Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bất ngờ Trương Tửu

Phong Nguyên
Chủ nhật ngày 25 tháng 3 năm 2012 11:45 AM

TRƯƠNG TỬU LÀ AI?

1/ Theo từ điển, thân thế và sự nghiệp của Trương Tửu như sau:
Trương Tửu sinh ngày 18 tháng 11 năm 1913, trong một gia đình trung lưu ở ngoại ô Gia Lâm (Hà Nội).
Từ năm 1941 đến 1946, Trương Tửu làm Giám đốc Văn chương (tương tự Tổng biên tập) NXB Hàn Thuyên. Thời kháng chiến chống Pháp, ông là ủy viên Hội Văn hóa Việt Nam, chi hội phó Chi hội Văn hóa Thanh Hóa, tham gia bí thư đoàn liên đoàn Văn nghệ kháng chiến liên khu IV, dạy trường Thiếu sinh quân, trường Dự bị đại học…
Sau hiệp định Genève 1954, ông hồi cư về Hà Nội, dạy Trường đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa Hà Nội. Năm 1956, ông một trong các giáo sư đầu tiên của giới đại học văn khoa Việt Nam (bao gồm cả Đại học Tổng hợp – nay là ĐH KHXH & NV – ĐHQG Hà Nội và Đại học Sư phạm – nay là ĐHSP Hà Nội) do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký bổ nhiệm, cùng đợt với Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường…
Đầu năm 1958, Trương Tửu bị buộc thôi việc vì dính líu đến vụ Nhân văn Giai phẩm. Sau đó, ông chuyển sang nghiên cứu y học và sống bằng nghề Đông y.
Trương Tửu mất vào ngày 16 tháng 12 năm 1999, tại Hà Nội, thọ 86 tuổi.
2/ Các tác phẩm ông để lại gồm có:
2.1/ Trước 1945:
2.1.1/ Truyện ngắn, tiểu thuyết: Thanh niên S.O.S (1937), Một chiến sĩ (1938), Khi chiếc yếm rơi xuống (1939), Khi người ta đói (1940), Một cổ đôi ba tròng (1940), Trái tim nổi loạn (1940), Đục nước béo cò (1940), Một kiếp đọa đày (1941), Tráng sĩ Bồ Đề (1943), Năm chàng hiệp sĩ (1944)… [Tất cả các tác phẩm này đều đã được in lại trong Trương Tửu tuyển tập Văn xuôi do Nguyễn Hữu Sơn biên soạn, Nxb Lao động – Trung tâm VHNN Đông Tây, H. 2009)].
2.1.2/ Nghiên cứu, lý luận, phê bình Văn, sử học: Những thí nghiệm của ngòi bút tôi (1939), Uống rượu với Tản Đà (1938), Kinh thi Việt Nam (1940), Nguyễn Du và Truyện Kiều (1943), Nhân loại tiến hóa sử (1943), Nguồn gốc văn minh (1943), Văn minh sử (1943), Nguyễn Công Trứ (1944), Văn chương Truyện Kiều (1944), Tương lai văn nghệ Việt Nam (1945) [Đa số các tác phẩm này đã được in lại trong Trương Tửu tuyển tập Lý luận Phê bình do Nguyễn Hữu Sơn – Trịnh Bá Đĩnh biên soạn, Nxb Lao động – Trung tâm VHNN Đông Tây, H. 2007)].
2.2/ Sau 1945: Đại quan về 40 năm văn học Việt Nam hiện đại 1905-1945 (1948), Phương pháp phê bình văn học (1948), Văn nghệ bình dân Việt Nam (1952), Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du (1956), Chỉnh huấn là gì? (1956), Chống văn hóa nô dịch (1956), Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam(1958)… [Đa số các tác phẩm này đã được in lại trong Trương Tửu tuyển tập Lý luận Phê bình do Nguyễn Hữu Sơn – Trịnh Bá Đĩnh biên soạn, Nxb Lao động – Trung tâm VHNN Đông Tây, H. 2007)].
GIÁO SƯ TRƯƠNG TỬU TRONG MẮT CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC HẬU SINH
NGUT Văn Tâm (1933-2004) trong Từ điển Văn học, bộ mới (Nxb Thế giới, H. 2005), đánh giá về sự nghiệp khoa học của Trương Tửu:
“Về phương diện nghiên cứu, Trương Tửu là một trong những cây bút ở Việt Nam sớm vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng. Phương pháp này khiến ông khá thành công ở một số sách biên khảo, tuy nhiên việc vận dụng chưa mấy nhuần nhị, nên ông có một số nhận định thiếu khoa học về nàng Kiều, Nguyễn Công Trứ…”
