Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯ NGỎ GỬI ÔNG HỮU THỈNH

Bùi Văn Bồng
Thứ tư ngày 11 tháng 1 năm 2012 4:11 PM

TNc: Việc kết nạp hội viên Hội Nhà văn VN nhiều năm nay đã có nhiều ý kiến. Hôm nay tôi nhận được thư của đại tá Bùi Văn Bồng gửi ra với nội dung:
Kính gửi Nhà thơ-Họa sĩ Trần Nhương.
Đây là tâm trạng, là nỗi băn khoăn của tôi. Tôi muốn anh cùng chia sẻ và đưa bài viết này lên trang của anh để rộng đường dư luận. Cảm ơn anh nhé.
Với người bạn thơ từ miệt vườn xa xôi tôi không thể không đưa bài lên trang nhà. Tôi coi đây cũng là công việc xây dựng Hội thân yêu của mình...

 Tôi đã vài lần gặp và có trao đổi những câu xã giao thường tình với ông. Và điều băn khoăn sau đây tôi cũng mong có dịp nói với ông, nhưng từ đất phương Nam xa xôi, tôi cũng ít có dịp gặp ông để trực tiếp bày tỏ. Nay cho phép tôi tâm sự vài lời với ông qua thư ngỏ.

Điều băn khoăn (và khó chịu) đó là chất lượng hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay. Tôi đã nghe nhiều bàn tán dị nghị về chất lượng, số lượng kết nạp hội viên mới hàng năm. Mới rồi, đọc danh sách 41 hội viên vùa được kết nạp, tôi thấy bất ngờ, thấy vô lý và cả sự bất công trong việc kết nạp hội viên. Trong số 41 hội viên có đến 11 hội viên ở Hà Nội, nếu kể cả hội viên quân đội nhân dân, công an nhân dân và văn học dịch đang ở Hà Nội thì lên đến 15 hội viên mới được kết nạp. Trừ thành phố Hồ Chí Minh, 6 tỉnh còn lại ở miền Đông Nam bộ cũng chỉ có 01 hội vien mới được kết nạp. Đặc biệt, cả vùng đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn với 13 tỉnh, thành phố cũng chỉ kết nạp được 01 hội viên (văn), không có cây bút thơ nào được vào Hội. Tôi vẫn nhớ trong một Hội thảo bàn tròn về Văn học vùng ĐBSCL, chính ông đã nói: “Đây là mảnh đất vùng xa, tận phương Nam của Tổ quốc, nguồn tư liệu sáng tác độc đáo, phong phú, đội ngũ những người sáng tác văn, thơ ngày càng đông đảo và chất lượng, Hội Nhà văn Việt Nam rất quan tâm ưu tiên phát triển đội ngũ hội viên ở vùng xa này”…
 
Tôi nói với nhà văn Vũ Hồng: “Ông là  đại diện Ban công tác Hội nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL, qua cuộc kết nạp hội viên này, ông có thấy văn học ĐBSCL kém nhất nước hay không?”. Vũ Hồng nói: “ Tôi theo dõi khá sâu sát về sáng tác của các cây bút ở vùng ĐBSCL, cũng như sự phát triển và chất lượng hoạt động của các hội địa phương, qua đó cũng thấy nhiều cây bút sáng tác đã lâu năm, bền với nghề rất xứng đáng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi  biết ai viết nhiều, ai viết ít, ai viết được hoặc chưa được, ai có sức phát triển, ai đã buông nghề viết.  Tôi đề xuất một danh sách 16 ứng viên, nhưng không hiểu qua các Hội đồng thế nào, cuối cùng chốt lại danh sách chỉ kết nạp được 01 hội viên là nhà văn Trương Thị Thanh Hiền ở An Giang. Với kết quả này, mảng thơ ĐBSCL coi như … ngoài danh sách kết nạp hội viên, cũng buồn”. 

 Tôi lại mới đọc bài “Từ cảm tình, cảm tính đến phiếu trắng” của nhà thơ Inrasara, Phó chủ tịch Hội đồng thơ, đăng trên web báo Tiền Phong, trannhuong.com, inrasara.com, tôi tán thành những tự thuật, những phân tích và lý giải rất chân tình và thẳng thắn của nhà thơ Inrasara như: “Năm ngoái - 2010, lần đầu tiên dự cuộc bỏ phiếu xét kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, tôi đã lớ ngớ và lúng túng đến tội. 90% trong số ứng viên thơ kia tôi chưa hân hạnh đọc thơ họ. Vậy mà tôi vẫn cứ bỏ phiếu. Bỏ phiếu dựa trên bảng lí lịch văn học vừa sơ sài vừa thiếu cập nhật do Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cung cấp. Từ đó xét đoán của tôi không thể tránh khỏi dựa vào sự quen biết, xuất phát từ cảm tình và nhất là phó mặc cho cảm tính qua kí ức khá mơ hồ về các sáng tác của ứng viên kia, để quyết thuận hay không thuận. Nghĩa là đầy chủ quan”.
            
Thưa ông Hữu Thỉnh!

