Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN ĐÁNH GIÁ

Nghiêm Lương Thành
Thứ sáu ngày 3 tháng 2 năm 2012 2:37 PM

Tạp bút

 

Con người nặn tượng. Thượng đế nặn ra con người. Sau khi hoàn tất tác phẩm, điểm giống nhau giữa thượng đế và con người là lo bảo tồn thành quả của mình. Song cái cách bảo tồn của Ngài lại chẳng giống cách bảo vệ của con người. Con người bảo tồn tác phẩm của mình sao cho tránh được những tác động cơ học, tránh bị biến chất hoặc bị hủy hoại do ăn mòn từ các loại hóa chất có sẵn trong tự nhiên và do chính mình tạo ra ... Cách này lấy cái tĩnh để chế cái động, không khỏi mang tính thụ động. Thượng đế tự biết mình không thể biết hết, không thể lường trước được mọi điều, bèn cài đặt vào bộ não con người một lệnh “IT”; không biết Ngài gọi lệnh ấy là lệnh gì, nhưng có thể hiểu đó là lệnh khiến con người phải thực hiện hành vi định tính, định lượng nhanh đối tượng giao tiếp, xử lý kết quả, đánh giá đối tượng và, cuối cùng, xác lập hành vi ứng xử thích hợp. Phương cách này lấy cái động để chế cái động, cho phép con người - tác phẩm của ngài - chủ động tránh được nguy hiểm trong rất nhiều tình huống và, hơn thế, rút ra kinh nghiệm để tự tránh được những tổn hại không đáng có một cách dễ dàng, thậm chí còn linh hoạt lợi dụng hoặc nương theo thuộc tính của khách thể mà tạo ra những sự có lợi cho mình. Tuy vậy, với cái lệnh đó, đừng nghĩ Ngài chỉ còn có một việc là kê cao gối ngủ kỹ. Khoa học sáng tạo của Ngài lấy sự kết hợp Nhị nguyên trong trạng thái không ngừng vận động làm nền tảng. Nhưng những sự lợi cho mình đó nhiều khi quá đà, có lúc lấn át, thậm chí còn làm hại cái sự tự bảo vệ của các cá thể và cộng đồng sản phẩm của Ngài. Bằng chứng là, về sau, theo những cách nào đó, Ngài đã phải gửi xuống cho con người một số bộ lọc hành vi mà con người gọi là Tôn giáo. 

Để hỗ trợ cho con người thực hiện lệnh IT này, Ngài cũng mặc định vào bộ não cho họ hai phần mềm Lương tri và Lương năng mà sau này giới học giả phương đông gọi chung là Lương tâm. Thời gian cứ thủng thẳng trôi, cỗ xe lớn tiến bộ kỹ thuật và tiến bộ xã hội vẫn không ngừng hướng về phía có nhiều ánh sáng. Chuỗi quá trình đánh giá khách thể một cách lương tri cho phép con người tránh được tối đa những tổn hại cho mình từ phía khách thể và tích lũy được biết bao kinh nghiệm. Khi khối lượng kinh nghiệm này đạt tới một ngưỡng nào đó, con người chợt nhận ra mình có nhu cầu phải đánh giá tự nhiên và đồng loại một cách duy lý, có phương pháp, có hệ thống và tổng kết thành lý thuyết để phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần của mình. Đó là nhu cầu nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn. Lương năng đã giúp họ thực hiện điều đó. Quá trình cơ khí hóa dựa trên kết quả nghiên cứu các quy luật chuyển động trên các mặt động học, động lực học cùng những kết quả của việc nghiên cứu về kim loại học. Nghệ thuật âm nhạc hình thành và phát triển từ những kết quả nghiên cứu và thể nghiệm về âm thanh. Văn học nghệ thuật hình thành từ khát vọng hướng tới cái đích Chân-Thiện-Mỹ, từ sự thấu hiểu và cảm thông với những thân phận con người cùng quá trình nghiên cứu, thể nghiệm bố cục và quy mô của ngôn ngữ. Tiến bộ xã hội được hình thành từ hai điều trăn trở cháy bỏng: Muốn hiểu thấu đáo tại sao con người cứ luôn làm khổ, thậm chí xử xự độc ác với nhau và khát vọng xây dựng một xã hội ngay thẳng, tự do, bình đẳng, bác ái và tràn ngập tiếng cười ...

