Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hội thảo khoa học “ Tâm lý học và giáo dục học với sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam”

Phan Duy Kha
Thứ hai ngày 19 tháng 12 năm 2011 10:21 PM

Sáng ngày 16.12.2011 tại hội trường tầng 10 Thư viện Tạ Quang Bửu, trường Đại học Bách khoa, Hà Nội, Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “ Tâm lý học và Giáo dục học với sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam”. Hơn 400 đại biểu đại diện cho các Chi hội địa phương, các tỉnh thành, các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội , các Chi hội thuộc các Trường Đại học, Học viện, thuộc các nghành Công an, Quân đội đã về dự.
PGS Trần Kiều thay mặt Chủ tịch đoàn, điều khiển Hội thảo.
Sau báo cáo đề dẫn của GS Viện sĩ Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội , hội nghị đã nghe các bản báo cáo sau:
GS TS Nguyễn Ngọc Phú : Về hiện trạng giáo dục nước nhà và cách tháo gỡ
TS Nguyễn Tùng Lâm: Giải pháp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011- 2020
PGS TS Lê Sơn với bản báo cáo có tiêu đề gây sốc: Nhà trường đi về đâu?
Khác với những cuộc hôi thảo mà tôi từng được tham dự, thường là người này lên đọc xong tham luận của mình thì tiếp đến người khác, cứ như thế cho dến người cuối cùng. Mặc dù có thể ý của người này trái với người kia, cũng không ai bàn đến cho ngã ngũ. Cuộc hội thảo lần này đưa vào một luồng không khí mới hoàn toàn. Sau 3, 4 bản tham luận của các diễn giả đã được chỉ định trước, chủ tịch đoàn cho dừng lại, để các đại biểu phân tích, mổ xẻ, đóng góp. Thành ra, mọi người có dịp nói thẳng, nói thật tâm tư, ý nguyện của mình, kể cả những điều tâm huyết, những điều còn bức xúc.
Không khí thảo luận nóng lên từ sau phát biểu của GS Phạm Tất Dong: Giáo dục là không loại trừ một ai và phải thực hiện giáo dục cưỡng bức. Thế nhưng, theo báo cáo gần đây, toàn quốc có tới 1,2 triệu học sinh bỏ học, điều đó có bình thường không? Đồng ý là giáo dục phải đổi mới, nhưng đổi mới như thế nào, quá trình đổi mới phải được làm cẩn thận, tỷ mỷ. Đổi mới không thể làm theo ngẫu hứng. Cần phải cấu trúc lại hệ thống giáo dục, xây dựng giáo dục thường xuyên mang tầm vóc quốc gia. Hiện nay tồn tại một thực tế: Học thì chán, dạy thì mỏi. Tôi cho rằng một nền giáo dục không thể chắp vá, bởi nó cũng như chiếc áo, nay vá một miếng, mai vá một miếng thì càng chóng rách hơn.
GS Nguyễn Đức Thạc cho rằng đang diễn ra một sự tha hóa trong nhân cách một bộ phận nhà giáo. Nguyên nhân chính là do đồng lương không đủ sống. GS Thạc con lấy dẫn chứng, vào những năm 1960 của thế kỷ trước, lương giáo viên được 56 đồng thì chỉ ăn hết 18 đồng một tháng (tức 1/3 tiền lương) Bây giờ lương 3 triệu đông không đủ ăn.
GS Mạc Văn Trang thì cho rằng, hiện nay chúng ta đang bắt học sinh học rất nhiều thứ vô ích, học xong không biết để làm gì. Vì vậy có hiện tương một học sinh giỏi ở trong trường, khi ra đời không không năng đông, không thành đạt bằng một học sinh học kém, thậm chí, một học sinh cá biệt khi ra đời lại thành đạt hơn một học sinh giỏi. Muốn đổi mới, trước hết phải chấn chỉnh từ trường học phải làm sao cho trường ra trường, lớp ra lớp , thầy ra thầy, trò ra trò
GS Nguyễn Minh: Muốn đổi mới, cần thay đổi triết lý giáo dục, học phải thực chất, học gì thi nấy, không nặng hình thức, không chạy đua theo thành tích. Những người đứng đầu ngành cần vi hành tận nơi, kiểm tra chất lượng dạy và học cụ thể, chứ không chỉ nghe báo cáo, cưỡi ngựa xem hoa.
GS Nguyễn Minh nêu hiện tượng chạy trường chạy lớp vẫn còn phổ biến, cơ chế thị trường đã ảnh hưởng sâu sắc đến các trường học, nhà trường thành nơi mua chữ, bán chữ, chứ không phải là nơi truyền dạy kiến thức.
Phần lớn ý kiến cho rằng giáo dục của Việt Nam đã có bước phát triển so với trước đây nhưng vẫn tụt hậu so với nhu cầu hội nhập và phát triển của đất nước. Đặc biệt tình trạng xuống cấp của một số giáo viên, học sinh, sinh viên, chất lượng đào tạo ở mức trung bình và thấp. Các GS, PGS, các nhà giáo ưu tú đã đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết nhằm phát triển nền giáo dục nước nhà. Các ý kiến phát biểu sôi nổi, liên tục, mãi 12 giờ trưa, Chủ tịch đoàn mới xin phép hội nghị được chấm dứt. Những ai còn ý kiến đề nghị viết thành văn bản, gửi về Ban tổ chức hội thảo.
Tất cả những ý kiến đóng góp sẽ được Ban tổ chức tập hợp lại, soạn thành văn bản, trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 nhiệm kỳ XI sẽ diễn ra dắp tới.