Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KÌ NHÂN LIỆT GIƯỜNG 30 NĂM ...VÁC TÙ VÀ HÀNG TỈNH

Hoàng Vấn
Thứ ba ngày 20 tháng 12 năm 2011 9:44 PM
 
Nằm liệt nhiều năm trên giường bệnh, tự mình mày mò, thiết kế, xây dựng và điều hành một Website văn chương. Anh tự bỏ những đồng tiền dành dụm được từ số tiền nhuận bút ít ỏi ra để thuê server, đăng ký tên miền mà hoàn toàn không có được sự giúp đỡ của các cơ quan hữu trách. Sau một năm hoạt động, đến nay trang web vannghenamdinh.com đã có hàng nghìn người truy cập mỗi ngày. Để có được một Website như hiện nay anh đã phải nỗ lực làm việc không dưới 15 tiếng mỗi ngày. Có nhiều những đọc giả từ trong và ngoài nước gửi mail, gọi điện về liên hệ với anh nhưng ít  ai biết anh là một người tàn tật và hơn 30 năm nay mọi sinh hoạt chỉ diễn ra trên chiếc giường chung thân của mình.
Đó là nhà thơ Trần Hồng Giang, Hội viên Hội VHNT Nam Định. Sinh năm 1974, tại Nghĩa Hùng, Nghĩa Hưng, Nam Định. Anh là con út trong một gia đình có truyền thống hiếu học mà cha là nhà giáo - thương binh nặng mất một cánh tay. Cũng như bao đứa trẻ khác ở cái làng quê vùng biển yên bình hẻo lánh này, những năm tháng đầu đời của Giang hết sức hồn nhiên, đẹp đẽ, thông minh và hiếu động.
Tuổi thơ dữ dội
Vào một ngày hè, năm 1980, cái ngày định mệnh ấy đã đến gieo tai họa xuống cuộc đời Trần Hồng Giang cùng gia đình, đúng lúc mới chỉ có 5 tuổi. Trong lúc chơi đùa cùng người anh trai, Giang đã bị một chấn thương rất nặng vào đốt sống cổ và dẫn đến toàn thân bị bại liệt. Thương con, cha mẹ Giang đã bán đi tất cả những thứ gì có thể bán được, rồi vay mượn thêm tiền của anh em, họ hàng bà con làng xóm cố đưa cậu bé đi chạy chữa ở rất nhiều bệnh viện gần xa... Nhưng vì vết thương quá hiểm, các bác sĩ đành chịu bó tay. Và từ đó đến nay, đã gần một phần ba thế kỷ Trần Hồng Giang phải nằm liệt trên giường bệnh. Toàn thân Giang không cử động được nữa. Từ ngực trở xuống, các cơ cứ teo dần, mất cảm giác. Chỉ còn đôi mắt mở to nhìn xa xăm chất chứa một nỗi niềm yêu thương cuộc sống.
Dù phải nằm bất động một chỗ nhưng Giang không chịu chấp nhận hoàn cảnh, buông xuôi theo số phận. Khi đó các anh chị của Giang cứ đi học về là lại đến giường để kể cho cậu em trai những chuyện học hành ở trường, ở lớp, rồi bày lại cho Giang các bài học. Cậu bé Giang cứ lặng lẽ tiếp thu rồi biết đọc, biết nhẩm những phép tính đơn giản lúc nào không biết. Khi đã đọc được rồi, Giang lại muốn viết. Bằng niềm say mê, sự kiên trì luyện tập. Kẹp chiếc bút vào giữa hai ngón tay tật nguyền rồi tì cán bút vào má, cậu cứ thế tập viết. Khi viết, cái đầu của cậu cứ ngoẹo về một bên và cúi sát trang vở, đưa đi đưa lại theo từng nét chữ rất khó nhọc. Những con chữ đầu tiên hiện ra trên trang giấy, mặc cho các khớp xương của cậu cứ mỏi nhừ và tê buốt. Giang mải mê sớm chiều luyện tập khiến những con chữ ngày càng trở lên rõ ràng và mềm mại. Bố Giang là nhà giáo thấy con có niềm say mê học tập như vậy, dù biết là chỉ động viên con, nhưng ông cũng lập kế hoạch giảng dạy cho con theo từng chương trình cấp học. Năm tháng trôi đi cũng là lúc anh học xong chương trình phổ thông trung học trên giường, cùng với sự động viên giúp đỡ của cả gia đình và sự cố gắng vươn lên của bản thân.
Cái nghiệp với văn chương và trình độ tương đương với 3 bằng đại học
Ở nước ta cũng có nhiều người đã vượt lên số phận như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký viết bằng chân, nhà văn Trần Văn Thước (Thái Bình) phải bó chân mình vào nẹp sắt để đứng viết, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi thì nằm ngửa hoặc nằm nghiêng mà viết, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng (Quảng Ngãi) viết nửa nằm nửa ngồi... nhưng chưa thấy ai viết cực nhọc vất vả như Trần Hồng Giang: Anh phải nằm nghiêng, tì bút vào má và khi viết thì cái đầu cũng phải chuyển động theo nét chữ... Vậy mà đã bao năm nay, những con chữ nhọc nhằn của Giang vẫn hiện lên trang giấy. Chúng không chỉ thấm đẫm những giọt mồ hôi, mà còn có cả nỗi đau của anh ngấm vào.
