Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẢM NHẬN HOÀNG CẦM

Vũ Xuân Tửu
Thứ hai ngày 19 tháng 12 năm 2011 3:29 PM
 
Một lần, xuống Hà Nội, tôi được nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cùng ký tặng tập sách: Hoàng Cầm hồn thơ độc đáo. Tập sách dày dặn, sang trọng, chứa trong mình những bài viết đặc sắc của nhiều cây bút có tên tuổi, về cuộc đời và sự nghiệp thi ca Hoàng Cầm. Đọc xong, tôi vội gọi điện cám ơn bác Lại Nguyên Ân, là người chủ biên tập sách.
Các tác giả viết về Hoàng Cầm, với một tình cảm đặc biệt, nhiều ý kiến mới lạ, sâu sắc. Hoàng Cầm coi thơ ca như tôn giáo. Cái đạo của ông là đạo tình. Cái tình của ông là tình yêu mê đắm văn hóa vùng Kinh Bắc và tình người. Có tác giả thống kê, Hoàng Cầm có 13 người tình, nhưng tôi thấy thấp thoáng trong tập sách này, có tới 16 người cả thảy. Hoàng Cầm đa tình, tình người sinh ra thi ca. Cách truyền đạo của Hoàng Cầm là phép ẩn dụ, nên nó hư hư thực thực, mơ mơ màng màng, la đà như sương khói, có thể cảm nhận được, khó chỉ ra rạch ròi. Nhưng có một bài khá rạch ròi, viết theo kiểu phân tâm học, của bác Đỗ Lai Thúy: Đi tìm ẩn ngữ trong thơ Hoàng Cầm; đọc, cảm thấy thú vị. Bài phỏng vấn rất công phu của Nguyễn Đức Tùng: Hoàng Cầm nhà thơ phải sống rất thơ cuộc đời mình. Nhà thơ Hoàng Hưng có ý kiến rất đáng ghi nhớ: “Cuộc đời và thi nghiệp của Hoàng Cầm là một trường hợp điển hình cho điều mà tôi coi là một trong những “bí quyết” thành công trong văn giới Việt Nam đương đại. Đó là sự “nằm giữa”.  (…). Nằm giữa lối sáng tác truyền thống coi cảm hứng từ chính cuộc đời mình là động lực tự nhiên với ý thức về sự làm mới bút pháp do ảnh hưởng của những người bạn mang lại tinh thần cách tân quyết liệt.” (trang 304-305).
Tôi cũng đã được đọc tập thơ Mưa Thuận Thành, của Hoàng Cầm, do một anh bạn tặng lại; đọc Về Kinh Bắc, trên mạng in-tơ-nét… Và bây giờ, đọc tập sách này, được các tác giả khai thác dưới nhiều góc độ phong phú, đa dạng, làm cho mình càng mê hơn.
Hoàng Cầm, một cuộc đời truân chuyên, mấy lần bị bắt, mấy lần tha, tội tình. Ông đã vượt lên hoàn cảnh, dâng cho đời những áng thi ca độc đáo nhất hạng, khiến người ta phải trân trọng, cảm phục. Những bài thơ hay, tưởng như thiên sứ mang từ trời đến, thì thầm bên tai ông, vào những đêm khuya thanh vắng, mà ông chỉ là người chép lại, khiến cho thi ca thêm nhuốm màu huyền thoại.
Đọc Niên biểu Hoàng Cầm, lại càng thêm thán phục: 20 tuổi, viết kịch thơ Kiều Loan. 36 tuổi dính vụ Nhân văn Gia phẩm, bị kỷ luật khai trừ khỏi Hội Nhà văn Việt Nam. Thế mà ông vẫn sung sức viết: Lá diêu bông, Về kinh Bắc, Mưa Thuận Thành (xuất bản vào những năm sau). 60 tuổi, bị bắt vì tập thơ Về Kinh Bắc. 66 tuổi, được phục hồi hội tịch HNV VN. 85 tuổi, được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Năm ngoái ông mất, thế mà năm nay, tập sách này đã ra đời, nhân một năm ngày ông lên cõi tiên. Tấm lòng của văn nhân đối với nhau, mới thiêng liêng làm sao, cảm động làm sao.
“Khởi đi từ khát vọng lớn lao, chứng nghiệm đủ những chênh vênh phi lí của cuộc tồn tại, trở về bằng nhận chân bản nguyên, Hoàng Cầm đã xong cuộc tuần du Định mệnh của con người giữa thế giới biến thiên đầy trở lực.” (Khánh Phương, Hành trình xóa bỏ ẩn dụ như một lối tìm đến ngôn ngữ thi ca mở, trang321). Hoàng Cầm là con người tài hoa, tính tình khảng khái, dám dấn thân, nhập cuộc. Cuộc đời ông như tiểu thuyết vậy, càng oan trái lắm, càng thơ phú nhiều.
Tuyên Quang, 12/2011
V.X.T