Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cái sự Khát Khao Sống

Phan Cung Việt
Thứ hai ngày 2 tháng 4 năm 2012 5:37 PM
Tản bút

Thực tâm thấy ngượng khi dùng chữ Khát Vọng Sống như các cụ Jaclơnđơn, Heminhway , các nhà văn lớn và các bậc vĩ nhân khác. Trước nay mình chỉ quanh quẩn thế này thôi. Các cụ viết về biển cả, rừng thẳm, với những ông già chiến đấu với cá mập, với chó sói để giành sự sống, làm nên bài ca tuyệt diệu về Con Người Viết Hoa .Trong khi mình cả đời chỉ cùng mấy bạn nhà văn nhà báo nghèo khao nhau cốc bia cỏ quán tranh vỉa hè, khi cháy khát cổ. Khát mà Khao nhau như vậy thì tạm gọi là Khát Khao chăng ?
Nhưng voi có khát khao của voi, kiến có khát khao của kiến. Chưa biết mỉu nào cắn cổ mỉu nào. Mà ở đây lại từ những cái nhỏ xíu, thậm chí là tầm bình thường. Nhưng giọt nước làm nên biển cả.Xin chớ xem thường giọt nước của sự sống.
Thời gian là cả kho vàng, thế gian là cả kho vàng.Nhưng không phải là vàng cục vàng tấm quy đổi ra đất, ra đôla để giành giật, bình chọn , xếp loại cấp cao thấp mà chia chác nhau như lâu nay. Muốn nói ý khác, rất khác. Trong những kho vàng nhân thế đó, không phải xếp đầy vàng bạc châu báu, mà là xếp đầy những gì thuộc về sự sống. Như là tri thức, kinh nghiệm sống. Một ngày một buổi ở nhân gian ta học ta biết được bao nhiêu điều. Một ngày nhân gian bằng cả ngàn năm âm phủ có lẽ là như vậy chăng ?
Ngày xuân đến thăm cô em xinh đẹp giỏi giang xưa, bây giờ là bác sĩ tiến sĩ y khoa có tiếng. Hình như cô em đang đảm trách đề tài và khu vực rất nóng hiện nay là các bệnh và chứng nạn xã hội như hút hít, HIV. Cô vừa đi kiểm tra các khu vực đó về. Ngồi bên nhành đào, má vương sắc đào đỏ, cô em tươi tắn  như mùa xuân :
                  -Để em kể cho nhà văn nhà báo nghe một chuyện về khát khao sống.Anh có biết những cậu bịnh nhân Ết giai đoạn cuối, khi chúng em đến thăm và trao quà tết, khi ra về, nước mắt lưng tròng, tay vàng vọt run run gỡ chiếc phong bì, nói : Cô ơi, cháu thèm những món xưa mẹ cháu nấu quá. Cô thương cháu, tiền cháu giành dụm đây, cô mua cho cháu bát canh dưa nấu cá mà ngày trước mẹ thường nấu cho cháu ăn. Nếu không thì bìa đậu phụng chấm mắm tép cũng được, cô ạ.
Về cuối cuộc đời người ta chỉ khát khao những cái nhỏ xíu . Nghe nói tử tù cũng như vậy.