 

*

 

Thuở lọt lòng bạn rất ham bú sữa mẹ. Khi cai sữa cho bạn, mẹ bạn bôi nhẹ một lớp dầu gió lên bầu sữa. Bạn ngậm vào và bỗng khóc ré lên vì cảm giác nóng rát cả môi và lưỡi. Nhưng sau lần thứ hai thì, mặc dầu vẫn thèm lắm, bạn cũng ưỡn người, đẩy bầu sữa ra xa, nhất quyết chẳng màng nữa. Trong con người bạn, cái lệnh IT đó đã vận hành. Mẹ bạn nắm được tính tất yếu của hành vi đánh giá này và lợi dụng nó để đánh lừa bạn. Lớn lên một chút, nếu có ai đó trêu chọc bạn, tỏ ý xin bằng được quả cam bạn đang cầm trên tay thì bạn liền nghiêm trọng, trợn mắt bí hiểm, dẩu môi thì thào: Cay lắm đâ ... ấy! - Đến đây, dường như bạn đã nắm được một đạo lý của tự nhiên “thấy cái hại thì phải tránh” để lừa ông người lớn lịch duyệt đầy mình kia, giữ lấy quả cam cho mình. Đến tuổi cắp sách đến trường, thỉnh thoảng lại nhớ tới lời ông bà cha mẹ dặn: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Ở trường học, bạn sẽ kính yêu thày cô, quý mến bạn bè. Nhưng mức độ kính yêu và quý mến đó sẽ không phải là hằng số đối với tất cả thày cô và bạn hữu; thậm chí, ngay cả đối với người mà bạn yêu quý, nó cũng thay đổi theo thời gian, theo cái hệ quy chiếu quan niệm - có thể thay đổi - mà bạn chọn. Thủy chung là một tình cảm tốt đẹp và tưởng như không bao giờ xê dịch, nhưng rốt cuộc cũng không nằm ngoài luật biện chứng. Thuở phong kiến, chúng ta thường tung hô vạn tuế! Gần đây lại hân hoan cuồng nhiệt với những sự vô vàn muôn năm hoặc bừng bừng lửa hận không biết từ đâu tới với những sự đả đảo, bài xích vô tư vô hạn. Trên đời này có cái gì nhất thành bất biến? Có chăng, chỉ riêng với lý tưởng hướng đến Chân-Thiện-Mỹ, sự thủy chung của con người mới thực sự chưa bao giờ xê dịch; đúng hơn, nó không ngừng xê dịch theo hướng tiệm tiến với cái đích đã chọn. Thủy chung mang tính thiện. Bảo thủ không như vậy. Bảo thủ thích mặc cái áo thủy chung và, sau đó, lâu dần, chính nó cũng thành thật, thậm chí kiên định mà tin rằng chính nó là thủy chung. Bảo thủ và thủy chung là hai khái niệm dễ bị “nẫn nộn”, thường bị cánh muội tâm mê đắm quyền lực láu cá đem ra chơi trò đánh tráo và được các nhà tư tưởng trường phái giả kim thuật đem ra làm trò xiếc giữa chợ phiên.

 

*

 