Ngoài việc tự học theo chương trình văn hóa, Giang còn tự học bằng tất cả những cách thức, trong điều kiện có thể. Từ học ngoại ngữ qua đài phát thanh, băng catsette, Giang còn học được các kiến thức xã hội khác qua sách vở, báo chí. Thành ngữ có câu “Thành công lớn nhất với mỗi con người chính là tự vượt lên chính mình”. Với những người khỏe mạnh bình thường mà sự vượt lên để thành công đó đã khó, thì với người như anh càng khó khăn hơn gấp bội! Trên ba mươi năm nằm trên giường, cùng với bệnh tật giày vò, nhưng anh vẫn cố gắng tự mình vượt lên số phận nghiệt ngã. Trên chiếc giường của Giang luôn thường trực rất nhiều sách. Giang tự học tiếng Anh, vi tính, và… tự  học để có thể trở thành một nhà báo đúng nghĩa, bởi hiện tại anh là cộng tác viên dịch thuật cho một số tờ báo trong nước. Hiện tại Trần Hồng Giang được biết tới với việc sáng tác rất nhiều thơ văn, viết bài, dịch thuật cho hàng chục tờ báo Trung ương như: Thanh niên, Tuổi trẻ, Tài Hoa Trẻ, Gia đình & Xã hội v.v... Ngoài ra anh còn làm cộng tác viên biên tập cùng một vài Công ty sách và hòa nhập rất tốt với các đồng nghiệp là đội ngũ biên tập đã tốt nghiệp các trường đại học chuyên ngành xã hội, có kinh nghiệm.
Năm 2003, anh đã in tập thơ đầu tay “Nỗi nhớ mùa Hè” và mới đây là tập thơ “Chuồn chuồn phố”, một tập thơ để lại nhiều ấn tượng trong mắt bạn đọc. Ngoài ra, Trần Hồng Giang đã được tặng một số giải thưởng báo chí có giá trị như: Giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi viết về chủ đề “Những kỷ niệm sâu sắc với Đài Tiếng nói Việt Nam”, năm 2005; giải ba cuộc thi viết phóng sự về “Những người phụ nữ vượt lên số phận” của Báo Lao Động, năm 2007; giải ba cuộc thi viết về đề tài “Người khuyết tật và thị trường lao động” do Bộ LĐ-TBXH tổ chức năm 2010. Gần đây, Trần Hồng Giang là một trong số 90 gương mặt tiêu biểu nhất, của những người khuyết tật Việt Nam, góp mặt trong cuộc triển lãm ảnh “Họ đã sống như thế”, của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Anh tâm sự: “Tôi muốn được sống và làm việc như những những người bình thường khác, để không uổng phí khi mình được sinh ra làm một kiếp con người!”.
Với quyết tâm tự học để vươn lên khẳng định mình trước cuộc sống, Trần Hồng Giang đã hoàn thiện chương trình học văn hóa, có trình độ tiếng Anh và tin học tương đương với bậc đại học.
Xây dựng và quản lý một Website có hàng ngàn lượt truy cập mỗi ngày
Năm 2007, Trần Hồng Giang được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định và kể từ đó anh nung nấu ý định lập ra một trang Web để giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về quê hương Nam Định - với truyền thống đất học, đất văn. Từ ý tưởng đó anh lại tiếp tục mày mò các kiến thức về thiết kế Website, đặt tên và xây dựng các chuyên mục… Anh đã phải dành dụm từng đồng tiền nhuận bút ít ỏi từ việc làm báo của mình để mua tên miền, thuê sever, rồi mua những vật dụng cần thiết.v.v… Và sau nửa năm trời miệt mài thiết kế, xây dựng, cuối cùng thì Website vannghenamdinh.com (Văn nghệ Nam Định) cũng được ra đời vào đầu năm 2011. Sau khi trang web đi vào hoạt động thì cũng có một số anh chị em văn chương Nam Định và một số bạn đọc góp sức cộng tác với anh, nhưng hiện tại chủ yếu việc hoạt động của website vannghenamdinh.com vẫn do anh điều hành. Hiệu quả của việc anh làm chính là con số bạn đọc truy cập vào trang web mỗi ngày, ở thời điểm hiện tại thì con số này xấp xỉ hai ngàn lượt/ ngày. Và lượng thư từ bài vở gửi về qua hộp thư điện tử cũng khá lớn. Đó chính là một sự động viên lớn dành cho anh để có thể tiếp tục mang sức mình ra duy trì và phát triển trang vannghenamdinh.com.
Chị Nguyễn Thị Lương - Trưởng phòng Thiết kế của công ty Truyền thông Nhất Nam (Hà Nội), khi nói về giao diện của trang vannghenamdinh.com do anh thiết kế và quản lý đã cho biết: “Bố cục và nghệ thuật rất hài hòa, tông nền nhã nhặn bắt mắt. Nhân viên của công ty chúng tôi nhiều người tốt nghiệp loại giỏi ở các trường Đại học chuyên ngành nhưng cũng chưa chắc đã làm được như thế này!”.
Ngoài ra hiện tại, anh còn tham gia làm biên tập và quản trị cho website lucbat.com một trang web chuyên về thơ lục bát có số lượng độc giả đông đảo lên tới hàng vạn lượt truy cập mỗi ngày, và trang Web của Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống.
Với một người bình thường sử dụng vi tính đôi lúc còn gặp khó khăn. Thế nhưng chứng kiến việc anh gõ phím máy tính bằng chỉ bằng cùi tay và một… chiếc đũa cắn trong miệng cùng các thao tác di chuyển chuột bằng má thì mới thấu hiển được nỗi gian truân của anh như thế nào. Viết tới những dòng này tôi bỗng thấy trong mình có một cảm xúc thật khó tả. Một sự cảm thông chia sẻ cửa miệng với Trần Hồng Giang e rằng sẽ rất thừa, một sự thán phục về nghị lực và tài năng của anh chắc cũng sẽ là vô bổ, hời hợt…
Nam Định – Hà Nội, ngày cuối năm 2011
Hoàng Vấn