Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỌC LẠI ĐOẠN ĐẦU TRUYỆN THƠ MẸ CON ĐỒNG CHÍ CHANH (1954) CỦA NGUYỄN ĐÌNH THI

Lại Nguyên Ân
Thứ năm ngày 12 tháng 1 năm 2012 3:25 PM
 
Không nhớ là vào hồi nào tôi đã đọc một phần hay toàn bộ truyện thơ “Mẹ con đồng chí Chanh” của Nguyễn Đình Thi (sách do Ngành văn nghệ trung ương xuất bản, Việt Bắc, 1954). Nhưng trong trí nhớ thì chẳng bao giờ quên được. Vì sao thế? Vì nó hay ư? Chắc không phải. Có lẽ chỉ đơn giản vì nó đến chiếm chỗ trong trí nhớ tôi ngay từ thuở tôi còn rất nhỏ.
Những ngày này bỗng nhiên tôi muốn đọc lại, ít ra là đoạn đầu truyện thơ ấy.
Tôi sẽ chép lại đoạn thơ này theo trí nhớ.
Hình như tác giả đã viết tác phẩm này từ lời kể khổ của một anh bộ đội có tên là “đồng chí Chanh”. Những chuyện kể khổ, tố khổ trong các sinh hoạt của các đoàn thể thời kháng chiến 9 năm (1946-54), khi đi vào các tác phẩm văn học đương thời, thường được mặc định như là hoàn toàn mô tả sự thật. Với công chúng hậu bối như chúng ta ngày nay, chúng ta chỉ cần xem đấy như những trải nghiệm của con người thời trước, thông qua sự mô tả của nhà văn thời ấy.
Đoạn đầu truyện thơ “Mẹ con đồng chí Chanh” kể lại một vụ người nông dân khẩn hoang bị chiếm đoạt đất đai.
Bố mẹ Chanh là những người khai hoang lập nên ruộng rẫy.
Anh Chanh nhớ đất Hải Dương,
Những ngày còn bé, bên sông Kinh Thầy.
Cha anh nắng xạm mặt mày,
Bùn lên ngập bẹn suốt ngày đào mương.
Mẹ vào đồi vắng đốt nương,
Cỏ tranh ngút lửa, đỏ rừng than rơi.
Chiều về trán đẫm mồ hôi,
Nắng hồng đôi má chạy cười với con.
Hoa chanh thơm ngát ngoài vườn,
Mẹ con nhóm lửa thổi cơm chuyện trò:
“Đẻ mày năm trước mùa hoa,
Già Lê mới gọi con là tý Chanh…”
Lao động khẩn hoang của họ đã đem lại những kết quả.
Nương ngô dần đã ngát xanh,
Bùn chua lau rậm đã thành ruộng dâu.
Một vùng sông vắng buồn rầu,
Mấy mùa khai phá nên giàu, tốt tươi.
Tý Chanh năm ấy lên mười,
Sớm đi hái củi chiều phơi rơm vàng,
Em Na em Nụ quanh làng,
Tha nhau len lỏi trần truồng gầy đen…
Cây chanh trĩu quả bên thềm,
Người nghèo làm lụng êm đềm thương nhau…
Nhưng những thành quả ban đầu vừa mới thu được của họ đã bị đe dọa:

Một chiều đường cái xôn xao,
Tiếng còi inh ỏi xe đâu chạy về…
Thằng quan Huyện béo lặc lè,
Chánh Hào khăn lượt áo the đi cùng,
Hai thằng xuống thẳng bờ sông,
Thì thào chỉ trỏ cánh đồng ngô non…
 
Bố mẹ Chanh và bà con trong cái xóm khẩn hoang kia không thể không lo sợ.
Ô tô nó đã xa bon,
Mấy nhà lo sợ về thôn vội vàng,
Tối mờ lén họp dưới trăng,
Bước nguy đã tới ta bàn làm sao?
Ai còn lạ tiếng chánh Hào,
Mặt người dạ sói, giết bao dân nghèo,
Cướp nhà đoạt ruộng đã nhiều,
Tá điền hết thóc nó treo cổng đồn,
Giết chồng rồi hiếp vợ luôn,
Nói ra thì lại oán hờn khôn nguôi…
Người căm tức kẻ sụt sùi,
Bàn đi tính lại bồi hồi đêm sương…

Rồi tai họa đã ập đến thật. Ngay sáng hôm sau. Ruộng bị cướp. Người khẩn hoang bị vào tù.