Thuở còn trẻ, khi tìm bạn gái, trông cái mặt như bò đội nón vậy thôi, chứ thực ra, chàng nào nàng nào cũng “soi” lắm đấy. Đến khi thấy ưng ý, lại bảo bạn bè cho ý kiến tham khảo. Khi con cái đến tuổi có quyền lợi được góp phần xây dựng xã hội tươi đẹp thì liền đưa ra định hướng có căn cứ khoa học thường thức: “Cái ngữ mày, tuy có tí chút khả năng nhưng xương sống không có đốt, đầu óc lại thiếu cái mềm mại của “pháp nuật” chân thực, cả đời chẳng thốt ra được câu nào mượt mà thỏa đáng hoặc óng ánh huy hoàng, tung bay thời sự ... khôn hồn thì ra làm anh tư nhân kinh doanh tự tại, không hại quỹ công, thuế má chuyên cần, lời ăn lỗ chịu. Nếu do quá yêu thích cái sự làm người mậu dịch thì dứt khoát phải lao tâm khổ tứ, cất công đi tìm chỗ nào có cha thủ trưởng thông minh, ngay ngắn, hết lòng với công việc mà theo. Bể Đông tiếng là rộng và sâu nhưng dưới đáy, lẫn trong cát, vẫn tìm được vàng ròng”. Về cái đại sự thứ hai, vì lý do ý nhị, thường nói xa nói gần, kể chuyện này chuyện kia, cũng để nhắc nhở chúng chọn vợ chọn chồng cho cẩn thận, cốt lấy cái đức làm căn, lấy cái đạo làm cốt. Chúng cười ngặt ngẽo, bảo: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”, phải không bố mẹ? - Phải. Nhưng chúng giễu cợt ta đấy. Mặc. Chẳng buồn. Không tự ái. Nếu không, Trời sinh ra bố mẹ để làm gì? Tông và giống, tuy có vẽn hai chữ, nhưng thực sự là cả một kho kinh nghiệm và muốn thực hiện được lại cần có cả một sự quan sát tinh tế cùng một năng lực đánh giá sắc bén nữa. Song, kiểu chọn bạn trăm năm này có lẽ thích hợp cho số đông. Số ít, bị Giời đày, Ngài lại ban cho năng lực yêu. Không giống giải lụa vua ban cho những kẻ triều thần khiến vua kém vui, khó mà nói thứ năng lực này sẽ dẫn con người ta đến bến họa hay bờ phúc bởi dường như nó làm triệt tiêu công năng định tính định lượng của lệnh “IT”. Ngài là giống đực. Lỗi sáng tạo này mang đậm hơi hướng giới tính, thường xuất hiện khi thi hứng trong Ngài đột nhiên bùng phát thăng hoa. Chàng, một khi đã phải lòng, nhìn “mười tám gánh lông” trong lỗ mũi của nàng mà cứ ngỡ như “tơ hồng trời cho” và khi nàng ngáy ngủ, tiếng ngáy vang rền nền nẩy ấy đã khiến cho căn nhà xập xệ, trước đấy vốn ảm đạm là thế, nay trở nên mới vui tươi làm sao. Những thông số mỹ học dùng để đánh giá nhất tề trốn tiệt đi đằng nào. Các ý niệm giàu-nghèo, sang-hèn, xấu-tốt, thiện-ác, bạo chúa-cùng dân, khoảng cách tuổi tác, Tư tưởng-thù hận ... thậm chí cả sự sống-cái chết, đối với chàng, xem ra cũng chỉ đáng đem so sánh với cái đinh đã bị ôxy hóa lâu ngày.

Mẹ Mìn và Ba Bị rất biết cách làm cho trẻ con vui thích; họ là những kẻ say mê thủ ác, liều lĩnh hành ác nhưng hiểu thấu đáo lẽ trời. Các nhà giả tưởng sơ cấp từng bảo: Rồi của cải sẽ tuôn ra dào dạt, sẽ làm theo sức lực nhưng được hưởng theo mức mình cần. Các nhà giả tưởng thứ cấp lại bổ sung, nâng cấp: Khi ấy, bị tước quyền lao động sẽ là hình phạt nặng nề nhất đối với một con người. Tư tưởng duy mỹ, nghiêm khắc và hóc búa này đã khiến toàn thể giới cái bang hoàn vũ hồn nhiên nhập tâm, thấm thía thán phục và cất lời ngợi ca sâu sắc. Số còn lại, đầu óc có phần lãng mạn, nhận ra đôi cánh dịu dàng và vĩ đại của hai chữ tuôn và dào dạt mà ngộ ra: Thơ mộng dứt khoát là thứ tình cảm độc quyền cao quý của các nhà văn thơ có con tim nhớn không ngừng dào dạt tuôn ra những cảm xúc hành chính cao cả, tung hê nháo loạn theo chiều gió, thứ mà, theo cách nhìn của giới vật lý, là hiện tượng chuyển động có chiều hướng chẳng bao giờ ổn định của những khối không khí.