Đến đây lạ nghĩ lan man khối chuyện. Cái loại chuyện nhỏ xíu trong trẻo như giọt nước sự sống. Sẽ đến một ngày ai cũng được thỏa sức mà tự mình chiều chuộng mình như mẹ ngày xưa, tự mình chăm lấy mình. Hình như hồi miền Nam mới giải phóng, tôi vào thăm ông anh sau nhiều năm ảnh chiến đấu trong rừng chiến khu. Nhiều buổi anh em hàn huyên tự túc, sẵn cái nhắm, cả két bia con Hổ, nổi lửa nấu ăn. Khi bia đã ngấm, hồn đã lên hương, ông anh xởi lởi : Tự mình nấu lấy mà ăn mà nhắm là sướng nhất chú ạ. Bấy giờ tôi tuổi trẻ vô tâm tính, chỉ khát vọng cống hiến, chưa hiểu hết chiều sâu của cái sự khao khát sống từ những điều tưởng như tầm bình thường kia.Nhưng khổ nỗi con người ta cứ dại dột u mê mãi. Đa phần không hiểu mô tê gì về sự sống cho đến mãn đời. Số ít thì hiểu nhưng không biết khởi sự cái khát khao ấy từ đâu. Có ít tiền, có thời gian, nhưng ngày lại ngày cứ kéo rê tuổi tác, bệnh tật,  hàng ngày vẫn cứ muốn xách cái túi đi họp , chạy lăng xăng nơi này nơi kia, phồng mang trợn mắt phát biểu nơi này một ít, nơi kia một ít…Mà không nghĩ được như mấy cậu HIV đoạn cuối, tự mình tìm lấy mấy cái món mà ngày xưa mẹ đã cố công tầm cho con ăn khi con thèm nhỏ rãi. Ấy là nói cái thú ăn và cả những cái thú khác của sự sống nữa chứ. Thế mới gọi là quyết liệt sống, chắt chiu sống, khát khao sống.
Trong kho vàng nói trên , không chỉ những khát khao, mà đáng nói hơn, là pho kinh nghiệm sống. Trước hôm tết, tôi gọi một anh thợ nghèo gầy nhom tranh thủ mấy hôm tết kiếm chút tiền để về tận miền Trung lo tết cho đàn con. Tôi lát trước nhà một lượt xi măng như hai giải chiếu để buổi sáng vung tay tập thể dục. Anh thợ nghèo vừa làm vừa chuyện xởi lởi, đôi mắt sáng nheo cười như không có vẻ gì lo tết túi bụi như người đời, nhất là như mấy nhà giàu có. Anh ta vừa làm vừa rút chiếc điện thoại đen thui, nói với đàn con ở quê đang chờ bố về. Cái điện thoại cóc gặm của anh ở giữa buộc mấy vòng dây chun, như búi tóc cô gái. Anh bảo : Em mách bác mẹo vặt. Bọn em làm vôi vữa toàn bị tuột tay rơi điện thoại, em tìm ra cách quàng cho nó mấy sợi dây chun. Từ đó không tuột tay nữa. Trời, nhân bảo như thần bảo. Tôi vừa chuyển đổi cái Nokia nhỏ xíu thành cái Kangaroo hai sim hai sóng nặng hơn rất nhiều. Mấy lần suýt rơi xuống đất. Tôi lấy dây chun, anh thợ quàng ngay cho tôi. Cầm chắc tay hẳn. Thế là ổn. Anh thợ cười hề hề còn bảo : Cái gì dễ tuột tay, cứ quấn dây chun như các cô quấn tóc, là ổn bác ạ. Cái bấm ti vi cũng vậy, bấm điều hòa nhiệt độ cũng vậy. Tôi làm ngay, quả không sai .Tôi còn đùa : Thế tiền và tình cũng quấn dây chun như vậy là chắc ăn, nhỉ !
