Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ BÁO HOÀNG KHƯƠNG PHẠM TỘI "ĐƯA HỐI LỘ"

Nghiêm Lương Thành
Thứ tư ngày 11 tháng 1 năm 2012 10:07 PM
 
Theo http://vov.vn/Home/Khoi-to-bat-tam-giam-nguyen-nha-bao-Hoang-Khuong/20121/196143.vov, Tại mục Pháp Luật, bài viết Khởi tố, bắt tạm giam nguyên nhà báo Hoàng Khương, cập nhật lúc 3:39 PM, 02/01/2012 đã nói: Chiều 2/1, Công an TP HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét nhà riêng ông Hoàng Khương - nguyên phóng viên báo Tuổi Trẻ về tội“đưa hối lộ”.
 
Nguyên nhà báo Hoàng Khương bị đưa về cơ quan điều tra
(Trong bức ảnh này, ai là người phạm luật giao thông? - MTH)
Sau bài viết này, trong dân chúng đã xuất hiện nhiều ý kiến biểu tỏ những quan điểm khác nhau đối với việc làm của nhà báo Hoàng Khương. Tất cả các quan điểm đều giống nhau ở chỗ cùng cổ vũ và ủng hộ mạnh mẽ cho mục đích chống tham nhũng của Nhà báo. Chỗ khác nhau đáng quan tâm ở đây lại là cách nhìn nhận về phương pháp tiếp cận. Đa số cho rằng cách tiếp cận của Nhà báo là hoàn toàn hợp lý và bình thường. Cũng có người nói cách tiếp cận đó là vi phạm luật pháp.
Vậy thế nào là đúng? Càng nghĩ càng thấy rối. Đang băn khoăn bấn hỏa, may thay, chợt nhớ trong trước tác Binh Thư Yếu Lược, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có nói tới phép xem người. Tôi liền vào trang web Quân sử (Lịch sử quân đội việt Nam) và tìm được tác phẩm của Cụ ở đường dẫn: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=206.0
Binh thư yếu lược
Tác giả: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
Hiệu đính: Đào Duy Anh
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội Hà Nội
Năm xuất bản: 1977
Tại Quyển 1, Phần III - Chọn tướng, Cụ Trần có nói về phương pháp đánh giá con người. Xin chép lại nguyên văn như sau:
Phương pháp xem người có tám điểm:
     1. Hỏi bằng lời nói xem trả lời có rõ ràng không.
     2. Gặn gùng bằng lời lẽ xem có biến hoá không.
     3. Cho gián điệp thử để xem có trung thành không.
     4. Hỏi rõ ràng tường tận để xem đức hạnh thế nào.
     5. Lấy của mà thử để xem có thanh liêm không.
     6. Lấy sắc đẹp mà thử để xem có đứng đắn không.
     7. Lấy việc khó khăn mà thử để xem có dũng cảm không.
     8. Cho uống rượu say để xem có giữ được thái độ không.
         .......................
Xem giỏi ở chỗ nào? Muốn biết tướng giỏi hay tồi cần phải kích thích để xem động hay không động. Kích thích mà động đó là tướng ngu. Tướng ngu thấy lợi thì động, khinh địch thì động. Nên dùng hai phép dụ thì bắt được ngay: Kẻ thấy lợi mà dụ bằng mồi là bắt được; kẻ khinh địch thì uy hiếp là bắt được. Kích thích mà không động là tướng hiền. Tướng hiền thì trí chu đáo nên không động, phép chu đáo nên không động.
Đến đây, thử đặt ra mấy câu hỏi:
i. Lấy của mà thử để xem có thanh liêm không, lấy sắc đẹp mà thử để xem có đứng đắn không và cho uống rượu say để xem có giữ được thái độ không có phải là những hành vi hối lộ hoặc gài bẫy hại người?
ii. Ngày nay, liệu có gì sai phạm nếu chúng ta học và làm theo cách của cụ Trần?
*
Tháng 4 năm 1921, trong tạp chí La Revue Communiste No 14, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông dương đang giấu một cái gì sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ thúc đẩy cho thời cơ ấy mau đến”. Những gì là tất yếu ắt sẽ xảy ra. Là người yêu nước có tư tưởng không ngừng chủ động tiến công vào cái ác, Nguyễn Ái Quốc đã kêu gọi và xác lập nhiệm vụ cho Bộ phận ưu tú của Nước nhà là thúc đẩy cho thời cơ ấy mau đến. Phương pháp tác nghiệp của nhà báo Hoàng Khương âu cũng là học được từ Bác. Nếu đồng chí công an giao thông nọ là người học thuộc và thực hành tốt những điều bác Hồ dạy ngành công an thì câu chuyện chắc chắn sẽ khác, bài báo của Hoàng Khương chắc chắn sẽ viết về một gương người tốt, việc tốt cho cộng đồng cùng học mà noi theo.
Báo chí ta vẫn nói: Tình hình đạo đức xã hội đã xuống cấp đến mức báo động. Nhà nước đang kêu gọi cả nước học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Về việc này, thấy ai cũng bày tỏ thái độ nhiệt thành hưởng ứng, song có một thực tế là có một bộ phận không muốn học hoặc không thể học. Lý do không thể nói ra và do đó được gọi là “vấn đề nhạy cảm”.