Cờ sinh ra vì gió hay gió sinh ra vì cờ? Gió cũng có thứ độc, thứ lành, thứ vô thưởng vô phạt. Thứ độc gây bệnh trúng phong, chứng cảm hàn; thứ lành khiến cho mùa màng tốt tươi, vạn vật hồn nhiên, hiền hòa và tươi sáng. Địa ngục và Thiên đường, loanh quanh thế nào, lại hóa ra hai gã hàng xóm đi chung ngõ và thỉnh thoảng, vào những thời khắc tâm đắc đam mê, thăng hoa tâm huyết lại hay bước nhầm vào cổng nhà nhau. Sự nhầm lạc này cũng gây ra một số lộn xộn mang tính trần ai cao. Đứng trên hệ quy chiếu Luân lý đậm đà bản sắc cổ truyền mà xét, hành vi này là cực kỳ nghiêm trọng; nhưng nếu ngồi trên hệ quy chiếu ba chiều, chiều nào cũng có tên là “phải”, thì bèn cười khẹc khẹc mà rằng: Ngộ nghĩnh chéo ngoe quá thể!

 

*

 

Khoa học hướng nội và hướng ngoại đều quan tâm đến hệ thống thông số đánh giá. Khoa học hướng nội chủ về định tính. Khoa học hướng ngoại lại chủ về cả định tính lẫn định lượng. Tính-Lượng giao duyên và kết quả của mối lương hôn này thường được thể ra dưới dạng hàm số và con số. Hướng nội nói thông minh là nghĩ nhanh nghĩ sáng; Hướng ngoại bảo thông minh là có chỉ số IQ cao. Hướng nội thấy ánh sáng đi thẳng nhưng hướng ngoại bảo lúc cong lúc thẳng. Hướng nội đánh giá sự tiến bộ của một nền kinh tế bằng nhận xét mang phong cách đinh đóng cột: được nâng lên một tầm cao mới; trong khi Hướng ngoại lại căn cứ vào con số phần trăm GDP tăng trưởng khô như nắng. Thi nhân và thợ đóng gạch là những đồng nghiệp bằng mặt. Với Ga-li-lê, việc trái đất quay quanh mặt trời hoàn toàn không theo theo ý của ai trong khi đồng loại của Ngài ở châu lục kề bên lại nhất loạt cảm động trầm trồ nức nở ngợi ca sự huy hoàng chưa từng thấy của bộ triều phục trên người một vị hoàng đế đang cởi truồng hoặc dễ dàng đồng thuận cao rằng con vật thanh thoát, cứng cỏi, tri tình, có khả năng phi ngàn dặm một ngày đích thị là con dê. Khái niệm thức thời và lẽ thông biến đã bị bóp méo, sa đọa hóa trên thế thượng phong nhơ nhớp và độc ác. Có nhận xét cho rằng phương Đông là trung tâm sản xuất và tiêu thụ hàng giả thế giới. Điều này có thể đã khiến người Nhật và người Hàn Quốc giận dữ và thở dài. Đã từng có người bừng bừng lửa hận, gầm lên rủa xả vì sự tự tử không thành do mua phải thuốc diệt chuột rởm. Đôi khi, hàng giả cũng phô ra mặt tốt đẹp của nó. Cái sai lệch, cái ngớ ngẩn của thứ hàng giả biết đâu, đôi khi, lại là những gợi ý nâng cấp hoàn thiện cho thứ hàng chính phẩm.

Học vị là chứng chỉ kiến thức, là thông số đánh giá năng lực giúp cho các nhà quản trị xã hội đặt người vào đúng việc. Đạt được một học vị cao là chuyện thực sự không dễ dàng. Bạn sẽ làm việc hoặc nhận được việc làm và được thụ hưởng một giá trị vật chất ở mức tương ứng với mức tích lũy kiến thức của mình. Trong công việc, gặp lúc ách tắc khó khăn, nguy cơ đổ bể cao, người ta cầu người có khả năng. Khi ách tắc được giải quyết, công việc vào nếp lưu loát hanh thông, người ta vỗ tay hoan hô. Khi tiếng vỗ tay hoan hỷ vừa dừng lại, những cặp mắt liền nhất loạt hướng những ánh nhìn trìu mến, thán phục và thổn thức niềm tin yêu hy vọng về phía giám đốc, trưởng phòng tài vụ và trưởng phòng tổ chức. Thời chiến tranh, không có những người dũng cảm mưu trí không xong. Thời bình, một cách nhân văn, thiên hạ chuyển sang ưa thích sự mềm nuột ngọt lừ nên gươm súng trở thành những vật tầm thường nguội lạnh, giỏi lắm cũng chỉ được treo làm cảnh trên các bức tường các “tân salông” sang trọng. Đã lâu lắm không thấy ai nhắc đến chữ a dua nữa. Người ta bảo bởi nó đã được tự động tự giác phổ cập, trở thành niềm vui và nhu cầu yếm khí có tính máu thịt. Giải thích chuyện này, mấy anh bên ngành vi tính học thích dùng chữ mặc định. Đặc tính của thớt là tanh. Không tanh không phải thớt. Ruồi thích tanh nhưng không yêu thớt. Mặt thớt là nơi không hẹn mà tụ hội của các ruồi nhớn ruồi bé và không nhớn không bé, là nơi vì cùng chí quần thực mà cắn xé nhau, cắn xé nhau mà vẫn chung thớt, vẫn chung thớt bởi vì cùng chí.

