Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN SƠN TÙNG VÀ LẼ SỐNG KHÔNG ĐỂ “HOÀNG KIM HẮC THẾ TÂM”

Hiếu Trình
Thứ sáu ngày 3 tháng 2 năm 2012 6:39 PM
 
Trên website Hội Nhà văn Việt Nam (http://vanvn.net/news/20/1465-nhung-lan-gap-go-anh-hung-nha-van-son-tung.html), báo Nông nghiệp Việt Nam (http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/11/11/88648/Nhung-lan-gap-go-anh-hungnha-van-Son-Tung.aspx) và blog của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn  (http://lethieunhon.com/read.php/5621.htm), đăng tải bài viết của nhà văn Văn Chinh: NHỮNG LẦN GẶP GỠ ANH HÙNG NHÀ VĂN SƠN TÙNG.
Sau khi nhắc lại những lần gặp gỡ với Nhà văn Sơn Tùng (cả khi khỏe mạnh cũng như lúc ông đau ốm), đoạn cuối bài viết của mình nhà văn Văn Chinh dành một khoảnh đất để nói lại việc Gia đình Nhà văn Sơn Tùng từ chối nhận Giải thưởng Nhà nước. Sự việc này, về phía gia đình Nhà văn Sơn Tùng, từ vợ ông - bà Phan Hồng Mai cho đến các con ông – Bùi Sơn Long, Bùi Sơn Định đều không muốn nhắc đến nữa, việc gì đã qua thì cho qua. Tất nhiên khi cả gia đình đều không muốn nhắc đến thì trong bài viết của mình tôi cũng không nhắc lại diễn biến sự việc chẳng lấy gì làm hay ho ấy trong cách đối nhân xử thế với một nhà văn thương binh chỉ còn 19% sức khỏe, lâm trọng bệnh tai biến mạch máu não, phải qua một trận chiến kiên cường với tử thần để trở về với cuộc sống, dù hiện nay ông vẫn bị liệt nửa người bên phải, tiếng nói hãy còn chưa tròn rõ hẳn.

Nhà văn Văn Chinh đã có lời khuyên anh Bùi Sơn Long – con trai trưởng của Nhà văn Sơn Tùng rằng:
“chỉ vài năm sau lại đến lượt xét giải; anh cùng gia đình nên nhận, dù là Giải Nhà nước. Thứ nhất, để khẳng định một lần nữa với một thế lực nào đó rằng Sơn Tùng không xuyên tạc hình ảnh lãnh tụ như họ đã định tạo thành một vụ án năm 1992 - 93 và định lập hồ sơ khởi tố. Ông cụ đã phải viết thư lên cụ Đỗ Mười nói xưa Mỹ bắn tôi không chết, giờ đồng đội đang bắn tôi, cụ Đỗ Mười đã mời Sơn Tùng lên và cụ đã làm rõ, minh oan cho nhà văn. Thứ hai, để những thân nhân nghèo của Sơn Tùng có một món tiền. Tôi biết anh không thiếu tiền, nhưng với bà chị hay chú em út nghèo xác nghèo xơ, món tiền 120 triệu là rất đáng kể; với bà Phan Hồng Mai, hơn 40 năm chia sẻ cùng ba anh xiết bao khổ cực, một khoản tiền nhỏ của Nhà nước tưởng thưởng cũng ít nhiều an ủi”.

Đọc đến đây, tôi nhớ ngay đến những ngày còn khỏe mạnh, Nhà văn Sơn Tùng vẫn thường hay nhắc đến một câu răn dạy của người xưa: Làm con người sống trên đời này, đừng để HOÀNG KIM HẮC THẾ TÂM. Ông giải thích cho tôi 5 chữ “HOÀNG KIM HẮC THẾ TÂM” ấy là: vàng bạc, tiền của, làm đen, làm ố, làm bẩn trái tim và lòng dạ của con người. Có lẽ thấu hiểu đạo lý ấy từ rất sớm, cho nên cả cuộc đời ống sống thanh bần, đạm bạc. Người ngoài nhìn vào cuộc sống của gia đình ông chỉ thấy nghèo – cái nghèo vật chất, và cũng rất nhiều người thấy ở ông có cái giàu của “bậc đại phú” - ấy là giàu nhân, giàu nghĩa, giàu tình cảm. “Nghèo nhân nghèo nghĩa thì lo, nghèo tiền nghèo của chẳng cho là nghèo”. Phải chăng vì thế cho nên kể từ khi bị thương ở chiến trường miền Đông Nam Bộ (15-4-1971) được cáng vượt Trường Sơn trở ra đất Bắc, cho đến ngày ông phải nhập viện vì bạo bệnh (26-6-2010), bấm đốt ngón tay là tròn 40 năm, ông sống trong tình nghĩa và sự yêu thương đùm bọc của bạn bè. Đời ông là đi “ăn mày chữ” [chữ dùng của Nhà văn Sơn Tùng] nhưng ông luôn giữ trong mình cốt cách của ông đồ Nghệ không bao giờ nhận cái gì không phải của mình, với tiền bạc ông lại càng thận trọng.

