Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁCH CHỨC ÔNG THÀNH, KHÔNG OAN!

Bùi Văn Bồng
Thứ ba ngày 21 tháng 2 năm 2012 6:13 PM
 

Ông Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1957, quê ở Hoa Lư (Ninh Bình), có gốc từ ngành công an, là tiến sĩ  kinh tế, cử nhân luật(không biết học khi nào, học theo cách gì?), đi lên từ chức vụ chánh Văn phòng Quận ủy Hồng Bàng, sau đó làm Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng. Ngày 9-12-2009, tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng ND thành phố Hải Phòng khóa XIII đã bầu ông Thành làm Chủ tịch UBND thành phố. Ngày 1-12-2010, Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XIV đã bầu ông Nguyễn Văn Thành làm Bí thư Thành ủy (Bà Nguyễn Thị Nghĩa và ông Dương Anh Điền được bầu là Phó Bí thư Thành ủy).
Cuối năm 2004 đến năm 2006, khi còn ở cương vị Phó Chủ tịch UBND thành phố,  Hải Phòng đã xảy ra vụ tiêu cực trong cấp đất tại thị xã Đồ Sơn, Tháng 9-2006, ông Thành đã có những công văn gửi Viện KSND Tối cao và Cơ quan CSĐT - Bộ Công an trong quá trình giải quyết vụ án Đồ Sơn, nhằm “giải cứu” cho cấp dưới sai phạm? Trong công văn số 5775/UBND-NC của UBND TP Hải Phòng ngày 21-10-2005 gửi hai cơ quan trên, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Thành cho biết: “Sau khi nhận quyết định khởi tố bị can, ngày 6-10-2005, đồng chí Chu Minh Tuấn có đơn gửi Thành ủy, UBND TP đề nghị xem xét, có ý kiến đề nghị các cơ quan pháp luật miễn xử lý hình sự đối với cá nhân đồng chí Chu Minh Tuấn”.
Công văn này dành một dung lượng lớn để trình bày các thành tích của ông Chu Minh Tuấn. Sau đó, công văn nêu tiếp: “Mặc dù có vi phạm nhưng xét quá trình công tác, những thành tích đóng góp tích cực trên các nhiệm vụ được giao và hoàn cảnh, tình hình sức khỏe của đồng chí Chu Minh Tuấn, UBND TP Hải Phòng đề nghị Cơ quan CSĐT - Bộ Công an, Viện KSND Tối cao xem xét chiếu cố trong quá trình giải quyết, miễn xử lý hình sự đối với đồng chí Chu Minh Tuấn, đảm bảo vừa đạt được yêu cầu giáo dục, răn đe đối với cán bộ, đảng viên là chính, vừa thực hiện đúng yêu cầu của pháp luật”.
Trước đó, ngày 9-3-2006, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành có công văn số 1819/UBND-ĐC đề nghị xem xét, miễn xử lý trách nhiệm hình sự cho ông Chu Minh Tuấn. Trong công văn dài bốn trang này, lãnh đạo UBND TP khẳng định trong vụ án Đồ Sơn “sai phạm chỉ xảy ra trong khâu xét duyệt đối tượng giao đất, danh sách đề nghị duyệt đối tượng giao đất tái định cư, giao đất dân cư do UBND thị xã Đồ Sơn và Sở Tài nguyên - môi trường trình UBND TP Hải Phòng phê duyệt có nhiều trường hợp không đúng đối tượng”. Đối với hai văn bản giao đất của UBND TP là quyết định 1381 (ngày 23-6-2003) và quyết định 807 (ngày 2-4-2004), một thì chưa tiến hành giao đất trên thực địa, một thì bị đình chỉ và thu hồi.
Căn cứ vào đó, UBND TP Hải Phòng cho rằng sai phạm của một số cá nhân trong vụ Đồ Sơn “chưa gây ra hậu quả”, nhất là hậu quả về kinh tế. “Các cá nhân có sai phạm đã được xử lý về hành chính kịp thời, bộ máy cán bộ đã được kiện toàn, tình hình địa phương đã ổn định, dư luận đồng tình (!?)”, công văn nêu rõ. Vì vậy, UBND TP tiếp tục đề nghị Viện KSND tối cao “xem xét miễn xử lý các cá nhân có liên quan đến vụ án theo trình tự tố tụng hình sự”. Thế là, với chức vụ, quyền hạn của mình, ông Thành đã cứu nguy cho các “đệ tử”, đẩy vụ việc kéo rê, kéo dài dẫn tới "chìm xuồng" theo ý đồ của ông ta.
