Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Một nội lực phục sinh

Trần Trung
Chủ nhật ngày 25 tháng 3 năm 2012 11:50 AM
 
SINH
Đỗ Doãn Phương

Như mặt đất khô nức nở bởi mưa
Tôi nức nở trên mặt đất
Bởi Thiên Nhiên bủa vây tứ phía
Và sự lặng ngắt của nó
Hóa thân thành vạt rừng, đồi
Trong lặng ngắt, nó tuôn vào tôi như suối
Và làm tan rã bản thể tôi
Chỉ còn cảm thấy tim mình đập trên đá sỏi
Và thoi thóp trên lớp vỏ cây
Những cái cây cắm xuống đất như bị chôn sống
Trong tĩnh lặng tột cùng
Thiên Nhiên mở ra vòm tử cung Bà mẹ
Đón tôi trở ngược vào
Để được phục sinh!
********

MỘT NỘI LỰC – PHỤC SINH
(Về Đỗ Doãn Phương với bài thơ “Sinh”)

Cầm trên tay cuốn “Hoan ca”* nhà xuất bản Hội nhà văn – 2011, mà nhà văn Đặng Hiển tặng tôi, đã làm tôi xúc động. Bởi, Đỗ Doãn Phương vốn là học trò chuyên văn (Hà Tây cũ) của thầy giáo văn Đặng Hiển. Tôi đã đọc ngay trong đêm cuốn thơ “Hoan ca” và xúc động trước sự lên tiếng thơ của một cây bút trẻ đương đại. Mà, có lẽ không chỉ có xúc động…Dừng lại ở bài thơ “Sinh”(bài thơ thứ hai trong “Hoan ca”, tôi có một ấn tượng mới về sức trẻ; về một thứ nội lực trầm tích có lẽ chỉ thấy xuất hiện ở lớp – thơ – trẻ của thời này.
Từ hiện tượng Đỗ Doãn Phương, tôi mới nhận ra tinh chất riêng trong sự lên tiếng của Cái – Tôi – Bản thể thời nay. Bởi, đó không chỉ là những lời tự bạch về cái tôi như các thi nhân trong phong trào thơ mới(1932 – 1945). Mà, chính là khả năng tự lật giở, tự kiếm tìm Con – người – bản thể trong mối tương quan đa chiều. Thế nên, với bài thơ “Sinh”, người viết không muốn theo trình tự của mạch cảm xúc đầu cuối mà đi ngay vào một câu thơ ấn tượng, câu thơ chất chứa về nguộc cội sinh thành của tạo vật: “Thiên Nhiên mở ra vòm tử cung Bà mẹ”. Nói như các cụ ta xưa, đây chính là câu thơ – Thần cú. Bởi, từ “thần cú” này lại giúp người đọc hướng tới Thiên nhiên mà ngưỡng vọng; mà chiêm nghiệm. Có gì đấy vừa ngỡ ngàng, thảng thốt. Lại vừa như hàm chứa sự biết ơn Bà – Mẹ - Thiên – Nhiên. Mở đầu “Sinh” Đỗ Doãn Phương đã khai mào bởi sự đồng nhất và khác biệt giữa con người với thiên nhiên:
“Như mặt đất khô nức nở bởi mưa
Tôi nức nở trên mặt đất
Bởi Thiên Nhiên bủa vây tứ phía
Và sự lặng ngắt của nó
Hóa thân thành vạt rừng, đồi”
 Nhà thơ tìm đến sự giãi bày của cả con người cùng thiên nhiên. Đấy cũng là một cách khám phá mà nhận diện bản chất trong sự đồng hiện của thiên nhiên và con người. Dùng những tiếng “Thiên Nhiên bủa vây tứ phía” cứ ngỡ như một sự trấn áp. Mà, hóa ra lại là khẳng định sức sống “tự nhiên nhi nhiên” của thiên nhiên vừa hiện hữu lại vừa “hóa thân” trong “lặng ngắt”.