Chuyện Nhà văn Sơn Tùng từ chối nhận căn hộ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng cấp cho ông những năm 1980 báo chí đã nhắc nhiều. Tôi chỉ viết thêm một câu chuyện mà bạn hữu Chiếu Văn của ông đều biết: Đầu những năm 1990, Nhà báo Yramaki – người Nhật Bản – đến làm việc với ông, cảm phục sức làm việc của người thương binh Sơn Tùng, lại cám cảnh cho ông phải ở trong một căn phòng làm việc quá chật hẹp, thiếu thốn mọi bề, Nhà báo Yramaki thành tâm có nhã ý tặng Nhà văn Sơn Tùng một số tiền trị giá nghìn đô la Mỹ. Nhưng Nhà văn Sơn Tùng đã cảm tạ tấm thịnh tình và lòng chân thành của Nhà khoa học – Nhà báo Yramaki mà từ chối món tiền có giá rất lớn thời bấy giờ.

Cả cuộc đời đến nay đã 85 tuổi, Nhà văn Sơn Tùng có rất nhiều ƯU TIÊN, nhưng lại THIẾU MẤT DẤU HUYỀN.
Ông là người mê sách, nhà ông tuy chật chội nhưng sách thì chứa đầy trong phòng, ngoài nhà, vút lên cả trên gác. Mỗi khi anh chị em, con cháu đưa ông đi mua sách, là bà Phan Hồng Mai lại phải dặn ông: Anh nhớ này, đây là tờ 100.000, đây là tờ 50.000, đây là tờ 20.000, đây là tờ 10.000…. bởi vì ông đâu có để ý mà biết mặt đồng tiền. Lương của ông là chuyên viên bậc 2, suốt hai chục năm không tăng một bậc, ông chỉ nhớ năm 1967 trước khi ông vào chiến trường là 110 đồng, còn sau này là bao nhiêu thì ông không hề chú ý đến. 

Tôi viết ra những điều trên để muốn nhấn vào một câu của nhà văn Văn Chinh: “món tiền 120 triệu [Giải thưởng Nhà nước] là rất đáng kể”. Đúng, số tiền đó “là rất đáng kể” nhưng có lẽ đối với Nhà văn Sơn Tùng và gia đình ông, việc nhận cái gì của ai – nhất là tiền bạc, không phải thế nào cũng nhận, khi đã không CHÍNH DANH thì lại càng không thể nhận. Năm 1992, khi Thành đoàn Hà Nội làm cho Nhà văn Sơn Tùng căn nhà tình nghĩa, ngày 22-7-1992 ông đã viết thư gửi Ban Thường vụ Thành đoàn Thanh niên Hà Nội xin cảm tạ và từ chối. Xin trích lại nguyên văn một đoạn trong thư:

“Việc Thành đoàn xây dựng nhà tình nghĩa tặng tôi, một cán bộ Đoàn lâu năm, một thương binh ¼, đó là nghĩa cử cao cả, là tấm lòng cao thượng của toàn thể cán bộ đoàn viên, đội viên thanh thiếu nhi Thủ đô Hà Nội dành cho tôi. Tôi vô cùng biết ơn. Cho nên tôi đã nhờ Hội Nhà văn Việt Nam cử cán bộ đến Thành đoàn bày tỏ lòng biết ơn của tôi và đề đạt lý do tôi xin được: Không nhận ngôi nhà này. 
 
Tôi cũng đã trình bày cặn kẽ sự tình với đồng chí Bí thư Thành đoàn Nguyễn Mạnh Cường và hai đồng chí Chánh, Phó Văn phòng Thành đoàn. Cho đến giờ phút này vẫn đinh ninh: Rất biết ơn thanh thiếu nhi Thủ đô, nhưng tôi không thể đến ở ngôi nhà dựng lên đã không đúng như biên bản cuộc họp liên tịch giữa các đại diện UBND quận Đống Đa với UBND phường Văn Chương và tôi. Hơn nữa, căn nhà này dựng lên trên mảnh đất mà tiếng kêu ca: “Ông Sơn Tùng là thương binh, tôi cũng là thương binh, sao chính quyền lại lấy mảnh đất của tôi đã bỏ nhiều công sức san lấp để làm nhà tình nghĩa cho ông Sơn Tùng?”.

Năm 2009, Hội Nhà văn Việt Nam đưa 2 tác phẩm của ông là Bông sen vàng và Cuộc gặp gỡ định mệnh (tên trong lần xuất bản đầu tiên là Mẹ về, tái bản lần 2 đổi gọi Bác về) vào nhận giải thưởng cuộc thi Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đọc xong những dòng tin trên báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, số 15 (2568), ngày 11-4-2009, trang 2, công bố: “… 73 tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật của các tập thể và cá nhân được quyết định trao tặng thưởng”, ngày 19-4-2009 Nhà văn Sơn Tùng viết thư gửi GS.TS Phùng Hữu Phú, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” XIN ĐƯỢC MIỄN “TRAO TẶNG THƯỞNG” với lý do:

“Hai tác phẩm “Bông sen vàng”, “Cuộc gặp gỡ định mệnh” đã có một đời sống hàng chục năm tuổi rồi, nó không thuộc diện trong sáng tác Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cho nên tôi tha thiết xin được miễn “tặng thưởng tác phẩm Bông sen vàng; Cuộc gặp gỡ định mệnh”.

