Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BỨC “TỨ BÌNH” THƠ MỚI TÌM THẤY CỦA HƯƠNG SƠN CƯ SĨ NGUYỄN HỮU KHANH

Đỗ Quốc Bảo
Thứ năm ngày 19 tháng 1 năm 2012 8:01 PM
 

Tuy chỉ học hết nhị trường nhưng kiến văn, tư tưởng của cụ được nhiều văn thân, sĩ phu tôn trọng, đề cao. Khi Tập Xuyên Ngô Đức Kế (1878-1929) mở "Giác quần thư xã" tại Hà Nội, cụ đã rời Thành Sơn, trở thành môn khách đặc biệt của Tiến sĩ họ Ngô. Cụ đã góp phần phổ biến tân thư, cổ động tư tưởng canh tân đất nước cho giới trẻ. Người cùng thời tôn cụ là “bậc đại bút” của Xứ Đoài.

XỨNG VỚI “TIẾNG THƠM HƯƠNG NGẢI”

Hương Sơn cư sĩ Nguyễn Hữu Khanh (1875-1946), quê ở Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội), làng khoa bảng hàng đầu của cả nước. Cụ được coi là "bậc túc nho thời hiện đại", "Nhà nho tài hoa lãng mạn" như đánh giá của Danh nhân văn hóa Nguyễn Tử Siêu (1887-1965). Năm 1903, cụ mở một cửa hàng đối trướng tại Cổng Hậu (nay thuộc TX Sơn Tây, Hà Nội), khách hàng rất đông. Các văn hoá phẩm mang nội dung giáo huấn lành mạnh từ của hàng của cụ đã được khách hàng đưa đi muôn phương.
Tuy không đỗ đạt gì và tự nhận là “còn kém cỏi” nhưng những gì cụ đã sống và để lại cho đời đã được đánh giá xứng đáng. Cụ đóng góp vào việc phát huy truyền thống quê hương ở góc độ văn hoá tổng hợp, đặc biệt là nêu cao tinh thần yêu nước, thương dân; bất hợp tác với những kẻ chức dịch cậy quyền hợm của. Việc cụ gắn bó với "Giác quần thư xã", một tổ chức tiến bộ đương thời, là đỉnh cao trong tư tưởng và hành động của một người làng Ngái đã sống xứng đáng với quê hương.
 
BỨC “TỨ BÌNH” THƠ ĐỘC ĐÁO
 
Trong nhiều năm qua, các ông Nguyễn Xuân Điềm và Nguyễn Tam Sơn, cháu của cụ Khanh, đã tìm thấy nhiều di cảo quý của cụ. Trong đó, quý nhất là bản chép tay tổng vịnh các nhân vật Truyện Kiều, viết bằng chữ Nôm. Đó là tác phẩm duy nhất ở Việt Nam vịnh đủ các nhân vật trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du (1766-1820).
Mới đây, hai ông lại tìm được 4 bài thơ, nguyên tác chữ Hán, viết trên giấy khổ lớn. Có lẽ, lúc sinh thời, cụ đã cho học trò treo các bức tranh thơ này ở  thư phòng. Đáng mừng là mặc dù đã qua gần 70 năm nhưng các bản viết vẫn còn nguyên vẹn. Do tác giả không đặt tiêu đề từng bài nhưng nội dung viết về "4 mùa" trong một ngày nên tạm gọi đây là bức “tứ bình” thơ (đầu đề của ĐQB).

Bài 1.  Tình song tảo giác ái triêu hi

Trúc ngoại hoài thanh tiệm triệu uy
Mệnh bộc an bài tân noãn các
Hô đồng ủy thiếp cựu thì y
Diệp phù nộn lục tửu sơ thục
Đẳng thiết hương hoàng thái chính phì
Dung cúc mãn viên giai khả tiển
Thưởng tâm tòng thử mạc tương vi.
  
Dịch thơ:                    BUỔI SỚM

Bên song sực tỉnh bóng dương soi
Nghe gió bờ tre báo lạnh rồi
Sai bộc sửa sang cho gác ấm
Bảo trẻ thu xếp áo bông thôi
Lá xanh nảy búp rượu vừa cất
Án nức hương thơm hứng cũng mùi
Sen cúc đầy vườn sao yêu thế
Cảnh này cùng thưởng trọn niềm vui.

