Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỌC LỜI BÌNH THƠ CỦA MÌNH TRƯỚC LÚC RA ĐI

Lê Lanh
Chủ nhật ngày 18 tháng 12 năm 2011 3:23 PM

Tôi không nhớ là đã chép bài thơ “Ngày tình yêu” của nhà thơ Trần Quốc Thực trên báo Tiền phong vào sổ tay từ khi nào.Chỉ nhớ là thỉnh thoảng có dịp mở sổ ra là tôi lại đọc và nghĩ “sẽ bình bài này”.Khi ấy tôi cũng chưa biết anh Thực.Tình cờ,một lần tôi gặp một người có thân hình gầy nhom, lầm lì, ít nói ở báo Văn nghệ.Thì ra người ấy là nhà thơ Trần Quốc Thực. Tôi giao lưu với anh bằng việc hỏi chuyện về bài thơ “Ngày tình yêu”.Và bộc lộ sở thích của mình, nhân dịp hỏi  anh về hoàn cảnh ra đời của thi phẩm.Anh trả lời rất đơn giản “Chỉ là sự lỡ hẹn,chào tạm biệt của một người bạn gái…”Lại một lần nữa,tôi nhận ra thơ là như thế đấy…
Rồi một lần tôi đến báo lĩnh nhuận bút.Trong phòng nhận tiền có một số người,một ai đó nói: “Ông Thực bị lao mà cứ ngồi hết phòng này sang phòng khác uống nước,sao mà sợ thế !” .
                                                                                           
Anh Thực không phải người nhà,cũng không phải là người thân,nhưng nghe câu nói đó lòng tôi cảm thấy như bị muối xát.Bởi lẽ câu nói đó đã chạm vào cái ung nhọt cuộc đời tôi.Tôi đã có một khoảng thời gian dài mang cái “án ho lao” để những người chung quanh phải né tránh ! Mãi tới khi gặp được giáo sư,bác sỹ Nguyễn Việt Cồ,bệnh “ho lao”mới được “chuyển thành” bệnh giãn phế quản.Và phải qua một ca phẫu thuật  một mất một còn,dần dần tôi mới được trở thành người “lương thiện”.
Lại một lần,tôi ngồi trong phòng khách,lúc đầu giờ trong ngày,nghe mọi người nói chuyện anh Thực đang nằm viện.Tôi hỏi nhà văn Hà Nguyên Huyến về bệnh tình của anh.Anh Huyến cho biết anh Thực bị giãn phế quản.Tôi như thấy nhẹ lòng và nói: “Giãn phế quản,nếu cần thì phẫu thuật là khỏi hẳn” .
-Biết thế,nhưng vấn đề là có tiền hay không ?Nghe nhà văn Hà Nguyên Huyến nói, một lần nữa, lòng tôi lại như bị muối xát…
Về mặt quan hệ thì tôi thuộc loại người chưa lọt vào “khung” tới thăm anh Thực ở bệnh viện.Nhưng về cảnh ngộ thì tôi là người đi trước,muốn được tư vấn cho người đến sau nên quyết định tới khoa hô hấp bệnh viện Bạch Mai thăm nhà thơ.
Buổi chiều hôm ấy,lúc tôi đến thì anh Thực đang nằm vắt tay lên trán.Thấy tôi,anh ngồi dậy.Trên giường nằm không thấy có chăn,màn,gối,đệm.Khiến tôi có cảm giác tình trạng sức khỏe của anh cũng không đến nỗi nào bèn rút trong túi ra lời bình bài thơ “Ngày tình yêu”,đưa cho anh đọc.Âu cũng là  tạo dựng giây phút không khí thơ văn ở cái nơi ốm đau,tật bệnh cho vơi đi sự tẻ nhạt không muốn có. Nhìn vẻ mặt và nhịp rung đùi đầy hứng khởi của anh,tôi nghĩ chỉ ít bữa là bệnh nhân có thể xuất viện. 
Tạm biệt anh,tôi tìm đến phòng bác sỹ điều trị,hỏi cụ thể tình trạng sức khỏe của bệnh nhân với ý định sẽ tư vấn cho gia đình nên như thế nào từ kinh nghiệm của bản thân.Chờ rất lâu,tới khi đường phố lên đèn, cũng không thấy thầy thuốc !
Rồi,chỉ khoảng một tuần sau,tôi đã nhận được tin nhà thơ Trần Quốc Thực đã từ trần …
Trời ơi,sự mất còn của con người sao mà lại nhẹ nhàng làm vậy !
Anh Thực ra đi tới nay đã là bốn năm mà lòng tôi vẫn còn thấy bàng hoàng. Cái bàng hoàng của một người có cùng cảnh ngộ bệnh tật…
Dưới đây là lời bình mà nhà thơ Trần Quốc Thực đã đọc trước lúc ra đi:
                    ( có văn bản đính kèm)
 
        NGÀY TÌNH YÊU

Ngày tình yêu hứa sang
Em đang ngồi đâu đó
Anh ngóng thầm đợi thầm.
Ngày tình yêu chớm ngõ
Cây lộc vừng sắp hoa
Anh ngồi trong lá suộm.
Ngày tình yêu đến rồi
Anh gọi êm đềm ơi
Êm đềm im bằn bặt
               Trần Quốc Thực