Có một thời, người ta kêu ca nhiều về cái sự giao trọng trách cho những người không có bằng cấp. Nhưng, xét cho cùng, bằng cấp ngày nay là những tờ giấy có in chữ và ký chữ trong thời đại công nghệ in ấn dễ dàng cho ra những sản phẩm đẹp như mây, nhẹ như gió. Và, lập tức, xuất hiện một dàn hợp xướng chuyên hát vang hành khúc: Đời chúng ta ai có cầu thì ta có cung (!). Có bán có mua tất có chợ. Có chợ thì có đong đưa, có à ơi, có mặc cả, có lừa đảo, có móc túi, có ăn hiếp, có thày bói chuyên nói điều vuốt ve phỉnh nịnh. Có chợ thì có loại cân một cân ăn bảy lạng, có nước hoa Pháp made in không phải nước Pháp, có kẻ tự giác biến mình thành thứ hàng hóa thớ lợ và tôi mọi... Ngày nay, hơn bao giờ hết, một lần nữa, nhà chùa lại quả quyết: Chợ là môi trường tu dưỡng cao nhất. Xét cho cùng, nhà tù cũng là môi trường tu dưỡng; có điều, ở đó không ai phải nâng cao tinh thần cảnh giác bởi đó là nơi an toàn nhất, có nhiều thày giỏi nhất để dạy và học những kiến thức và kỹ năng nào đó mà vì những thứ này người ta đã phải vào tù. Nhà tù kiên cố và xám ngoét là nơi nhốt chứa hầm bà làng, là mái nhà chung của sự vĩ đại cao cả và tội đồ nhơ nhớp; là cái giường chung của kẻ lương thiện và gã lưu manh. Bộ não bị nhốt trong hộp sọ bởi nó là nơi lưu giữ các phần mềm lương tri lương năng và lệnh IT kia; là cội nguồn của trí tuệ, của sự tự do hướng về ánh sáng mà sáng tạo, rất quý và cần được bảo vệ. Nhà tù là nơi nhốt các hộp sọ bởi nó cần được giam cầm.

Gần đây, một số người, phần nào cực đoan, đã cực lực phản đối việc đem quan tài của những “quý ông bà” tham nhũng chôn vào các nghĩa trang của lương dân. Họ đòi phải lập một nghĩa địa dành riêng cho những “quý nhân” đó và thậm chí, mặc dù còn thuộc diện xóa đói giảm nghèo, vẫn sẵn sàng quyên góp tiền để xây cất một cái cổng khang trang cho cái nghĩa địa này. Một số người dẫn lời các cụ xưa, bảo cái chết sẽ đưa mọi người ta đến chỗ bình đẳng bởi lúc ấy dấu tích của bất cứ ai cũng chỉ là cái mả và chẳng có mả nào được gọi là cụ mả, quý ông mả, thằng mả, đồng chí mả bao giờ. Các vị cực đoan liền bác lại: Đồng ý là vậy, nhưng vẫn có mả của ngài A, mả của cụ B, mả của quý ông C, mả của thằng D con Đ ... và chôn cùng chỗ như thế thì đã vô tình hoặc mặc nhiên ... xúc phạm đến những cao linh, thiện linh đáng kính của chúng ta. Đã có nghĩa trang giành riêng cho những người có công với dân nước thì tại sao lại không có nghĩa trang để riêng cho những kẻ mang tội với dân nước?

