Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bóng thời gian

Trần Trung
Thứ ba ngày 3 tháng 4 năm 2012 8:37 PM


THỜI GIAN
(Nguyễn Địch Long)

Người về dệt bóng thời gian
Chiều sương vương lạnh hanh vàng sắc thu
Lòng buồn giục giã lời ru
Sông sâu nước chảy cuốn mù sang ngang.
Ngọn tre cong vút ao làng
Thâm nâu mặt đất tự ngàn xa xưa
Mẹ đi qua dọc nắng mưa
Hồng nhan hóa đá mà chưa hết nghèo
Đình làng cũ ngói xanh rêu
Thời gian bạc thếch lối chiều ngõ quê
Cỏ may rạc kín bờ đê
Bóng thoi dệt trắng câu thề tháng năm

BÓNG THỜI GIAN

Ngẫm ngợi mà chợt nhận ra chất riêng trong thơ Nguyễn Địch Long: Nền nã – khoan hậu và chân quê của thời nay. Với bài thơ “Thời gian” (trong tập thơ lục bát “Mùa chim ngói” – NXB Hội nhà văn 8/2010) có thể xem là một thi phẩm mang ấn tượng riêng về thơ Nguyễn Địch Long.
Người viết bài bình nhận ra nét chất của nghĩa tình thủy chung sâu nặng với quê hương mà “dệt” nên sáu (6) cặp lục bát này trong “Thời gian”. Tôi thích cái cách lập tứ từ trong hai cặp lục bát đầu:
“Người về dệt bóng thời gian
Chiều sương vương lạnh hanh vàng sắc thu”
Và, điệp lại mà không lặp lại trong hai câu kết:
“Cỏ may rạc kín bờ đê
Bóng thoi dệt trắng câu thề tháng năm”
   Cái tứ thơ của “Thời gian” cũng vương vấn và ám ảnh từ đấy; Màu thời gian; “Nước chảy” – thời gian cũng gợi mở ra từ đấy!
Nhà thơ hướng vọng vào “Bóng thời gian” để tạo nên điểm tựa mà thổ lộ, giãi bày kỉ niệm xưa. Cái trừu tượng, vô hình của thời gian như bất chợt xôn xao vui buồn cùng “sắc thu”; cùng “lời ru”. Mà, hình như cũng có cả kỉ niệm “lỡ bước sang ngang” nào đó. Vút lên trong một chiều thu xa vắng, lời ru của mẹ ta thuở nào; Dư vị của man mác, ngọt lành và thoáng cả chút xa xót tiếc nuối trong lời thơ Nguyễn Địch Long:
“Người về dệt bóng thời gian
Chiều sương vương lạnh hanh vàng sắc thu
Lòng buồn giục giã lời ru
Sông sâu nước chảy cuốn mù sang ngang.”
Hình như muôn thuở cổ - kim trong thơ, khi nói đến quê hương bản quán thì, không tách rời hình bóng bà mẹ. Thế nên Quê – Mẹ dường như trở thành cặp từ ghép của nghĩa, của tình – yêu quê, nhớ quê, thương quê cũng đi liền với nỗi niềm xót thương cho cái nghèo đeo bám dai dẳng theo thời gian. Thương “ngọn tre cong”. Thương mảnh “ao làng”. Thương “Sắc thâm nâu mặt đất tự ngàn xa xưa”…Tất thảy đều mang dư vị theo sự chảy trôi lặng thầm và nghiệt ngã của thời gian, bởi thời gian:
“Mẹ đi qua dọc nắng mưa
Hồng nhan hóa đá mà chưa hết nghèo”
Thời gian ơi! Thời gian in sắc màu kỉ niệm; in nỗi nhớ thương quê nhà. Tôi thương quí Nguyễn Địch Long còn bởi lẽ anh vốn là kiến trúc sư; vốn trân trọng nét đẹp quê. Và, anh từng có một cuốn sách chụp những cổng làng cổ ở Hà Tây (cũ). Mỗi một bức ảnh cổng làng, lại có những vần thơ ngắn mà gợi của Nguyễn Địch Long.
Và, xin phép nhà thơ, với bài thơ “Thời gian” của anh, Trần Trung tôi muốn tham góp thêm. Nên chăng bài này, đội một cái tên thơ “Bóng thời gian”:
“Đình làng cũ ngói xanh rêu
Thời gian bạc thếch lối chiều ngõ quê
Cỏ may rạc kín bờ đê
Bóng thoi dệt trắng câu thề tháng năm”

  Hà Nội, 1/4/2012
Sinh nhật Trần Trung.