Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KÍNH THƯA BÁC TRẦN ĐÌNH TRỢ

Nguyễn Trọng Bình
Chủ nhật ngày 18 tháng 9 năm 2011 6:23 PM
TNc: Chuyện bài báo của bác Lục Dân rồi hóa ra nhiều bài tham gia thảo luận. Hôm nay đưa bài của bạn Bình và xin khép lại chuyện này ở đây..Cám ơn các bạn...

Bác Trần Đình Trợ kính mến, trước hết, cho phép được có đôi lời thưa với bác cháu tên là Nguyễn Trọng Bình, sinh năm 1980 cùng tuổi với bạn Hà Đăng – người đã viết bài Thưa 4 bác (Trần Nhương, Lục Dân, Dương Đức Quảng, Phạm Thành)
Kính thưa bác, cháu đã đọc đi đọc lại bài viết của bác khi bác tâm sự với bạn Hà Đăng trên trang trannhuong.com của bác Trần Nhương và có vài điều cháu xin mạn phép được thưa lại với Bác như sau:
Thứ nhất, trong bài viết của bác Trần Đình Trợ khi tâm sự với bạn Hà Đăng có đoạn: “Nhưng bác lại rất băn khoăn, khi cảm thấy cháu không nhận ra một nỗi lo lắng chung, toát ra trong cả ba bài viết của các bác Lục Dân, Dương đức Quảng, Phạm Thành. Mà đây cũng là nỗi lo chung của nhiều người như bác. Nỗi lo đó, chính là nỗi lo: lo nhục quốc thể và nỗi lo mất nước. Cũng vì nỗi lo đó, nên mọi người rất quan tâm đến các bài viết vừa rồi. Chắc là cháu không nhận ra những nỗi lo đó.”
Cháu cho rằng bác Trần Đình Trợ bảo bạn Hà Đăng không nhận ra nỗi lo lắng chung toát ra trong cả ba bài viết của các bác Lục Dân, Dương đức Quảng, Phạm Thành về hai nỗi lo: “nhục quốc thể và nỗi lo mất nước” e là “oan” cho bạn Hà Đăng quá. Bởi vì sao? Vì xin mượn chính câu của bác vừa nói là: “Cũng vì nỗi lo đó, nên mọi người rất quan tâm đến các bài viết vừa rồi”. Điều này nói lên rằng nếu bạn Hà Đăng không lo thì Hà Đăng chắc chắn sẽ không có “động lực” và “mạnh dạng” viết bài viết “đầu tiên” trong đời bạn ấy mà thưa chuyện với các bác: Trần Nhương, Lục Dân, Dương Đức Quảng, Phạm Thành (theo cháu là rất hay và rất có trách nhiệm). Theo cháu, qua bài viết của Hà Đăng, cho thấy bạn ấy cũng rất lo như các bác nhưng rõ ràng cách thể hiện nỗi lo của bạn ấy không giống với cách thể hiện nỗi lo các bác thôi. Từ đây cháu cho rằng, bác cũng không nên “độc quyền nỗi lo” chuyện “nhục quốc thể và mất nước” nếu thấy những bạn trẻ của chúng cháu có cách thể hiện nỗi lo không giống với bác.
Thứ hai, bác Trần Đình Trợ có nói với bạn Hà Đăng rằng: “Cháu không thấy ảnh hưởng giữa Lào, Canpuchia và Trung Quốc đối với sự tồn vong của nước Việt ta là khác nhau quá xa hay sao. Mối lo về rừng, mối lo về biển đảo liên quan đến Lào, Campuchia hay liên quan đến chính Trung Quốc?”