Công văn 1819 cũng dành một dung lượng lớn để UBND TP “báo cáo thành tích” của bị can Hoàng Anh Hùng, nguyên chủ tịch UBND thị xã Đồ Sơn. Còn với vi phạm của ông Hoàng Anh Hùng, theo UBND TP đánh giá, là vi phạm lần đầu và chưa xảy ra hậu quả về kinh tế. Vì vậy, UBND TP cũng đề nghị Viện KSND tối cao xem xét miễn xử lý hình sự đối với ông này.
Trong khi đó, dư luận đều biết rất rõ không chỉ riêng vụ Đồ Sơn, Hải Phòng còn bùng nhùng với 15 dự án đầu tư liên quan tới sử dụng đất trong thời kỳ 2001-2004, khi ông Chu Minh Tuấn đảm nhiệm cương vị giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường. Tháng 10-2005, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo kết quả thanh tra đối với 15 dự án này gửi Thủ tướng, trong đó báo chí quan tâm nhất là dự án giao đất làm nhà ở tại khu Quán Nam, xã Dư Hàng Kênh, huyện An Hải. Theo kế hoạch được duyệt, đối tượng giao đất chủ yếu là người dân của xã Dư Hàng Kênh và huyện An Hải, nhưng trên thực tế hầu hết đối tượng được giao đất đều là cán bộ các ban, ngành của Thành ủy, HĐND và UBND TP. Cơ quan thanh tra đã chỉ rõ trong số 848 hộ được giao đất, 420 hộ thuộc các cơ quan của thành phố, 35 hộ của Viện Qui hoạch (thuộc Sở Xây dựng), 152 hộ của UBND huyện An Hải…
Với hàng loạt vụ việc sai phạm nghiêm trọng về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn từ cả chục năm qua, không phải là điều quá khó hiểu khi các cấp lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã cố “bịt”, không để “mùi” của các vụ việc lan rộng, bỏ qua khuyết điểm, né lách pháp luật, giải cứu cho các cán bộ, đảng viên thuộc quyền..
Vụ đất đầm nuôi thủy sản của ông Vươn bị chính quyền huyện Tiên Lãng đòi thu hồi khi đã được gia đình họ Đoàn đầu tư lớn, bỏ nhiều công sức khai hoang, nay còn nợ cả mấy tỉ, không thể nói là ông Thành không biết. Nhất là thời điểm xảy ra khởi kiện của ông Vươn thì chính ông Thành đang giữ chức Chủ tịch UBND thành phố. Dù sao thì sau nhiều năm trần thân khai hoang, cải tạo địa hình, khu đầm nuôi thủy sản của ông Vươn ở Cống Rộc cũng đã trở thành một khu đất có giá trị cao, thuận lợi cho việc ra giá để giao cho người khác nuôi. Đó là miếng mồi ngon về đất đai bãi bồi. Chắc chắn là do những lợi nhuận dễ ăn đó, từ huyện lên thành phố đã có ý đồ chiếm đoạt công sức của họ Đoàn và nhiều hộ khác trong vùng từ mấy năm trước là điều không khó hiểu. Ông Thành cũng không thể không biết là vào thời điểm đó, ông Vươn chưa thu hoạch được bao nhiều cá, còn nợ ngân hàng tới hơn 3 tỉ đồng. Thế nhưng, không hiểu đàng sau đó vì động cơ gì, ông Thành vẫn dung túng cho chính quyền huyện Tiên Lãng tiếp tục ruồng ép ông Vươn để thu hồi đất. 