 

*

 

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước có nhiều người hiền tài. Dựa vào đâu mà biết? - Thủ tướng của họ chẳng bãi nhiệm mà từ chức xoành xoạch và do đó kéo theo chính phủ cũng thay đổi xoành xoạch. Vậy mà guồng máy quản trị xã hội vẫn chạy trơn như thường, mức tăng trưởng GDP vẫn không xoàng.

Nước ta dân có đến hơn tám mươi triệu mà sao “Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”. Sao biết? - Mới có “một bộ phận nhỏ” quan chức nhà nước bị coi là mua bằng bán cấp, mua quan bán chức, xằng bậy nhung nhăng ... không có khả năng tiếp thu tư tưởng Hồ Chí Minh mà một vị lãnh đạo cấp cao đã suy tư lo lắng về cái nguy cơ “lấy ai mà làm việc” nếu cứ thấy sai là cách chức.

 

*

 

Vải Thiều Thanh Hà nổi tiếng thơm ngon. Nhưng không ai nói rằng cứ vải Thanh Hà thì đương nhiên là ngon. Bởi, không cẩn thận, vẫn mua phải những quả vải sinh ra từ chính đất Thanh Hà nhưng chua và nhạt, nuốt không trôi. Những quả này là sản phẩm của những cây vải Thiều đã quá già, sức hấp thụ khí trời và tinh đất đã quá kém; hoặc là sản phẩm của những giống không phải vải Thiều, trà trộn vào đất Thanh Hà. Vì vậy, xin các vị buôn quả vải chớ ỡm ờ xuất xứ, lập lờ thương hiệu, gian lận phẩm chất để kiếm lợi riêng, lừa người mua phải trả tiền cho những quả vải nhạt thếch, chua loét xuất ra từ đúng xứ Thanh Hà. 

Trong vũ trụ, chẳng có gì có thể đứng một mình. Do tương tác của trường lực hấp dẫn, tất cả các tinh tú được định vị và ổn định một cách tương đối như hiện tại. Thử nghĩ xem, nếu vì một lý do nào đấy, hệ mặt trời bỗng khuyết đi sao Mộc và trái đất mất đi Mặt Trăng, điều gì sẽ xảy ra? Có thể bán kính quỹ đạo chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời sẽ nhỏ đi; điều này sẽ khiến Trái đất nóng lên khủng khiếp. Cũng có thể Trái Đất tách khỏi Hệ mặt trời của nó mà lang thang trong vũ trụ để tìm một thế ổn định mới; điều này có thể sẽ khiến Trái Đất trở nên băng giá và không còn sự sống.

Thử tưởng tượng xem, một xã hội sẽ ra sao khi hệ thống đo lường bị nhiễu loạn và hệ thống đánh giá không được coi trọng; khi dược sỹ dùng một cái cân sai để làm thuốc cứu người, khi con người hít thở xả láng trong bầu không khí thoảng hương hóa chất và dùng bữa bằng thịt cá ướp hóa chất; khi Lý Thông xông xênh sành điệu trong bộ thời trang Thạch Sanh, khi bằng cấp được thế vào chỗ bức tranh Đám Cưới Chuột trên tường phòng khách, khi tính thiện bị cười nhạo và phỉ báng, khi sự ngông cuồng được coi là biểu hiện cứng cỏi của trí tuệ, khi pháp luật lỏng lẻo đến mức biến thể vô định hình và công lý trở thành trò công diễn; khi trí tuệ, tri thức bị coi là kẻ thù và sự nhẫn nhục được khuyến khích, cổ vũ; khi “kiến nghĩa bất vi” mới được coi là bậc “thức giả” khôn ngoan, khi người ta dần quên đi công năng triết học của tai, mắt, miệng ... 

Hệ thống các thông số và đơn vị định tính định lượng sự vật dùng để đánh giá sự vật một khi bị rối loạn tất dẫn đến một xã hội nhốn nháo đảo điên. Xã hội nhốn nháo đảo điên là môi trường lý tưởng cho đủ loại cái ác phát sinh, phát triển và “phát dã như lôi”. Cò thích tìm đến chỗ nước đục. Cái ác luôn ngấm ngầm, thổn thức cầu mong sao cho cái sự nhốn nháo đảo điên được muôn năm đảo điên nhốn nháo. Tuy vậy, không phải bao giờ ông trời cũng khoái làm ra những sự nhung nhăng.

 

NLT - 31/01/2012