Trước tiên, cháu hoàn toàn đồng ý với bác vấn đề “ảnh hưởng giữa Lào, Canpuchia và Trung Quốc đối với sự tồn vong của nước Việt ta là khác nhau quá xa” tuy nhiên với “câu hỏi tu từ” mà Bác hỏi bạn Hà Đăng là: “Mối lo về rừng, mối lo về biển đảo liên quan đến Lào, Campuchia hay liên quan đến chính Trung Quốc? thì cháu thấy có gì đó “không ổn” lắm. Theo như “câu hỏi tu từ” trên thì bác cho rằng mối lo về rừng về biển của ta hiện nay chỉ liên quan đến Trung Quốc (nên mới có chuyện các bác mới quan tâm đến việc lãnh đạo Trung Quốc có hay không gửi điện chúc mừng Quốc khánh nước ta trong tình hình hiện nay.) thôi sao? Theo cháu thì không phải vậy. Lào và Camphuchia thấy vậy chứ có liên quan mật thiết đến “mối lo về rừng, mối lo về biển đảo” của chúng ta hiện nay đấy ạ. Hơn nữa, trong tình hình hiện nay những vấn đề này còn liên quan đến rất nhiều nước khác trên thế giới (thậm chí là với Hoa Kỳ bên kia đại dương nữa); là vấn đề mang tính quốc tế chứ không chỉ với “chính Trung Quốc” đâu thưa Bác! 
Thứ ba, về vấn đề bạn Hà Đăng nói trong bài viết của bạn ấy là: “Thủ tướng tiếp Ủy viên Quốc vụ hay một công dân của Trung Quốc cháu cho rằng là chuyện bình thường, thậm chí đáng hoan nghênh là đằng khác” theo cháu thì đây là cái nhìn thể hiện cách tư duy mang đầy tinh thần dân chủ và tự tin của một công dân trẻ nước nhà chứ không có gì để bác phải lo lắng cho bạn ấy cả. Bởi vì cùng một sự việc người này nhìn vào thì cảm thấy lo lắng (với bác chẳng hạn) còn người khác nhìn vào thấy bình thường (với bạn Hà Đăng chẳng hạn) âu cũng là điều bình thường. Hơn nữa, ở chỗ này cháu xin phép “lạm bàn” thêm một chút là chúng ta cũng nên nhìn vấn đề này ở góc độ đây cũng là một “mặt trận ngoại giao”. Người ta là “khách” đến nhà mình, mình là “chủ nhà” ra tiếp nồng hậu để thể hiện lòng hiếu khách âu cũng là chuyện bình thường huống hồ đây là một “mặt trận ngoại giao” phải không bác? Ngoài ra, cháu cũng xin hỏi bác là nếu bác có cơ hội sang thăm nước Mỹ bác có vui, có thích nếu tổng thống Mỹ tiếp đón bác không?
Thứ tư, bác Trần Đình Trợ có viết trong bài viết của bác là: “Cháu ạ, việc đếm người đọc báo không đơn giản như đếm số lao động “lạ” đang hành nghề trái phép khắp nước ta, cũng không đơn giản như đếm tàu thuyền nước “lạ” đang làm mưa làm gió trên biển Đông của ta. Mà có khi, số liệu chắc gì đã có ý nghĩa bằng sự suy luận”.
Bác Trần Đình Trợ cho cháu hỏi người ta trước khi đưa một suy luận về một vấn đề nào đó thì phải làm sao? Có cần phải dựa vào số liệu không? Vừa qua chúng ta đã phải tìm hiểu để có những số liệu cụ thể về “số lao động “lạ” đang hành nghề trái phép khắp nước ta, những con số cụ thể về số “tàu thuyền nước “lạ” đang làm mưa làm gió trên biển Đông của ta” mới đưa ra suy luận về cái ông bạn “láng giềng” Trung Quốc” đầy mưu mô này đó chứ? Sao bác lại cho rằng: “số liệu chắc gì đã có ý nghĩa bằng sự suy luận”? Không có số liệu thì dựa vào đâu để suy luận và để suy luận của mình thật khách quan và phù hợp? Cháu nghĩ, ở chỗ này bạn hà Đăng chỉ muốn nói rằng chúng ta chỉ có thể thuyết phục người khác nghe theo mình về chuyện gì đó thì phải có cơ sở dữ liệu thật đầy đủ mà thôi.