Từ ngữ, hình ảnh thật sáng trong như buổi sớm mai. Tâm hồn nhà thơ cũng thật thanh khiết giưã thiên nhiên quê kiểng đầy màu sắc và rất đỗi yên bình. Một ngày mở đầu như thế, thật dễ chịu, đáng yêu làm sao.

Bài 2.  Bán yểm châu môn bạch nhật trường

Hiển phong khinh trụy lạc Mai trang
Bất tri phương thảo tình hà hận
Chỉ quái nhân sầu ý dị thương
Tài kiến tảo xuân oanh nhất cốc
Dĩ quyên tân hạ yến sào lương
Tương phùng chỉ lại như La Tửu
Nhất khúc cuồng ca nhập cố hương.
  
Dịch thơ:     BUỔI TRƯA

Cửa son khép nửa suốt ngày dài
Gió đùa mê mải lạc trang Mai
Biết đâu cỏ sắc nên tình hận
Lạ cho lòng khách dễ sầu ai
Vừa tiễn xuân đi oanh thôi hót
Hè về én kết đôi trên rường
Gặp nhau nâng chén nồng La Tửu
Một khúc cuồng ca nhập cố hương
Nghe trong câu thơ cũng như có lửa mùa hè. Đó là nhiệt tình sống của người luôn gắn bó với quê hương, với nhân quần như Nguyễn Hữu Khanh.

Bài 3.     Khúc kính nê tân vãn chiếu minh

Tiểu hiên tài ái nhất sàng hoành
Biên biên nhũ ý xuyên liêm ảnh
Sắc sắc tân hoàng giải thác thanh
Dược vật bính trừ tri bệnh giảm
Mộng hồn an ổn giác tâm bình
Thâm cư bất hận vô lai khách
Thời hữu sơn bàng tự tán danh

Dịch thơ:           BUỔI CHIỀU

Bóng chiều chiếu sáng khúc ngõ quanh
Hiên nhỏ kê giường thú một mình
Dào dạt qua rèm sinh hứng mới
Xạc xào trút lá bụi tre xanh
Bệnh thôi dùng thuốc đà thuyên giảm
Dứt mộng nên tâm được ổn bình
Ở quê chẳng lo nhà vắng khách
Tháng ngày nhàn nhã chẳng màng danh.
 
Riêng trong bản chép bài này, có lạc khoản: "tuế tại Kỷ Mão hạ; Hương Sơn túy bút" (Mùa hè năm Kỷ Mão 1939, Hương Sơn say viết). Theo đây ta biết các bản viết 4 bài thơ đã tồn tại 69 năm.
 Bài này nói rõ chữ “nhàn” - thú nhàn mà các nhà nho ta ngày xưa thường đề cao. Sống nhàn không phải là quay lưng với đời mà là chọn lối ứng xử phù hợp khi mà chí nhà nho chưa tìm được nơi thoả mãn; nhất là trong hoàn cảnh đất nước còn đang lầm than, nhân dân còn đang trong vòng nô lệ.
  
 Bài 4.  Phong quyển phù vân tán cửu khu

Hai thiên dục triệt nguyệt luân cô
Tam bôi sảng khí lăng hương bích
Nhất điểm hàn quang chiếu thái hư
Cuồng khách túy cam cường bạch trữ
Tố Nga khởi vũ kích thương ngô
Hà tu canh mịch thần tiên thuật
Ngã dĩ tàng thân bạch ngọc hồ.

Dịch thơ:      BUỔI TỐI

Gió cuốn mây bay hết cả rồi
Trời cao biển rộng nguyệt chơi vơi
Vách hương tỏa sáng vui vài chén
Vầng sáng treo cao lạnh chín trời
Áo vải khách cuồng say thi tứ
Tố Nga yểu điệu động cành ngô
Chẳng cần tìm thuật thần tiên nữa
Thân ta tàng ẩn bạch ngọc hồ.

Ở bài này, mong muốn thoát tục thể hiện khá rõ. Nếu đọc kĩ, thấy có tâm trạng: cái thú sống là sống giữa đời, chẳng cần tìm ở đâu xa - rất lành mạnh và tích cực. Nhưng, bên cạnh đó, dường như lại có một chút mâu thuẫn: muốn tàng ẩn trong hồ rượu, lấy đó mà say, mà quên đi những muộn phiền. Điều này có thể cảm thông vì không chỉ riêng cụ mà nhiều nhà nho đương thời cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Duy có điều, ở cụ, không có sự bi luỵ, chán đời - đó là nét tích cực chủ đạo cần đề cao trong thơ bậc “đại bút” Nguyễn Hữu Khanh.