Từ sức sống tự nhiên tự thân của thiên nhiên, từ thiên nhiên, Đỗ Doãn Phương đã khẳng định sự gặp gỡ và giao thoa của con người cùng thiên nhiên. Thiên nhiên tan hòa trong con người hay con người nương tựa vào thiên nhiên, tự nhiên mà “tan rã bản thể tôi”. Tôi nhận ra trong khổ thơ sau của Đỗ Doãn Phương là sự lên tiếng bộc trực và mạnh mẽ của con người tự tìm mình – tự khám phá thứ nội lực của con người tự nhiên – bản thể:
“Trong lặng ngắt, nó tuôn vào tôi như suối
Và làm tan rã bản thể tôi
Chỉ còn cảm thấy tim mình
đập trên đá sỏi
Và thoi thóp trên lớp vỏ cây”
Trong cả hai chiều tương tác, hình ảnh thiên nhiên, tự nhiên tác động, ảnh hưởng tới sức sống lặng thầm của con người. Hay, cả từ hai phía hội tụ mà sinh thành. Với phía thiên nhiên – “Nó tan vào tôi như suối”. Những câu chữ của Đỗ Doãn Phương tạo nên một cơn chấn động vừa độc lập, lại vừa đồng hiện và giao thoa từ hai phía. Mà, dường như đều mang mãnh lực của bản thể. Thiên nhiên thì “tan vào tôi”. Và, tôi thì “tan rã bản thể” khiến cho “tim mình đập trên đá sỏi”. Và, “thoi thóp trên lớp vỏ cây”. Cách nghĩ và cách diễn đạt của thơ Phương mới lạ, ấn tượng mà cũng rất đỗi thành thực giúp tôi nhận ra, ngộ ra điều này: Trước bà mẹ thiên nhiên, bà mẹ sinh thành và chở che của Tạo hóa, nhà thơ trẻ đã bộc lộ sự ngưỡng mộ, tri ân đồng thời cũng bộc bạch cả niềm kiêu hãnh vô cùng, tiếng nói tâm tư từ trái tim đa cảm và mạnh mẽ - trái tim biết “đập trên sỏi đá” cùng cả “thoi thóp trên lớp vỏ cây”.
Bài thơ “Sinh” của Đỗ Doãn Phương với mười bốn dòng thơ và được tách chia làm ba khổ. Lạ thay, khổ nào cũng chứa một khoảng lặng, một thông tin về lặng im vật chất. Có một cái gì – nén lặng như chờ đợi, như mai phục sự bùng nổ, bùng phát:
- “Và trong sự lặng ngắt của nó”(Khổ 1)
- “Trong lặng ngắt của nó tuôn vào tôi như suối”(Khổ 2)
- Và “Trong tĩnh lặng tột cùng”(Khổ 3)
Và, khổ thơ kết của Đỗ Doãn Phương là sự bùng phát rực rỡ của ý tưởng: sinh và phục sinh; hóa ra vẫn là điểm khởi thủy của sự sống bất tận. Không có ý niệm chết chóc, tang thương. Chỉ có sự sống bất diệt, biến hóa và sinh thành. Thiết nghĩ cũng không nên hạ bút mà phán bởi hai chữ “lạc quan” cho những câu thơ cuối này. Bởi nó chứa một thứ nội lực phục sinh trong cách nhìn ngẫm con người và sự sống:
“Những cái cây cắm xuống đất như bị chôn sống
Trong tĩnh lặng tột cùng
Thiên Nhiên mở ra vòm tử cung Bà mẹ
Đón tôi trở ngược vào
Để được phục sinh!”
Hà Nội, ngày 16/03/2012
==========================
(*) Hoan ca – Tập thơ của Đỗ Doãn Phương – Tác phẩm được giải thưởng của Hội nhà văn – Việt Nam 2010 – 2011.