Không nói ra thì ông là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam sang khóa thứ 3 ông cũng biết: Hội Nhà văn Viêt Nam nay có hơn 900 hội viên, nhưng thử hỏi có được bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nhà dịch văn –thơ khi đã là “hội viên Trung ương” viết có chất lượng, yêu nghề, có nhiều tác phẩm có chất lượng đáng nể được giới thiệu ra công chúng? Có không ít những nhà văn, nhà thơ (kể cả danh sách 41 hội viên mới kết nạp 2011) không thấy hình bóng tác phẩm đâu cả, và cũng không có một bài thơ, tác phẩm văn nào được số đông bạn đọc biết đến. Thời @ hiện nay, những gì hay và đọc được người ta thường đưa lên mạng. Nhưng có những hội viên gõ chính xác tên, bút danh lên trang tìm kiếm google.com.vn hầu như chẳng thấy có mấy tác phẩm gọi là “ra hồn”. Có những nhà văn có tên trong danh sách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng người yêu văn thơ, hàng ngày tìm đọc nhiếu nhất, nghe đến danh của họ cũng lạ hoắc. Lại có những nhà văn, nhà thơ đã là hội viên hội nhà văn Việt Nam, nhưng chỉ có một vài bài thơ đăng ở tập san nội bộ ngành, báo địa phương, hoặc dẫu có xin giấy phép  nhà xuất bản nào dó in theo kiểu “dịch vụ” được một vài tập thơ (hoặc văn) thì đọc cũng chán chết. Có những hội viên chạy chọt vào hội hầu như chỉ để giải quyết “khâu oai”, hầu như không viết được gì, và viết ra cũng nhạt thếch, vô bổ. Vào trăng google tra cứu tên của một số nhà văn nghe tên lạ hoắc lại thấy ông ta là nhà doanh nghiệp, chứ rất ít tác phẩm văn học, hoăc chỉ có vài bài viết đọc lên thấy vô thưởng vô phạt chẳng vào đâu. Có những hội viên mới kết nạp, thực chất những bài báo của họ còn biên tập kỹ mới đăng được. Có tập hợp các bài báo in thành tập sách gọi là “ký”, cũng ra được tập thơ mà đọc lên như thơ báo tường, thế mà chạy chọt, móc nối kiểu gì cũng “nhảy” vào ngồi chềnh ềnh cái danh hội viên Hội Nhà văn Việt Nam!
            Người sáng tác đã dính “cái nghiệp”, đã yêu và say nghề thì không cần phải cái thẻ hội viên nào người ta vẫn sáng tác. Mà tác phẩm của họ vẫn có giá trị, được đông đảo bạn đọc tán thành. Còn nếu như mang cái danh hội viên Hội nhà văn Việt Nam mà chẳng viết được gì, hoặc viết chẳng ra gì thì cũng coi như “đồ bỏ”. Trong khi đó, có những cây bút không phải là hội viên ở tỉnh, thành, nhưng viết rất hăng và cũng khá chất lượng, cũng không phải là thiếu tác phẩm có giá trị. Có những hội viên thấy nhiều năm hồ sơ vào hội không được đếm xỉa đến, các “hội đồng viên” không biết đến mà bỏ phiếu, nhưng họ vẫn sáng tác nhiều và đều đặn, được đông đảo bạn đọc ghi nhận, mến mộ. Có những hội viên ở địa phương, nhưng sáng tác nhiều hơn và trội hơn hẳn nhiều hội viên của Trung ường. Đó là chưa nói đến những tiêu cực, thủ đoạn chạy mánh, quà cáp, nhậu nhẹt “chén chú chén anh” nịnh ông Hội đồng (thơ, văn, phê bình, dịch…) nào đó để được kết nạp vào Hội thì cũng không phải là ít. Cái kiểu này cũng giống như chạy bằng cấp, chức quyền đã thành thứ dịch của lối “dịch vụ” hiện nay. Hội Nhà văn Việt Nam có dám nbhìn thẳng và môt xẻ về hiện trạng bất công và không hợp lý này không? Tôi được biết, mỗi năm chỉ kết nạp được mấy chục hội viên. Lại mỗi năm các hội địa phương đề xuất thêm hàng trăm hồ sơ đề nghị kết nạp. Hiên nay ở Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam còn trên 600 hồ sơ nữa. Vậy thì sẽ có hội viên cho dù xứng đáng thì chục năm nữa hoặc hơn cũng chưa chắc được kết nạp. Và với cái lối làm việc quan liêu, tắc trách, thậm chí do lười đọc để biết khả năng và chất lượng sáng tác của các ứng viên, lại nặng về “cảm tình, cảm tình” (như cách gọi của nhà thơ Inrasara) thì có lẽ khi ứng viên đã chết già vẫn còn lưu hồ sơ trong Văn phòng hội.
Thế nên, ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng như các thành viên Ban chấp hành nên xem kỹ lại vấn đề này. Có sơ sài, vô trách nhiệm, quá chủ quan và tùy tiện trong việc kết nạp hội viên hay không? Thực trạng bất hợp lý, bất công, không loại trừ có cả tiêu cực, qua loa đại khái và chỉ là hình thức, thiếu thực tế, chất lượng “vơ bèo vạt tép” chỉ cốt cho xong việc, hoặc đạt được ý đồ cá nhân trong kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có được xem xét, kiểm điểm, phân tích cho kỹ chưa? Đã đến lúc phải “tái cấu trúc” hội Nhà văn Việt Nam. Chuyện này dẫu có nói nhiều và dài nữa cũng không hết. Chào ông, và chúc ông nhiều uy tín hơn!
 Bùi Văn Bồng