Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Quản trị tập thể quyền sao chép để hạn chế việc vi phạm quyền tác giả

Ngô Duy Long
Thứ hai ngày 26 tháng 3 năm 2012 5:03 AM
 
 Vấn đề vi phạm quyền tác giả ở Việt Nam không phải cái gì đó quá mới. Vấn đề là làm thế nào để tìm ra một biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế (chứ chưa dám nói là xóa bỏ hoàn toàn) việc vi phạm này. Dưới góc độ là người quan tâm và có tìm hiểu về vấn đề vi phạm quyền tác giả ở Việt Nam, tôi xin có vài ý kiến như sau.
Đâu tiên, thì “Quyền tác giả” là gì? Theo Khoản 1 – Đ 738 – Bộ LDS VN – 2005 có quy định: “Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm”. Đi kèm với các quyền ấy là quyền liên quan. Chắc chắn chẳng cần một học giả luật hay chuyên gia luật mà nếu ai tìm hiểu sẽ đều biết các quyền nhân thân và quyền tài sản trong nội dung Điều 738 là gì, các quyền liên quan đến tác giả như thế nào. Vậy làm thế nào để bảo vệ được các quyền ấy lại là một câu hỏi không dễ dàng gì trả lời được. Trên cơ sở pháp lý thì đã có các Bộ luật Dân sự 2005 dành hẳn Phần thứ sáu để nói về Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ; rồi Luật sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua vào ngày 29/11/2005; cùng với hai bộ luật quan trọng trên cho đến nay có rất nhiều các văn bản ngang luật, dưới luật nữa được ban hành nhằm hướng dẫn, điều chỉnh những vấn đề liên quan đến quyền tác giả. Như vậy, các chế định pháp luật của ta về vấn đề quyền tác giả là đã có.
Nhưng tại sao luật đã có nhưng việc vi phạm vẫn diễn ra như cơm bữa? Tôi nghĩ rằng người ta sẽ chẳng bao giờ làm những gì người ta sợ. Nếu luật đã có mà chưa đủ sức răn đe thì luật chưa phát huy hết tác dụng của nó. Song công việc đó, tiếc thay lại không do những tác giả có tác phẩm bị vi phạm quyền thực hiện. Một nguyên nhân nữa theo tôi rất quan trọng là tác giả không quản lý được mức độ phát tán tác phẩm của mình (việc sao chép của tác phẩm) đến đâu. Nó làm cho ai cũng nghĩ rằng việc vi phạm cứ vi phạm, còn tác giả của nó có biết đâu mà ý kiến.
Thế nên, trong bối cảnh hiện nay, chính mỗi tác giả phải là một người “tác giả thông minh” trong việc bảo vệ tác phẩm của mình. Tác giả phải chủ động đi đăng kí bảo hộ tác phẩm; phải chủ động đi kiện để bảo vệ quyền lợp hợp pháp của mình; phải chủ động là người quản lý tác phẩm của mình để tránh tình trạng phát tán trái phép làm thất thu; rồi những lợi ích liên quan như tiền in sách, tiền bản quyền tác giả cũng tự làm nốt. Tôi nghĩ đó chỉ là hạ sách. Vì những việc như thế, mỗi tác giả không phải ai cũng làm được. Mỗi người đều có một chuyên môn riêng, một lĩnh vực riêng cần quan tâm nghiên cứu. Nếu cứ vừa sáng tác lại vừa lo đi bảo hộ, bảo vệ quyền lợi của mình thì tâm trí đâu, thời gian đâu nữa. Mà cái gì không chuyên môn hóa thì sẽ chẳng bao giờ đạt được hiệu quả tối ưu. Vậy nên, tôi đề xuất một phương án đó là “Quản trị tập thể quyền sao chép”.
“Quản trị tập thể quyền sao chép” hiểu đơn giản là có một tổ chức đứng ở giữa: một bên là tác giả với tác phẩm của họ, một bên là người sử dụng tác phẩm. Tổ chức đó sẽ đứng ra hỗ trợ tác giả trong việc theo dõi việc sử dụng tác phẩm của người sử dụng; thương lượng, cho phép sử dụng tác phẩm; thu tiền thù lao từ việc sử dụng tác phẩm đó; phân phối tiền thù lao đó ;… Cở sở để việc quản trị tập thể quyền sao chép dựa vào các yếu tố sau:
Thứ nhất, bởi nhiều cơ quan và tổ chức thường có nhu cầu sao chụp một số lượng lớn các văn bản in. Việc quản lý các bản in này đối với một tác giả là không khả thi nên cần có một tổ chức chuyên trách có năng lực đảm nhiệm. Và giấy phép cho quyền sao chụp sẽ đóng vai trò như một chính sách bảo hiểm, nhằm bảo vệ họ trước các vụ kiện có thể có nếu bị quy buộc vi phạm bản quyền .
Thứ hai, việc quản lý sao chép của tác giả nhiều khi không khả thi. Các nhà xuất bản thường muốn tối đa hóa lợi nhuận nên “bẫy” tác giả vào các điều khoản bất lợi và thường muốn trả thù lao hạn chế. Vậy nên cần có một cơ chế tập hợp số đông các tác giả lại nhằm bảo vệ lợi ích của họ.
Thứ ba, người sử dụng có nhu cầu chính đáng trong việc sao chụp tác phẩm nhưng chưa có cơ chế quản lý tốt cách thu phí từ việc sao chụp đó. Một tổ chức trung gian là một biện pháp hữu hiệu để làm việc này.
Cuối cùng, là sẽ giảm bớt rất nhiều gánh nặng cho nhà nước vì lợi ích giữa tác giả - nhà xuất bản - người sử dụng tác phẩm đã có một tổ chức trung gian đứng ra dung hòa. Như thế sẽ hạn chế tối đa việc xung đột quyền lợi giữa các bên và tránh các vấn đề pháp lý phát sinh sau này.
Tóm lại, tác giả - người có lợi ích then chốt – khi sử dụng biện pháp “Quản trị tập thể quyền sao chép” này thì vẫn sẽ đảm bảo hưởng đầy đủ và tuyệt đối các quyền liên quan đến tác phẩm khác như quyền nhân thân, quyền tài sản. Trong khi đó, lợi ích về kinh tế đối với việc sao chép tác phẩm vẫn được đảm bảo.
Nếu ai quan tâm đến vấn đề này thì sẽ thấy đây là biện pháp đã được áp dụng từ lâu trên thế giới và rất hiệu quả . Còn ở Việt Nam, với tổ chức Vietrro thì biện pháp này đang được triển khai và cũng đã có một số bước đi đầu trong việc thu thập ủy thác quyền. Sau khi thủ thập được tương đối lượng ủy thác quyền thì Vietrro sẽ có cơ sở pháp lý trong việc thu phí rồi từ đó phân phối khoản thù lao đó cho các hội viên gia nhập Vietrro.
Việc khắc phục tình trạng vi phạm quyền tác giả ở Việt Nam không phải là công việc một sớm một chiều. Ở đây, tôi chỉ xin đề cập giải pháp ở góc độ quyền tác giả chứ chưa lạm bàn đến quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các bạn đọc.

 
  Đỗ Khắc Chiến – Tọa đàm bảo vệ quyền sao chép đối với tác phẩm xuất bản & vai trò của tổ chức quản lý tập thể.
 
http://vietrro.org.vn/component/content/article/52-hoi-va-dap/105-rro.html
  Xem thêm tại http://vietrro.org.vn/gioi-thieu/doi-tac-va-nha-tai-tro/72-lien-hiep-quoc-te-cac-to-chuc-quyen-sao-chep-ifrro.html