LỜI BÌNH CỦA LÊ LANH: Bài thơ có ba khổ.Mỗi khổ ba dòng.Toàn bài chỉ có bốn lăm chữ.Ngắn, ấn tượng.Phải chăng nhà thơ đã thành công trong việc thể hiện khát vọng tình yêu hạnh phúc của con người ?Ngày tình yêu là một khái niệm thời gian cụ thể,có ý nghĩa.Khái niệm này được hình tượng hóa,gắn kết với nhân vật trữ tình “em”.Tính cụ thể hóa được chuyển thành lời hò hẹn của cô gái.Lời hò hẹn đáng tin cậy bởi em đã “hứa sang”. Bạn đọc có thể hiểu: Chờ đến ngày tình yêu( 14.2) thì em sẽ đến thăm anh hoặc một ngày cụ thể nào đó,em sẽ tới.Ngày ấy là ngày tình yêu.Dòng thứ hai trong khổ thơ thứ nhất như một câu hỏi nghi vấn,bộc lộ tâmtrạngkhông  yên của một kẻ đang “đợi”,đang chờ.Đợi chờ,ngóng trông rồi sinh ra ghen tuông hờn giận: “Em đang ngồi đâu đó”,đang đứng ngồi với ai đó…Không biết bao nhiêu là chuyện mà chàng trai đã tưởng tượng ra để gán cho người mình yêu.Các từ chờ,đợi,ngóng,trông có cùng một trường nghĩa, nhưng ở mỗi hoàn cảnh chúng lại có những sắc thái không giống nhau.Ví như trong câu: “Sông Tương một dải nông sờ/ Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia” (Truyện Kiều- Nguyễn Du) thì các từ “trông”,”chờ”diễn tả sự nhớ thương da diết của cả bên nọ lẫn bên kia- Bên Kim Trọng cũng nhớ,phía Thúy Kiều cũng thương và thời gian không xác định.Nhưng trong câu : “Anh ngóng thầm đợi thầm”chỉ biểu hiện tình cảm ở phía chàng trai.Về mặt thời gian thì đã được xác định cụ thể.Do có sự hứa hẹn mà cấp độ đợi chờ được nâng lên cao hơn, khẩn thiết hơn.Nghĩa là mức độ “trông”,“chờ”được  nâng lênthành “ngóng”. “Ngóng” là một động từ thể hiện sự nôn nóng,bồi hồi khó tả trong tâm trạng,có cấp độ cao hơn so với “trông” và “chờ”. Đã “ngóng” lại còn phải dấu kín trong lòng,mức độ dồn nén càng cao.Nỗi lòng “ Như đứng đống lửa như ngồi đứng than” vậy.
Sang khổ hai, nhà thơ diễn tả cuộc hẹn hò đầy trân trọng và thiêng liêng đã cận kề. Tác giả không miêu tả chàng trai chuẩn bị hoa ra đón người yêu mà ông đã dùng hình ảnh: “Cây lộc vừng sắp hoa”trước hiên nhà như có vẻ tả thực nhưng là để diễn tả niềm vui khôn cùng của một người đang có một mối tình đích thực như hoa nở,trăng lên.Sang dòng thứ ba vẫn theo phương pháp nghệ thuật trên nhưng ta còn có thể nhận ra vì chàng trai quá yêu, quá trận trọng cô gái mà có tâm lý hạ mình: “Cây lộc vừng sắp hoa/ Anh ngồi trong lá suộm”.Phải chăng đây là hình ảnh “dấu bèo”,“đài gương” trong Truyện Kiều.
Tới khổ cuối cùng thì sự không hy vọng là có thật.Ngày tình yêu không còn là “hứa sang”,càng không phải là “chớm ngõ”mà “Ngày tình yêu đến rồi”. Thời gian hò hẹn đã tới.Cái ngày mà chàng trai ấp ủ,sưởi ấm con tim từ bấy lâu nay đã tới.Ngày tình yêu mà linh hồn của nó là người anh yêu. Người anh yêu không tới thì ngày tình yêu cũng không còn có ý nghĩa.Cái mốc thời gian “hứa sang” cũng trở thành khô cứng,vô hồn.Bao nhiêu ước mơ, hy vọng đều tan biến như bọt xà phòng. “Anh gọi êm đềm ơi” đồng nghĩa với anh gọi “em yêu ơi,tình yêu ơi,hạnh phúc ơi…” Tất cả đều “im bằn bặt”.Cụm từ “êm đềm”,vần bằng.Có cảm giác dịu nhẹ.Lại càng làm cho  tâm can kẻ thất tình đắng đót,chua chát hơn.Thêm nữa,”êm đềm”là một tính từ chỉ trạng thái không gian khi được nhân hóa thì trở thành danh từ.Ta thấy tiếng gọi của chàng trai chỉ được ném vào cái khoảng không vô tận làm gì mà chẳng “im bằn bặt”.
 Điệp ngữ “ Ngày tình yêu”,bộc lộ khát vọng hạnh phúc của chàng trai dường như đã có câu trả lời.
       L.L