Sáng mai mây trắng mặt sông,
Nắng lên le lói nhuộm hồng mái tranh.
Đầu làng ai gọi thất thanh,
Bốn bên lính lệ khố xanh ồn ào…
Cha Chanh nắm vội chiếc cào,
Một đoàn xông tới ập vào trói ngay,
Bốn người tay xích một dây,
Vợ con lăn khóc tơi bời kêu xin…
Chánh Hào vào giữa sân đình,
Hằm hằm cười nhạt nó nhìn … nhân dân
“Lũ này cộng sản ngấm ngầm!
Lệnh quan hẵng bắt vài thằng về tra!
Dám toan trộm đất nhà ta!
Cho tù mục thóc, không tha chúng mày!”
Dưới đồng mấy bọn tay sai
Đã đang đo ruộng chăng dây cắm bờ…
Buổi chiều làng xóm ngẩn ngơ,
Người đi bỏ đói trẻ thơ khóc gào…

Gia cảnh nhà tý Chanh phút chốc tan nát.
Mẹ Chanh mắt hốc người hao,
Nhìn con nước mắt chảy trào rưng rưng,
Thương con càng lại thương chồng,
Ruột gan quằn quại tưởng chừng hóa điên,
Muốn liều sống chết một phen,
Tìm thằng địa chủ mà đem băm vằm!
Già Lê tối tối sang thăm,
Lựa lời khuyên giải âm thầm mẹ con
“Đời còn trẻ tuổi còn non,
Còn đàn con đó ắt còn đổi thay.
Đời nghèo lắm nỗi đắng cay,
Dân nghèo rồi sẽ có ngày đứng lên!
Dầu qua trăm bước tối đen,
Gắng nuôi con sống mà xem sau này!”
Người mẹ của tý Chanh tất nhiên phải gượng sống, làm thuê làm mướn nuôi con. Nhưng tai họa vẫn chưa thôi đổ xuống gia đình người nông dân khai hoang ấy:
… Một ngày đang giữa buổi trưa,
Tin như sét đánh bỗng đưa về nhà,
Già Lê nước mắt chan hòa:
“Trong tù nó đã đánh cha chết rồi!”
Mẹ nghe lạnh toát khắp người,
Cắn răng không nói nửa lời ngất đi…
Tất nhiên đây chỉ là phần đầu câu chuyện. Phần sau sẽ là chuyện người nông dân vươn mình, đổi đời. Anh Chanh lớn lên, vào bộ đội, đang cùng đồng đội ôn nghèo nhớ khổ để nâng cao “căm thù giai cấp”…. Đó là chuyện của những năm 1950.
Nhân đây, nhớ tới cả một mảng lớn bị làng văn ta bỏ qua, ấy là mảng sáng tác văn thơ hưởng ứng phong trào phát động giảm tô và cải cách ruộng đất (1953-57). Bây giờ mà có các chuyên gia đọc lại hệ thống lại mảng văn thơ kia, hẳn các chuyên gia trẻ sẽ thấy ra nhiều điều … thú vị chứ không phải chỉ là những thứ ... dở hơi! Rất có thể, với người đọc ngày nay, những tác phẩm ấy đã không còn giữ nguyên được chủ đích tuyên truyền đương thời, ngay cả ý nghĩa “ôn nghèo nhớ khổ” như đã biết.
11/ 01/ 2012
Lại Nguyên Ân