Xin kể thêm một câu chuyện nhân nói đến tiền. Có những nhà xuất bản, in những tác phẩm của Nhà văn Sơn Tùng, cho đến nay sau nhiều năm vẫn chưa thanh toán tiền nhuận bút cho ông. Dù số tiền nhuận bút ấy chỉ đôi ba triệu. Mà mỗi lần có sách xuất bản hay tái bản, ông đều mua vài chục, có khi cả trăm cuốn để tặng bạn bè, anh em, con cháu. Tôi biết rằng có những gia đình phải gọi điện hoặc chính người nhà đến đòi, nếu không cơ quan xuất bản họ cứ lờ lớ lơ đi. Có lần tôi đề nghị với ông bà gọi điện đến nhắc, nhưng ông gạt đi, khi nào họ mang đến thì mang, còn nếu họ không mang thì ông cũng cho qua. Phương châm xử thế ấy của ông, đến nay khi ông đau ốm bà Phan Hồng Mai vẫn làm theo như khi ông còn khỏe mạnh, dù vẫn có nơi đã 3-4 năm “vẫn quên” chưa thanh toán tiền nhuận bút cho ông.
Việc nhà văn Văn Chinh khuyên anh Bùi Sơn Long – con trai trưởng Nhà văn Sơn Tùng: “chỉ vài năm sau lại đến lượt xét giải; anh cùng gia đình nên nhận, dù là Giải Nhà nước… món tiền 120 triệu là rất đáng kể; với bà Phan Hồng Mai, hơn 40 năm chia sẻ cùng ba anh xiết bao khổ cực, một khoản tiền nhỏ của Nhà nước tưởng thưởng cũng ít nhiều an ủi” khiến tôi có một chút băn khoăn. Bao năm được qua lại hầu chuyện Nhà văn Sơn Tùng như vậy, không biết có lần nào Văn Chinh đã từng được nghe Sơn Tùng nói một câu: “Mua danh ba vạn, bán danh ba… xu” (chứ không được nổi ba đồng), hay không? Còn tôi thì được nghe ông nhắc nhiều lần với bạn hữu Chiếu Văn. Nhà văn Văn Chinh khuyên thân nhân của một nhà văn – anh hùng lao động – làm một việc ảnh hưởng đến danh dự như vậy “vẫn chỉ xoay quanh một chữ TIỀN” thì nghe nó chua chua xót xót, nghe nó có cái giọng kẻ cả, giọng mặc cả với người khác về số tiền “là rất đáng kể” ấy. Hẳn nhà văn Văn Chinh chưa có vinh hạnh được chứng kiến Nhà văn Sơn Tùng một tay chống cằm, bàn tay kia gõ gõ xuống sàn Chiếu Văn mà cười mỉm đọc trầm lại câu thơ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều rằng: “Bả vinh hoa câu khách công khanh” khi nghe những chuyện “nén bạc đâm tọac tờ giấy”, những chuyện “có mùi hơi đồng” mà ông vốn rất kỵ, luôn phải tránh xa.

Cuối cùng vẫn là một câu chuyện liên quan đến Tiền. Tháng 7-2011, Nhà văn Sơn Tùng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Theo Quy định về đối tượng và tiêu chuẩn danh hiệu Anh hùng lao động, và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới (Ban hành theo Quyết định số 38/1999 QĐ-TTg ngày 6 tháng 3 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ), tập thể hay cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động sẽ được nhận số tiền thưởng tương đương là mức lương cơ bản x 15 lần. Nhưng trong ngày 22-7-2011 (ngày Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động cho Nhà văn Sơn Tùng, tại trụ sở Hội – số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội), theo tôi được biết một cán bộ của Hội Nhà văn Việt Nam, mới trao cho con trai Nhà văn Sơn Tùng 5.000.000 (năm triệu đồng) hiện vật (phong bì) kèm theo Bằng chứng nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động. Không biết số tiền mà gia đình Nhà văn Sơn Tùng được hưởng theo chế độ của một Anh hùng như vậy đã đúng và đủ hay chưa? Nếu chưa đúng và đủ thì hình như Nhà nước còn nợ ông một số tiền “là rất đáng kể” – theo như cách nói của nhà văn Văn Chinh.

Có lẽ bà Phan Hồng Mai và gia đình cũng không coi chuyện này là cái gì ghê gớm, vẫn theo phương châm “Làm con người sống trên đời này, đừng để HOÀNG KIM HẮC THẾ TÂM” chứ nếu phải gia đình khác, ai dám bảo là họ không lên đòi Nhà nước phải thanh toán số tiền nợ của công dân mà thân nhân của họ quá xứng đáng được hưởng (nếu đúng như vậy)?

Tiết Mạnh xuân năm Nhâm Thìn, 2012