Thứ năm, bạn Hà Đăng nói: “Trong số đám bạn chúng cháu, nhiều anh em cho rằng, tương lai sắp tới con em chúng ta sẽ không chỉ còn là công dân nước này, hay nước kia nữa mà sẽ trở thành những công dân quốc tế. Cháu lấy ví dụ về Giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng hạn. Ông là người sinh ra tại Việt Nam , học tập tại Việt Nam và Pháp, sau này làm việc tại Mỹ và Việt Nam” thì bác Trần Đình Trợ bảo rằng: “Ý kiến này của cháu làm bác thật sự lo sợ. Thuyết "tiến lên thế giới đại đồng" này, bác nghe rất quen, và bác rất sợ. Bác sợ rằng, sẽ có lúc, người Việt chúng ta phải tỵ nạn ngay chính trên đất nước mình. Cháu so các cháu với giáo sư Ngô Bảo Châu là khập khiễng. Bác tin rằng, giáo sư có suy nghĩ khác xa với cháu. Muốn thành người Việt mang nhiều quốc tịch, thì trước hết phải cố giữ lấy cái quốc tịch “Việt Nam ” đã.”
Theo cháu, chỗ này bác Trần Đình Trợ đã đánh tráo khái niệm “công dân quốc tế” của bạn Hà Đăng thành khái niệm "tiến lên thế giới đại đồng" của chính bác mất rồi. Chưa hết, bác cho rằng: Muốn thành người Việt mang nhiều quốc tịch, thì trước hết phải cố giữ lấy cái quốc tịch Việt Nam đã.” theo cháu thật ra là không cần thiết và không liên quan đến vấn đề “công dân quốc tế” mà bạn Hà Đăng đã nói. Bởi vì nếu “cố giữ” cái “quốc tịch” để làm gì nếu tâm hồn anh không còn là tâm hồn của dân tộc Việt Nam? Cho nên, vấn đề “công dân quốc tế” bạn Hà Đăng nói ở đây không liên quan gì đến chuyện giữ hay không giữ mấy “cái quốc tịch” cả và cũng không có gì phải “lo lắng” hết. Ngoài ra, cháu thấy bạn Hà Đăng không hề đem bản thân bạn ấy ra so sánh với giáo sư Ngô Bảo Châu (mà bạn ấy chỉ nói là tương lai con em chúng ta) để bác nói bạn ấy rằng: “cháu so các cháu với giáo sư Ngô Bảo Châu là khập khiễng”. Bác đọc kỹ lại lời Hà Đăng xem có phải vậy không?
Cuối cùng, bác Trần Đình Trợ trao đổi với bạn Hà Đăng ở cuối bài viết có nói rằng: “Những nỗi lo khi đọc ba bài viết của các tác giả kia có thể đang còn mơ hồ. Nhưng nỗi lo khi đọc xong bài viết của cháu, thật sự cấp kì. Đó là nỗi lo vong bản”.
Bác Trần Đình Trợ ơi, bác nỡ nào sử dụng từ “vong bản” rất nặng nề dành cho bạn Hà Đăng như thế? Ở đầu bài viết bác khen Hà Đăng là “hậu sinh khả úy”, là xã hội ta hiện nay rất cần những người như bạn ấy vậy mà đến cuối bài bác nói bạn ấy “vong bản”? Bác ơi, bác có thấy như vậy là bác đã tự mâu thuẫn với chính bác không? Bài viết của bạn Hà Đăng có đáng để bạn ấy phải chịu lời phán xét như thế không? Cháu nghĩ cháu đồng cảm với suy nghĩ của bạn Hà Đăng chỗ này nhiều hơn bác ạ! Hà Đăng theo cháu nghĩ không phải là một người “vong bản”! Có khi nào chỗ này bác lo lắng quá đà chăng?
***
Kính thưa bác Trần Đình Trợ, trên đây cũng là tâm sự chân thành và cầu thị của cháu, nếu có điều chi sơ suất mong bác Trần Đình Trợ và các bác lượng thứ! Kính chúc bác và các bác thật nhiều sức khỏe.

Cần Thơ, 18/9/2011
Nguyễn Trọng Bình