh chiếm giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ.

Tôi vẫn công tác tại Cục Vận tải và viết thơ nhiều hơn. Thi thoảng chúng tôi in chung trong một số báo. Tôi vẫn là anh chàng hay viết ca dao. Tạp chí Văn nghệ quân đội hồi ấy hay in ca dao, tôi là một tác giả thường xuyên đóng góp cho mục này.

Tôi nhớ khi ấy Tạp chí Văn nghệ quân đội sơ tán xuống phố Ông Ích Khiêm (chỗ nhà chờ vào viếng Bác bây giờ), tôi đến đó lĩnh nhuận bút và gặp Phạm Tiến Duật. Một anh ở Trường Sơn ra một anh từ Thanh Hóa ra lại là bạn lâu ngày nên gặp nhau mừng vui tíu tít.

Chị Định, người phụ trách phát nhuận bút mở sổ, cộng tiền cho tôi được 30 đồng. Ba mươi đồng hồi ấy to lắm. Tôi rủ Duật ra ăn kem, đãi ông bạn đồng hương một chầu kem quốc doanh xả láng. Không biết chúng tôi ăn bao nhiêu que mà chả mất mấy tiền. Hôm sau tôi gặp Duật, anh kêu lên bị đau bụng hút chết vì kem.

Hòa bình thì chúng tôi thường xuyên gặp nhau, Phạm Tiến Duật ở báo Văn nghệ, tôi ở Nhà xuất bản Quân đội. Năm 1993, tôi chuyển ngành về Hội Nhà văn, thì chúng tôi coi như cùng một nhà.

Vài năm sau Duật từ báo Văn nghệ chuyển lên cơ quan Hội, phụ trách phó ban Đối ngoại, tôi là Phó giám đốc Quỹ văn học. Ngày ấy tôi có cảm giác cơ quan Hội còn ấm áp vì cùng một trang lứa, cùng lính tráng một thời cả.

Chúng tôi thân nhau nhưng không là bạn bù khú vì tôi không uống được bia, rượu nên thường không tham gia các cuộc nghiêng ngả thâu đêm. Với Duật hình như anh mượn rượu để quên bớt những nỗi nhọc nhằn của kiếp người. Có lần anh khóc hu hu trước mặt tôi. Chúng tôi biết anh có nỗi đau riêng nên chẳng ai chạm đến.

Dù gì đi nữa Phạm Tiến Duật là người đặt cột cây số đầu tiên trên con đường thi ca trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Con đường Trường Sơn có bao nhiêu sự tích, bao nhiêu anh hùng nhưng chỉ có một Phạm Tiến Duật lấp lánh thi ca.

Phạm Tiến Duật là người có công đầu đưa thơ nhập thế, thơ cùng người hành quân ra trận. Hay nói cách khác Phạm Tiến Duật đã mang Trường Sơn sừng sững vào thơ.

Không ai có thể tính được sự đóng góp của văn học nghệ thuật trong những cuộc chiến tranh giữ nước. Nó không có huân chương, không có anh hùng nhưng sức mạnh của nó đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng. Một khúc hát, một bài thơ có sức kêu gọi hơn vạn lời hô hào cứng nhắc.

Trong công trạng không có trong bản tuyên dương ấy có một nhà thơ lớn Phạm Tiến Duật.

29/10/2007
Nguồn TPO