Thế mà, khi sự việc xảy ra, Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vẫn im hơi lặng tiềng. Khi nhà báo hỏi vì sao lại thế, ông Thành cũng nói dối như ông Thoại, ông Ca, rằng phải xác minh cho kỹ, cho thấu đáo rồi mới báo cáo, mới có cách giải quyết. Đến khi Thủ tướng yêu cầu báo cáo theo 3 nội dung, Thành ủy và UBND thành phố Hải Phòng lại đưa ra một bản báo cáo có nhiều chỗ thể hiện bưng bít, bao che, giấu giếm khuyết điểm. Đó là sự cố tình gây khó khăn cho Thủ tướng và các đoàn công tác của Trung ương, đánh lạc hướng dư luận. Làm lãnh đạo một thành phố lớn như thế, có nhiều  biểu hiện không trung thực, bao che, dung túng cho nhiều cán bộ đã mắc khuyết điểm, sai lầm. mở đường cho sự phạm pháp trắng trợn, công khai hoành hành. Xem ra, các việc ông Thành làm, cung cách lãnh đạo của ông ta, đã thành hệ thống từ khi còn ông là Phó Chủ tịch UBND thành phố. Trước đó, còn nhiều điều khuất tất trong tư cách cán bộ, đảng viên của ông Thành, dư luận cũng bỏ qua, chưa đụng đến. Thế thì ông Thành còn đòi lãnh đạo ai? Mặc dù Thủ tướng đã giao nhiệm vụ, nhưng ông vẫn phân công những cấp dưới có nhiều tai tiếng và mất tìn nhiệm như ông Thoại, ông Ca đi giải quyết hậu quả vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng. Khi dư luận phản ứng rầm rầm, có cả thư ngỏ được in ra đặt trên bàn, làm việc, thấy không ổn, ông Thành mới thay ông Thoại bằng ông Hiệp, làm tổ trưởng xử lý hậu quả vụ việc. Chưa hết, ông Thành vẫn còn đưa ra con bài đã có kinh nghiệm kéo ngâm sự việc như vụ Đồ Sơn, để mong nghĩ cách tiếp tục cứu các “đệ tử” .
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Khi vụ việc xảy ra, nhiều người có trách nhiệm ở Hải Phòng từng phản ánh lại với tôi: Tiên Lãng chỉ là hệ quả của hàng chuỗi sự việc về đất đai của Hải Phòng như vụ Đồ Sơn, vụ Quảng An và vụ chính quyền Hải Phòng định khai trừ Đảng một đại tá an ninh, người đấu tranh chống tham nhũng – tiêu cực …Theo tôi nguyên nhân cũng bắt nguồn từ đất, Hải Phòng là thành phố lớn, giá trị đất của Hải Phòng ngày càng cao. Càng làm việc sai bao nhiêu, lợi ích cá nhân càng nhiều bấy nhiêu cho nên không giải quyết được. Vụ sau chồng lên vụ trước, sai lại càng sai mãi.”
Gây dư luận xôn xao và bất bình nhiều nhất là vào sáng 17-2, nói chuyện thời sự với các cán bộ trung cấp, cao cấp ở Hải Phòng đã nghỉ hưu (CLB hưu trí Bạch Đằng), ông Bí thư Thành còn phát biểu nhiều chỗ sai với kết luận của Thủ tướng, tiếp tục bênh che cho những cái  sai của hệ thống lãnh đạo từ huyện  Tiên Lãng lên thành phố, tố cáo cả báo chí, vẫn tìm cách đổ lỗi cho gia đình nông dân họ Đoàn. Đến mức, ông Hoàng Châu (83 tuổi) - nguyên cán bộ tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, phải lên tiếng là :” Trong phát biểu, ông Thành chủ yếu nói ông Vươn sai, bênh che cho nhóm lợi ích.  Tôi lập tức lên bục phản ứng, phát biểu 4 vấn đề: Bí thư nói không đúng kết luận của Thủ tướng. Nói sai về báo chí. Việc nói như vậy và coi thường chúng tôi, những cán bộ trung cao cấp nghỉ hưu. Với tư cách một đảng viên, tôi đề nghị Bộ Chính trị đình chỉ công tác Bí thư thành ủy của ông Nguyễn Văn Thành”.
:
Vì những lẽ trên, hoàn toàn ông Thành không xứng đáng là cán bộ lãnh đạo từ khi còn làm Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, cách đây gần cả chục năm, thế mà vẫn trúng cao phiếu, vẫn lên chức ào ào, vẫn là “cây cột trụ chính” đầy quyền lực ở Hải Phòng. Nhân nay như có “trời khiến” xảy ra vụ Tiên Lãng này, rà soát lại quá trình xử lý vụ việc đất đai ở Hải Phòng, lại chiếu theo vai trò, tư cách người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cách chức ông Thành lúc này là rất cần và đúng với chủ trương đã đề ra trong Nghị quyết Hội nghị TW 4, dù đã hơi muộn, nhưng tin rằng giải quyết như thế sẽ thỏa được lòng dân./.
Bùi Văn Bồng