Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGÀY THƠ VÀ CÁC CLB THƠ

Bài và ảnh: Chử Thu Hằng.
Thứ ba ngày 10 tháng 1 năm 2012 9:44 PM
 
Việt Nam là một đất nước rất nhiều người yêu thơ và làm thơ. Vì vậy, các Câu lạc bộ Thơ phát triển rầm rộ, thu hút đông đảo người yêu thơ trong cả nước tham gia. Chỉ riêng Hà Nội và vùng phụ cận đã có khoảng 600 Câu lạc bộ Thơ. Chục năm nay, hội Thơ Rằm tháng Giêng, tổ chức hàng năm ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hà Nội là một trong những lễ hội thu hút được rất nhiều sự quan tâm của giới truyền thông và những người yêu thơ. Hội Thơ là nơi để họ, những người làm thơ không chuyên có dịp gặp gỡ các Nhà thơ mình ngưỡng mộ, là dịp để được đọc thơ cho nhau nghe, bình thơ và đắm mình trong một không gian văn hóa. Bằng sự đam mê nồng nhiệt của mình, những người làm thơ không chuyên và các Câu lạc bộ Thơ đã góp phần làm nên không khí sôi động và thành công của 9 lần Hội Thơ. Nhưng, sự có mặt của các CLB thơ trong Ngày Thơ thì mới được công nhận chính thức năm nay là lần thứ hai.
Cách đây một năm, ngày 28/01/2011, khi lần đầu tiên đại diện các CLB được Chủ tịch Hội Nhà văn VN Nguyễn Hữu Thỉnh mời đến trụ sở Hội Nhà văn bàn chuyện tham gia Ngày Thơ, những người làm thơ không chuyên đã rất cảm động trước sự quan tâm của Hội Nhà văn VN. Rằng: Hội quyết định chính thức dành một sân chơi cho các CLB tham gia ngày Hội Thơ. Mỗi CLB sẽ có một diện tích để trưng bày, giới thiệu sản phẩm thi ca của mình. Rằng: Hội Nhà Văn VN sẽ cử một Ban Giám khảo uy tín để tổ chức thi chọn và trao giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất, những không gian Thơ đẹp nhất...
Ngày Hội thơ Tân Mão đi qua, bên cạnh niềm vui, còn lắm nỗi niềm mà hôm nay đại diện các CLB mới được nói ra với Ông Chủ tịch Hội - Nhà thơ Nguyễn Hữu Thỉnh, với Nhà thơ Phạm Đức, Nhà thơ Lê Khả Sỹ, Nhà văn Lê Phan Nghị… những thành viên trong Ban Tổ chức. Nào là không gian dành cho các CLB quá chật hẹp, nên CLB này phải “núp” sau lưng CLB kia. Nào là mọi thứ đều thiếu thốn, nên phải dành nhau từng cái ghế, cái bàn, ổ điện thì không có điện… dẫn đến những cảnh không “thơ”. Nào là các phương tiện truyền thông chỉ tràn ngập hình ảnh sân khấu chính, khiến các CLB tủi thân, cảm giác như bị bỏ rơi. Đặc biệt, cuộc thi chọn và trao giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất, những không gian Thơ đẹp nhất mà Hội Nhà văn VN chấm từ thưở ấy, vẫn chẳng thấy giải đâu (?)
Ông Chủ tịch đỏ mặt, chút giải còm dành cho các CLB thơ hình như ông “quên” mất. Cười xúy xóa, ông hứa năm nay sẽ trao giải luôn, trao cả giải năm cũ nữa. Giải không đáng là bao, nhưng “một miếng giữa làng…” sẽ đem lại niềm vui và sự khích lệ cho các CLB và những người làm thơ không chuyên. Ông còn nhắc các phương tiện truyền thông phải dành thời lượng thích đáng cho các CLB.
Ngày Thơ năm nay có gì mới?
Để có một lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng lại tươi mới mỗi năm, Hội Nhà văn Việt Nam đã phải chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Ngày Thơ năm nay sẽ có hai sân thơ: sân thơ truyền thống và sân thơ quốc tế. Gần một trăm Nhà thơ từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ đến dự Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức lần thứ nhất nhân dịp Vịnh Hạ Long của Việt Nam được bầu chọn là một trong bảy kì quan của thế giới sẽ cùng tham dự Ngày Thơ với chúng ta. Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức tại Thành phố Hạ Long từ mùng 10 tháng Giêng năm Nhâm Thìn. Tối 13 tháng Giêng, các Nhà thơ quốc tế sẽ cùng dự Dạ hội Mùa xuân và Tình yêu tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đây sẽ là đêm của lễ hội ánh sáng, âm nhạc và thi ca. Sáng 14 tháng Giêng, khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ X. Lễ khai mạc sẽ được mở đầu với dàn cồng chiêng xứ Mường chào mừng bằng tiết mục “Đẻ nước đẻ đất” và kết thúc bằng bài hát “Trái đất này là của chúng mình” do 100 em nhỏ trình diễn.
Chiều 14 tháng Giêng, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam sẽ trang trọng trao giải Văn học 2010 – 2011 trước sự có mặt của đông đủ các tác giả được giải từ mọi miền đất nước, mở đầu một năm mới đầy triển vọng và thành công.
Vì có các vị khách quốc tế, nên giấy mời in bằng hai thứ tiếng Việt – Anh. Các bài thơ Việt Nam trình bày ở các sân thơ cũng phải chọn lọc kĩ, và được dịch sang tiếng Anh. Chúng ta sẽ có cơ hội nghe các Nhà thơ quốc tế đọc thơ bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Chắc chắn, đó sẽ là một điểm nhấn đặc sắc của Ngày Thơ năm nay.
Như Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nói: “Thơ ca tôn vinh cái đẹp, từ đó thì có thể hiểu bất cứ cái gì liên quan đến cái đẹp như tình nhân ái của nhân loại, quá trình tăng cường giao lưu phát triển của thế giới… đều sẽ được tôn vinh.”
Hi vọng với nỗ lực của Hội Nhà văn và sự ủng hộ hết mình của những người yêu thơ, Ngày Thơ năm Nhâm Thìn sẽ diễn ra tốt đẹp và thành công.

Hà Nội 9/1/2012
Bài và ảnh: Chử Thu Hằng.