PGS.TS Trần Ngọc Vương (Khoa Văn học – Trường ĐH KHXH & NV – ĐHQG Hà Nội) khi trả lời phỏng vấn báo chí đã đánh giá:
“Trương Tửu là người dường như không hề thờ ơ trước bất cứ kiến thức nào. Ông hiểu thông và vận dụng sáng tạo các thuyết và học thuyết. Có lẽ chính vì vậy mà có ý kiến cho rằng, trước năm 1945, ông là một nhà mác-xít. Để lý giải ông có mác-xít hay không thì một cuộc gặp mặt không thể giải đáp hết được. Nhưng không thể phủ nhận năng lực nhạy cảm với cái mới của Trương Tửu. “Ông còn có trực giác tiền lý trí về vấn đề lịch sử văn hoá, văn học, những vấn đề tồn nghi (chưa ai giải thích)
Để hiểu và đánh giá về Trương Tửu, có lẽ phải cần sự nghiên cứu sâu hơn của các nhà nghiên cứu, các nhà sử học, phê bình văn học… Một hội thảo khoa học về ông đã được Khoa văn, Đại học Sư phạm Hà Nội lên ý tưởng và chắc chắn sẽ sớm thành hiện thực, để ông được như các bạn của mình thoát khỏi cái bóng của vụ Nhân văn Giai phẩm hồi nào…”
BẤT NGỜ TRƯƠNG TỬU
Trương Tửu là tác giả của các tiểu thuyết, các công trình nghiên cứu về truyện Kiều, các tác gia cổ điển và được coi như một chuyên gia hàng đầu về lý luận văn học Mác xít.
Tháng 4 năm 1957, Trương Tửu tham gia Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (được coi là hội viên sáng lập Hội). Trước đó, từ năm 1948, ông đã là Ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là UB Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam). Nhưng từ tháng 6 năm 1958, Trương Tửu (cùng Phan khôi và Thụy An) bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Việt Nam; khai trừ trong thời hạn 3 năm với Trần Dần, Lê Đạt.
Ba năm mà thành ba mươi năm, để rồi đến năm 1989, tại Đại hội Hội Nhà văn lần thứ IV, Trần Dần, Lê Đạt mới được khôi phục hội tịch. Cũng không hiểu sao, Phan Khôi cũng được ghi danh hội viên trong Nhà văn Việt Nam hiện đại (1992).
Còn Trương Tửu thì thời gian kéo dài hơn đến quá nửa thế kỷ (52 năm), bất ngờ trước thềm Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII (2010) khi chuẩn bị tái bản có bổ sung tập Nhà văn Việt Nam hiện đại, BCH Hội sau khi đã tham khảo ý kiến của các Ban chức năng, Hội đồng nghệ thuật đã ra quyết định phục hồi hội tịch cho nhà văn Trương Tửu (!). Đúng nguyên văn là “công nhận Trương Tửu là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam” (!).
Thêm một bất ngờ khác, là nếu như các nhà đại trí thức cùng giảng dạy với Trương Tửu ở Đại học cùng bị kỉ luật năm 1958, thì về sau được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật: Cao Xuân Huy (1996), Đào Duy Anh (2000), Trần Đức Thảo (2000). Những năm đó cái tên Trương Tửu vẫn nằm trong quên lãng.
Bất ngờ, năm 2011, khi công bố danh sách các tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2010, Trương Tửu có tên trong 56 ứng viên của Giải thưởng Nhà nước.
Tại Hội đồng cơ sở, Trương Tửu, được 12/12 phiếu bầu, tức là 100% phiếu của Hội đồng chuyên môn Hội Nhà văn Việt Nam, với 2 công trình: “Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du” và “Mấy vấn đề Văn học sử Việt Nam” (nguồn: http://vnexpress.net/gl/van-hoa/2011/08/de-cu-giai-thuong-nha-nuoc-ve-van-hoc-thua-ma-van-thieu/page_2.asp).
Bất ngờ hơn cả là Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2010 quá nhiều chuyện nhếch nhác và lùm xùm ở các hội: Nhà văn, Âm nhạc, Mỹ thuật
Những điều bất ngờ cứ liên tiếp đến với Trương tửu sau khi nắp ván thiên đã đóng lại, ông yên nghỉ chốn vĩnh hằng đã 13 năm… Liệu chăng còn có những bất ngờ khác đang còn ở phía trước?