Sống trong chiếc lều xuân, được hưởng nắng gió mưa xuân gấp nhiều lần ở lâu đài biệt thự, từ đó mà cái khát khao sống cũng khác, có nhiều nét thú vị khác.Cuộc sống, thế thái nhân tình ùa vào mình như trăm ngàn kẽ gió lạnh ùa vào, như ngư ông ở trong cái thuyền nan, cái vó bè , trong lều cỏ, không muốn cũng phải nghe, nghe lắm rồi sinh nghiện sinh quen. Những buổi sáng, buổi tối mùa xuân mới thật nhiều chuyện. Năm nào cũng vậy, cứ áp tết là có đợt rét khủng. Buổi sáng nằm trong chăn co ro mà nghe chuyện các bà các cô, các bác xe ôm. Tiếng đàn bà lanh lảnh :Hôm nay lạnh xuống dưới 10 độ, thương thằng nhỏ nhà em.Lo quấn chăn quấn tã đưa đến lớp thì mới biết được nghỉ học, về đến nhà là cảm lạnh ngay.Lại lanh lảnh : Nhà tôi được cô gọi điện báo cho từ mờ sáng cơ, đỡ phải đưa bé đi sớm. Lại đàn bà lanh lảnh hơn : Không bằng bên tôi, đêm qua hết Tivi tối, cô giáo đội mưa rét đến tận nhà thông báo các cháu được nghỉ học, vậy là mẹ con bà cháu cứ nằm ấm đến bảnh mắt.Nằm nghẫm nghĩ mới hay, ba “chế độ học” của bé là từ ba hoàn cảnh, ba cách đối xử.Nhà có thế lực giàu có quà cáp thì được cô giáo đội mưa rét đến tận nhà báo tin từ đêm hôm trước. Nhà kém hơn chút thì được gọi điện báo vào mờ sáng hôm sau.. Kẻ nghèo lại kém ngoại giao thì phải chịu hẩm hiu.Xã hội phân chia giai cấp ngay từ đây. Các cháu bé bị phân chia và hưởng phúc lợi đẳng cấp từ khi còn…đỏ hỏn (!)
Sau mấy ngày tết ngày xuân vui vẻ. Vẫn mấy cô mấy bà.Cứ đứng giữa lối đi mà oang oang khoe mấy ngày tết .Khoe : Em đi tết bên nhà chồng. Em thắp hương cho bà mẹ chồng. Em sắm cỗ bên chồng…Thực ra đó là mấy cô nàng có chồng bỏ đi biệt cả năm nay, anh li thân, anh theo gái, anh đi theo vợ bé, bồ bé…Cái sự đàn bà và cái sự chồng thật ma quỷ. May xuân này nằm trong chiếc lều xuân tôi mới biết thêm hiểu thêm cái điều bi hài ấy. Vậy mới biết phận đàn ông của mình và đồng giới dù thế nào cũng cao giá đấy chứ. Vậy mà cứ tưởng bèo bọt !
Tết Xuân được đánh chén gà mái tơ trang trại bên vợ mang lên. Phần thịt gà quá ngon, phần cao hứng, phần nịnh bên vợ, mở hàm nhai nghiến ngấu.Đụng phải cái răng đau từ “ hai cuộc kháng chiến”, vậy là cái răng đổ xuống. Ghé vội phòng nha khoa bệnh viện định xử lý, cô bác sĩ bảo anh nghỉ ngơi một lúc xem sao, huyết áp cao, chưa nhổ được. Ra cái bồn rửa mặt, xả nước hạ nhiệt thì thấy dễ chịu .Rửa kĩ thêm hai bên vành tai, nhớ trong năm trên tivi chiếu cảnh bà thầy thuốc đông y đấu tranh xóa án cho 3 chàng thanh niên phạm tội hiếp dâm, vạch cái tai ra và chỉ vào huyệt ế phong sau dái tai, bảo rằng nhìn cái huyệt này thì biết người con trai đã qua tình dục hay chưa. Khiếp, cái huyệt bí ẩn và quan trọng vậy ta. Thì ta xát, rửa kĩ xem sao. Quả vậy, người dịu xuống. Vào đo huyết áp thấy xuống, cô bác sĩ cười tươi, bảo anh làm cách gì tài vậy, vậy thì nhổ được rồi. Thật là ok , cái huyệt ế phong kì diệu !
Quả sống thêm một ngày, hưởng thêm một mùa xuân, ta học thêm biết thêm được bao điều. Kho báu của ta đầy thêm. Bởi vậy mà người ta khát khao sống !
Phần thi pháp, tôi đã viết một tản bút mà các chi tiết rời ra đến mức siêu tản. Theo cách vỗ đùi của Chí Phèo-AQ thì tản cỡ ấy mới đáng mặt… tản bút tản văn . Bởi vì quý vị thử nghẫm xem trong các chi tiết rời ra như cơm nguội ấy, có chăng sợi chỉ đỏ xuyên suốt khiến ta khát khao sống mỗi ngày ?

 Bản Phè Mổ, xuân 2012
PCV