Thấm sâu tư tưởng chủ động tiến công này, một cách tích cực, không ít người, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cũng như Hoàng Khương, đã có ý thức chủ động thúc đẩy sự lộ diện của các bản chất tham lam, độc ác ... để góp phần làm vệ sinh, trả lại sự trong lành cho xã hội. Những người tích cực thực hành tư tưởng Hồ Chí Minh trên mặt trận chống tham nhũng đã gặp phải không ít những đe dọa, khủng bố có tính chất xã hội đen thậm chí đến mức nguy hiểm đến cả tính mạng mà hầu như chưa nhận được sự bảo vệ có hiệu quả nào từ các cơ quan có trách nhiệm.
Hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ, ngày nay, đã trở nên quen thuộc, xảy ra mọi nơi mọi lúc; bước chân ra khỏi cửa là có thể nghe và thấy mà chẳng mấy khó khăn. Hành vi đưa tiền “mãi lộ” của người dân và cử chỉ nhận tiền loại này của cảnh sát giao thông đã trở nên quá thông thường, thông thường đến mức đến các vị lãnh đạo cao cấp nhất cũng quá biết và người dân cho đấy là chuyện nhỏ như đi đường vấp phải viên đá vậy. Thử đặt ra câu hỏi: Trong số những người dân tham gia giao thông bằng xe cơ giới, có bao nhiêu phần trăm chưa từng thực hiện hành vi này? Và nếu phải xử tất cả những người đã đưa hối lộ vặt, không còn nghi ngờ gì nữa, ngành tư pháp nước ta sẽ đứng đầu thế giới về mặt số lượng biên chế và, tương ứng, cũng như vậy đối với số lượng nhà tù cần thiết để thi hành án. Vậy mà không hiểu sao, qua phương pháp tác nghiệp của nhà báo Hoàng Khương, người ta nâng cấp chuyện đó lên mức tày đình,  ồn ào đến mức như có phản động đến nhà vậy. Trong khi có những vụ việc, không cần phải nghĩ nhiều cũng thấy ngay tính chất cực kỳ nghiêm trọng, liên quan đến hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền bán tài nguyên của đất nước và tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân sao lại chỉ dừng ở mức “hoa lá cành” như vậy? - Có gì đó chưa ổn. Điều vi mô đã được đẩy lên tầm vĩ mô. Tư ý đã biến thành “công ý”. Công dân ưu tú thoắt thành kẻ tội đồ đáng kính.
Hồ Chí Minh luôn chủ trương có sai thì hãy dũng cảm nhận sai và thành khẩn, nhanh chóng sửa chữa cái sai. Rõ ràng, uy tín là cái cây tốt tươi chỉ mọc lên từ những phẩm chất tốt đẹp và sự chân thành phục thiện.
Lịch sử thế giới cho thấy: Thời dựng nước/chống ngoại xâm: Người dân và các lực lượng vũ trang luôn đùm bọc lẫn nhau, cùng đoàn kết sát cánh vượt qua mọi hiểm nguy, khó khăn gian khổ. Thời thái bình thịnh trị, quân đội là lực lượng bảo vệ tổ quốc, cảnh sát là lực lượng bảo vệ an sinh cho người dân. Khi lực lượng cảnh sát không bảo vệ người dân nữa thì họ không còn quan hệ gì với nhau ngoài việc người dân vẫn phải đóng thuế để nuôi lực lượng cảnh sát. Thời cảnh sát quay sang đàn áp người dân, người dân liền nghĩ: Là để bảo vệ ai vậy? Đến đây, trạng thái ổn định xã hội đã có vấn đề. Qua đấy thấy rằng chỉ cần nhìn vào quan hệ giữa người dân và lực lượng cảnh sát của một quốc gia cũng đoán định được tình hình sức khỏe của nền chính trị quốc gia đó.
Theo từ điển Hán-Việt của cụ Đào Duy Anh, chữ chính trong các từ chính trị, chính phủ, chính đảng ... có nghĩa là việc của nhà nước. Chữ chính này hàm chứa trong nó một chữ chính khác mà nghĩa của nó là: Phải, thích đáng, ngay thẳng, sửa cho đúng, sắp đặt lại ... Không ít người đã từng hiểu và hồn nhiên đánh đồng ý nghĩa của hai từ chính trị và thủ đoạn. Thực ra, từ thời xưa, ông cha ta chỉ dùng chữ thủ đoạn (mánh khóe) để biểu thị thuộc tính của giới lưu manh.
*
Không biết tự bao giờ, người Việt ta thường tâm sự với nhau: Muốn con cái mình trở thành người tốt, trước hết, chính mình phải nghĩ và làm những điều tốt. Cổ nhân thì dạy: Hãy tự xét và trách mình trước. Không ít kẻ tự phô: Tôi là người sống trung thực, thẳng thắn, hết mình và vân vân tốt đẹp. Người nghe thì cũng nghe vầy vậy và người phát ngôn cũng không nhận được thêm đồng cân tin yêu nào từ phía người nghe, thậm chí còn làm nảy sinh thêm nỗi ngờ vực không đáng có. Hương hoa thuộc về thiên nhiên. Nước hoa thuộc về mỹ phẩm. Mỹ phẩm gặp mưa thì thành xú phẩm./.
11/01/2012 - Mai Thục Hạnh