Trang chủ » Tin văn và...

BẾN TRE QUYẾT TÂM DỰNG LẠI TƯỢNG CỤ PHAN THANH GIẢN

Văn Trí (Theo bentre.gov.vn)
Thứ sáu ngày 27 tháng 3 năm 2009 6:49 AM

Cụ
Cụ Phan Thanh Giản

Ngày 19/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức hội nghị báo cáo viên chuyên đề “Thân thế và sự nghiệp cụ Phan Thanh Giản”, do nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay, trình bày.

Đến dự hội nghị có các vị trong Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, UBMTTQVN và các đoàn thể cấp tỉnh; Thường trực Đảng ủy và Trưởng ban tuyên huấn các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Trưởng Ban tuyên huấn các đoàn thể cấp tỉnh; các báo cáo viên cấp tỉnh, phụ trách báo cáo viên của các trường Cao đẳng, Quân sự, Trung học y tế Bến Tre; các phó bí thư thường trực Huyện ủy, Thị xã ủy; Phó Chủ tịch UBND huyện, thị xã (phụ trách văn xã), lãnh đạo Ban tuyên giáo, Trung tâm bồi dưỡng chính trị, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin, đại diện Ban dân vận, UBMTTQVN huyện, thị và lãnh đạo các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh và trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

 

Mở đầu, nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra quan điểm: “Sẽ sai lầm nếu nhìn quá khứ bằng con mắt của người hiện đại“. Ông cũng cho biết những gì ông nói tại hội nghị này là tập hợp các ý kiến từ những vị tiền bối như giáo sư Văn Tạo – nguyên lãnh đạo Hội khoa học lịch sử Việt Nam - và nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tại một hội nghị năm 1964, giáo sư Văn Tạo có đọc tham luận “Sự nghiệp và vai trò của Phan Thanh Giản“. Tại cuộc hội thảo về Phan Thanh Giản ở Vĩnh Long năm 1994, nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng có bài viết quan trọng, đánh giá có tình có lý về cụ Phan Thanh Giản.

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: Sau khi Phan Thanh Giản mất, có nhiều ý kiến kết tội ông bán nước, cụ thể là để mất 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ vào tay giặc Pháp (1867). Ngày nay vẫn còn nhiều ý kiến kết tội ông. Tuy nhiên, những người đương thời với cụ Phan Thanh Giản, mà tiêu biểu là Nguyễn Đình Chiểu, không những không lên án mà còn tỏ ra thông cảm, chia sẻ và thương tiếc cụ Phan. Đặc biệt là nhân dân Nam bộ vẫn một lòng mến mộ, ưu ái đối với cụ. Ông Dương Trung Quốc nói ông phát biểu không phải để biện hộ hay chiêu tuyết cho cụ Phan mà chỉ có cái nhìn của người đương thời, đặt đúng con người vào thời đại mà họ sống. Nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: “Mỗi người yêu nước theo cách của mình. Đừng bắt Phan Thanh Giản yêu nước theo cách của Trương Định và ngược lại”. Ngày nay, việc đánh giá lại Phan Thanh Giản là việc làm hợp với lòng người.

 

Sau khi HĐND tỉnh Bến Tre thông qua Nghị quyết dựng lại tượng đài Phan Thanh Giản, dư luận ngoài tỉnh tỏ thái độ không đồng tình. Cụ thể, trên báo Văn nghệ của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ra ngày 19/2/2009, 26/2/2009, 5/3/2009 đã đăng nhiều bài phản đối với lời lẽ rất nặng nề, cho rằng “ Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký là những tội đồ của lịch sử. Hay “Dựng tượng Phan Thanh Giản để dạy người ta bài học gì?” Ngược lại với ý kiến phản đối, trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, số ra ngày 14/3/2009, có bài viết bệnh vực và ủng hộ chủ trương khôi phục lại tượng đài danh nhân Phan Thanh Giản của Tỉnh ủy Bến Tre.

 

Về những ý kiến vẫn giữ quan điểm kết tội và phản đối việc dựng lại tượng Phan Thanh Giản, ông Dương Trung Quốc cho là “không có gì mới và bình thường”. Ông Vũ Hồng Thanh – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre – cho biết: Bến Tre quyết tâm dựng lại tượng đài Phan Thanh Giản, vì đây là nguyện vọng của nhân dân Bến Tre và một số tỉnh ở Nam bộ. Ông Thanh cho biết thêm: Không phải khi có nhiều ý kiến phản đối đăng trên báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre mới mời ông Dương Trung Quốc đến nói chuyện về cụ Phan Thanh Giản. Đây là kế hoạch đã có từ năm 2008 nhưng do nhà sử học Dương Trung Quốc bận nên hôm nay mới tổ chức được.

 

Tại hội nghị này, lãnh đạo Ban biên tập tạp chí Xưa và Nay đã tặng tượng đồng Phan Thanh Giản cho trường THPT Phan Thanh Giản ở huyện Ba Tri, quê hương của cụ Phan.                                            

Văn Trí (Theo bentre.gov.vn)
In lại từ: SCL online