Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG TIẾNG BOM

Em Giai
Thứ tư ngày 18 tháng 1 năm 2012 3:22 PM
1-TIẾNG BOM SA ĐIỆN

Phạm Hồng Thái tên thật là Phạm Thành Tích, con quan Huấn đạo Phạm Thành Mỹ. Ban đầu theo cụ Phan Bội Châu,  Phạm Thành Tích theo phong trào "Đông du" ( đi du học Phương Đông) những mong thu thập kiến thức đem về giúp dân, giúp nước. Nhưng bị thực dân Pháp không chế, ngăn trở,  triều đình nhà Nguyễn  thì bạc nhược, hèn hạ. Bao nhiêu kiến nghị, thư ngỏ của anh thanh niên Phạm Thành Tích đều bị bọn chúng khước từ, vứt sọt rác. Túng thế,  Phạm Thành Tích cải tên thành Phạm Hồng Thái gia nhập nhóm Tâm Tâm xã chủ trương bạo động. Đêm 18/6/1924, Toàn quyền Merlin cùng các thương gia Pháp ở Quảng Châu tổ chức bữa tiệc nơi tô giới Sa Điện. Phạm Hồng Thái cải trang thành nhiếp ảnh gia, đem quả bom vào ném nơi bàn tiệc. Năm người Pháp chết ngay tại chỗ. Trùm Merlin may thoát chết, chỉ bị thương nhẹ. Phạm Hồng Thái bị bắt, bị truy bức,  cùng đường nhảy xuống dòng Châu Giang tự vẫn khi tuổi đời vừa 28, ôm trong lòng hận mất nước. Thực dân Pháp vớt xác Phạm Hồng Thái bỏ lăn lóc nơi bờ Châu Giang, sau người dân Trung Quốc đem đi chôn cất. Sau  cách mạng Tân Hợi, Tỉnh trưởng Hồ Hán Dân đem cải táng nơi Hoàng Hoa cương với tấm bia mộ ghi bằng chữ Việt: “Việt Nam - Mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái.”.

2-TIẾNG BOM NỌC NẠN

Nói  "Tiếng Bom" là ví von về sự vang dội của sự kiện gây náo động dư luận một thời khắp Nam kỳ, lục tỉnh về công cuộc khai hoang, vỡ hóa Miền Tây Nam bộ.
Trước năm 1900, cha Hương chánh Luông khai phá cánh rừng cạnh Rạch Nọc Nạn, thuộc tỉnh Bạc Liêu được 73 mẫu đất. Năm 1910, Hương chánh Luông mới làm đơn chính thức xin khai khẩn 20 mẫu đất và được cấp giấy chứng nhận. Năm 1912, lại làm đơn xin cấp bằng khoán cho toàn bộ sở đất 72 mẫu và được cấp bằng khoán chính thức chủ sở hữu . Năm 1926 xảy ra việc tranh chấp kiện tụng, người Pháp phân xử xong chỉ cấp cho người thừa kế là Biện Toại cái bằng khoán “tạm”. Vì chữ  "tạm" này mà nẩy sinh vụ “khẩn úp bộ”.  Mã Ngân, còn gọi là Chệt Tắc, mưu mô thâm độc "đi đêm" móc nối với bọn quan phủ tham nhũng, hòng chiếm 50 mẫu đất của Biện Toại. Chệt Tắc mua miếng đất nhỏ cạnh đất Biện Toại. Khi làm giấy tờ, Mã Ngân vẽ ranh giới thửa đất trùm lên cả 50 mẫu đất của Biện Toại. Thế là hắn có cái "bằng khoán" chủ sở hữu 50 mẫu đất của Biện Toại. Từ chủ đất gia đình Biện Toại bỗng trở thành tá điền ngay trên mảnh đất do cha ông nhọc nhằn khai phá! Vì vậy, quyết không nạp lúa tô cho chệt Tắc. Chệt Tắc không ăn được bèn bán tháo cho chị dâu là chủ quận Giá Rai. Nhà quyền thế này ra lệnh “cưởng chế” thu lúa địa tô. Sau hai lần bọn tay chân không thu được tô, quân Tây mới đích thân đưa lính tới yểm trợ chức dịch làng cướp lúa.  Ngay đêm trước, anh em nhà Biện Toại họp nhau trước bàn thờ ông bà lạy báo hiếu, lạy vĩnh biệt mẹ già rồi bàn tính kế hoạch ngày hôm sau liều thân chống lại cường quyền, giữ đất, giữ nhà.
Ngày 16/2/1928,  cô Trọng xung trận trước. Cô đòi quan Tây phải cấp biên nhận tịch thu lúa cho cô để làm bằng. Thằng Tây ngang ngược, không cấp, còn bạt tai cô. Cô chẳng nói chẳng rằng rút dao đâm luôn. Hắn bẻ tay cô để thằng khác đập vào đầu cô một báng súng, ngã ngất xỉu. Cả nhà Biện Toại xông ra. Mười Chức cầm mác dẫn đầu. Cò Tây Tuốc nê bắn ông một phát. Ông bị thương nặng mà vẫn gắng sức rướn tới đâm hắn một mác vào bụng, lòi ruột.
Súng nổ, dao chém một hồi loạn xạ, rốt cuộc  17 người chết. Bọn cò Tây, tay sai, cường hào, ác bá chết là đáng đời. Chỉ thương cho vợ chồng Mười Chức, nắm tay nhau ngã xuống, máu đổ chan hòa trên mãnh đất cha, ông.
 Ngày tòa án xét xử, nhờ tất cả báo chí Sài Gòn viết bài bênh vực, loan tải khắp nước nên thực dân Pháp và bọn tay sai cũng biết “xấu hổ”, tha bổng cha con Biện Toại, giảm nhẹ án cho cô Trọng và các người khác.

3-TIẾNG BOM CỐNG RỘC

Vài chục năm về trước, hai anh em nhà họ Đoàn là Đoàn Văn Vươn và Doàn Văn Quý bán hết tài sản, cửa nhà ở Bắc Hưng kéo nhau ra Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng lập nghiệp, bằng cách khai hoang, lấn biển mà có được hàng chục héc ta đầm nuôi thủy sản và vườn tược.
Do chính sách đất đai  của Nhà nước còn nhiều bất cập, không minh bạch nên ngày 5/1/2012  quan chức địa phương lợi dụng kẽ hở của pháp luật đã sử dụng lực lượng vũ trang đến cưỡng chế thu hồi đất. Bom và súng của Đoàn Văn Vươn đã nổ chống lại , sát thương 6 cảnh sát và bộ đội.. Ngày xưa, thực dân và bọn tay sai tha bổng cho Biện Toại. Còn bây giờ, đang chờ sự phán xét của các cơ quan công quyền. Hãy chờ xem!